Header Ads

  • Breaking News

    LS. Ngô Ngọc Trai - Liệu có phải doanh nhân ở Việt Nam dễ bị bắt?

    Năm 2009, một Doanh nhân là ông Trần Huỳnh Duy Thức, Giám đốc một công ty tin học có vốn đầu tư ở Singapore và Mỹ, bị bắt về tội xâm phạm an ninh quốc gia.

    Cha của ông Trần Huỳnh Duy Thức yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho con trai
    Trong khi những "đồng phạm" khác chỉ chịu mức bốn, năm và bảy năm tù, vị doanh nhân này bị phân biệt đối xử với mức án 16 năm.

    Nỗi bất công mà ông này gánh chịu chỉ là một trong muôn hình vạn trạng những bất công mà người doanh nhân ở Việt Nam gặp phải.

    Năm nay 2019, tròn 20 năm kể từ khi ban hành Luật doanh nghiệp lần đầu năm 1999. Nhiều người nêu ra vấn đề về môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.

    Tôi cho rằng, một môi trường pháp lý nặng tính chuyên chế sẽ không có lợi cho doanh nghiệp và doanh nhân.

    Môi trường chuyên chế ở đây có thể là những ngặt nghèo cấm đoán trong đòi hỏi về quyền tự do chính trị.

    Hoặc chuyên chế ở đây là một bộ máy nhà nước quá lớn quyền, có khả năng cưỡng chế khuất phục quá cao, doanh nghiệp sẽ bất lợi khi hoạt động bên cạnh một chủ thể nhà nước như vậy.

    Không thể nói là tôi chỉ làm kinh doanh, không liên quan đến chính trị, nên doanh nghiệp vẫn ổn, môi trường kinh doanh hiện vẫn tốt.

    Vì một khi quyền chính trị cơ bản còn chưa được đảm bảo, thì quyền tài sản mặc dù nói là được pháp luật bảo vệ, chắc gì đã vững?

    Thử nghĩ mà xem, đứng trước một bộ máy nhà nước khổng lồ, cồng kềnh, có khả năng tiêu ngốn lớn, khối tài sản màu mỡ của doanh nghiệp liệu sẽ ra sao?

    Thử đánh giá lại xem, hiện nay thuế phí doanh nghiệp phải chịu có nặng nề không? Thuế thu nhập doanh nghiệp 25%, thuế giá trị gia tăng 10% là thấp hay cao? So với các nước thế nào?

    Tài sản của doanh nghiệp có được bảo hộ bảo vệ tốt khi có tranh chấp kiện cáo không? Tòa án giải quyết có hiệu quả không?

    Khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục chuyển nhượng tài sản, mua sắm đầu tư lớn, có phải lót tay xin xỏ chạy chọt giấy tờ thủ tục không?

    Pháp luật đã chặt chẽ, minh bạch, rõ ràng chưa?

    Trả lời những câu hỏi đó sẽ thấy được quyền tài sản của doanh nghiệp đã được bảo vệ tốt hay chưa.

    Thực tế là chưa được bảo vệ tốt.

    Ngưỡng cửa nhà tù

    Doanh nhân có thấy số phận pháp lý bấp bênh, ngấp nghé giữa làm ăn đúng luật và phạm tội không? Có phải nhiều doanh nhân lâu nay luôn mấp mé đứng trước ngưỡng cửa trại giam không?

    Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay quy định ba cơ quan có thẩm quyền ra lệnh bắt giam giữ, bao gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án.

    Trong khi ở các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc, pháp luật của họ quy định chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền ban hành lệnh bắt.

    Sự rộng mở trao quyền bắt giam cho ba thay vì một, dẫn đến một đơn vị cấp quận huyện có tới ba cơ quan có quyền ra lệnh bắt giữ.

    Trong khi mỗi tỉnh thành có hàng chục đơn vị cấp huyện, và cả nước có 63 tỉnh thành.

    Từ đó khiến tạo ra một số lượng rất lớn các cơ quan có thẩm quyền ra lệnh bắt giữ doanh nhân.

    Doanh nhân được xem là thành phần có tiền, mà cỗ máy tư pháp thì lại còn tham nhũng.

    Điều đó đặt để tình trạng pháp lý của doanh nhân vào tình trạng bị bới móc kiếm chác.

    Mặt khác, nhiều vấn đề thể chế pháp lý lại chẳng rõ ràng, người doanh nhân nhiều khi bị đẩy vào vi phạm.

    Đất đai tồn tại hai khung giá, một khung giá theo bảng giá nhà nước quy định, một khung giá theo thị trường. Việc xác định khung giá nộp thuế lập lờ khiến cho hàng triệu giao dịch đất đai lâm vào tình cảnh gian dối vi phạm.

    Mức thuế phí phải nộp quá cao, gần một phần ba giá trị hợp đồng phải đem nộp thuế, cùng với sự lỏng lẻo thiếu khoa học trong quản lý, khiến hàng vạn doanh nghiệp bị mời gọi trốn thuế.

    Bộ máy hành chính quan liêu tham nhũng, muôn hình vạn trạng đòi phải hối lộ, người doanh nhân phải phạm tội chẳng đặng đừng.

    Từ đó khiến cho cộng đồng doanh nhân trở thành những người dễ bị tổn thương, kém về sức khỏe pháp lý, luôn trong tình trạng lấp ló ở ngưỡng cửa nhà tù.
    Nhìn lại 20 năm

    Có thể nhận định, doanh nhân hiện nay rất dễ bị bắt.

    Bởi vậy cho nên lâu nay, doanh nhân luôn cần đến người bảo trợ thân hữu, đó là một quan chức chính quyền nào đó.

    Đến khi nào thì người bảo trợ cho họ là pháp luật?

    Từ đó phải đặt ra câu hỏi, nhà nước lâu nay đã tạo lập thể chế thân thiện thuận lợi cho doanh nhân chưa?

    Hay là chỉ mở cửa, cởi trói để phát triển và cán bộ quan chức nhân đó kết hợp với doanh nghiệp tận dụng các nguồn lực và ưu thế thể chế, để làm giàu.

    Trong khi quan chức thì được bảo hộ bởi bộ máy nhà nước chuyên chế cao, còn rủi ro thể chế thì doanh nhân chịu?

    Cho nên nhìn lại 20 năm qua thi hành luật doanh nghiệp, cho dù có nhiều điều tích cực, nhưng phải nhìn nhận rằng, thuộc tính chuyên chế của bộ máy nhà nước vẫn nặng nề, không được cải thiện, là di sản tạo ra môi trường pháp lý xấu cho doanh nhân hiện nay.

    LS. Ngô Ngọc Trai

    * Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

    (BBC)

    Không có nhận xét nào