Tính chất và mức độ ảnh hưởng của
xung đột về sử dụng nguồn nước sông Mekong khiến người ta ví nó như một
biển Đông thứ hai. Nhưng vấn đề là làm sao giải quyết những tranh chấp
đó?
Một người đánh bắt cá trên sông Mekong đoạn qua huyện Pak Chom, tỉnh Loei, đông bắc Thái Lan |
Cuối
tháng 10 vừa rồi, đập thủy điện đầu tiên ở hạ lưu sông Mekong - đập
Xayaburi 1.285 megawatt - bắt đầu đi vào hoạt động thương mại tại Lào,
giữa lúc dân làng ở Thái Lan biểu tình phản đối.
Người
biểu tình cho rằng đập Xayaburi và nhiều công trình khác đang được thi
công sẽ phá hủy sinh kế của họ trong tương lai, theo Reuters.
Đây
là con đập đầu tiên trong số ít nhất là dự án thủy điện đang được xây
dựng hoặc dự kiến xây dựng ở hạ lưu sông Mekong tại Lào, theo hãng tin
Reuters.
Đập này khởi sự hoạt động vào lúc mà nhiều khu vực trên dòng sông Mekong bị khô nước dù đang ở cuối mùa mưa.
Sự kiện này càng cho thấy tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp việc sử dụng nguồn nước trên sông Mekong.
Nếu
tranh chấp ở Biển Đông là tranh chấp chủ quyền, thì nguồn nước sông
Mekong lại là cuộc đấu tranh về quyền sử dụng nguồn tài nguyên nước
xuyên biên giới.
Lo ngại về sự gia tăng quyền lực của Trung Quốc
Ông
Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu
Stimson tại Washington D.C, Mỹ, và cũng là tác giả cuốn 'The Last Days
of Mighty Mekong' (tạm dịch là Những ngày cuối của dòng Mekong vĩ đại),
nhận xét với BBC News Tiếng Việt rằng:
"Tranh
chấp nước sông Mekong có một số điểm tương đồng với tranh chấp Biển
Đông, nhưng những gì đang xảy ra ở sông Mekong hiện đang làm tổn thương
trực tiếp đến túi tiền và nồi cơm của người dân. Bởi vậy, sông Mekong đã
trở thành vấn đề an ninh kinh tế và lương thực quan trọng với tất cả
các nước hạ nguồn."
Theo
ông Brian, hiện nay, trên sông này, có hơn 100 đập thủy điện đã hoàn
thành và hoạt động trong lưu vực sông Mekong. Trong đó, Lào có 63, Trung
Quốc 11, Thái Lan 9, Việt Nam 16 và Campuchia 2.
"Các
đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong giữ lại một lượng nước
khổng lồ. Trong mùa gió mùa, lượng nước từ các đập của Trung Quốc chỉ
chiếm nhỏ hơn 7% lượng nước trong toàn bộ hệ thống nên không tác động
nhiều.
"Nhưng
trong mùa khô và thời kỳ hạn hán, nước từ các đập thượng nguồn của
Trung Quốc chiếm 40-50% lượng nước trong hệ thống Mekong. Vì vậy, vào
thời gian đó, việc các đập của Trung Quốc vận hành thế nào sẽ ảnh hưởng
rất lớn.
"Trung
Quốc có thể dùng các đập này để giảm hạn hán ở hạ lưu nếu họ muốn. Theo
nghĩa này, Trung Quốc có một mức độ quyền lực nhất định với các quốc
gia hạ nguồn. Vì vậy, các nước ở hạ nguồn cần thỏa thuận với Trung Quốc
trong điều tiết các đập nhằm bảo đảm lượng nước tối thiểu trong mùa khô
và trong thời kỳ hạn hán.
"Điều
không may là, Trung Quốc đã không dễ dàng đồng ý làm vậy và trên thực
tế, không quốc gia nào ở hạ lưu sông Mekong có những thỏa thuận như
vậy," ông Brian nói.
Giải cứu sông Mekong cách nào
Trong
cuộc tranh chấp nguồn nước Mekong, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, Việt
Nam ở thế yếu hơn so với các nước khác do nằm ở cuối nguồn.
Nhưng
cũng chính vì thế mà Việt Nam càng cần sử dụng các cơ chế hợp tác khu
vực và các cơ sở pháp lý quốc tế liên quan, như Công ước về nước của
Liên hợp quốc, Hiệp định Mekong… để đàm phán và bảo vệ quyền lợi của
mình.
Cơ
chế hợp tác quốc tế có giá trị pháp lý duy nhất hiện nay cho việc quản
lý và sử dụng nguồn nước ở hạ lưu sông Me Kong là thông qua Ủy hội sông
Mekong Quốc tế.
Ông
Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc tổ chức PanNature, phân tích với BBC News
Tiếng Việt:"Dù về mặt chính thức các quốc gia thành viên Ủy hội sông
Mekong Quốc tế vẫn tuyên bố tinh thần hợp tác để quản lý và sử dụng bền
vững nguồn nước chung. Nhưng thực tế cho thấy, các quốc gia thượng nguồn
vẫn chủ trương tối đa hóa lợi ích về mình."
Còn
ông Brian thì cho rằng, các quốc gia hạ nguồn cần hợp tác với nhau để
xây dựng thỏa thuận với Trung Quốc nhằm bảo đảm có được lượng nước tối
thiểu trong mùa khô và trong thời kỳ hạn hán. Theo ông, Cơ chế hợp tác
Lancang - Mekong mà Trung Quốc đề xướng gần đây đã nói về việc sử dụng
các con đập để giảm hạn hán. Bởi vậy, đây có lẽ là thời điểm tốt để thúc
đẩy thương thảo cho một thỏa thuận như vậy.
Tuy
nhiên, ông Brian cũng nhìn nhận rằng, các nước ở hạ nguồn cần tận dụng
sức mạnh của Ủy hội sông Mekong Quốc tế để kêu gọi sự phối hợp, thay vì
cho phép Cơ chế Hợp tác Lancang - Mekong vì cơ chế này sẽ đem tới cho
Trung Quốc quá nhiều quyền lực đối với thượng nguồn.
Trong khi đó, cũng theo ông Brian, ASEAN thực sự chưa bao giờ quan tâm đến các vấn đề của Mekong.
Việt Nam có thể làm gì?
Mất
quyền chủ động sử dụng nguồn nước Mekong sẽ có ảnh hưởng dài hạn lên
kinh tế - xã hội của Việt Nam. Hậu quả có thể không xảy ra ngay lập tức,
nhưng theo như các nghiên cứu ở quy mô lưu vực, nhiều tác động là lâu
dài và không thể đảo ngược.
Theo
ông Trịnh Lê Nguyên, với viễn cảnh toàn bộ 11 đập dòng chính phía hạ
lưu có khả năng sẽ được xây dựng, Việt Nam sẽ phải thay đổi toàn bộ định
hướng phát triển đồng bằng sông Cửu Long để thích ứng.
"Ở
vị thế quốc gia cuối nguồn, trong trường hợp này, Việt Nam không có
nhiều lựa chọn. Đồng bằng sông Cửu Long chắc chắn sẽ thay đổi, sẽ rất
khác so với khi con sông Mekong còn duy trì được dòng chảy tự nhiên
tương đối," ông Nguyên nói.
Khi
con đập đầu tiên ở phía hạ lưu là Xayaburi được xây dựng, phía Việt Nam
đã liên tục nêu các quan ngại về tác động của các công trình sử dụng
nước dòng chính lên phía cuối nguồn, đe dọa sự bền vững của cả khu vực
Đồng bằng Sông Cửu Long.
Liên
minh Cứu sông Mekong (Save the Mekong Coalition - SMC) cũng như Mạng
lưới Sông ngòi Việt Nam đã có thông cáo phản hồi về việc Chính phủ Lào
đệ trình đề xuất đập Luang Prabang lên Ủy hội sông Mekong quốc tế.
Dự
án này do một liên danh ba bên, gồm PV Power, chính phủ Lào và một nhà
đầu tư của Thái Lan thực hiện. Trong đó, PV Power - công ty con của Tập
đoàn Dầu khí Việt Nam - đứng vai trò chính, theo ông Trịnh Lê Nguyên.
Ông
Nguyên nhận định rằng việc một doanh nghiệp Việt Nam tham gia xây dựng
con đập thứ năm trên dòng chính sông Me Kong ở phía hạ lưu có nguy cơ
làm yếu tiếng nói của Chính phủ Việt Nam trong các đàm phán về quản lý
và sử dụng nguồn nước con sông quốc tế này.
"Tập
đoàn Dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, nếu PV Power
vẫn tiếp tục triển khai dự án này có thể được các bên hiểu là phía Việt
Nam đã chính thức tham dự vào xây đập thủy điện dòng chính. Điều đó đồng
nghĩa với việc các dự án tiếp theo trong chuỗi đập trong kế hoạch sẽ
được xây dựng mà không còn vấp phải nhiều phản đối," ông Nguyên nói.
Ông Brian cũng chung nhận định khi cho rằng, làm điều đó chẳng khác nào Việt Nam tự bắn vào chân mình.
Ông
nói: "Việc một công ty Việt Nam tìm cách xây dựng đập Luang Prabang
trên dòng chính sông Me Kong ở Lào, theo tôi, Việt Nam đang phạm sai lầm
lớn. Họ tự bắn vào chân mình bằng một kế hoạch có thể làm hỏng một số
kế hoạch cứu đồng bằng châu thổ sông Me Kong mà Hà Nội tìm cách thực
hiện trong năm tới."
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, ông cho rằng, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với Lào.
"Tôi
nghĩ, Việt Nam nên tham gia vào cùng với Lào để mua thêm năng lượng và
giúp họ trong quá trình trở thành "Năng lượng của Đông Nam Á." Điều này
nghe hơi trái, nhưng không có nghĩa là Việt Nam mua điện từ các dự án
thủy điện lớn ở Lào.
"Thay
vào đó, Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành năng lượng
tái tạo với Lào. Việt Nam cũng có thể đầu tư vào các đập được bố trí ở
các khu vực của sông Mekong ít ảnh hưởng hơn so với các đập chính. Chẳng
hạn, xây dựng một con đập trên một nhánh sông phía trên một con đập
hiện có sẽ ít ảnh hưởng đến hạ lưu."
Còn
ông Phạm Phan Long, Chủ tịch tổ chức phi chính phủ Viet Ecology
Foundation, ở Hoa Kỳ, nói với BBC News Tiếng Việt rằng, các nước Mekong
cần sớm có một cuộc cách mạng về chính sách năng lượng.
"Tôi
đã thấy tiềm năng năng lượng mặt trời của ba nước đủ cho họ tự giải
thoát khỏi lời nguyền thủy điện Mekong và gọng kềm Trung Quốc.
"Lào
có thể hủy bỏ cả ba dự án thủy điện Pak Lay-Pak Beng-Luang Prabang thay
bằng dự án năng lượng mặt trời nổi ngay trên hồ Nam Ngum. Campuchia có
thể bỏ hai dự án Sambor Stung Treng và có thể bỏ các dự án nhiên liệu
hóa thạch khác nếu thay chúng bằng dự án năng lượng mặt trời trên hồ
Tonle Sap.
"Và
Việt Nam cũng có thể bỏ các nhà máy điện than trong quy hoạch trên Đồng
bằng sông Cửu Long thay bằng dư án tương tự trên hồ Trị An," ông Long
nói.
Lê Viết Thọ
(BBC)
Không có nhận xét nào