Header Ads

  • Breaking News

    Luân Lê - "Nhất cử lưỡng tiện" khi Trump không ký Dự luật cho Hồng Kông

    NHẤT CỬ LƯỠNG TIỆN


    Trump hoàn toàn có thể bỏ ngỏ khả năng ký Dự luật Dân chủ và nhân quyền cho Hồng Kông, vì nó sẽ có hai vấn đề chính trị vô cùng quan trọng được giải quyết cùng lúc:

    Thứ nhất, không tuyên bố có ký thông qua hay không, là một lựa chọn (khôn ngoan và tuỳ nghi) mà nó sẽ đảm bảo không cho ai biết một cái gì cụ thể. Trong khi, không tuyên bố mà không ký thì dự luật rồi vẫn sẽ được thông qua theo một trình tự đã được ấn định sẵn. Thượng viện do Đảng Cộng hoà nắm giữ (nghị sỹ hầu hết là thành viên đảng này), nếu đã thông qua, với hạ viện đã là nơi đề xuất Dự luật, nó thể hiện đó là ý chí thống nhất chung rất rõ ràng của cả Quốc hội (gồm cả Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ). Đảng Cộng hoà (ở Thượng viện) đã quyết định thông qua thì Trump cũng chỉ mang tính hình thức (vì Trump thuộc Đảng Cộng hoà). Tổng thống phủ quyết chỉ là làm cho trì hoãn một dự luật thêm một chút thời gian, vì cả hai viện đều đã cùng thông qua một cách gần như tuyệt đối, nên sau khi Tổng thống không ký (được xem như phủ quyết) thì trở lại thủ tục mà chỉ cần với 2/3 thành viên Quốc hội Mỹ thông qua là luật đương nhiên sẽ có hiệu lực.

    Thứ hai, thủ tục Tổng thống phủ quyết luật nhiều trường hợp phát huy sức mạnh, nhưng trong nhiều trường hợp lại chỉ là hình thức (như vừa nêu ở trên, một khi hai viện đều nhất trí cho dự luật đó). Vì vậy, quyền lực của Tổng thống là giới hạn. Một khi đẩy trách nhiệm thông qua luật cho Quốc hội, Tập sẽ không có bất cứ lý do nào để đổ lỗi cho Trump để tiến tới việc phá vỡ các thoả thuận thương mại mà sẽ được đàm phán trong thời gian sắp tới. Tổng thống lúc này không còn gánh vác chuyện nhân quyền ở Hồng Kông mà là chuyện của Quốc hội Mỹ. Điều này khiến ông ta không bị áp lực trước Trung Quốc và các quốc gia khác.

    Chính điều này là một lựa chọn có tính lợi thế cho Tổng thống để đặt đối phương vào thế thoát không được mà tiến cũng không xong. Trump chỉ việc tập trung vào đàm phán thương mại và đưa dự luật nhân quyền được quốc hội thông qua ra để mặc cả và đặt điều kiện.

    Hơn nữa, vấn đề cần phải nói tới là, một số tuyên bố có thể là không như cái mà người ta thực tế làm, đó là một biện pháp chính trị như trong các kế sách của Tôn Tử mà Trung Quốc coi như bảo bối trong giao tế với các quốc gia khác trên thế giới. Cho nên, có thể một vài tuyên bố chưa thoả đáng ở tại thời điểm mà nó xuất hiện, nhưng lại có thể trở nên đúng hoặc phù hợp (có ích) cho một kế hoạch hoàn chỉnh có tính lộ trình. Điều này là quan trọng trong các kế sách đối đầu quân sự và chính trị.

    Một Tổng thống không vi phạm luật và đạo đức của Tổng thống thì đừng đánh giá ông ta trên hai cơ sở dẫn chiếu này, nếu là cảm tính yêu ghét thì tôi không bàn vì đó là việc của quả tim chứ không phải của cái đầu. Đáng sợ nhất là có những vị cứ chỉ chực chờ nhìn vào từng hành động một của người mà họ ghét rồi đưa ra phán xét ngay tức thời, thành ra nếu gom tất cả những phán xét ấy lại sau một thời gian mới thấy những kẻ đó trở nên tự mâu thuẫn và ngớ ngẩn làm sao. Những gì là kết quả hoặc hành động thực tế xảy ra mới là biểu hiện thực chất của các tuyên bố của họ.

    Luân Lê

    (FB Luân Lê)

    Không có nhận xét nào