Những gì tồi tệ nhất đã đến với Hong kong mặc dù những con người trẻ tuổi kiên cường đã biết trước những gì mà họ sẽ đối diện.
Trong cuộc biểu tình tại Đại Học Bách Khoa Hong Kong. |
Trong
đêm 17 tháng 11 sau khi người biểu tình rút vào trường Hong Kong
Polytechnic University để lấy nơi này làm cứ điểm đối phó lại với lực
lượng cảnh sát, đây là ngôi trường cuối cùng bị sinh viên chiếm giữ làm
căn cứ trong 5 trường đại học xảy ra bạo động tuần qua, cảnh sát Hong
kong được trang bị tận răng trong đó không ngoại trừ khả năng có cả đội
đặc nhiệm chống khủng bố được điều từ Hoa lục đã bắt đầu tấn công vào
ngôi trường này. Hàng trăm xe chuyên dụng chống biểu tình, hàng ngàn
cảnh sát sắc phục đã bao vây ngôi trường và bắt đầu tấn công người biểu
tình vào lúc 12 giờ 45 sáng.
Cảnh
sát thông báo dành riêng một con đường cho người biểu tình thoát ra
nhưng đây là cái bẫy dùng để bắt người. Ai vào con đường này đều bị bắt
dẫn đi mặc dù đa số người biểu tình vẫn kiên tâm ngồi lại trong vòng
vây. Cảnh sát tỏ ra là một lực lượng máu lạnh khi bắt tất cả các thiện
nguyện viên cấp cứu trong đội y tế. Họ bị trói ngoặc tay phía sau bằng
loại dây thắt nilon và cảnh họ bị trói tập thể đã làm thế giớ sững sờ,
không ai có thể tin lực lượng cảnh sát chống biểu tình của một đất nước
dân chủ như Hong kong lại bắt trói người thi hành sứ mệnh nhân đạo.
Hình
ảnh những sinh viên tuổi đời rất trẻ thay nhau bảo vệ tuyến đầu chống
lại cảnh sát bằng những sáng tạo trong hoàn cảnh tuyệt vọng mới thấy
quyết tâm của họ. Những cô nữ sinh viên với thân thể mảnh dẻ chạy lúp
xúp giúp cho các nam sinh viên khuân các chướng ngại vật mới thấy sự hy
sinh không gì so sánh nỗi của lớp trẻ Hong kong. Có lẽ những hình ảnh
này cùng những bức thư được xem như di chúc của nhiều bạn trẻ đã khiến
thế giới cảm phục. Cũng là biểu tình nhưng sinh viên Hongkong cho thế
giới thấy tầm cao của họ trong cách tổ chức, lòng quyết tâm, tính kỷ
luật, tinh thần đồng đội … đã khiến bộ máy đàn áp vĩ đại nhất thế giới
cũng phải âu lo tìm mọi cách đối phó.
Sau
đêm định mệnh 17 tháng 11 Hong kong có thể sẽ lịm tắt dần những tiếng
đả đảo quen thuộc của người biểu tình nhưng người dân Hong kong tin rằng
con em của họ sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Hai chữ đầu hàng hình như không
có trong tự điển của người trẻ Hong kong hôm nay.
Từ
những cuộc biểu tình to lớn bất bạo động tập trung cả triệu người,
người dân Hong kong đã thay đổi chiến thuật theo hoàn cảnh bị đàn áp,
khủng bố. Trong sáu tháng với hàng trăm cuộc biểu tình quy mô lớn nhỏ
người dân Hong kong đã học được bài học về sự lừa đảo của cảnh sát cũng
như các mánh khóe nhơ nhớp được nhập khẩu từ đại lục. Thái độ căm hận
Bắc Kinh của người dân Hong kong là kết quả của các mưu đồ xuất phát từ
đại lục. Trước sự đàn áp điên cuồng của Bắc Kinh, người biểu tình trút
phẫn nộ lên người đại lục thân cộng, trút giận lên tất cả những gì mang
hơi hướng đại lục dù đó chỉ là một vật vô tri có dính líu đến đại lục.
Giả
mạo làm những công dân bảo vệ cảnh sát, những người dân chống biểu
tình, những kẻ hành hung người biểu tình đã nhận lại được phản đòn của
những người trẻ tuổi. Họ không còn mập mờ trước ranh giới nên hay không
nên bạo động. Phản xạ tự nhiên của con người đã khiến họ rơi vào tình
thế bạo động một cách có điều kiện, đây là điều Bắc Kinh mong muốn nhưng
người biểu tình cũng không lấy đó làm điều ân hận vì họ biết rất rõ chỉ
có sức mạnh của bạo lực mới có thể đương đầu với lực lượng hắc cảnh bởi
lực lượng này ngày càng tỏ ra mất tính người, mất tinh thần thượng tôn
pháp luật và nhất là mất hẳn chức năng chính thức của họ là an dân chứ
không phải giết dân.
Một
doanh nhân Hong kong khi trả lời Reuters cho biết: “Nếu chúng tôi ôn
hòa thì họ không thèm lắng nghe. Nếu chúng tôi mạnh bạo thì họ lại nói
là như thế chả giải quyết được vấn đề gì.”
