Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 26 tháng 11 năm 2019

    Viện chiến lược Úc cảnh báo nguy cơ hợp tác với hơn 100 trường đại học Trung Quốc
    Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) vào cuối ngày thứ Hai (25/11) đã công bố một báo cáo, trong đó nói rằng, nên cấm các trường đại học Úc hợp tác với hơn 100 trường ở Trung Quốc vì các tổ chức giáo dục này có quan hệ chặt chẽ với quân đội Bắc Kinh.

    Hãng Reuters thông tin, hồi đầu tháng này, các trường đại học Úc đã cam kết sẽ lưu tâm tới bất kỳ các mối quan hệ quân sự nào khi họ tham gia các dự án nghiên cứu chung với các trường của Trung Quốc – động thái này là một phần trong nỗ lực của Canberra nhằm hạn chế sự can thiệp của nước ngoài.

    Báo cáo của ASPI cho biết, 115 trường đại học Trung Quốc bị cáo buộc liên kết với các trung tâm nghiên cứu quân sự, hoặc có liên quan tới vi phạm nhân quyền, vì vậy chính phủ Úc nên ngăn chặn các trường đại học Úc hợp tác với các trường đại học Trung Quốc.

    “Ngày càng có nhiều rủi ro rằng, việc hợp tác với các trường đại học Trung Quốc có thể bị tác động bởi quân đội Trung Quốc hoặc các cơ quan an ninh vì mục đích quân sự, vi phạm nhân quyền hoặc giám sát”, Alex Joske, nhà phân tích tại ASPI, cho biết.

    Theo Reuters, du học sinh nước ngoài hiện đang đóng góp cho nền kinh tế nước Úc 35 tỷ đô la Úc (24 tỷ đô la) mỗi năm. Sinh viên Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 con số đó và Úc lo rằng Trung Quốc có thể sử dụng điều này để gây ảnh hưởng đối với các trường đại học Úc. Bắc Kinh từ trước đã phủ nhận bất kỳ hoạt động mờ ám nào, và cáo buộc Úc dung dưỡng một tâm lý “chiến tranh Lạnh”.

    Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đã gặp nhiều căng thẳng vì Úc lo ngại các hoạt động của Bắc Kinh cả trong nước và khắp khu vực Thái Bình Dương.

    Căng thẳng giữa hai nước tiếp tục đẩy lên cao sau khi một bản tin của Reuters ngày 25/11 nói rằng, Cơ quan Tình báo An ninh Úc (ASIO) xác định Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về một cuộc tấn công mạng nhắm vào nghị trường Úc và 3 đảng chính trị lớn nhất nước này trước cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5. Thông tin về cuộc điều tra được đưa ra trong bối cảnh một người tự nhận là “điệp viên” của Trung Quốc đã đào tẩu sang Úc, cáo buộc Bắc Kinh tiến hành các hoạt động can thiệp chính trị vào các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Úc. Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc, khẳng định người tự xưng là “điệp viên đào tẩu” ở Úc là một kẻ lừa đảo, đang bị truy nã vì tội hình sự ở Trung Quốc.

    Cập nhật tình hình trường Đại học Bách Khoa Hồng Kông

    Lãnh đạo trường Đại học Bách Khoa (PolyU) cho biết họ sẽ tiếp tục tìm kiếm người biểu tình còn mắc kẹt ở khuôn viên trường vào ngày mai, thứ Tư (27/11), sau khi chỉ tìm thấy một người vào hôm nay, theo RTHK.

    Phó chủ tịch PolyU, ông Alexander Wai, cho biết sau cuộc tìm kiếm 6 giờ của một đội ngũ bao gồm quản lý trường, cố vấn, nhân viên xã hội và y tế, họ tình cờ gặp một người biểu tình nữ bên trong một tòa nhà.


    Ban lãnh đạo trường cho biết, cô không phải là sinh viên của PolyU. Cô được tìm thấy khi đang nằm trên một chiếc ghế vì kiệt sức. Ông Wai nói rằng, người này trông yếu và tinh thần dường như không ổn định. Tuy nhiên, cô từ chối rời đi và các cố vấn đã thuyết phục cô.

    Hiện chưa rõ còn chính xác bao nhiêu người vẫn bám trụ trong trường PolyU.

    Đức yêu cầu Trung Quốc thực hiện nghĩa vụ nhân quyền

    Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hôm thứ Ba (26/11) phát biểu: “Trung Quốc phải thực hiện các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người”.

    Tuyên bố được ông Mass đưa ra sau khi các các chuyên gia và nhà hoạt động của Liên Hợp Quốc cho biết, ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số theo đạo Hồi bị giam giữ tại các trại ở Tân Cương.

    Malaysia xóa án tử cho nữ công dân Úc buôn ma túy

    Công dân Australia Maria Exposto, 55 tuổi, được Tòa án Liên bang Malaysia hôm nay (26/11) tuyên trắng án sau khi bị kết tội tử hình vì vận chuyển ma túy, theo Reuters.

    Bà Exposto bị bắt vào năm 2014 khi đang quá cảnh tại Kuala Lumpur trong hành trình từ Thượng Hải, Trung Quốc tới Melbourne, Úc. Vào tháng 5/2018, bà bị tòa sơ thẩm tuyên án tử hình bằng hình thức treo cổ vì tội vận chuyển hơn một kg ma túy đá.

    Tuy nhiên, chính phủ Malaysia đã ban lệnh hoãn thi hành án treo cổ với bà Exposto trong bối cảnh nước này đang cải cách luật pháp, nhằm loại bỏ án tử hình với tội danh buôn ma túy và các tội danh khác.

    Bà Exposto đã kêu oan rằng, bà bị một người bạn trai quen trên mạng tự xưng là lính Mỹ đang đóng quân tại Afghanistan, lừa mang hộ túi hàng mà không biết bên trong là ma túy đá.

    Úc thiêu hủy tàu săn cá mập bất hợp pháp của Indonesia
    Giới chức Úc hôm nay thông báo thiêu hủy một tàu đánh cá trái phép của Indonesia sau khi phát hiện nhiều vây, da và thịt cá mập trên tàu.

    Theo CNA, Lực lượng Biên phòng Úc (ABF) và Cơ quan Quản lý Ngư nghiệp (AFMA) cho biết, con tàu bị bắt hôm 3/11 vì xâm phạm khu vực đánh cá của Úc khoảng 2 hải lý. Chủ tàu phải đóng mức tiền phạt là 17.360 AUD (hơn 11.800 USD) cho tòa án ở Darwin, Vùng Lãnh thổ Phía Bắc của Úc.

    Trong quá trình khám xét, các sĩ quan ABF đã phát hiện trên tàu có 5 người, 63 vây cá mập tươi, 16 mảng da cá và 60 kg thịt cá mập.

    Chiêu luận tội của phe Dân chủ dường như không ảnh hưởng tới khả năng tái đắc cử của Tổng thống Trump

    Kết quả của một cuộc thăm dò mới nhất cho thấy, chiến dịch tấn công của phe Dân chủ nhắm vào Tổng thống Trump thông qua cuộc điều tra luận tội, đã không thể thay đổi được quan điểm của một bộ phận lớn cử tri Mỹ vẫn luôn ủng hộ và mong muốn ông Trump tiếp tục chiến thắng trong cuộc bầu cử cuối năm sau, theo BL.

    Theo kết quả từ cuộc thăm dò của tổ chức Rasmussen được công bố đầu tuần này, số cử tri Hoa Kỳ cho rằng Tổng thống Trump sẽ bị luận tội trước khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên, dao động không nhiều.

    Cụ thể, ở lần thăm dò vào tháng Mười Một, 18% cử tri cho rằng ông Trump sẽ bị điều tra luận tội. Số liệu thống kê vào tháng Chín là 17%. Tuy nhiên những con số này thấp hơn đáng kể so với mức 29% khi Rasmussen lần đầu đặt hỏi câu hỏi tương tự đối với các cử tri Mỹ vào cuối tháng 12/2017. Điều đó cho thấy, trong lúc phe Dân chủ đang cố gắng tạo ra sóng gió cho ông Trump thì uy tín của ông trong mắt dân chúng gần như không đổi, thậm chí còn tăng lên so với 2 năm trước.

    Cuộc khảo sát cũng cho thấy, 45% cử tri Mỹ vẫn tin rằng Tổng thống Trump sẽ tái đắc cử vào năm 2020, về cơ bản không khác so với các cuộc thăm dò ý kiến cử tri được thực hiện trong năm qua.

    Không những thế, niềm tin vào việc Tổng thống Trump thắng cử nhiệm kỳ tiếp, tăng lên theo thời gian khi tỷ lệ cử tri nghĩ rằng ông Trump sẽ bị đánh bại bởi một ứng cử viên Dân chủ nào đó giảm dần. Vào tháng Bảy có 33% cử tri tin vào việc ông Trump thất bại trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ hai, nhưng tới tháng Chín con số này giảm xuống mức 28%, trong thăm dò mới nhất của Rassmussen tỷ lệ này tiếp tục giảm xuống 26%.

    Kết quả cuộc thăm dò cũng cho thấy, 46% cử tri cho rằng các phiên điều trần của Hạ viện nên được mở rộng để xem xét trách nhiệm của cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai Hunter trong các vấn đề mờ ám liên quan tới Ukraine, do có nhiều nghi vấn trong suốt thời gian qua.

    Rasmussen đã thực hiện cuộc khảo sát trực tuyến và thông qua điện thoại đối với 1.000 cử tri từ ngày ngày 14 tới 17/11, trước khi phiên điều trần luận tội Tổng thống Trump do phe Dân chủ ở Hạ viện thúc đẩy, bước sang tuần thứ hai.

    Rasmussen cho biết đa số cử tri (71%) trong cuộc khảo sát của họ đã theo dõi các phiên điều trần luận tội, trong đó có 42% người nói rằng, đã theo rất sát sao sự kiện này.

    Theo The BL, cuộc khảo sát của Rasmussen cũng cho thấy dường như giới truyền thông đang thiên vị, khi đa số các tin tức và bình luận đều có ý chống lại Tổng thống Trump. 53% cử tri được hỏi đồng ý rằng, nhiều phóng viên viết về sự kiện đang thiên về ủng hộ luận tội ông Trump, làm cho báo chí chính thống không còn đáng tin cậy.
     
    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào