Sau màn ‘tự sướng’ về việc ‘đã ký kết
thành công Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)’ của chóp bu
Việt Nam vào tháng 6 năm 2019, bầu không khí trông đợi hiệp định này
được phê chuẩn đã dần lắng xuống mà không còn hớn hở đắc chí như trước
đó.
Ngay
cả sự hiện diện của Bernd Lange - Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế
của Nghị viện Châu Âu (INTA), một quan chức được giới quan chức khôn lỏi
ở Việt Nam đánh giá là ‘khá dễ chơi’, và trong thực tế thì Bernd Lange
đã bị Hà Nội qua mặt ít nhất hai lần về vấn đề nhân quyền - vào những
ngày cuối tháng 10 năm 2019 và đã có những cuộc gặp với Chủ tịch quốc
hội, Bộ trưởng Công thương, Trưởng ban Kinh tế trung ương Việt Nam… để
“tìm hiểu việc chuẩn bị phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVFTA và IPA,
đồng thời trao đổi với các cơ quan của Việt Nam về phương hướng xử lý
đối với một số vấn đề mà EU quan tâm” cũng chẳng hứa hẹn triển vọng rõ
ràng nào về EVFTA sẽ được Nghị viện châu Âu xem xét phê chuẩn.
Chưa phê chuẩn trong năm 2019
Theo
quy định của Liên minh châu Âu (EU), sau khi có sự chấp thuận của các
cơ quan như Ủy Ban Thương Mại Châu Âu, Cộng đồng Châu Âu và được ký kết,
EVFTA còn phải trải qua thủ tục trình ra Nghị viện châu Âu và phải được
cơ quan này xem xét có phê chuẩn hay là không.
Còn
với EVIPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU, cùng với EVFTA đã được
EU và Việt Nam bàn thảo để chuẩn bị phê chuẩn) thì rắc rối hơn nhiều đối
với chính thể độc tài ở Việt Nam.
Khác
nhiều với EVFTA, EVIPA mới chính là cái mà một chính thể luôn muốn “ăn
sẵn” và “ăn đậm” như Việt Nam cần kíp. Nhưng muốn có được EVIPA để mang
lại lợi nhuận cụ thể chứ không phải một thứ danh dự trừu tượng và an ủi
như EVFTA, Việt Nam lại cần “vận động” đủ 28 quốc gia thành viên của
khối EU, mà nếu 4 trong số các quốc gia đó không đồng ý thì EVIPA không
thể được ký kết và phê chuẩn, cũng đồng nghĩa với EVFTA sẽ “toi” dù có
được EU phê chuẩn.
Ngay trước mắt, EVFTA cũng không phải là hiệp định ‘dễ ăn’.
Vào
tháng 6 năm 2019 khi EVFTA được ký kết chính thức tại Hà Nội, giới chóp
bu Việt Nam đã nêu ra dự kiến hiệp định này sẽ được Nghị viện châu Âu
phê chuẩn vào cuối năm 2019 hoặc chậm lắm là vào đầu năm 2020. Nhưng mốc
dự báo vào cuối năm 2019 lấn át hơn hẳn, thậm chí mốc này còn được một
số tờ báo đảng tô đậm và khẳng định.
Tuy
nhiên cho đến nay vẫn không có tín hiệu khả quan nào về việc EVFTA được
phê chuẩn vào thời gian những tháng còn lại của năm 2019.
Trong
một phiên họp của Ủy ban Thường vụ quốc hội trước khi cơ quan ‘nghị
gật’ chính thức khai mạc kỳ họp quốc năm 2019 vào ngày 21/10, Ủy viên
thường trực Ủy ban đối ngoại của Quốc hội là Lê Anh Tuấn cho báo giới
biết rằng dự kiến đến đầu năm 2020 Nghị viện châu Âu mới có phiên họp
toàn thể để xem xét EVFTA. Theo lộ trình này, EVFTA có thể được phía EU
phê chuẩn trong nửa đầu năm 2020. Theo quy định, hiệp định có hiệu lực 2
tháng sau đó hoặc vào thời điểm do 2 bên thống nhất. Còn với EVIPA,
hiện chưa có dự kiến về lộ trình và thời gian có hiệu lực.
Đó
là lần đầu tiên từ sau khi EVFTA được ký kết tại Hà Nội, quan chức Việt
Nam thừa nhận hiệp định này chưa thể được phê chuẩn trong năm 2019.
Lùi phê chuẩn do vi phạm nhân quyền?
Vì
sao EVFTA chưa ‘qua cầu’ trong năm 2019? Chỉ đơn giản vì lý do thủ tục
họp hành của Nghị viện châu Âu hay còn bởi nguồn cơn nhạy cảm nào khác?
Tuy nhiên, những tin tức từ giới quan sát độc lập lại cho biết Nghị viện châu Âu sẽ tổ chức họp toàn thể vào cuối năm 2019.
Tất
nhiên, giới lãnh đạo Hà Nội luôn muốn qua mặt EU về nhân quyền luôn
giải thích rằng chủ đề EVFTA lại không được đưa vào nghị trình của phiên
họp là do Nghị viện châu Âu còn bộn bề công việc sau khi mới được bầu
lại vào tháng 5 năm 2019.
Nhưng
phải chăng còn có một nguyên do khác: Nghị viện châu Âu chủ ý lùi phiên
họp toàn thể xem xét EVFTA nhằm bắt buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải
tuân thủ những điều kiện về cải thiện nhân quyền do cơ quan này nêu ra
một cách khẩn cấp vào tháng 11 năm 2018?
Thực
tế là cho đến ngày 30 tháng Sáu năm 2019 khi đặt bút ký kết hai hiệp
định EVFTA và EVIPA tại Hà Nội, chỉ mới một phần rất nhỏ trong toàn bộ
nội dung rất rộng và sâu của bản nghị quyết về nhân quyền Việt Nam mang
số hiệu 2018/2925 (RSP) do nghị viện Châu Âu tung ra vào giữa tháng Mười
Một năm 2018 được phía Việt Nam đáp ứng.
Toàn
bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925 (RSP) giống hệt một cáo trạng
toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều
hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về tự do tôn giáo, tự do biểu
đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nạn bắt bớ người hoạt động nhân
quyền, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…
Nhưng
trước yêu cầu phải ký 3 công ước quốc tế còn lại của Tổ Chức Lao Động
Quốc Tế (ILO), chính thể Việt Nam đã chỉ mang ra quốc hội bàn việc ký và
phê chuẩn Công Ước 98 mà không nói gì đến hai công ước quốc tế còn lại
về lao động, còn Công Ước 105 về chống cưỡng bức lao động được hứa hẹn
ký vào năm 2020. Nhưng bỉ bôi nhất vẫn là Công Ước 87 – công ước then
chốt quy định bắt buộc về quyền của người lao động được tự do thành lập
công đoàn độc lập – bị phía Việt Nam treo đến năm… 2023.
Nhưng chẳng có gì chắc chắn là đến năm đó Công Ước 87 sẽ được ký. Và nhất là sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc.
Còn
việc sửa đổi Bộ Luật Lao Động và Luật Công Đoàn cũng trí trá và ma mãnh
không kém khi dự thảo này tuyệt đối không đề cập đến khái niệm “công
đoàn độc lập,” trong khi dựng lên một núi thủ tục hành chính để làm nản
lòng những công nhân muốn tự tay thành lập công đoàn phi nhà nước.
Trong
khi đó, không khí đàn áp nhân quyền ở Việt Nam vẫn đặc sệt như một
thùng thuốc súng. Công an Việt Nam vẫn liên tiếp bắt bớ và hành hung dã
man những người hoạt động nhân quyền và xã hội dân sự, bắt bớ và giam
cầm từ nghệ sĩ làm phim về dân oan đất đai cho đến những phụ nữ chống
BOT bẩn… Vẫn chưa có bất kỳ một dấu hiệu nào cho bất kỳ một “cải thiện
nhân quyền” nào, dù chỉ mang tính mị dân hoặc để đối phó với cộng đồng
quốc tế…
Những
bằng chứng không thể chối cãi về vi phạm nhân quyền, cộng với tình
trạng đàn áp bất đồng chính kiến ngày càng “vươn lên một tầm cao mới”
của chính thể độc tài ở Việt Nam chắc chắn sẽ là những gì mà nhiều nghị
sĩ EU không thể bỏ qua khi cân nhắc bỏ phiếu có thông qua hay không Hiệp
Định EVFTA. Một cái gật đầu dễ dãi của Nghị viện châu Âu đối với EVFTA
sẽ phủ nhận toàn bộ bản nghị quyết nhân quyền Việt Nam của chính cơ quan
này yêu sách vào tháng Mười Một năm 2018, khiến uy tín lẫn hình ảnh của
Nghị viện châu Âu bị giảm sút không ít trong đánh giá của cộng đồng
quốc tế.
