Một kinh tế gia kỳ cựu chia sẻ với
Đài Á Châu Tự Do rằng Quốc hội và lãnh đạo Việt Nam không dễ đưa lại
luật Đặc khu như trước. Lời bình luận này được đưa ra trong bối cảnh
công luận quan ngại về chuyện Quốc hội Việt Nam vừa thông qua luật miễn
thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển trong lúc tuyến
đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có chi phí nghiên cứu lập quy
hoạch do chính phủ Trung Quốc tài trợ.
Biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh phản đối dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng hôm 10/6/2018 |
Trả lời RFA hôm 27/11, Kinh tế gia Phạm Chi Lan bình luận:
“Cho
đến bây giờ thì Luật Đặc khu chưa được bàn lại, và nếu bàn lại thì chắc
chắn công luận sẽ lên tiếng tiếp, hoặc là phải xem xét chặt chẽ như thế
nào. Tôi nghĩ là cũng không dễ dàng để mà Quốc hội hoặc là những nhà
lãnh đạo Việt Nam đưa lại Luật Đặc khu theo kiểu như trước đâu.”
“Tất
cả những chuyện xảy ra với Luật Đặc khu lần trước thì họ hiểu là cần
phải làm lại như thế nào, chứ không dễ dàng đâu. Trước đấy thì cũng đã
có ý nói là sẽ chuyển sang bàn năm nay và kỳ này nhưng mà lui lại đến
bao giờ thì cũng chưa rõ. Với những ý tưởng đưa ra mà có phản ứng mạnh
mẽ và cực lực của dư luận như vậy thì chắc chắn họ không dễ đưa ra trở
lại như cũ.”
Cùng ngày, Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói với RFA:
“Để
trở lại cái Luật Đặc khu thì theo thông lệ Việt Nam, cái gì mà đã bỏ
rồi thì việc quay trở lại rất khó. Trước đây, trên mạng người ta nói
nhiều, trước Quốc hội thì cũng có người có ý kiến đặt vấn đề như thế,
rằng Trung Quốc là nước láng giềng, nhưng mà nếu họ vào họ ở đây, họ đầu
tư, họ thuê đất ở đây 100 năm thì đó là điều dễ bị chi phối an ninh.
Cái đó rõ rồi.”
Vào
năm 2018, Chính phủ Hà Nội đã chỉ đạo soạn thảo dự án Luật đơn vị hành
chính - kinh tế đặc biệt đối với Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phúc Quốc,
hay còn gọi tắt là Dự luật đặc khu để trình Quốc hội xem xét. Nhiều cuộc
biểu tình chống Dự luật đặc khu đã diễn ra mạnh mẽ trên khắp cả nước
vào tháng 6/2018. Người dân lo ngại các đặc khu này sẽ tạo điều kiện cho
người Trung Quốc vào chiếm đất của Việt Nam khi điều kiện cho thuê đất
lên tới 99 năm với nhiều ưu đãi. Dưới sức ép từ phía dư luận, cuối năm
đó, chính phủ Hà Nội quyết định dời lại việc bàn thảo về Dự luật này,
tới nay vẫn chưa thông qua.
Đề
cập về mối quan ngại của công luận trước việc người nước ngoài sẽ được
miễn thị thực thời hạn tạm trú 30 ngày, khi vào “khu kinh tế ven biển”
và khái niệm này được hiểu là “đặc khu", bà Phạm Chi Lan nhận xét:
“Tôi
nghĩ cái mối lo lắng đó có cơ sở. Tuy nhiên tôi cũng mong là khi thực
thi thì sẽ có những quy định chặt chẽ hơn để kiểm soát, kể cả người nào
là ai, vào mục đích gì, thời gian cư trú như thế nào, để theo dõi hoạt
động của họ. Tất cả những cái đó thời gian vừa qua Việt Nam đã có khá
nhiều bài học về người Trung Quốc, kể cả tội phạm từ Trung Quốc trốn
sang Việt Nam… Rất nhiều chuyện để mà phải cảnh giác rồi.”
Bà
Phạm Chi Lan lý giải rằng việc miễn thị thực thời hạn tạm trú 30 ngày
cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển “có thể là do Quốc hội,
chính phủ mong muốn thúc đẩy, phát triển du lịch, vì trong những điều
khoản cho du khách vào Việt Nam có những khó khăn làm cho việc phát
triển du lịch không được như mong muốn".
Bên
cạnh đó, bà Phạm Chi Lan dự báo rằng các khu kinh tế “sẽ phải có những
sắp xếp cụ thể, không phải dễ dàng để cho ai muốn vào thì vào và ở bao
lâu cũng được, làm gì cũng được”.
Cựu
Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt
Nam nhận định rằng việc miễn thị thực thời hạn tạm trú 30 ngày cho người
nước ngoài vào khu kinh tế ven biển “ít nhiều có liên quan” đến tuyến
đường sắt dự kiến đầu tư 100.000 tỷ đồng có chi phí nghiên cứu lập quy
hoạch do chính phủ Trung Quốc tài trợ.
Bà Phạm Chi Lan nói:
“Mọi
động thái của nhà nước khi mà phát triển việc này việc khác, hoặc là cơ
chế cho ra vào, cho người nước ngoài vào đầu tư, kinh doanh ở Việt
Nam, mở mang các tuyến đường lớn thì thế nào cũng liên quan đến nhau.”
Bà
Phạm Chi Lan dự báo rằng về khoản chi phí 100.000 tỷ đồng cho tuyến
đường sắt nêu trên thì “sẽ có rất nhiều ý kiến, phản ứng không đồng tình
với việc đó, kể cả ở Quốc hội cũng có người lên tiếng yêu cầu cân nhắc
thận trọng".
Thoát Trung
Nhận
định về việc Quốc hội Việt Nam thời gian qua hay né tránh nhắc đến
“Trung Quốc” mà chỉ nhắc chung là “quốc gia có đường biên giới liền kề
với Việt Nam", hoặc “nước ngoài", bà Phạm Chi Lan nói:
“Tôi
nghĩ bây giờ công luận người ta tỉnh lắm, chứ không dễ dàng dùng nhũng
từ khác đi hoặc tránh né tên Trung Quốc không thôi mà rồi có thể làm cho
công luận người ta không để ý được đâu. Bởi vì Việt Nam đã có bao nhiêu
chuyện quan hệ với Trung Quốc, kể cả khi nó đưa tàu vào lấn chiếm ở
ngoài biển đảo, đã có lúc gọi là ‘tàu lạ’, hay ‘tàu nước ngoài' thì ai
chẳng biết đấy là tàu Trung Quốc.”
“Sau
này cũng thế, khi làm Luật Đặc khu, né tránh tên Trung Quốc nhưng mà
khi nói ví dụ như tỉnh có chung biên giới với tỉnh Quảng Ninh thì mọi
người biết ngay là Trung Quốc. Chứ có phải người dân hoặc là công luận
người ta ngu đến mức mà không thấy được đâu. Cho nên tôi nghĩ là tất cả
những chuyện dùng các cách né tránh cũng không lừa được dễ dàng.”
Bà
còn nói thêm rằng “hiểm họa Trung Quốc” đối với kinh tế, xã hội Việt
Nam “là rất lớn” và “đông đảo người Việt Nam đều hiểu điều đó, đang tìm
mọi cách để có thể thoát ra khỏi tình trạng mà quan hệ với Trung Quốc
ngày càng gây ra những điều bất lợi cho Việt Nam”. Một trong những cách
đó, theo là nhà nước Việt Nam “mở mang quan hệ với các quốc gia khác để
bớt lệ thuộc quá nhiều vào quan hệ kinh tế với Trung Quốc”.
Trung
Quốc là nước có đường biên giới dài với Việt Nam và có nhiều ảnh hưởng
cả về mặt chính trị và kinh tế ở Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải
quan, trong hơn 200 quố gia, vùng lãnh thổ có quan hệ ngoại thương với
Việt Nam, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, là thị trường nhập
khẩu hàng hóa lớn và là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ hai (sau
Hoa Kỳ) của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2018 đạt
hơn 100 tỷ đô la, trong đó Việt Nam nhập siêu khoảng 25 tỷ đô la từ
Trung Quốc.
Trước
đó, các báo nhà nước ngày 25/11 cho hay, người nước ngoài sẽ được miễn
thị thực thời hạn tạm trú 30 ngày, khi vào khu kinh tế ven biển.
Tin
này được loan đi sau khi quốc hội thông qua luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước
ngoài tại Việt Nam.
Hiện
Việt Nam có 18 khu kinh tế ven biển, bao gồm hai huyện đảo Phú Quốc,
Vân Đồn và chính phủ sẽ quyết định khu kinh tế ven biển nào được miễn
thị thực nếu đáp ứng đủ bốn điều kiện: có sân bay quốc tế, không gian
riêng biệt; ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp
với chính sách phát triển kinh tế - xã hội; không làm phương hại đến
quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
Uỷ
ban Thường vụ Quốc hội khi góp ý dự thảo Luật này cho biết, nhiều đại
biểu quốc hội cho rằng cần quy định chặt chẽ, bổ sung điều kiện về khu
kinh tế ven biển cho đầy đủ để không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Ngoài ra, cũng có một số đại biểu quốc hội đề nghị không miễn thị thực
cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển.
Tuy
nhiên, Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định miễn thị thực cho người
nước ngoài vào khu kinh tế ven biển với bốn điều kiện vừa nêu là “đảm
bảo chặt chẽ”.
Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh,
cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực thi hành từ
1/7/2020.
Trước
đó, vào ngày 14/11, Thủ tướng Việt Nam đã ban hành nghị quyết về việc
thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc Ủy ban
Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Trong
một diễn biến khác, chiều 25 tháng 11, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã
chính thức có thông cáo báo chí về việc nghiên cứu, lập quy hoạch tuyến
đường sắt mới khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Bộ GTVT cho
rằng tuyến đường sắt này có vị trí rất quan trọng trong việc hình thành
mạng lưới vận tải đường sắt ở phía Bắc sông Hồng, vì tuyến đường sắt
chạy theo hành lang Đông - Tây nối liền vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng
và cảng biển Hải Phòng, một trong những cảng lớn của Việt Nam.
Tuyến
đường sắt này dài 392 km được quy hoạch đi qua 8 tỉnh, thành phố gồm
Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải
Phòng; kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Tổng vốn đầu tư dự
kiến 100.000 tỷ đồng, chưa kể chi phí giải phóng mặt bằng. Riêng chi phí
nghiên cứu lập quy hoạch do chính phủ Trung Quốc tài trợ.
Đây
là tuyến đường được đánh giá là quan trọng, mang lại lợi ích kinh tế
cho khu vực Tây Nam của Trung Quốc và Tây Bắc của Việt Nam. Trung Quốc
coi đây là phần quan trọng trong tuyến đường xuyên Á, kết nối Hải Phòng -
Hà Nội - Lào Cai của Việt Nam với Côn Minh - Thành Đô - Lan Châu của
Trung Quốc và đi tới châu Âu.
Tháng
6/2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành kế hoạch muốn
Vân Đồn trở thành khu kinh tế đặc thù với tổng nhu cầu vốn cần huy động
để đầu tư giai đoạn 2019 – 2030 theo quy hoạch là 171.550 tỷ đồng.
(RFA)
Không có nhận xét nào