Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm
2019 có điểm "mâu thuẫn" về chính sách trong văn bản, nhưng cũng tiềm ẩn
"lời cảnh báo" với Trung Quốc theo một học giả từ Viện nghiên cứu chính
sách và chiến lược Chatham House từ London, Anh quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Thomas Esper mới có chuyến thăm chính thức đến Việt Nam trong tháng 11/2019 theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch |
Trao đổi với Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC News Tiếng Việt tại London, Tiến sỹ Bill Hayton, nói:
"Điều
đầu tiên tôi muốn nói, tôi chưa có dịp đọc toàn văn văn bản Sách trắng
Quốc phòng Việt Nam, bởi vì là chưa thấy có trên mạng. Vào tuần sau, tôi
được mời đến dự một sự kiện kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân
Việt Nam và tôi hy vọng tôi sẽ có dịp tiếp cận với văn bản.
"Thế
nhưng mà có vài điểm quan trọng có thể nói ngay, dựa trên những báo cáo
trên truyền thông Việt Nam. Tức là thứ nhất, chúng ta thấy bản Sách
trắng Quốc phòng lần này lần đầu tiên đã đưa thêm một điểm 'không', từ
'ba không' thành 'bốn không'.
"Và thứ hai, nó cũng nói về quan hệ đối với một số nước có thể sẽ được phát triển như thế nào trong tương lai."
Cho
rằng có một số điểm bất hợp lý trong văn kiện Sách trắng này, nhà
nghiên cứu, đồng thời là nhà báo và biên tập viên với nhiều năm làm việc
tại BBC, theo dõi tin tức châu Á, Đông Nam Á và Việt Nam, nêu quan
điểm:
"Tôi
nhận thấy có một vài điểm mâu thuẫn trong văn bản Sách Trắng, thứ nhất,
đó là Việt Nam nói rằng có ba điểm 'không' trước đây, tức là không liên
minh quân sự với nước nào, không liên kết với nước nào để chống nước
khác và không cho nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam, điểm 'không'
thứ tư là không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
"Thế
nhưng nếu Việt Nam tin vào điểm này, thì Việt Nam có quân đội để làm
gì? Bởi vì khi anh có quân đội, thì đến một lúc nào đó anh phải sử dụng.
"Điểm
mâu thuẫn thứ hai tôi thấy trong chính sách quốc phòng, tức là khi nói
rằng không dựa vào nước này để chống nước khác, thế nhưng trong Sách
trắng lần này cũng có điểm mới là dựa trên tình hình cụ thể thì Việt Nam
có thể cân nhắc thiết lập quan hệ quân sự với một nước khác."
'Cảnh báo với Trung Quốc'
Mặt
khác, theo nhà nghiên cứu này, có thể đọc được tín hiệu gợi ý diễn giải
như một cảnh báo nghiêm túc của Hà Nội đối với Bắc Kinh, nếu như Trung
Quốc tiếp tục có những hành động gây thêm áp lực và căng thẳng, đe dọa
Việt Nam.
"Chúng
ta biết rằng năm nay Việt Nam đã có sự đối đầu trên biển, như vậy khi
Việt Nam nói rằng dựa trên tình hình cụ thể thì Việt Nam có thể cân nhắc
phát triển mối quan hệ quân sự với một nước nào đó.
"Thì
đây có thể xem là một lời nhắn gửi với Bắc Kinh rằng nếu Trung Quốc mà
ép Việt Nam quá, thì Việt Nam có thể cân nhắc việc nâng cấp quan hệ quân
sự đối với Hoa Kỳ và các nước khác."
Bình
luận về chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ hợp tác an ninh,
quốc phòng và quân sự của Việt Nam với các đối tác ở quốc tế và khu vực,
trong đó có quan hệ Việt - Mỹ, Tiến sỹ Bill Hayton nói:
"Tôi
nghĩ rằng quan điểm chung của Việt Nam về nguyên tắc là không đổi, tức
là luôn luôn có một quan hệ mang tính đa phương đối với càng nhiều nước
càng tốt, trong đó có cả Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ.
"Còn
về phía Mỹ, một số người trong phía Mỹ có thể có một suy nghĩ hơi khác,
rằng Việt Nam sẽ tham gia một liên minh, hoặc một thỏa thuận gì đó. Và
nếu họ nghĩ như vậy, thì đó là một sự hiểu lầm với Việt Nam.
"Còn
đối với Việt Nam, Việt Nam xem quan hệ với Mỹ là một công cụ ngoại giao
mà có thể giúp ích cho Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc."
Áp lực Biển Đông và thỏa hiệp quan điểm?
Về
các hành động của Trung Quốc ở trên Biển Đông nói chung và trong vùng
biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, hay thuộc chủ quyền, vùng đặc quyền
kinh tế của Việt Nam, nói riêng, ông Bill Hayton bình luận:
"Hành
động của Trung Quốc từ tháng Năm cho đến tháng Mười 2019 ở vùng biển
thì có vẻ như là muốn gây sức ép đối với Việt Nam cũng như các nước ở
Đông Nam Á, để nói rằng các anh không thể nào hoạt động tham gia về dầu
khí mà không có sự cho phép của Trung Quốc.
"Việt
Nam và Malaysia đều chịu sức ép trong thời gian vừa rồi, khi mà họ đơn
phương tổ chức các hoạt động tìm kiếm dầu khí trong khu vực vùng đặc
quyền kinh tế của họ. Những hoạt động mà theo tôi, bất kỳ ai mà có sự
hiểu biết tương đối về luật pháp quốc tế thì cũng tự thấy rằng đó là
bình thường."