Cũng
bởi thế, EVFTA nếu được Nghị viện châu Âu phê chuẩn có thể sẽ vào thời
điểm trễ hơn so với tính toán của giới chóp bu Hà Nội.
Nghị viện châu Âu có ‘treo giò’ EVFTA và EVIPA?
Không
loại trừ khả năng EVFTA bị Nghị viện châu Âu ‘treo giò’ thêm một thời
gian nữa - sau năm 2020, do ‘thành tích cải thiện nhân quyền’ chỉ tăng
không giảm và ngày càng dã man của chính quyền Việt Nam.
Khả
năng trên là hoàn toàn có cơ sở, bởi đã có tiền lệ cho nó. Vào tháng 2
năm 2019, khi chính phủ của thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc và
hai cơ quan Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao Việt Nam đôn đáo chạy sang
Brussel, Bỉ - nơi đặt trụ sở thường trực của EU - để vận động cho EVFTA
và EVIPA và tưởng chừng mọi việc đã trót lọt, Hội đồng châu Âu bất ngờ
thông báo hoãn việc ký kết hai hiệp định này, mà nguồn cơn không nói ra
hẳn là vô số vi phạm nhân quyền của Hà Nội. Ngay trước đó, một bức thư
của 18 tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và quốc tế đã kiến nghị EU hoãn
ký EVFTA do nhà cầm quyền Việt Nam không có bất kỳ cải thiện nhân quyền
nào.
Còn
trước đó nữa, hai hiệp định EVFTA và EVIPA đã phải trải qua thời gian
rà soát pháp lý của EU đến hai năm rưỡi, dù đã kết thúc đàm phán từ cuối
năm 2015 - một khoảng thời gian dài hơn hẳn so với quy trình chỉ từ 6
tháng đến một năm để rà soát pháp lý các hiệp định thương mại quốc tế mà
EU là đối tác.
Vào
tháng 9 năm 2019, 48 tổ chức quốc tế, trong nước tiếp tục gửi thư ngỏ,
kiến nghị tới các nghị sỹ, Quốc hội châu Âu, Ủy ban Nhân quyền Quốc hội
châu Âu về tình trạng vi phạm nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam, và kiến nghị
hoãn lại việc phê chuẩn, thực hiện EVFTA. Những kiến nghị này có thể
tác động đến quyết định có phê chuẩn EVFTA hay không của Nghị viện châu
Âu.
Hẳn
do lo lắng chuyện quá khứ đình hoãn hiệp định thương mại sẽ tái hiện
trong tương lai, vào thời gian cuối năm 2019 Việt Nam đã phải liên tiếp
cử các ‘đoàn đại biểu cấp cao’ đi một số nước Tây Âu nhằm vận động cho
những ‘mặt hàng’ đang trở nên nhu cầu cấp bách ở dải đất quằn quại hình
chữ S.
Một
phái đoàn do quan chức Nguyễn Văn Bình, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng
ban kinh tế trung ương dẫn đầu, gặp các cơ quan của EU với đề nghị “hai
phía thúc đẩy tiến trình Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn EVFTA và EVIPA”.
Một
đoàn khác được dẫn đầu bởi quan chức Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch
Quốc hội, đi Cộng hòa Liên bang Đức, nhắm đến nhiều mục đích như vận
động chính phủ Đức sớm phê chuẩn EVFTA và EVIPA, vận động Đức ủng hộ
Việt Nam hơn nữa trước căng thẳng ở Biển Đông và Bãi Tư Chính, và… xin
viện trợ ODA.
Nhưng
ngay vào lúc Đỗ Bá Tỵ đang hươu vượn về nhân quyền ở Đức, bộ phim vi
phạm nhân quyền vẫn tiếp tục được công chiếu ở Việt Nam: một phái đoàn
của Bộ Tư Pháp Đức đến Sài Gòn và mời một số luật sư gặp gỡ để nghe ý
kiến về tình hình luật pháp ở Việt Nam, nhưng một trong số khách mời đó
là luật sư Đặng Đình Mạnh đã bị công an Việt Nam cấm cửa không cho đi
gặp đoàn Đức.
Vào
lúc này và khi thời điểm Nghị viện châu Âu xem xét bỏ phiếu EVFTA có vẻ
sắp diễn ra vào nửa đầu năm 2020, chính thể độc tài ở Việt Nam đang tìm
cách thúc giục EU sớm thông qua EVFTA, nhưng sẵn sàng qua mặt EU thêm
một lần nữa bằng những hứa hẹn ‘sẽ cải thiện nhân quyền’ hoàn toàn đầu
môi chót lưỡi.
Phạm Chí Dũng
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào