Thể chế dân chủ tự do dường như đang
đứng trước viễn cảnh tương lai vô cùng bi quan. Các nền dân chủ “của
tương lai”, như tại Hungary, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ hay một số quốc gia
khác, đang có xu hướng ngả sang thể chế độc tài. Trong khi đó, các nền
dân chủ lâu đời ở phương Tây đang bị một nhóm chính trị gia dân túy, vốn
gồm những người thường xuyên phớt lờ các nguyên tắc dân chủ và nhân
quyền, lên án với luận điểm cho rằng nền kinh tế tư bản chủ nghĩa không
còn duy trì được sự thịnh vượng như trước đây.
Tuy
nhiên, GS. Berman thuộc Đại học Barnard (New York, Mỹ) cho rằng những
người lo ngại về tương lai của định chế dân chủ nên nhìn lại lịch sử
châu Âu và thế giới để thấy rằng xây dựng thành công nền dân chủ thịnh
vượng không phải lúc nào cũng là con đường trải đầy hoa hồng. Ông thể
hiện quan điểm đó trong quyển “Nền Dân chủ và Chế độ độc tài ở châu Âu:
Từ thời kỳ trước Cách mạng Pháp đến ngày nay” (Democracy and
Dictatorship in Europe: From the Ancien Régime to the Present Day), và
một phần của nó được chuyển thể thành bài viết “The Long, Hard Road to
Democracy” đăng trên Wall Street Journal ngày 08/02/2019. Luật Khoa lược
dịch bài viết này hầu quý vị độc giả.
***
Đầu
tháng 02/2019, Freedom House, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi
tình trạng dân chủ toàn cầu, công bố báo cáo thường niên với tên gọi
“Nền dân chủ đang thoái lui” (Democracy in Retreat). Ngay lập tức, các
nhà quan sát có cơ sở để tin rằng nền dân chủ đang dần đánh mất tính ưu
việt trước đây.
Tuy
nhiên, nhân loại đã chứng kiến sự thăng trầm của làn sóng dân chủ trong
suốt hơn 200 năm qua, từ các cuộc cách mạng đòi tự do thế kỷ 19 cho đến
sự sụp đổ của Liên Xô năm 1989. Lịch sử chứng minh con đường chinh phục
tự do và thịnh vượng không hề dễ dàng. Các nền dân chủ thành công rực
rỡ trong thế kỷ 20 thường phải trải qua quá trình dài, gian khổ, với vô
số bước đi sai lầm cũng như thất bại. Trong lịch sử, việc lật đổ chế độ
độc tài luôn dễ hơn xây dựng nền dân chủ lâu bền, đặc biệt là nền dân
chủ tự do bảo vệ quyền công dân, đề cao luật pháp, giám sát quyền hành
pháp và bảo vệ xã hội dân sự.
Hãy
lật lại lịch sử châu Âu, nơi cuộc đấu tranh vì dân chủ bắt đầu với Cách
mạng Pháp. Giống như sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản và Mùa xuân Ả Rập
2011, sự sụp đổ của chế độ quân chủ Pháp năm 1789 được hân hoan chào
đón. William Wordsworth nhớ lại đó là khoảng thời gian khi mà cả châu Âu
“tràn ngập niềm hạnh phúc”. Nhưng ngay sau khi tuyên bố chế độ cộng hòa
năm 1793, nền dân chủ hiện đại đầu tiên của châu Âu đã rơi vào một
“Triều đại Kinh hoàng” (Reign of Terror). Mười năm sau, năm 1799, một
nước Pháp kiệt quệ cuối cùng đã dẫn đến cuộc đảo chính của tướng
Napoleon Bonaparte.
Những
bất ổn chính trị sau đó tiếp tục đè bẹp nước Pháp trong suốt thế kỷ 19.
Năm 1848, tia hy vọng về một sự chuyển đổi dân chủ khác đã loé lên
nhưng chỉ trong vòng một năm, nhà độc tài dân túy Louis-Napoleon
Bonaparte (cháu trai Napoleon) đã lên nắm lại quyền lực và phá hủy nó.
Chế độ của ông sụp đổ năm 1870, tiếp tục nhường chỗ cho một quá trình
chuyển đổi dân chủ đầy hỗn loạn khác.
Nền
Đệ tam Cộng hòa Pháp được thành lập sau thất bại của Louis-Napoleon
trong chiến tranh Pháp – Phổ năm 1870. Tuy nhiên, nền dân chủ Pháp thoi
thóp thêm hơn nửa thế kỷ cho đến khi Đức xâm lược Pháp năm 1940 và lập
nên chế độ Vichy.
Khi
Thế chiến II kết thúc với thất bại của phe phát-xít, Pháp lại trở thành
một nước dân chủ. Hiến pháp của Đệ tứ Cộng hòa Pháp được thông qua vào
ngày 13/10/1946. Tuy nhiên, sự lộn xộn của nền dân chủ Pháp chưa bao giờ
chấm dứt, dẫn tới một số thay đổi trong chính phủ. Đã có đến 21 chính
quyền hiện diện trong chỉ 12 năm tồn tại của nền Cộng hòa Thứ tư. Thêm
vào đó, những chính phủ này gần như bế tắc trong việc đưa ra các giải
pháp phù hợp đối với nhiều nước thuộc địa của Pháp. Sau nhiều cuộc khủng
hoảng liên tiếp, đặc biệt là khủng hoảng chiến sự ở lãnh thổ Algérie
năm 1958, nền Đệ tứ Cộng hòa Pháp chính thức sụp đổ ngày 5/10/1958, mở
đường cho sự thành lập Đệ ngũ Cộng hòa Pháp vẫn còn tồn tại tới ngày nay
với việc củng cố quyền lực của tổng thống, hình thành nên một mô hình
lai tạp giữa cộng hòa tổng thống và cộng hòa đại nghị.
Các nước Tây Âu khác cũng đã phải trải qua nhiều chông gai để tạo dựng được nền dân chủ. Italy là một điển hình như vậy.
Một
nước Ý thống nhất chính thức xuất hiện vào những năm 1860, nhưng các
chính phủ sau đó sa vào nạn tham nhũng và hoạt động không hiệu quả. Đây
là mầm mống của sự hình thành chủ nghĩa cực đoan ở cả hai bên cánh tả và
cánh hữu Ý. Đầu thế kỷ 20, dù thuộc phe thắng cuộc trong Thế chiến I,
nhưng nước Ý phải trả giá bằng những tổn thất nặng nề. Sau đó, phe
phát-xít quốc gia, đứng đầu bởi Benito Mussolini, giành quyền kiểm soát
và dựng lên một chế độ độc tài vào giai đoạn 1922-1943. Ý trở thành đồng
minh của phát-xít Đức và quân phiệt Nhật Bản trong Thế chiến II, biến
đất nước ven biển Địa Trung Hải xinh đẹp này trở thành chiến trường khốc
liệt trong giai đoạn 1943-1945. Sau Thế Chiến II, nước Cộng hòa Ý chính
thức được thành lập ngày 2/6/1946. Thập niên 1950 và 1960 chứng kiến
giai đoạn tăng trưởng kinh tế bùng nổ của Ý. Nước này cũng là một trong
những quốc gia sáng lập và gia nhập nhiều tổ chức như Cộng đồng Kinh tế
châu Âu, tiền thân của Liên minh châu Âu, Liên Hiệp Quốc, NATO, UNESCO,
G7, G20, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Italy được đánh giá là
một cường quốc khu vực.
Câu
chuyện về việc dựng xây nền dân chủ Đức thậm chí còn gian truân hơn.
Nước Đức nổi lên năm 1871 dưới chế độ bán độc tài và chỉ được dân chủ
hóa sau Thế chiến I. Từ khi ra đời, nền Cộng hòa Weimar non trẻ đã bị
tàn phá bởi chủ nghĩa cực đoan, các cuộc nổi loạn và bạo lực. Nền dân
chủ sụp đổ khi Adolf Hitler trở thành thủ tướng năm 1933 và đảng Quốc xã
– chế độ độc tài phát xít lên nắm quyền. Sau Thế chiến II, nước Đức tái
lập nền dân chủ tự do ấn tượng nhưng chỉ ở phía Tây đất nước; trong khi
đó, miền Đông suy yếu trong nhiều thập kỷ dưới chế độ cộng sản.
Bức tường Berlin sụp đổ tháng 11/1991, nước Đức thống nhất dưới chế độ dân chủ. Ảnh: AP. |
Tây
Ban Nha cũng phải bước trên con đường dài để tiến đến nền dân chủ tự
do, trải qua nhiều quá trình chuyển đổi chính trị, can thiệp quân sự và
nội chiến trong suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Sau khi nền dân chủ non
trẻ thất bại vào những năm 1930, cuộc nội chiến sau đó đã giết chết
hàng trăm ngàn người và xác lập hàng thập kỷ độc tài. Tây Ban Nha thực
hiện một quá trình lâu dài chuyển đổi sang dân chủ chỉ mới vào giữa
những năm 1970.
Những
bài học điển hình trong lịch sử châu Âu kể trên một lần nữa là dữ liệu
quan trọng để chúng ta hiểu rằng xây dựng nền dân chủ thành công không
phải là điều dễ dàng hoặc có thể nhanh chóng thực hiện trong một sớm
một chiều. Ngay cả Vương quốc Anh – hình mẫu của một nền dân chủ lâu đời
– thịnh vượng, cũng phải trải qua thời kỳ hỗn loạn, đổ máu và đối kháng
trước khi cuộc Cách mạng Vinh quang (Glorious Revolution) thành công
vào năm 1688. Tuy nhiên, dù nền dân chủ bắt đầu từ năm 1688 hay 1832
(lần mở rộng quyền bầu cử đầu tiên), phải mất hàng trăm năm cho đến khi
nước Anh đạt được thể chế dân chủ đầy đủ đầu thế kỷ 20.
Nhìn
vào lịch sử, có thể thấy những rắc rối ngày nay của nền dân chủ thực ra
không quá đáng thất vọng như nhiều người nghĩ. Ngày càng có nhiều nền
dân chủ hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây trong lịch sử: 11 nền dân chủ
năm 1900, 20 năm 1920, 32 năm 1970, 77 năm 2000 và 116 năm 2018, như
Freedom House và những tổ chức khác ghi nhận. Và có thể thấy những sự
đảo ngược gây tổn hại cho nền dân chủ tự do gần đây là tương đối khiêm
tốn: các nền dân chủ bị lung lay những năm gần đây là quá ít so với làn
sóng dân chủ hóa trước đó vào năm 1848, 1918 và 1945.
Tất
nhiên, không thể phủ nhận rằng các nền dân chủ mới và cũ hiện phải đối
mặt với các vấn đề khác nhau. Nhưng rốt cuộc, lịch sử để lại cho chúng
ta bài học gì? Nền dân chủ thành công cần có thời gian để củng cố và cần
nỗ lực không ngừng để phát triển. “Tự do không bao giờ là miễn phí”
(Freedom is not free).
Dân
chủ tự do chỉ trở thành chuẩn mực ở Tây Âu sau năm 1945, hơn 150 năm
sau Cách mạng Pháp. Trong giai đoạn sau thử nghiệm nền dân chủ đầu tiên ở
châu Âu, nhiều quốc gia khác đã thất bại. Châu Âu đã phải mất hàng trăm
năm để có được sự thịnh vượng.
Người
Mỹ thường tự hào với nền dân chủ phát triển huy hoàng của mình nhưng
thực tế, Hoa Kỳ chỉ xây dựng thành công nền dân chủ tự do từ nửa sau thế
kỷ 20. Trước năm 1861, miền Nam nước Mỹ bị thống trị bởi chế độ chuyên
chế, và nền dân chủ non trẻ phải trải qua cuộc xung đột đẫm máu nhất
trong lịch sử Hoa Kỳ để lật đổ chế độ đó. Phải mất một thế kỷ nữa trước
khi chính phủ liên bang đảm bảo rằng tất cả công dân, bao gồm cả người
Mỹ gốc Phi, có thể yêu cầu quyền lợi của mình. Kể từ những năm 1960 với
phong trào dân quyền, những di sản cay đắng của hệ thống dân chủ chưa
đầy đủ là sự phân biệt chủng tộc, sự phân chia địa lý sâu sắc và nhiều
hơn nữa đã làm rối loạn hệ thống chính trị Mỹ.
Đối
với các nền dân chủ non trẻ ngày nay, chúng ta không nên ngạc nhiên về
sự mong manh của nó. Phá vỡ các thể chế và chuẩn mực chính trị được xây
dựng dưới chế độ độc tài lâu năm là công việc khó khăn. Chúng ta cần một
kế hoạch đầy đủ, cần các nguồn lực và cả sự kiên trì. Xây dựng nền dân
chủ trên đống đổ nát của chế độ chuyên chế chưa bao giờ là điều có thể
làm trong một chốc, một lát.
Nhiều
người khác lập luận rằng làn sóng chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy
ngày nay nổi lên ở châu Âu và trên thế giới dường như là đối trọng với
nền dân chủ. Châu Âu đang chia rẽ với hai nhóm chính phủ dân túy (như Ý,
Anh, Ba Lan, Hungary…) và phi dân túy (như Pháp, Đức, Hà Lan…). Các cụm
từ “Nước Ý trước hết”, “Hungary trước hết” xuất hiện thường xuyên hơn.
Nhưng
có thể nhận thấy, thế giới ngày nay khá giống với tình hình thế giới
thập niên 1920. Thời điểm 1920, kinh tế và công nghệ phát triển mạnh
nhưng kèm theo là chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy và các mối quan hệ hợp tác
bị phá vỡ, dân chủ nhiều nơi bị kìm hãm vì các nhà độc tài như Benito
Mussolini ở Ý. Tăng trưởng kinh tế và công nghệ đã làm xuất hiện một số
trung tâm quyền lực mới trên bình diện thế giới. Tâm lý lo lắng xuất
hiện ở nhiều nước từng được xem là trụ cột quyền lực, và tại đó một bộ
phận lớn người dân đặt niềm tin vào các nhân vật chính trị hứa sẽ bảo vệ
họ, như Donald Trump, Tập Cận Bình, Vladimir Putin.
Điều
này không hề mới. Lịch sử dạy cho chúng ta những điều còn lớn hơn thế.
Dân chủ được xây dựng từ hết những thất bại này đến thất bại khác. Ở
châu Mỹ, việc người dân Venezuela đang đứng lên chống chế độ chuyên chế
độc đoán Nicolás Maduro là dấu hiệu của việc nền dân chủ vẫn không ngừng
phát triển. Nền dân chủ tự do vẫn là sẽ đích đến của nhân loại.
Những
người ủng hộ dân chủ cần có một cái nhìn xa hơn, nhận ra rằng thất bại
là một phần không thể tránh khỏi trong nỗ lực xây dựng nền tảng cho sự
bình đẳng, nhân quyền và thịnh vượng.
Phạm Minh Trung
(Luật Khoa)
Không có nhận xét nào