Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ năm 21 tháng 11 năm 2019

    Nhà bình luận Henry Olsen: Đã tới lúc Mỹ mạnh tay với Trung Quốc vì chính sách ‘củ cà rốt’ không còn phù hợp!

    Mới đây, vụ rò rỉ tài liệu nội bộ của chính quyền Trung Quốc đã chứng minh rằng Bắc Kinh đã bắt giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, cùng với cuộc đàn áp bạo lực đối với người biểu tình ở trường Đại học Bách Khoa Hồng Kông, một lần nữa cho thấy bộ mặt thật của chế độ Trung Quốc. Hoa Kỳ không thể ngồi yên, Henry Olsen của Washington Post cho hay.

    Trong một bài bình luận, Henry Olsen nói rằng, chính phủ Trung Quốc không thể chối cãi bản chất đàn áp của họ. Chính quyền đó không hề có chút tự do chính trị nào với việc họ kiểm duyệt dư luận và Internet. Sự đàn áp tàn nhẫn của họ đối với người Tây Tạng đã xảy ra từ nhiều năm trước, nhưng không may khu vực này đã bị lãng quên, văn hóa và người dân Tây Tạng đang dần bị nghiền nát dưới sức nặng của quyền lực nhà nước. Những gì đang xảy ra ở Tân Cương, quê hương của người Duy Ngô Nhĩ và ở Hồng Kông không phải là một điều hiếm có của nhà nước này,

    Henry Olsen phân tích, Mỹ đã có một số động thái trách nhiệm đối với những điều đang xảy ra, nhưng chính quyền Trung Quốc vẫn sẽ đàn áp người dân của họ bất kể Mỹ làm điều gì. Nhưng thế mạnh của Mỹ là có nền kinh tế rộng mở, và điều này đang trói chặt quyền lực của Bắc Kinh. Không có thị trường của Mỹ, Trung Quốc sẽ chỉ là một nước nghèo và lạc hậu về công nghệ. Tuy nhiên, Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành một cường quốc toàn cầu để thực hiện giấc mơ kìm hãm các quốc gia khác và hưởng lợi.

    Nhiều người kỳ vọng rằng, Trung Quốc sẽ trở nên tự do hơn một khi họ giàu có hơn khi hưởng lợi từ phương Tây. Nhưng thay vào đó, các mối quan hệ kinh tế mở đã giúp nền kinh tế Trung Quốc trở nên dồi dào còn các chính phủ phương Tây lại nhắm mắt làm ngơ trước những nỗi kinh hoàng mà chính quyền Trung Quốc gây ra. Như vậy, kế sách ‘củ cà rốt’ với các biện pháp hòa hoãn dành cho Trung Quốc không còn hiệu quả.

    Cập nhật tình hình Hồng Kông

    Nhà chức trách Hồng Kông đã cho đóng cửa hơn một chục nhà ga đường sắt vào thứ Tư (20/11) để dọn đường cho lực lượng cảnh sát tấn công những người biểu tình cuối cùng vẫn đang bám trụ ở phía trong Đại học Bách Khoa, theo Reuters.

    Thông báo trên Twitter của cơ quan quản lý đường sắt Hồng Kông cho hay, 11 nhà ga “sẽ được đóng cửa để tránh những thiệt hại tài sản do biểu tình và các hoạt động của cảnh sát”.

    “Đây là một dấu hiệu, và các sinh viên ở đây lo sợ rằng cảnh sát có thể đang lên kế hoạch xông vào khuôn viên này và tấn công những người biểu tình kiên cường nhất”, phóng viên Jonathan Hunt của Fox News, từ hiện trường, cho biết. Hiện vẫn còn khoảng 50 người biểu tình quyết bám trụ để bày tỏ khát vọng tự do ở phía trong khuôn viên trường Đại học Bách khoa.

    Hạ viện Hoa Kỳ hôm thứ Tư (20/11) đã phê chuẩn phiên bản Dự luật của Thượng viện, có thể mở đường cho những động ngoại giao và trừng phạt kinh tế đối với Hồng Kông, Dự luật được chuyển tới Tổng thống Mỹ Donald Trump.

    Tổng thống dự kiến sẽ ký dự luật thành luật, Bloomberg đưa tin, trích dẫn một người lời một người thạo tin.

    Ả Rập chỉ trích mạnh mẽ Iran

    Quốc vương Ả Rập Xê Út Salman bin Abdulaziz al-Saud đã có những phát biểu cứng rắn nhắm vào Iran, nói rằng các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Teheran vào các cơ sở dầu mỏ của Ả Rập cách đây chưa lâu sẽ không thể ngăn chặn sự phát triển kinh tế của đất nước ông, và nhắc lại rằng Riyadh sẽ không ngần ngại tự vệ, theo Aljazeera.

    Trong một bài phát biểu dài 8 phút trước Hội đồng cố vấn hôm thứ Tư (20/11), Quốc vương Salman cũng đề nghị cộng đồng quốc tế phải ngăn chặn Iran thực hiện các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân, cũng như các hành động can thiệp vào chuyện nội bộ các nước khác trong khu vực, nói rằng đây là thời điểm dừng các hoạt động “phá hoại và lưu manh” của Teheran.

    Cũng vào thứ Tư (20/11), Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố đã “giải quyết thành công” cuộc bạo loạn mà Tehran cáo buộc do các thế lực thù địch nước ngoài xúi giục người biểu tình liên quan đến tăng giá nhiên liệu.

    Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc ngày 20/11 bác bỏ con số thương vong mà nhiều nguồn tin đưa ra, theo đó hơn 100 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình những ngày qua. Quan chức trên khẳng định con số này “chỉ là phỏng đoán, không phải là thực tế”.

    Biểu tình đã bùng phát tại Iran vào ngày 15/11, sau khi chính phủ nước này thông báo các chính sách mới đối với mặt hàng xăng dầu.

    Serbia điều tra vụ điệp viên Nga

    Tổng thống Serbia, ông Alexanderar Vucic, hôm thứ Tư (20/11), đã ra lệnh mở một cuộc điều tra sau khi một video được chia sẻ rộng rãi trên Internet cho thấy một sĩ quan tình báo Nga đang giao tiền cho một người đàn ông bí ẩn Serbia, theo Reuters.

    Đoạn clip cho thấy hai người đàn ông chào đón nhau nồng nhiệt bên một con đường ở Belgrade, cùng uống bia và trao đổi một túi nhựa. Người đàn ông Serbia, có khuôn mặt bị che khuất, sau đó ngồi trong một chiếc ô tô, lấy ra một phong bì từ túi và đếm số tiền trong đó.

    Cơ quan Thông tin và An ninh Serbia (BIA) đã xác nhận tính xác thực của video, hãng tin Tanjug cho biết, và tiết lộ thêm rằng thông tin chi tiết hơn về vụ việc sẽ được công bố sau khi Hội đồng Bảo an Quốc gia Serbia họp vào thứ Năm.

    Mỹ – Trung khó đạt ‘thỏa thuận giai đoạn một’ năm nay

    Các chuyên gia thương mại và những người am hiểu Nhà Trắng cho biết, việc ký kết thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” giữa Mỹ và Trung Quốc có thể phải chuyển sang năm tới, do Bắc Kinh thúc ép việc giảm thuế sâu rộng hơn, trong khi chính quyền Trump muốn đối phương phải thực hiện những yêu cầu cao hơn, theo bản tin hôm thứ Tư (20/11) của Reuters.

    Kế hoạch ký kết thỏa thuận “giai đoạn một” đã nhiều lần bị rời lại, Reuters dẫn lời chuyên gia Whiton nhận định rằng vấn đề Hồng Kông cũng sẽ là một chướng ngại ngăn Mỹ – Trung sớm đạt được một bước tiến đầu tiên trong cuộc chiến thương mại kéo dài hơn một năm qua.

    “Liệu ông Tập sẽ được mời hội đàm với Tổng thống Trump trong khi cảnh sát của ông ta đang đánh đập những người biểu tình?”, ông Whiton đặt câu hỏi.

    Trung Quốc mời các nhà đàm phán thương mại Mỹ tới Bắc Kinh thương thảo

    Trung Quốc đã mời các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ tới Bắc Kinh cho một cuộc đàm phán trực diện mới, trong bối cảnh tiếp tục nỗ lực để đạt được một thỏa thuận giới hạn, tờ Wall Street Journal hôm thứ Năm (21/11) trích dẫn một nguồn tin ẩn danh.

    Báo cáo cho biết, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã mời Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đến Bắc Kinh họp bàn và nói thêm rằng, Bắc Kinh hy vọng các vòng đàm phán có thể diễn ra trước kỳ nghỉ lễ Tạ ơn vào thứ Năm tuần tới ở Hoa Kỳ. Các quan chức Mỹ cho biết họ sẽ gặp trực tiếp nhưng không có cam kết về một ngày cụ thể.

    Triều Tiên khước từ lời mời Kim Jong Un đến dự hội nghị ASEAN tại Hàn Quốc

    Triều Tiên từ chối lời mời lãnh đạo Kim Jong Un đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh tại Seoul với các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào tuần tới, nói rằng “bây giờ không phải lúc” do quan hệ căng thẳng giữa hai bên, kênh truyền thông nhà nước KCNA đưa tin hôm thứ Năm (21/11).

    Triều Tiên cảm ơn Seoul về lời mời và thông báo “nên hiểu rằng, chúng tôi không thấy có bất kỳ lý do chính đáng nào” cho việc ông Kim tham dự. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 5/11 đã gửi một bức thư mời ông Kim, đề nghị một phái viên tham dự nếu không thể tham gia sự kiện này, KCNA cho biết.

    Ông Moon sẽ chủ trì cuộc họp của các lãnh đạo ASEAN tại thành phố cảng Busan, Hàn Quốc, vào tuần tới để kỷ niệm 30 năm mối quan hệ hợp tác giữa các nước và đã thông báo, ông Kim có thể cùng tham gia.

    Giáo hoàng Francis thăm Thái Lan, lên án tình trạng lạm dụng phụ nữ và trẻ em

    Giáo hoàng Francis hôm thứ Năm (21/11) đã lên án việc bóc lột phụ nữ và trẻ em ở Thái Lan, nơi nổi tiếng về du lịch tình dục, Giáo hoàng gọi đó là bạo lực, lạm dụng và nô lệ khi họ phải chịu những tệ nạn lẽ ra phải bị trừ bỏ. Giáo hoàng Francis bắt đầu ngày đầu tiên của ông ở Thái Lan bằng cuộc trò chuyện với giới chính trị gia và các nhà ngoại giao tề tựu tại Tòa nhà Chính phủ.

    Theo Reuters, Thái Lan thu hút khoảng 35 triệu khách du lịch mỗi năm và chính phủ đang tìm cách xóa bỏ danh tiếng của nước này là một quốc gia du lịch tình dục. Theo báo cáo năm 2014 của UNAIDS, Thái Lan có khoảng 123.530 gái mại dâm.

    Tổng thống Sri Lanka bổ nhiệm anh trai là Thủ tướng

    Tổng thống mới đắc cử của Sri Lanka, Gotabaya Rajapaksa hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố bổ nhiệm anh trai của mình, cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa làm thủ tướng, củng cố sự trở lại chính trường của một gia đình hùng mạnh.

    Việc bổ nhiệm ông Mahinda Rajapaksa, 74 tuổi, diễn ra vài giờ sau khi cựu Thủ tướng Ranil Wickremesinghe tuyên bố từ chức, sau khi ứng viên đảng của ông thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống trước ông Gotabaya Rajapaksa vào cuối tuần qua.

    Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Sri Lanka, hai anh em ruột giữ hai vị trí hàng đầu trong chính trường nước này.

    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào