Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã
cảnh báo về những nguy hiểm do Nga và Trung Quốc gây ra, đồng thời kêu
gọi Nato phát triển và đương đầu với "những thách thức của ngày hôm
nay".
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo gặp gỡ và hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến thăm Berlin nhân 30 năm sụp đổ Bức tường Bá Linh |
Trong
chuyến thăm tới Berlin, ông Pompeo nói các phương pháp được Trung Quốc
sử dụng để đàn áp người dân của mình là "quen thuộc khủng khiếp" đối với
người Đông Đức.
Và ông cáo buộc Nga xâm lăng các nước láng giềng và đè bẹp bất đồng chính kiến.
Ông cười nhạo những bình luận từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người gần đây đã nói rằng Nato đã "chết não".
Nhưng
ông Pompeo nói với các phóng viên: "Bảy mươi năm đã qua... Nato cần
phát triển và thay đổi. Nó cần phải đương đầu với thực tế của ngày hôm
nay và những thách thức của ngày hôm nay.
"Nếu
các quốc gia tin rằng họ có thể nhận được lợi ích an ninh mà không cần
cung cấp cho Nato các nguồn lực mà khối liên minh này cần, nếu họ không
tuân thủ các cam kết của mình, có nguy cơ Nato có thể trở nên không hiệu
quả hoặc lỗi thời."
Tổng
thống Hoa Kỳ Donald Trump đã thường xuyên cáo buộc các thành viên Nato ở
châu Âu đã không chi trả phần chi phí chi tiêu quân sự của họ một cách
công bằng và phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ cho quốc phòng của các nước này.
Nato kỷ niệm 70 năm thành lập tại một hội nghị thượng đỉnh ở London vào tháng 12/2019.
Cạnh tranh giá trị
Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra chỉ một ngày tại Berlin trước lễ kỷ niệm 30 năm Bức tường Berlin sụp đổ.
Đề
cập đến sự kiện này, ông Pompeo nói "phương Tây - tất cả chúng ta - đã
lạc lối trong hậu quả của khoảnh khắc (hay ánh hào quang) đáng tự hào
đó".
Ông
nói rằng Hoa Kỳ và các đồng minh nên "bảo vệ những gì đã rất khó nhọc
mới giành được... vào năm 1989" và "công nhận chúng ta đang ở trong một
cuộc cạnh tranh của các giá trị với các quốc gia không có tự do".
"Chúng
ta nghĩ rằng chúng ta có thể chuyển hướng các nguồn lực của mình ra
khỏi các liên minh và quân đội của chúng ta. Chúng ta đã sai lầm", ông
nói.
"Ngày
nay, nước Nga - lãnh đạo bởi một cựu sĩ quan KGB từng đóng quân tại
thành phố Dresden [Tổng thống Vladimir Putin] - đang xâm lăng các nước
láng giềng và giết hại các đối thủ chính trị."
Quan hệ giữa Washington và Moscow tụt dốc sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ nước láng giềng Ukraine vào năm 2014.
Các
mối quan hệ càng căng thẳng hơn khi các cơ quan tình báo Hoa Kỳ kết
luận rằng Điện Kremlin đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Mặc dù vậy, Tổng thống Trump và Tổng thống Putin dường như có quan điểm tốt về mặt cá nhân.
Hôm
thứ Sáu, 08/11/2019, ông Trump nói ông đang xem xét tham dự lễ kỷ niệm
Ngày Chiến thắng tại Moscow vào tháng Năm 2020, sau lời mời từ nhà lãnh
đạo Nga.
Ông
Pompeo cáo buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc đang "định hình một tầm nhìn
mới về chủ nghĩa độc đoán, độc tài" và cảnh báo chính phủ Đức không sử
dụng gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei để xây dựng mạng dữ liệu
thế hệ thứ năm (5G).
Người
phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã phản ứng giận dữ, cáo
buộc ông Pompeo có thành kiến về ý thức hệ và có tư duy Chiến tranh
Lạnh.
"Các
nỗ lực chia tách người dân Trung Quốc khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc là
một sự khiêu khích chống lại toàn bộ người dân Trung Quốc và sẽ thất
bại", ông nói.
Khối Nato "chết não"?
Được
phỏng vấn bởi báo Economist, Tổng thống Pháp nói ông thấy một cam kết
suy yếu đối với liên minh Nato bởi người bảo đảm chính của nó, nước Mỹ.
Ông
cảnh báo các thành viên châu Âu rằng họ không còn có thể dựa vào Mỹ để
bảo vệ liên minh, vốn được thành lập khi bắt đầu nổ ra Chiến tranh Lạnh,
để củng cố an ninh cho khối Tây Âu và Bắc Mỹ.
Ông
trích dẫn diễn biến gần đây của Washington trong việc thiếu hay không
tham khảo ý kiến của Nato trước khi rút lực lượng ra khỏi miền bắc
Syria.
Ông Macron cũng đặt câu hỏi liệu Nato có còn cam kết với một nền quốc phòng tập thể hay không.
Phát
biểu hôm thứ Năm, 07/11/2019, Thủ tướng Đức Angela Merkel, một đồng
minh chủ chốt, nói bà không đồng ý với "những lời lẽ" của ông Macron.
Phát
biểu tại Berlin bên cạnh Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg, người thăm
Đức tuần này, bà thừa nhận khối liên minh này có vấn đề, nhưng nói rằng
bà không nghĩ rằng "những phán xét như vậy là cần thiết".
Tuy
nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói ông Macron
đã đưa ra "một mô tả chính xác về tình trạng hiện tại của Nato".
"Rất xác đáng. Những lời nói chân thật, và những từ ngữ đi vào bản chất vấn đề", bà đăng bình luận trên trang Facebook.
Chiến tranh lạnh thứ hai?
Về
phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ, đây là một quan điểm, một tiếng kêu được
dấy lên, nhưng không phải ai cũng đồng ý, theo Jonathan Marcus, phóng
viên quốc phòng của BBC.
"Hiện
diện ở Berlin để tưởng nhớ kết liễu của của cuộc Chiến tranh Lạnh đầu
tiên, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo dường như đã tuyên bố sự bùng nổ
của một cuộc Chiến tranh lạnh thứ hai," phóng viên của chúng tôi bình
luận.
"Khi
nhấn mạnh một "sự cạnh tranh của các giá trị" giữa "các quốc gia tự do"
một bên và bên kia là Nga và Trung Quốc, những lời lẽ của Ngoại trưởng
Mỹ là một thông điệp của một cuộc đấu tranh tư tưởng.
"Ông
chê bai hoàn toàn ý tưởng Moscow là đối tác của phương Tây. Ông Pompeo
rõ ràng đã xem bài phát biểu này như một tiếng kêu đối với phương Tây.
Ông dùng một giọng điệu diều hâu nhưng nhiều người sẽ tự hỏi: chính xác
thì quan điểm cơ bản của Hoa Kỳ là gì?
"Tổng
thống Trump dường như ít đối kháng hơn với Moscow và dường như không
chia sẻ khuôn khổ chiến lược mà trong đó vị Ngoại trưởng của chính ông
đặt vào trong đó các mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh một bên, và
phương Tây mé bên kia.
"Rõ ràng là thậm chí nhiều đồng minh của Washington sẽ không chia sẻ đầy đủ quan điểm của ông Pompeo.
"Và
Moscow và Bắc Kinh đang mong muốn khai thác những căng thẳng và chia rẽ
như vậy," vẫn theo phóng viên Jonathan Marcus của chúng tôi.
(BBC)
Không có nhận xét nào