Dù đã bỏ điều khoản trong Hiến Pháp
Trung Quốc quy định chủ tịch nước không được nắm quyền quá hai nhiệm kỳ,
ông Tập Cận Bình sẽ không thể bám quyền bao lâu tùy thích. Một cán bộ
cao cấp của Trường Đảng Trung ương đưa ra nhận định này trong một buổi
hội thảo do Hiệp hội Nhà báo toàn Trung Quốc tổ chức vào đầu tháng
11/2019.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu nhân Diễn đàn kinh tế tại Bắc Kinh ngày 22/11/2019. |
Theo
trang Asia Times ngày 26/11/2019, ông Tạ Xuân Đào (Xie Chuntao), phó
chủ tịch Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, khẳng định trước báo giới
rằng việc xóa điều khoản giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch trong hai khóa không
đồng nghĩa với việc bảo đảm rằng chủ tịch sẽ nắm quyền trọn đời.
Lấy
ví dụ hai nước Đức và Nhật Bản, nơi thủ tướng Angela Merkel và Shinzo
Abe đứng đầu nội các từ nhiều năm nay, ông Tạ Xuân Đào cho rằng chính «
việc đánh giá những khác biệt về tình hình, cũng như những nhu cầu của
đất nước » giúp một quốc gia quyết định « một nhà lãnh đạo có thể nắm
quyền bao lâu ». Ông Tạ Xuân Đào khẳng định đảng Cộng Sản Trung Quốc từ
lâu đã áp dụng một cơ chế kế nhiệm trước cả khi Hiến Pháp được sửa đổi,
nhằm bảo đảm một cuộc chuyển giao quyền lực êm thắm, không xảy ra sự cố.
Tại
các nước Cộng Sản, chủ tịch nước là chức vụ mang tính hình thức, còn
thực quyền là nằm trong tay tổng bí thư đảng và chủ tịch Quân ủy Trung
ương. Ông Tập Cận Bình hiện đang nắm cả ba chức vụ này. Riêng chức tổng
bí thư đảng Cộng Sản không có quy định thành văn về số nhiệm kỳ. Tuy
nhiên, theo Asia Times, kể từ khi nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được
thành lập năm 1949, chỉ có hai ông Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) và Hồ
Cẩm Đào (Hu Jintao) là tuân thủ luật bất thành văn chỉ làm tổng bí thư
đảng tối đa là 10 năm.
(RFI)
Không có nhận xét nào