Header Ads

  • Breaking News

    Lê Xuân Thuyên - Từ cảnh báo miền Nam bị 'xóa sổ': Thay vì tranh cãi hãy tìm giải pháp để giảm nguy cơ


    Ngoài các biến số toàn cầu liên quan đến mực nước biển và thủy triều dâng lên, thì biến số địa phương liên quan tới dạng địa hình và biến dạng của nó tạo điều kiện dồn tụ nước đóng góp tới 9/10 nguyên nhân gây ngập.
     Lê Xuân Thuyên - Từ cảnh báo miền Nam bị 'xóa sổ': Thay vì tranh cãi hãy tìm giải pháp để giảm nguy cơ

    LTS: Báo cáo của các nhà khoa học từ trung tâm Climate Central trong đó ảnh hưởng của nước biển dâng đối với miền Nam Việt Nam sau khi được công bố, đã lập tức làm dư luận xôn xao, với nhiều luồng tranh luận. Sau“phản ứng” từ nhà nghiên cứu thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường, đại diện Climate Central cũng qua báo chí Việt Nam để "nói lại cho rõ". Tiếp cận báo cáo nói trên cũng như quan sát tranh luận của các nhà khoa học, TS Lê Xuân Thuyên, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM góp thêm tiếng nói khi cho rằng công bố của các nhà khoa học thuộc Climate Central là một nghiên cứu hiệu chỉnh cách tính toán bề mặt địa hình từ số liệu viễn thám và đối chiếu với kịch bản nước biển dâng, để tính ra phạm vi ngập lụt cho các đồng bằng trên thế giới có Việt Nam, hay các biến số toàn cầu liên quan đến mực nước biển và thủy triều dâng lên.

    Báo cáo trên là một công trình nghiên cứu trên diện rộng, toàn cầu, với mục tiêu là công bố kết quả giải pháp tính toán được cho rằng sẽ ra kết quả chính xác hơn khi xem xét ở phạm vi quy mô toàn cầu: “Quan điểm cá nhân tôi là không tranh cãi khi còn chưa hiểu rõ người ta (Climate Central) viết cái gì, mà nên coi đó là cảnh báo và cần soi lại mình xem ta còn kiếm khuyết gì không và tìm cách khắc phục. Hiện mọi người Việt ta mới bàn về nguy cơ mà chưa nhìn tới, hay tìm kiếm các giải pháp giảm để thiểu nguy cơ. Cái này mới quan trọng và thiết thực hơn, và nó lại phụ thuộc vào chính chúng ta.Các nhà khoa học quốc tế chỉ có thể đưa ra những lời khuyên, gợi ý mà thôi. Chúng tôi đang tiến hành những quan trắc nghiên cứu, kiểm định bài toán theo hướng mà người ta thường gọi là nature-based solutions (giải pháp dựa vào thiên nhiên, thân thiện môi trường)”, TS Thuyên nói.

    Theo TS Thuyên, ngoài các biến số toàn cầu liên quan đến mực nước biển và thủy triều dâng lên, thì biến số địa phương liên quan tới dạng địa hình và biến dạng của nó tạo điều kiện dồn tụ nước đóng góp tới 9/10 nguyên nhân gây ngập. Đáng tiếc nó lại chưa được chúng ta bàn luận đến. Với các biến số liên quan đến biến dạng dạng địa hình theo thời gian, như ý kiến của nhóm tác giả bài báo từ Climate Central, thì chỉ những đo đạc, theo dõi cụ thể ở khu vực mới là số liệu chính xác nhất. Lún nền còn làm dịch chuyển code mốc của các trạm đo mực nước và làm sai lệch số liệu đo…

    Nhận thấy đây là một trao đổi chuyên môn có thể vỡ ra nhiều điều, không chỉ về mặt khoa học mà còn có thể đóng góp ý kiến trong định hướng quản lý ngành, Người Đô Thị giới thiệu bài viết dưới đây của TS Lê Xuân Thuyên với góc tiếp cận: Làm gì để xác định nguy cơ làm chìm ngập các vùng đất trong tương lai dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng?.

    ***

    Vừa qua dư luận xôn xao bởi thông tin được dẫn từ báo cáo của các nhà khoa học từ trung tâm Climate Central công bố trên tạp chí Nature Communications với những tính toán mà qua đó cho thấy, phần lớn những vùng đất thấp ven biển như TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đồng bằng sông Hồng có thể sẽ ngập do nước biển dâng vào năm 2050.

    Có nhiều ý kiến tranh luận là liệu những cảnh báo đó có chính xác không, bởi điều này ảnh hưởng đến đời sống của hàng chục triệu người. Mọi ý kiến thống nhất là ngập sẽ là không tránh khỏi, nhưng quy mô và thời gian diễn biến có thể sẽ khác nhau. Vậy cái gì gây ra những sự khác biệt trong các đánh giá này?

    Có lẽ ta cần xem lại bản chất của sự việc, bởi đơn giản là nguy cơ một nơi bị ngập sẽ do mực nước dâng lên do các (i) biến số toàn cầu liên quan đến mực nước biển và thủy triều dâng lên; và (ii) biến số địa phương liên quan tới dạng địa hình và biến dạng của nó tạo điều kiện dồn tụ nước.

    Diễn biến ngập tại một vùng nào đó sẽ phụ thuộc vào mối quan hệ của hai yếu tố này, và quy mô ngập mỗi lúc, mỗi nơi sẽ không như nhau. Cùng với một tốc độ nước biển dâng, nhưng nền đất bị hạ thấp xuống thì tiến trình ngập sẽ nhanh và ngập sâu, còn ngược lại khi nền nâng lên thì giảm nguy cơ ngập.

    Nguyên nhân làm mực nước biển dâng lên trên phạm vi toàn cầu là do sự ấm dần của khí hậu, mà hoạt động của chúng ta đang đóng góp phần lớn khi làm tăng phát thải gây hiệu ứng nhà kính, làm tan chảy băng vĩnh cửu.

    Trong một công bố khác gần hơn trên tạp chí BioScience tập hợp ý kiến của hơn 11 ngàn nhà khoa học từ 153 quốc gia đã cảnh báo khẩn “biến đổi khí hậu đã đến và đang tăng tốc nhanh hơn nhiều so với ước tính của chúng ta”. Vì thế, tiến trình mực nước biển dâng sẽ rất biến động trong tương lai và luôn cần được theo dõi cập nhật để hiệu chỉnh dự báo cùng với cấp tốc áp dụng các giải pháp giảm thiểu phát thải.

    Với các biến số liên quan đến biến dạng dạng địa hình theo thời gian thì chỉ những đo đạc, theo dõi cụ thể ở khu vực mới là số liệu chính xác nhất, như ý kiến của nhóm tác giả bài báo từ “Climate Central”. Lún nền còn làm dịch chuyển code mốc của các trạm đo mực nước và làm sai lệch số liệu đo.

    Thực tế thì phần lớn TP.HCM và ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng là những vùng đất khá bằng và thấp so với mực nước biển, nền đất mềm yếu dày tới vài chục mét, dễ biến dạng lún nên bề mặt địa hình cũng thay đổi chậm theo thời gian.

    Ảnh hưởng lún đến nguy cơ ngập ở ĐBSCL được các nhà khoa học quốc tế đề cập tới sớm nhất vào 2010 và liên tục cho đến nay. Nhưng chúng ta nhìn nhận tác động của lún thì có muộn hơn, nên các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng do Bộ Tài nguyên và môi trường công bố (2009, 2012) chưa nói tới vấn đề này, mà chỉ đề cập trong kịch bản công bố năm 2016 với lưu ý chưa tính đến ảnh hưởng của lún.

    Các nghiên cứu về lún ở ĐBSCL và TP.HCM cũng chỉ mới được tiến hành trong thời gian khoảng 10 năm gần đây với các khảo sát bằng ảnh vệ tinh và khảo sát lún dưới mặt đất từ các điểm đo.

    Quan trắc lún phải tiến hành với thời gian đủ dài, nhiều năm, vì đây là là biến dạng chậm, để có được bộ dữ liệu tin cậy. Các kết quả đã công bố cho thấy tốc độ lún chìm nền nhanh gấp trên dưới 10 lần so với tốc độ nước biển dâng! Nhưng nhận định này có thể chưa chắc chắn bởi dữ liệu có thời gian quan trắc quá ngắn (dưới 5 năm theo các dự án), mạng đo thưa.

    Công bố của các nhà khoa học thuộc Climate Central là một nghiên cứu hiệu chỉnh cách tính toán bề mặt địa hình từ số liệu viễn thám và đối chiếu với kịch bản nước biển dâng, để tính ra phạm vi ngập lụt cho các đồng bằng trên thế giới có Việt Nam, hay các biến số (i).

    Tranh luận khoa học như vừa qua có lẽ chưa đúng trọng tâm, vì chỉ xoay quanh cách áp dụng trường hợp nước dâng nào và độ chính xác về code địa hình từ quan sát không gian để xác định nguy cơ ngập, hay các biến số (i).

    Nếu tạm chấp nhận sự khác biệt về tốc độ nước dâng ở vùng biển nước ta và tốc độ lún là khoảng 10 lần, thì chúng ta đang tập trung tranh cãi đúng sai liên quan tới nhóm tác nhân chỉ đóng góp 1/10 về trọng số vào nguy cơ ngập. Đáng tiếc là phần còn lại, các biến số (ii) có thể đóng góp tới 9/10 nhưng gây tác động cụ thể tới từng địa phương (cấp huyện xã) thì không bàn luận đến! Vì sao vậy, như đã nêu là vì tất cả đều thiếu dữ liệu đủ tin cậy, chi tiết về lún nền (!).

    Một ví dụ cụ thể dưới đây để thấy người ta đã giải quyết bài toán tính lún nền như thế nào đối với châu thổ sông Mississippi.


    Số liệu đo lún của lưới quan trắc từ hơn 20 năm ở vùng ven biển bang Louisiana và châu thổ sông Mississippi đã giúp các nhà chuyên môn xây dựng sơ đồ phân bố tốc độ lún chi tiết (hình trên), và tiếp theo là nguy cơ ngập theo kịch bản nước biển dâng để giúp chính quyền hoạch định chương trình tổng thể đầu tiên bảo vệ vùng bờ vào năm 2012, các phiên bản mới vẫn định kỳ cập nhật 2 năm/lần.

    Chúng ta cần làm gì?

    Biến đổi khí hậu đã diễn ra từ lâu, nhưng cảnh báo khoa học đầu tiên chỉ xuất hiện vào năm 1975 khi một số nhà khoa học phát hiện ra vấn đề từ những số liệu ghi chép từ hơn 2 thế kỷ trước, khi bắt đầu cách mạng công nghiệp. Điều này cho thấy bề dày dữ liệu có vai trò quan trọng thế nào để phát hiện ra những tiến trình thay đổi chậm nhưng luôn biến động như nhiệt độ, khí thải, mực nước biển...

    Với chúng ta thì thiếu số liệu lún chi tiết, vì thế cần sớm tổ chức mạng quan trắc lún nền và phải là do các cơ quan chuyên môn đảm trách tổ chức thực hiện bài bản với tầm dài hạn, thay vì mong đợi vào kết quả từ từng đề tài, dự án nghiên cứu như lâu nay vốn bị giới hạn về thời gian thực hiện (chỉ 2- 3 năm) và thực hiện theo mục tiêu chính là phát hiện vấn đề khoa học mới.

    Như vậy bản chất nguy cơ ngập do nước biển dâng là khá đơn giản, nhưng để có bức tranh thực tế về nó thì lại không đơn giản, nếu có số liệu thì các nhà chuyên môn của chúng ta đều có thể giải quyết bài toán phức tạp này.

    TS Lê Xuân Thuyên - Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM)

    ______________

    Tài liệu tham khảo:

    Louisiana’s 2012. Coastal Master Plan. http://coastal.la.gov/a-common-vision/2012-coastal-master-plan.

    Scott A. Kulp, Benjamin H. Strauss, 2019. New elevation data triple estimates of global vulnerability to sea-level rise and coastal flooding. Nature communications, doi.org/10.1038/s41467-019-12808-z.

    William J. Ripple, Christopher Wolf, Thomas M. Newsome, Phoebe Barnard, William R. Moomaw, 2019. World Scientists’ Warning of a Climate Emergency. BioScience; DOI: 10.1093/biosci/biz088.

    https://nguoidothi.net.vn/tu-canh-bao-mien-nam-bi-xoa-so-thay-vi-tranh-cai-hay-tim-giai-phap-de-giam-nguy-co-21415.html

    Không có nhận xét nào