Đó
là sự thực đã xảy ra trên mọi cuộc biểu tình khắp thế giới. Khắp thế
giới cổ vũ cho bất bạo động nhưng khắp thế giới không nước nào đủ khả
năng cản trở hành vi mất kiểm soát của lực lượng chống biểu tình khi lực
lượng này lấy phương án bạo động làm chủ đạo.
Hắc
cảnh Hong Kong bạo động và được cung cấp mọi phương tiện để thực hiện
nó một cách hoàn hảo. Khi nào cảnh sát còn tỏ ra phấn khích khi sử dụng
súng bắn đạn cao su, lựu đạn cay, thiết bị phóng âm thanh tầm xa (Long
Range Acoustic Device -LRAD) hay những nắm đấm vào người biểu tình thì
lúc đó đừng lên án người biều tình sử dụng bom xăng, gạch đá cũng như
những thứ vũ khí tự tạo thô sơ khác.
Lần
đầu tiên trong sáu tháng qua, hơn một triệu người dân Đài Loan cùng
thức với người Hong kong, trong khi đó tại Việt Nam, hầu như mọi tài
khoản facebook gắn liền với diễn biến tại mảnh đất này.
Người
Đài Loan nhận biết được tương lai của chính họ qua bài học Hong kong.
Người Việt Nam xem câu chuyện Hong kong là phép thử cho mọi suy nghĩ về
một viễn ảnh tương tự cho chính mính. Hong kong là ánh sáng cuối đường
hầm tuy leo lét nhưng khả năng hy vọng của nó không bao giờ là nhỏ.
Nhiều
người tỏ ra nóng lòng vì thế giới không hết lòng ủng hộ Hong kong theo
cung cách thông thường nhưng nếu chịu bình tâm một chút sẽ thấy rằng
Hong kong chưa bao giờ bị bỏ rơi trong lòng người dân tại các nước dân
chủ. Khi người dân của đất nước ấy muốn thì chính phủ của họ sẽ không
thể im lặng vì động cơ nào đó. Tuy nhiên từ ủng hộ tới hành động của một
quốc gia cần những diển tiến cũng như thủ tục cần thiết để sự ủng hộ ấy
trở thành sức mạnh.
Trường hợp Hoa Kỳ là một ví dụ.
Lên
án bằng lời nói, cổ vũ người dân biểu tình tại xứ sở của mình để ủng hộ
người dân một nước khác có lẽ đã không còn tác dụng. Trừng phạt và bao
vây kinh tế là biện pháp hữu hiệu nhất để đối phó với một chính thể độc
tài đảng trị là cách vô cùng tinh vi trong hoàn cảnh Hong kong hiện nay.
Đạo
luật Nhân quyền và Dân chủ Hong kong được Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua,
đang được trình ở Thượng Viện và có xác suất cao sẽ được thông qua, đang
là một thách thức đối với sự đàn áp người biểu tình tại Hong kong. Đạo
luật này làm cho bất cứ hành vi bạo lực nào đi vượt khuôn khổ của luật
pháp sẽ bị chế tài gắt gao bởi chính phủ Mỹ. Chẳng hạn Hong kong sẽ
không được mua của Mỹ các loại khí tài, các loại vũ khí kiểm soát đám
đông không gây chết người, như hơi cay và đạn cao su.
Đạo
luật quy định bất cứ ai "chịu trách nhiệm trong việc bắt cóc và tra tấn
người dân, những người đang thực thi các quyền con người cơ bản, được
quốc tế công nhận" sẽ bị cấm đến Hoa Kỳ, cũng như bị áp dụng các biện
pháp trừng phạt.
Nhưng
có lẽ Bắc Kinh sợ nhất là đạo luật cho phép tình trạng giao dịch đặc
biệt của Hong kong sẽ bị cắt bỏ và thành phố này sẽ bị ảnh hưởng bởi các
lệnh trừng phạt hoặc thuế quan mà Mỹ áp lên đại lục. Trước đây Hong
kong được ưu đãi và không bị ảnh hưởng tới cuộc chiến tranh thương mại
do Mỹ phát động. Hơn nữa khi đạo luật này bắt đầu áp dụng cửa ngỏ đầu tư
của quốc tế từ Hong kong vào đại lục sẽ bị khóa kín, Hong kong sẽ trở
thành ốc đảo thay vì là một đặc khu kinh tế tài chánh như từ trước tới
nay.
Hong
kong có bị đàn áp thế nào thì người dân của họ cũng sẽ không mất niềm
hy vọng. Nước Mỹ ở xa nhưng biện pháp bảo vệ họ rất gần và cụ thể, vì
vậy dù thế nào thì chúng ta, những người Việt canh cánh vì máu của sinh
viên Hong kong cũng không nên mất lòng tin vào sự chính đáng mà từng
viên đá dưới lòng đường Hongkong cũng tỏ ra sẵn sàng cho họ.
Mặc Lâm
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào