Header Ads

  • Breaking News

    Mạnh Kim - Câu chuyện của Trà My, cô gái trong vụ 39 người chết trong container vào Anh

    Trà My, cô gái trong vụ 39 người chết trong container vào Anh
    Vào trang cá nhân của Trà My, tôi thấy Facebook cho biết giữa tôi và My có một “bạn chung”. Người này, tên Ng., đang sống ở Hà Nội, hóa ra, lại nằm trong friend list của mình. Tôi liên lạc. Không phải do tò mò. Chỉ vì muốn tìm hiểu thấu đáo câu chuyện. Ng. đã đồng ý thuật lại, dựa vào lời kể của bố mình, vốn sống cách nhà My không đến một kilomet. Đây là những gì Ng. viết (tôi giữ nguyên văn câu chuyện được gửi, chỉ sửa vài chỗ chính tả)…

    Gửi anh Mạnh Kim,

    Em là N.T.H. Ng., họ hàng xa của chị Phạm Thị Trà My, về vai vế thì em gọi chị là o (cô) nhưng về tuổi tác chỉ kém chị một tuổi nên xin phép được gọi là chị My.

    Về gia đình chị My:

    Bố chị My là ông Phạm Thìn, quê ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, sinh năm 1964. Hồi trẻ làm chủ lò gạch nên kinh tế khá giả. Mẹ chị My là bà Nguyễn Thị Phong, quê quán thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh, sinh năm 1958, là công nhân nghỉ chế độ 176. Bố Phạm Thìn gây tai nạn giao thông cho mẹ Nguyễn Thị Phong, sau đó vào viện chăm sóc rồi thương nhau. Trước năm 2000, kinh tế gia đình khá giả, đã có vài miếng đất đẹp ở thị trấn Nghi Xuân (do ông Thìn tạo dựng).

    Sau năm 2000, kinh tế sa sút, kinh doanh gạch ngói thất bại. Ông Thìn bà Phong rất chịu khó lại tốt bụng nhưng do ông Thìn không học hành, lại sa vào bài bạc nên mất hết tài sản. Hiện tại gia đình sống trong một căn nhà tập thể cũ gần bờ sông Nghèn do ông bà chắt bóp mua được. Bà Phong có một sạp bán hàng khô ngoài chợ Nghèn, thỉnh thoảng có người đến nướng nhờ con cá, cái bánh đa kiếm thêm 5-10 nghìn. Ông Thìn bị đau cột sống, vận động khó khăn lại vừa bị tai nạn chấn thương đầu cách đây không lâu nên phải nghỉ làm bảo vệ. Kinh tế gia đình bấp bênh.

    Vì là họ hàng xa, và em cũng cực kỳ ít ở nhà nên em chỉ mới gặp ông Thìn bà Phong một lần, tầm năm 2010 gì đó, lúc ông bà được anh em họ cho mượn đất. Khi ấy bà mở quán phở, ông thì đi buôn rau. Sáng sáng cứ 3g ông lại đi Vinh nhập rau củ, về cung cấp cho một số nhà hàng ăn và buôn bán ở chợ Nghèn. Đợt đó tuy cũng dư giả nhưng quá vất vả, chắc vì lý do sức khỏe nên ông bà nghỉ làm.

    Theo quan sát của em, nhiều người dân ở quê em chứ không riêng gia đình chị My, có thể nhịn ăn nhịn mặc để mua được chiếc iPhone hoặc đi du lịch check-in sang chảnh. Vì vậy nhìn anh em nhà My rất giống “con nhà giàu”. Mà cũng theo phỏng đoán của em, gia đình có một thời gian chắc cũng khá giả nên mấy anh em quen với cuộc sống được nuông chiều, ăn trắng mặc trơn không chịu lao động.

    Gia đình có ba người con:

    Con trai cả tên Tuấn: học hết cấp ba nhưng lêu lổng phá phách, không lo làm ăn. Bố vay tiền mua xe để cho chạy taxi thì cầm mất. Sau khi chuộc lại, bố tức giận bán rẻ xe, không cho chạy taxi nữa, thế là lỗ vài trăm triệu. Hiện tại anh này đã có gia đình.

    Con gái thứ hai là Trà My (sinh năm 1993): Trà My từ nhỏ ngoan ngoãn, thương yêu bố mẹ, sống có tình nghĩa với làng xóm, được hàng xóm đánh giá: “Ngoan, biết điều”, lại xinh đẹp có tiếng. Tốt nghiệp Cao đẳng Kinh tế Hà Tĩnh, về không xin được việc làm nên đi Nhật ba năm, kiếm được khoảng 150 triệu về phụ bố mẹ trả nợ, sau đó gánh nặng kinh tế đè lên vai, chị lại đi Anh…

    Con trai út là Mạnh Cường (còn gọi là Tặc): Cường cũng thuộc dạng “con nhà lính tính nhà quan”, “ăn chơi không sợ mưa rơi”. Bố mẹ tiếp tục vay tiền mua xe cho chạy taxi nhưng hồi tháng 9 vừa rồi bị cháy xe. Anh ta may mắn được một người đi đường kéo ra cứu thoát chết. Hiện tại bây giờ không có nghề nghiệp gì, chỉ có nợ.

