Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ sáu 22 tháng 11 năm 2019

    Chuyên gia: Ông Trump "chắc chắn sẽ kí dự luật Hong Kong" giữa thời điểm nhạy cảm của thương chiến

    Cả Trung Quốc và nội bộ nước Mỹ hiện đều đang rất trông chờ vào động thái của ông Trump trong việc kí kết dự luật liên quan tới Hong Kong.


    SCMP dẫn lời các nguồn tin và các nhà quan sát ngoại giao nhận định, Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong sẽ trở thành một trong những chướng ngại vật lớn đối với thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung. Hơn ai hết, Bắc Kinh hiện đang theo dõi rất sát sao diễn biến của cả hai sự kiện.

    Mặc dù tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ít có khả năng phủ quyết dự luật Hong Kong - hiện đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ lưỡng đảng - nhưng việc ông Trump kí lệnh thông qua chắc chắn sẽ làm chính phủ Trung Quốc thêm tức giận.

    Một nguồn tin liên quan tới đối thoại thương mại cho biết: "Vấn đề Hong Kong có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới tiến trình đối thoại thương mại. Trung Quốc sẽ phản ứng nếu ông Trump thông qua dự luật".

    Các nhà đàm phán hai bên vẫn chưa xác định một ngày cụ thể để tổng thống Mỹ và chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình kí thỏa thuận tạm thời sau khi kế hoạch họp mặt tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Chile bị hủy bỏ.

    Sự trì hoãn này đã gây ra hàng loạt các vấn đề, từ cắt giảm thuế quan cho tới bảo vệ tài sản trí tuệ.

    Hiện tại, đội ngũ thỏa thuận của hai nước vẫn giữ liên lạc, nhưng Hong Kong đã trở thành vấn đề căng thẳng mới sau khi cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua dự luật liên quan tới thành phố này. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gọi việc kí kết thỏa thuận là sự can thiệp của Mỹ vào vấn đề nội bộ Trung Quốc và đã làm tổn hại tới sự tín nhiệm giữa hai nước.

    "Mối quan hệ Mỹ - Trung đang đứng trước ngã ba đường quan trọng," ông Vương nói trong cuộc gặp với William Cohen, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tại Bắc Kinh vào ngày 21/11.

    Tổng thống Trump muốn phiên tòa luận tội tiến hành tại Thượng Viện Mỹ

    Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump muốn một phiên tòa luận tội được tiến hành tại Thượng viện Hoa Kỳ, và ông hy vọng ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden sẽ là một trong những nhân chứng, một phát ngôn viên của Nhà Trắng cho biết trong hôm thứ Năm (21/11).

    “Tổng thống Trump muốn một phiên tòa tại Thượng Viện bởi vì cơ quan này rõ ràng là nơi duy nhất mà ông có thể mong đợi nhận được sự công bằng và đầy đủ thủ tục tố tụng theo Hiến pháp”, người phát ngôn Hogan Gidley nói trong một tuyên bố.

    HONGKONGERS – HEROES OF THE YEAR!



    Một số tờ báo lớn bắt đầu lấy ý kiến thăm dò độc giả để chọn nhân vật trong năm theo thông lệ. Chưa gương mặt nào được công bố, nhưng ai, ngoài người Hong Kong, xứng đáng hơn để được chọn đứng đầu trong danh sách bình chọn này. Vượt qua mọi nguyên thủ, mọi nhân vật chính trị sừng sỏ và mọi lãnh đạo của bất kỳ tổ chức quốc tế nào, “Hương Cảng Nhân” đã làm chấn động thế giới bằng tinh thần phản kháng chống lại một thế lực độc tài hung hăn nhất nhì hành tinh mà sự tuân phục trong khiếp sợ trước nó đang xảy ra không chỉ đối với các tổ chức quốc tế, các tập đoàn khổng lồ mà cả với không ít quốc gia.

    Khi đến Bắc Kinh vào tháng 6-2019, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã hết lời ca ngợi “con đường tơ lụa” mới nối châu Á với châu Âu. Dù luôn cổ xúy những giá trị Hồi giáo ở một quốc gia theo đạo Hồi như Thổ Nhĩ Kỳ nhưng Erdogan đã im tịt trước chính sách tàn bạo của Trung Quốc đối với cộng đồng Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Năm 2018, Trung Quốc đã đồng ý cho Thổ vay 3,6 tỷ USD trong các dự án năng lượng và giao thông. Tháng 3-2019, trong một hội nghị hai ngày, Tổ chức hợp tác Hồi giáo (gồm 57 quốc gia Hồi giáo) thậm chí ra một nghị quyết với nội dung ca ngợi Trung Quốc “quan tâm chăm sóc các công dân theo đạo Hồi của mình” (New York Times 8-4-2019)…

    Sự trỗi dậy Trung Quốc đã kéo theo sự “nổi trội” của một “xu hướng thời đại”: tâm lý chấp nhận cúi đầu trước Bắc Kinh chỉ để được Trung Quốc viện trợ hoặc để được tiếp cận vào thị trường Trung Quốc. Khó có thể kể đầy đủ các sự kiện liên quan những quốc gia thỏa hiệp im lặng hoặc buộc phải nói những gì Bắc Kinh muốn họ nói dưới ảnh hưởng ngọn roi Trung Quốc khi Bắc Kinh triển khai chính sách ngoại giao mang “đặc tính Trung Quốc”. Từ châu Á đến châu Phi, đâu đâu cũng thấy ảnh hưởng ngọn roi này. Họ “nhai lại” theo Trung Quốc những gì Bắc Kinh muốn họ phát biểu, từ vấn đề chủ quyền biển Đông đến chính sách đối với Hong Kong và Đài Loan…


    Sự kiện Hong Kong làm lộ rõ hơn bao giờ hết thái độ “cúi đầu” như vậy. Tháng 8-2019, bốn hãng kiểm toán lớn nhất thế giới – PwC, Deloitte, KPMG và Ernst & Young – đã đồng loạt ra tuyên bố không liên quan đến cuộc biểu tình Hong Kong. Danh sách các tập đoàn khổng lồ “xin lỗi” Trung Quốc khi “gây hiểu lầm” về vấn đề liên quan chính sách đối với Hong Kong, Đài Loan và Tây Tạng nối tiếp nhau dài bất tận, từ Marriott, Delta Airlines, Zara, Gap, McDonald’s, Swarovski, Versace, Coach, Givenchy, Nike, Mercedes, Dolce & Gabbana, Ray-Ban, đến Tiffany & Co… Disney/ESPN thậm chí ra một bản ghi nhớ nội bộ nghiêm cấm nhân viên đề cập các vấn đề chính trị Trung Quốc…


    Thị trưởng Cộng hòa Séc chấm dứt mối quan hệ kết nghĩa với Bắc Kinh

    Theo trang tin Nikkei, sự chia rẽ chính trị tại Cộng hoà Séc (Czech) ngày càng thêm sâu sắc cũng do mối quan hệ với Trung Quốc. Đầu tháng này, trường Đại học Charles ở Prague, một trong những trường đại học lâu đời nhất ở châu Âu, buộc phải đóng cửa Trung tâm Séc – Trung Quốc, sau khi nhân viên ở đây không tiết lộ các khoản thanh toán đến từ đại sứ quán Trung Quốc. Vụ việc xảy ra sau một loạt các cuộc cãi vã chính trị giữa các đảng phái ở quốc gia trung Âu.

    Cũng trong tháng 10, Thị trưởng Prague Zdenek Hrib, một thành viên của đảng Hải tặc (Pirate Party) non trẻ đã chấm dứt mối quan hệ thành phố kết nghĩa chị em với Bắc Kinh – sau khi chính phủ Trung Quốc từ chối loại bỏ yêu cầu cam kết chính sách “Một Trung Quốc” nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc với Đài Loan – trong một thoả thuận với Prague.

    Ông Zdenek Hrib đã đề nghị kết nghĩa thành phố chị em với Đài Bắc.

    Cập nhật cuộc vây hãm của cảnh sát tại trường Đại học Hồng Kông

    Hãng Reuters thông tin, có ít nhất 8 người biểu tình trước đó cầm cự trong Đại học Hồng Kông đã giao nộp mình vào thứ Sáu (22/11), trong khi những người khác tìm kiếm lối thoát khỏi vòng vây của cảnh sát bao quanh khuôn viên trường. Cuộc bao vây tại Đại học Bách Khoa (PolyU) trên bán đảo Cửu Long dường như đã gần kết thúc với số lượng người biểu tình giảm xuống còn vài chục người, vài ngày sau một vụ bạo lực tồi tệ nhất kể từ khi phong trào phản kháng bắt đầu vào tháng Sáu.

    Cảnh sát trưởng mới của Hồng Kông, Chris Tang, người mới nhậm chức trong tuần kêu gọi những người còn lại bên trong ra ngoài, và nói rằng ông muốn có một giải pháp hòa bình. Cũng theo Reuters, hầu hết những người còn lại nói rằng họ muốn tránh bị bắt với các cáo buộc khác nhau, vì vậy họ hy vọng tìm cách trốn khỏi cảnh sát.

    Bầu cử Mỹ 2020: Thêm một tỷ phú nộp hồ sơ tranh cử tổng thống

    Tỷ phú Michael Bloomberg, 77 tuổi, hôm thứ Năm (21/11) đã nộp hồ sơ với Ủy ban bầu cử Liên bang để tranh cử tổng thống Hoa Kỳ với tư cách là một đại diện của đảng Dân chủ, dấu hiệu mới nhất của việc cựu Thị trưởng Thành phố New York gia nhập vào một cuộc cạnh tranh cho vị trí ứng viên đề cử của đảng này vốn đã đông đúc các ứng viên, theo Reuters.

    Việc nộp đơn cho phép ông Bloomberg gây quỹ trong cuộc vận động vào Nhà Trắng, nhưng một phụ tá của ông trong hôm thứ Năm cho biết chưa có quyết định cuối rằng ông có làm vậy hay không.

    Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất nỗ lực phát triển vũ khí giảm phụ thuộc đồng minh

    Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang nỗ lực phát triển khí giới quân sự công nghệ cao giúp họ kiểm soát các khả năng phòng thủ quan trọng và giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu thuộc lĩnh vực này.

    Theo Reuters, do cảnh giác với các mối đe doạ từ đối thủ Iran và lo ngại về các động thái của một số đồng minh nhằm duy trì doanh số bán vũ khí, UAE đang tái định hình một ngành công nghiệp quân sự đã được coi là tối tân nhất trong khu vực.

    Các công ty quốc phòng thuộc nhà nước đã được quy tụ và thành lập EDGE, một tập đoàn trị giá 5 tỷ đô la để phát triển vũ khí tiên tiến cho quân đội của đất nước.



    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào