Ông Phạm Chí Dũng, nhân vật bất đồng
chính kiến nổi tiếng tại Việt Nam, bị bắt với tội danh đại khái là tuyên
truyền chống chế độ. Đây là lần thứ hai ông bị bắt. Lần đầu vào năm
2012, với tội danh còn nặng nề hơn: Âm mưu lật đổ chính quyền.
Ông Phạm Chí Dũng trong một lần xuống đường biểu tình. Photo Courtesy |
Ông
Dũng là con trai của một nhân vật ít được nghe nói đến, nhưng có thực
quyền tại Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, là ông Phạm Văn Hùng, từng giữ
chức Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, một cơ quan có thể có quyền sinh quyền
sát trong tay nếu muốn, như trường hợp ông Lê Đức Thọ, từng đứng đầu
một cơ quan tương tự, ở bậc cao chót vót, Ban tổ chức Trung ương Đảng
Cộng sản.
Ông Phạm Chí Dũng đã làm gì để đến nỗi bị bắt vào bắt như vậy?
Ông
viết, nhận định, và đưa quan điểm. Những nhận định của ông, về những gì
đang xảy ra hoặc sắp xảy ra, đôi khi sai, nhưng quan điểm thì không thể
là đúng hay là sai, vì nó là quan điểm.
Quan
điểm của ông Phạm Chí Dũng là nước Việt Nam cần phải có sự cạnh tranh
chính trị giữa các đảng phái, các quyền lực lập pháp, tư pháp, và hành
pháp phải độc lập với nhau. Và đây là một mô hình nhà nước pháp quyền
kiểu phương Tây mà Đảng Cộng sản Việt Nam lúc nào cũng từ chối.
Người
cộng sản rất sợ những tổ chức mà họ không kiểm soát được, chẳng hạn như
Hội Anh em Dân chủ đã bị giải tán, chứ nếu chỉ có một mình, viết lách
như ông Dũng, chỉ trích trên mạng thì họ cũng chỉ để ý vậy thôi.
Ông
Dũng viết lách như thế đã lâu, vẫn đang viết lách, thế tại sao bây giờ
ông lại bị bắt? Câu hỏi này làm dấy lên những đồn đoán kiểu thuyết âm
mưu, nào là phe này, phe nọ, nào là thân Tàu, thân Mỹ,…
Câu
trả lời của tôi rất đơn giản: Tại một xứ không có luật pháp, thì chúng
ta đừng hỏi tại sao một hành động bắt bớ lại diễn ra. Có thể là vị đứng
đầu đảng nào đó cảm thấy bực mình, có thể là viên chức chỉ huy công an ở
thành Hồ đột nhiên muốn làm cái gì đó vì buồn chuyện vợ con,… Hàng trăm
lý do chẳng đâu vào đâu có thể là nguyên nhân.
Điều
làm tôi nghĩ đến nhiều khi nghe tin ông Dũng bị bắt, là câu nói của một
nhà cách mạng người Pháp, thời Cách mạng Pháp 1789: Cách mạng ăn thịt
những đứa con của mình (La révolution dévore ses propre enfants).
Ông
Dũng từng là đảng viên cộng sản, từng làm việc trong ngành an ninh, ông
là một trong những đứa con thế hệ thứ hai của cuộc cách mạng này. Đồng
trang lứa với ông, có những đứa con cách mạng khác: Ông Lê Công Định,
ông Nguyễn Tiến Trung, ông Nguyễn Văn Hải,… Họ đều bị bắt bớ, tù đày bởi
chính “đảng cách mạng” của cha mẹ họ, hay của chính họ.
Mà
không chỉ những đứa con thế hệ hai, thế hệ đầu tiên cũng bị ăn tươi
nuốt sống: Nguyễn Hộ, Nguyễn Hà Phan, Trần Xuân Bách, Kim Ngọc,… ấy là
chưa kể đến mức độ chỉ thất sủng thôi như Võ Nguyên Giáp, hay bỏ chạy
đúng lúc như Hoàng Văn Hoan, Bùi Tín, Nguyễn Minh Cần,…
Người
nói câu cách mạng ăn thịt con mình là ông Pierre Victurnien Vergniaud,
cũng là một nhà cách mạng và cũng chết thảm khốc bởi cuộc cách mạng do
chính ông góp phần dấy lên. Cuộc cách mạng Pháp ấy sau khi thành công là
lật đổ được nhà vua, thành lập nền cộng hòa, thì quay ra đánh nhau vì
những quan điểm khác nhau về nền cộng hòa ấy.
Cuối cùng máu của Cách mạng Pháp cũng ngưng đổ, đất nước đạt được một sự cân bằng khi thiết lập một xã hội mở cho đến nay.
Các cuộc “cách mạng” cộng sản thì không thế.
Chúng
ta chứng kiến những cuộc thanh trừng của Cách mạng Nga, kéo dài cho đến
tận thời kỳ trước Perestroika. Nước Tàu cũng không yên từ cách mạng văn
hóa cho đến cuộc thư hùng Tập Cận Bình – Bạc Hy Lai. Nước Việt Nam cộng
sản cũng đầy xáo trộn không chỉ với “bọn xét lại” trong những năm 1960,
mà mới đây thôi cuộc phân tranh quyền lực Trọng – Dũng vẫn chưa có hồi
kết thúc.
Việc
“cách mạng” cộng sản ăn thịt những đứa con của nó, con chính thống hay
không chính thống, sẽ vẫn kéo dài cho tới khi không còn cộng sản nữa, vì
bản chất của cộng sản không phải là cách mạng, mà là phản cách mạng,
với điểm cốt lõi là sự độc quyền cai trị của đảng. Độc quyền thì ắt có
tranh quyền, mà tranh quyền không công khai, không theo một luật chơi
hiến định nào cả.
Nếu
như cuộc Cách mạng Pháp đã ngưng đổ máu sau khi mọi người đồng ý với
nhau về một sự cân bằng, trái lại sự tranh quyền cộng sản sẽ không bao
giờ ngừng nghỉ.
Cách
mạng cộng sản Á Đông còn pha trộn thêm màu sắc quân chủ phương Đông rất
sắc máu, vua sau quật mồ vua trước là chuyện thường tình.
Khi
đi đến đây chúng ta phải trở lại những người như Phạm Chí Dũng, Lê Công
Định, Lê Thăng Long… Vì nếu không ta dễ gây hiểu lầm họ là một phần của
guồng máy tranh đoạt quyền lực cộng sản kể trên. Không, họ giống với
những nhân vật có những quan điểm cách mạng khác nhau trong cuộc Cách
mạng Pháp hơn, và thế là họ bị trừng trị.
Sự
thành công của họ sẽ là dấu chấm cho cái gọi là cách mạng cộng sản, mà
đúng ra là một cuộc phản cách mạng, thoát thai từ những hoàn cảnh cực
đoan, bởi những con người cực đoan.
Jackhammer Nguyễn
(Tiếng Dân)
Không có nhận xét nào