Trở
lại với văn kiện mới được Việt Nam công bố về chính sách quốc phòng năm
nay, nhà nghiên cứu thuộc Chatham House nói thêm với Bàn tròn thứ Năm:
"Việc
ra được Sách trắng Quốc phòng lần này là quá lâu, vì bản mới nhất lần
trước là đã 10 năm. Và năm ngoái báo chí Việt Nam nói rằng Sách trắng
Quốc phòng mới sắp được công bố, nhưng sau đó cũng chưa thấy gì.
"Tôi
nghĩ rằng đã có một sự tranh cãi trong bộ máy lãnh đạo cao cấp nhất của
Việt Nam về quan niệm, quan điểm sẽ được đưa vào Sách trắng là như thế
nào. Bản Sách trắng Quốc phòng lần này được công bố có lẽ là kết quả của
sự thỏa hiệp chính trị trong nội bộ lãnh đạo. Vì lẽ đó mà chúng ta thấy
có mâu thuẫn trong lời nói của văn bản này như tôi đã giải thích trước
đó."
'Không có cuộc đối thoại nào'
Trước
đó, trong tuần này, bên lề một trao đổi seminar tại BBC London hôm
26/11/2019, một chuyên gia về chiến lược và nguyên cố vấn về chính sách
an ninh quốc gia của cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thời Barack Obama
nêu bình luận về quan hệ Mỹ - Việt, trong tương quan với tình hình khu
vực và trên Biển Đông.
"Tôi
không nghĩ có bất kỳ cuộc đối thoại nghiêm túc nào về một liên minh
giữa Hoa Kỳ và Việt Nam vào thời điểm này, nhưng quan hệ đối tác sâu sắc
hơn Mỹ - Việt, đặc biệt là về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, không
chỉ trong lĩnh vực an ninh mà cả trong lĩnh vực kinh tế và khác thì điều
đó nên tiến hành," ông Jake Sullivan nói với nhà báo Nguyễn Giang của
BBC News Tiếng Việt.
"Nhưng
để nghĩ về nó theo cách chúng ta nghĩ về Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc,
v.v., tôi không nghĩ rằng đó là điều nằm trong suy nghĩ của chính quyền
Mỹ hiện tại hoặc trong cộng đồng chiến lược rộng lớn hơn của Hoa Kỳ...
"Mỹ
muốn đóng góp cho hòa bình và an ninh trong khu vực. Việt Nam, Trung
Quốc và các nước yêu sách khác ở Biển Đông đã có căng thẳng gia tăng
theo thời gian, và một phần lớn lợi ích của chúng tôi là đảm bảo rằng
những tranh chấp đó được giải quyết một cách hòa bình để một cuộc xung
đột nào đó không xảy ra.
"Việt
Nam và Mỹ đương nhiên chia sẻ những lợi ích chung như tự do hàng hải ở
trên Biển Đông, an ninh hàng hải và giải quyết một cách hòa bình những
tranh chấp, do đó, duy trì những đối thoại lành mạnh giữa Mỹ và Việt Nam
về các vấn đề trên là rất quan trọng.
"Đương
nhiên điều này cũng được tích hợp vào những đối thoại rộng lớn hơn
trong khu vực về tương lai của Biển Đông, để chắc chắn rằng có những sắp
xếp về an ninh có thể được đảm bảo mãi mãi," chuyên gia và nhà tư vấn
an ninh quốc gia của Mỹ nói.
Còn
từ New York, Tiến sỹ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Thống kê của
Liên Hợp Quốc, hiện là nhà quan sát chính trị và bang giao Mỹ - Việt đưa
ra bình luận về tính khả thi và thời điểm đặt vấn đề về thiết lập một
mối liên minh quân sự Mỹ - Việt hiện nay:
"Thứ
nhất là không khả thi vì bản thân Mỹ cũng không muốn liên minh với Việt
Nam làm gì. Mỹ đặt lại nhiều vấn đề. Ngay cả với Nato, bây giờ Mỹ đòi
hỏi các nước đó phải trả tiền cho quân đội Mỹ.
"Ngay
cả với Hàn Quốc v.v..., Mỹ cũng đòi trả tiền. Như vậy Mỹ có chính sách
như kiểu là bây giờ quý vị phải chi trả cho tôi và dĩ nhiên liên minh
kiểu đó càng ngày càng giảm xuống so với xưa... Bây giờ Mỹ đang muốn rút
quân khắp các nơi, thì làm sao đặt vấn đề liên minh với Việt Nam?
"Thành
ra bản thân Mỹ cũng không muốn. Nếu Việt Nam bị tấn công, chẳng hạn bị
Trung Quốc hay bất cứ ai khác tấn công, thì Mỹ đâu có lý do gì để nói
rằng đó là tấn công vào Mỹ... Tôi nghĩ việc mà bảo là liên minh như vậy
sẽ không có và dù Việt Nam muốn cũng không thể đó được, do đó luật của
Việt Nam nói không liên minh với bất cứ nước nào thì cũng là đúng thôi.
Bởi vì cái thực trạng nó như vậy.
"Nhưng
mà dĩ nhiên tôi nói là nếu Việt Nam bị tấn công, Việt Nam nên sẵn sàng
và nên nói rõ rằng là sẽ hợp tác, cái này hợp tác là khác với liên minh,
hay là nhận sự sự giúp đỡ của tất cả các nước có cùng ý muốn bảo vệ hòa
bình ở Biển Đông, thì Việt Nam sẵn sàng hợp tác," Tiến sỹ Vũ Quang Việt
nói với BBC News Tiếng Việt hôm 26/11từ Hoa Kỳ.
(BBC)
Không có nhận xét nào