    Bản thân chị My và bố mẹ chị đều là người lương thiện, rất tốt bụng và hay giúp người, đi xa về đều thăm hỏi quà cáp, sống có tình có nghĩa, không giống với anh trai và em trai. Do nhiều biến cố mà hiện tại gia đình không còn đất đai hay tài sản gì ngoại trừ một đống nợ.

    Chuyến đi định mệnh:

    Chính vì ngoan ngoãn hiếu thảo mà đứa con gái duy nhất của gia đình đã quyết định đi nước ngoài với mong muốn kiếm tiền về cho bố mẹ trả nợ và đổi đời. Mà có lẽ, một phần do anh con trai lười biếng, một phần do gia đình cũng không dám giao cho anh, sợ anh phá hết, mà cô gái bé nhỏ đang độ tuổi lấy chồng quyết tâm đến “miền đất hứa” “làm vài năm rồi về”. Trước khi đi chị nói: “Con phải liều đi để cứu bố mẹ, con thương bố quá…” - Mẹ chị kể.

    Tổng chi phí khổng lồ cho chuyến đi này là khoảng 950 triệu đồng. Ở đâu ra mà nhà chị My lại có số tiền lớn như vậy? Đầu tiên, bọn buôn người yêu cầu trả 500 triệu để My được đặt chân đến nước Pháp (bao gồm chặng sang Trung Quốc, làm hộ chiếu giả 16 tuổi rồi bay sang Pháp). Tiếp theo, khi sang đến Anh, chúng sẽ thu nốt 450 triệu còn lại. Gia đình ở nhà vay mượn anh em họ hàng được 500 triệu. Ở bên Anh sẽ có sẵn người nhà (cũng nhập cư bất hợp pháp) đón, cho My vay nốt 450 triệu, sau đó My lao động trả nợ dần. Tiếc thay, 500 triệu cũng mất mà người cũng chẳng còn.

    Bố chị nói: “Biết rứa không cho con đi”. Có nghĩa là gia đình cũng không hiểu được mối nguy hiểm lớn như thế nào.

    Người đã đi về kể lại:

    Chú L, ở thị trấn Nghèn, kể về ba chuyến đi Anh của chú từ những năm 2005. Ngày đó chú đi “cỏ” chứ không phải “VIP” như My, có nghĩa là phải bám gầm xe qua cảng vào nước Anh mà lái xe không hay biết.

    Sang Anh, 99% người Việt mình đều trồng cần sa, vì thu hồi vốn cực nhanh, đã “chui thì chui từ đầu đến cuối”. Nó đơn giản hơn nhiều so với làm nail – công việc hợp pháp đòi hỏi nhiều thủ tục chặt chẽ. Vì thế, mặc dầu có mối nguy hiểm là bị cướp, nếu không thương vong thì cũng phải đền một số tiền lớn cho chủ trang trại, nhưng cũng vô cùng thu hút người Việt, điển hình như những người như chị My: không có bằng cấp, không có tay nghề, ở quê thiếu thốn việc làm, lại gánh một khoản nợ lớn, vô cùng túng quẫn, lại nhẹ dạ cả tin, nghe đồn “nhà anh A anh B chị C đều đi Anh về xây được nhà tầng, mua ôtô rồi”, thế là liền liều mạng ra đi…

    ………..

    Những gì thể hiện trên Facebook, qua một thời gian đủ dài, có thể giúp người khác không chỉ thấy được suy nghĩ riêng tư mà còn tính cách, tâm tính hoặc thậm chí phần nào bản chất của mình. Trà My cũng vậy. My post những tấm ảnh cá nhân hoặc chụp với bạn. Thỉnh thoảng My dẫn lại câu triết lý sống nào đó như thể muốn nói hộ suy nghĩ của cô. My trong sáng và còn rất trẻ con. Ít nhất đó là cảm nghĩ khi tôi xem từ status cuối cùng trước khi sự kiện kinh khủng xảy ra cho đến status cuối năm 2018 – một thời gian đủ dài để phác họa lại Trà My từ những gì cô tự phác họa về mình. Không thể diễn tả được cảm giác như thế nào khi xem trang cá nhân một người giờ không còn nữa mà lại là một người đáng được có một cuộc đời đẹp và đáng được nhận nhiều hạnh phúc. Cũng không thể diễn tả nổi cảm giác khi thấy một số người đang nói về My những ngày qua. My đáng được sống hơn những người này nhiều lần.
     
    Mạnh Kim
     
    (FB Mạnh Kim)

    Không có nhận xét nào