Một bài báo trên Zing của tác giả
Minh Đức có tựa “Gần nửa dân số Mỹ nghèo đói và sống bấp bênh?” đang là
đề tài cười cợt của mạng xã hội. Không mấy ai tin vào bài báo vì người
hiểu biết nhận thức sự thật qua những gì mắt thấy tai nghe nên đối với
bài viết mang tính định hướng quần chúng theo nhãn quan tuyên giáo khó
thuyết phục họ, nhất là vào thời đại kỹ thuật số. mọi thông tin đều hiện
rõ chỉ qua một cái nhấp chuột.
Thật
ra tác giả Minh Đức đã rất cẩn thận khi đưa những thông tin lấy từ hai
nguồn: Một từ trang tin của NPR (National Public Radio) có trụ sở tại
Washington DC và hai là The Hill tờ báo của Quốc Hội Mỹ xuất bản mỗi khi
có phiên họp Quốc Hội.
Hai
nguồn này rõ ràng là khả tín nhưng đúng theo nguyên tắc báo chí, Minh
Đức phải dẫn nguồn cụ thể cho người đọc dễ theo dõi và so sánh nếu có
nghi ngờ bởi vì gốc của hai nguồn từ tiếng Anh và bài viết đăng trên
Zing là tiếng Việt nên một bài viết dù trích dẫn cũng phải sát với
nguyên văn nhằm tránh sự sai lệch nếu không muốn nói là thiếu sót.
Do sự nhạy cảm của đề tài nên bài viết lại càng phải dẫn nguồn. Rất tiếc, tác giả đã không làm điều này.
Sự
khác biệt giữa nguyên bản và bài viết gây cho người đọc tại Việt Nam
những suy nghĩ sai về sự thật của nước Mỹ mà theo tựa đề “có gần nửa dân
số là nghèo đói và sống bấp bênh”. Trong khi ngay trên bài viết của
mình tác giả viết: “Theo NPR, khảo sát của Cục Điều tra Dân số Mỹ cho
thấy tỷ lệ người dân trong diện nghèo đói giảm từ 12,3% năm trong 2017
xuống còn 11,8% vào năm 2018. Điều đó có nghĩa là khoảng 38,1 triệu
người Mỹ sống trong nghèo đói, tương đương với việc cứ 8 người Mỹ thì có
một là người nghèo.” Như vậy thì làm sao gần phân nửa dân số Mỹ nghèo
đói?
Tác
giả đã dịch sai – vì không hiểu hết tiếng Anh hoặc văn hóa Mỹ - khi cho
rằng “emergency” là “cấp cứu y tế”. Thật ra, trong ngữ cảnh này,
“emergency” chỉ đơn thuần là một chi tiêu cần thực hiện ngay lập tức; và
không nhất thiết có ý nghĩa y tế. (Theo FED, 43% dân số Mỹ không đủ khả
năng chi trả hóa đơn 400 USD khi được cấp cứu y tế.) trong khi ngữ cảnh
của đoạn văn trên được trích từ CNN: 40% of Americans can't cover a
$400 emergency expense. “Four in ten Americans can't, according to a new
report from the Federal Reserve Board. Those who don't have the cash on
hand say they'd have to cover it by borrowing or selling something”
phải được dịch là “trường hợp khẩn cấp” “Theo một báo cáo mới từ Ủy ban
Dự trữ Liên bang bốn trong mười người Mỹ không có tiền mặt trong tay họ
phải mượn hoặc bán một thứ gì đó khi có trường hợp khẩn cấp.”
Thực
tế ở Mỹ, người thu nhập thấp có những ưu tiên hơn hẳn người thu nhập
trung bình và trên trung bình. Họ có thể được trợ giúp từ chính phủ
trong các chương trình y tế, nhà ở cũng như thực phẩm dinh dưỡng. Thu
nhập thấp được tính theo từng tiều bang nhưng sai lệch nhau rất nhỏ.
Tiểu bang Washington quy định gia đình có 2 người tính chung thu nhập
26.600 đô la là thu nhập thấp. Nhìn con số này khó có người Việt Nam nào
cho rằng cách tính toán kiểu Mỹ là không hiện thực vì theo Việt Nam,
Chuẩn nghèo: 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000
đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Quyết định này được thực hiện từ
ngày 01 tháng 01 năm 2016.
Theo
quy chuẩn chính thức được Cơ quan Thống kê Quốc gia cho biết “Thu nhập
trung bình thực tế năm 2018 của các hộ gia đình châu Á tăng 4,6% so với
năm 2017 lên 87.194 đô la, trong khi thu nhập trung bình thực của người
da trắng không có gốc Tây Ban Nha (70.642 đô la), da màu (41.361 đô la)
và các hộ gia đình gốc Tây Ban Nha (51.450 đô la)”
Như vậy tại sao tác giả Minh Đức cho rằng “Gần nửa dân số Mỹ nghèo đói và sống bấp bênh”?
Tác
giả dựa vào ý kiến của hai chuyên gia kinh tế là Elise Gould và Karen
Dolan đề nghị cách tính của họ khác với những gì mà Cơ quan Thống kê
Quốc gia vẫn làm hằng năm. Sự khác biệt giữa cách tính dựa vào Thống kê
và ý kiến phản biện của các chuyên gia kinh tế không thể làm chuẩn mực
cho một sự thật về sự nghèo đói của nước Mỹ. Hơn nữa hai chuyên gia kinh
tế này là người không hài lòng với chính sách kinh tế của Tổng thống
Trump; càng không nên lấy đó làm chuẩn mực!
Mặc Lâm
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào