Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ hai 18 tháng 11 năm 2019

    Các chính trị gia Anh kêu gọi Đặc khu trưởng Carrie Lam ra lệnh cho cảnh sát Hồng Kông kiềm chế

    Các chính trị gia và cựu Bộ trưởng Ngoại giao nước Anh hôm Chủ nhật (17/11) kêu gọi Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) ra lệnh cho lực lượng cảnh sát thể hiện sự kiềm chế với người biểu tình trong cuộc đụng độ ở trường Đại học Bách Khoa Hồng Kông (PolyU), theo Hong Kong Watch.

    Cựu Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow phát biểu: “Tôi đã được gặp một số nhà hoạt động dân chủ rất dũng cảm, khác biệt từ nhiều thế hệ ở Hồng Kông và được truyền cảm hứng bởi lòng can đảm và phẩm giá của họ. Sự xói mòn các quyền tự do ở Hồng Kông những năm gần đây đã vượt khỏi tầm kiểm soát trong vài tháng qua”.

    Ông nói: “Tôi kêu gọi bà Carrie Lam thực hiện nghĩa vụ bảo vệ cuộc sống của công dân Hồng Kông, đặc biệt là những người trẻ tuổi và không để họ mất mạng … Tôi tin rằng người Hồng Kông có quyền sống tự do với phẩm giá, nhân quyền cơ bản mà không phải sợ hãi, vì những lý do đó, tôi thúc giục chính quyền Hồng Kông ra lệnh cho cảnh sát kiềm chế với người biểu tình”.

    Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Anh Sir Malcolm Rifkind bày tỏ, Trưởng đặc khu Hồng Kông có trách nhiệm ngăn chặn một vụ thảm sát, ra lệnh cho các sĩ quan không được phép dùng đạn dược hay các hình thức có thể khiến người biểu tình thiệt mạng. “Một cuộc tắm máu trong khuôn viên Hồng Kông sẽ phá hủy toàn bộ Hồng Kông”, ông Malcolm Rifkind nhấn mạnh.

    Nam tước Natalie Bennett, Chủ tịch của Westminster Friends of Hong Kong phát biểu: “Trưởng đặc khu phải kiểm soát lực lượng uy hiếp tính mạng con người, họ đang nhắm vào những người biểu tình tìm kiếm quyền dân chủ và quyền tự quyết mà họ được hưởng theo Tuyên bố chung. Trách nhiệm của Carrie Lam là làm giảm sự căng thẳng của đặc khu … Chính phủ Anh sử dụng tất cả các nguồn thông tin để tìm kiếm kết quả đó”.

    Nam tước Lord Alton cũng kêu gọi chính quyền Hồng Kông kiềm chế, ngăn chặn thảm kịch và tìm cách giải quyết mà không dùng bạo lực.

    Cựu Cảnh sát trưởng thủ đô Luân Đôn Lord Hogan Howe, cho biết, việc cảnh sát ở Hồng Kông được trang bị đạn dược là đáng báo động. “Tôi kêu gọi cảnh sát không sử dụng vũ lực gây chết người vì nó chỉ có thể làm cho tình hình tồi tệ hơn”, ông nói.

    Hồng Kông: Trường Đại học Bách Khoa vẫn đang bị bao vây, cảnh sát bắt giữ hơn 50 người tại Tsim Sha Tsui

    Cảnh sát ở Hồng Kông đã bắt giữ hơn 50 người gần Bảo tàng Khoa học tại Tsim Sha Tsui, khi những người biểu tình vẫn đang bị bao vây trong trường Đại học Bách khoa (PolyU) gần đó.

    Trang tin Hong Kong Free Press mô tả, họ bị trói hai tay ra đằng sau và túi xách để phía trước mỗi người trên vỉa hè ngoài Tòa nhà New Mandarin vào khoảng 10 giờ sáng ngày thứ Hai (18/11). Trong số đó có những người trung niên và không mặc đồ màu đen – màu trang phục mà người biểu tình thường mặc. Truyền thông địa phương đưa tin, những người dân này bị bắt vì bị buộc tội tụ tập không được phép, và họ đã bị chuyển lên một chiếc xe buýt du lịch.


    Khu vực này đã bị bao vây kể từ hôm Chủ nhật (17/11), khi cảnh sát bao vây khuôn viên Đại học Bách Khoa Hồng Kông (PolyU) ở Hung Hom nơi người biểu tình đã bám trụ từ một tuần nay. Uỷ viên hội đồng quận của Đảng Dân chủ Lo Kin-hei cũng bị bắt vào sáng thứ Hai, gần khuôn viên trường đại học.

    Ấn Độ và Mỹ tập trận Tiger Triumph tại phía đông Vịnh Bengal


    Ấn Độ và Mỹ đang tổ chức một cuộc tập trận chung kéo dài 9 ngày, các nhà phân tích nói rằng đây là hoạt động rất quan trọng bảo vệ lợi ích chung của hai nước trong khu vực chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương – nơi mà Trung Quốc đang gia tăng hiện diện.

    Theo Reuters, cuộc tập trận “Tiger Triumph” lần đầu tiên có sự tham gia của cả 3 nhánh quân sự của Ấn Độ, bao gồm quân đội, hải quân và không quân, cùng tham gia với Hải quân Hoa Kỳ. Cuộc tập trận tập trung vào hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và phát triển hợp tác giữa các lực lượng.

    Cuộc tập trận dọc theo bờ biển phía đông của Vịnh Bengal bắt đầu vào ngày 13/11 và xuyên suốt cho đến ngày 21/11.

    Kim Jong Un giám sát tập trận trên không trong khi Mỹ – Hàn hoãn tập trận chung

    Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đưa tin hôm thứ Hai (18/11), lãnh đạo Kim Jong Un đã giám sát cuộc tập trận không quân lần thứ hai trong 3 ngày, ngay cả khi Mỹ và Hàn Quốc quyết định hoãn cuộc tập trận không quân chung để dễ dàng đàm phán phi hạt nhân hoá với Triều Tiên. KCNA cho biết, ông Kim giám sát một cuộc huấn luyện đổ bộ trên không của các đơn vị bắn tỉa của Lực lượng Không quân và Phòng không của quân đội Triều Tiên.

    Mỹ và Hàn Quốc hôm Chủ nhật cho biết, họ sẽ hoãn các cuộc tập trận quân sự sắp tới gọi là Sự kiện Huấn luyện bay kết hợp, nhằm thúc đẩy đàm phán hoà bình với Triều Tiên. Washington phủ nhận động thái này dẫn đến một nhượng bộ khác với Bình Nhưỡng. Các cuộc tập trận theo kế hoạch đã thu nhỏ quy mô so với những năm trước mô phỏng các kịch bản chiến đấu trên không và cả số lượng máy bay chiến đấu tham gia thử nghiệm từ cả hai phía Mỹ – Hàn.

    Điện Kremlin xác nhận ông Putin tham gia hội nghị thúc đẩy hòa bình Ukraine tại Paris

    Điện Kremlin trong hôm thứ Hai (18/11) xác nhận rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh quốc tế 4 bên tại Paris vào ngày 9/12, nhằm thúc đẩy hòa bình cho cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, theo Reuters.

    Trước đó, Tổng thống Pháp Macron hôm thứ Sáu (15/11) cho biết, các lãnh đạo của Pháp, Đức, Nga và Ukraine sẽ tham gia hội nghị.

    Phát ngôn viên của điện Kremlin, Dmitry Peskov nói với các phóng viên trong hôm thứ Hai rằng ông Putin sẽ tham dự, nhưng từ chối nói về những kỳ vọng của Moscow đối với sự kiện này.

    Tàu sân bay của Trung Quốc đang trên đường tới Biển Đông


    Vào ngày 18/11, Hải quân Trung Quốc cho biết tàu sân bay đầu tiên do nước này chế tạo đang trên đường tới Biển Đông để thử nghiệm và tham gia tập trận.

    Theo Reuters, vào ngày 17/11, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, một nhóm tàu sân bay được dẫn đầu bởi tàu sân bay đầu tiên do Bắc Kinh chế tạo đã đi qua eo biển nhạy cảm của Đài Loan, trong khi các tàu của Mỹ và Nhật Bản bám đuôi nó.

    Đài Loan cho biết Bắc Kinh đang cố gắng đe dọa hòn đảo này trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 1/2020.


    Trong một tuyên bố, Hải quân Trung Quốc cho biết tàu sân bay đã đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 17/11 trên hành trình tới Biển Đông là để cho “các bài kiểm tra khoa học và diễn tập thường xuyên”.

    Tuyên bố của Hải quân Trung Quốc nhấn mạnh các hoạt động thử nghiệm khoa học và tham gia tập trận của tàu sân bay Trung Quốc ở khu vực này là hoàn toàn bình thường trong quá trình chế tạo tàu sân bay. Ngoài ra, chúng “không nhằm vào bất kỳ mục tiêu cụ thể nào cũng như không liên quan đến tình hình hiện tại”.

    Tuyên bố của Hải quân Trung Quốc cũng không đề cập đến việc tàu sân bay của họ bị tàu Mỹ và Nhật Bản bám đuôi, mà Bộ Quốc phòng Đài Loan đã đề cập đến trong tuyên bố của mình.

    Chính phủ Trung Quốc cho biết thiết kế mới của tàu rút kinh nghiệm từ tàu sân bay đầu tiên của họ có tên là Tàu Liêu Ninh, được mua lại từ Ukraine vào năm 1998 và được trang bị lại ở Trung Quốc. Chương trình tàu sân bay Trung Quốc rất ít được biết đến, đây là một bí mật quốc gia.

    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào