Hai nhân vật ở châu Mỹ chiếm trang
nhất thời sự là Evo Morales và Donald Trump. Người thứ nhất là tổng
thống Bolivia, vừa tuyên bố từ chức đã bay sang Mêhico lưu vong. Người
thứ hai là tổng thống Mỹ mà thủ tục truất phế, với các cuộc điều trần
công khai tại Quốc Hội, bắt đầu từ hôm nay 13/11/2019.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bên lề thượng đỉnh G20, Osaka, Nhật Bản, ngày 29/06/2019. |
Donald Trump là người hùng hay thực chất là một nhà chính trị yếu đuối dễ bị khai thác ?
Libération và Le Monde phân tích hai mặt trái phải của tổng thống Mỹ.
Với
ảnh Donald Trump chân bước tự tin, và với tựa đen trên nền đỏ màu chiến
đấu, nhật báo cánh tả khẳng định : Đối mặt với Impeachment, Trump không
sợ. Lý do là trong bầu không khí chính trị hóa lưỡng cực tối đa, tổng
thống Trump khó bị truất phế. Ông có thể tin cậy vào thành phần trung
thành. Ngay trong phe Cộng Hòa tại Thượng viện, những người biểu quyết
truất phế tổng thống cũng ngần ngại, không dám bỏ rơi chủ nhân Nhà
Trắng. Sức thu hút của Donald Trump trong giới cử tri bình dân cho phép
ông yên tâm đối đầu với phe Dân Chủ, theo kết luận của Libération.
Vấn
đề là những lợi khí trong chính trị nội bộ rất có thể là nhược điểm của
Donald Trump trong chính sách đối ngoại. Theo Le Monde, tổng thống
Mêhicô thấy rõ điểm yếu của Donald Trump là thích làm người hùng. Cho
nên, chỉ cần ký một thỏa thuận thương mại « giả vờ » với Mỹ và chịu khó
ngăn chận làn sóng di dân là Mêhicô của tổng thống Oprodor tìm được quan
hệ « trăng mật » với nước Mỹ của Donald Trump. Các chế độ độc tài cũng
ủng hộ Trump. Putin thấy được lá bài tẩy yếu xìu của chủ nhân Nhà Trắng
nên thoải mái đẩy các quân cờ đi tới.
Còn
Trung Quốc thì sao ? Trong bài « Liệu Donald Trump là ứng cử viên của
Tập Cận Bình ? », Le Monde cho rằng khủng hoảng ở Chilê có một cái lợi :
thượng đỉnh APEC bị hủy bỏ, lễ ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung,
phần l, bị dời lại. Donald Trump muốn ký với Tập Cận Bình tại một địa
điểm hay một dịp biểu tượng, nếu không được tại APEC thì ở bang nông
nghiệp Iowa nơi nông dân trồng đậu nành bị lao đao vì biện pháp trả đũa
của Trung Quốc. Tập Cận Bình cũng sẵn lòng trở lại Iowa, nơi lúc còn là
quan chức cấp huyện, ông đã đến tham quan.
Câu
hỏi đặt ra là vì sao Bắc Kinh muốn làm vui lòng chủ nhân Nhà Trắng ?
Theo Le Monde, « Trump là lá chủ bài số một của Bắc Kinh : giới lãnh đạo
Trung Quốc muốn tổng thống Mỹ tái đắc cử bởi vì ông ta quá YẾU ».
Donald Trump có lợi cho Trung Quốc bởi vì Donald Trump làm nước Mỹ suy
yếu. Donald Trump rút bỏ hiệp định TPP do Obama đề xuất làm đê điều ngăn
chận Trung Quốc. Trump bỏ rơi người Kurdistan. Từ Trung Đông đến
Philippines ở châu Á, ai còn tin vào Washington ? Nước Mỹ càng yếu thì
Trung Quốc càng có lợi. Nếu để một chính trị gia của đảng Dân Chủ đắc cử
tổng thống thì phong trào chống Trung Quốc càng mạnh vì Cộng Hòa và Dân
Chủ đều một lòng không muốn siêu cường bị Trung Quốc đẩy xuống hàng thứ
hai.
Tóm
lại, nếu đảng Dân Chủ trở lại chính quyền, nước Mỹ có được một chính
sách nhất quán và nghiêm khắc thật sự, chứ không phải nói mà không làm,
thì Tập Cận Bình sẽ gặp khó khăn hơn là với nước Mỹ sớm nắng chiều mưa
của Donald Trump, tác giả kết luận.
Hành động bỏ chạy của tổng thống Bolivia : Đần độn và vô trách nhiệm ?
Đó
là lời phê phán của giới phân tích Bolivia về quyết định lưu vong của
tổng thống, Evo Morales. Liệu các nước láng giềng, cũng đang bị sức ép
đường phố có bị tác động hay không ?
Tất
cả báo Pháp đều chạy tựa : Bolivia rối loạn sau khi Morales ra đi. Le
Monde dành hai bài dài để mô tả chân dung người hùng Bolivia, xuất thân
là nông dân bản địa, sau 14 năm lãnh đạo, không ý thức là mình đã hết
thời, nên phải bỏ chạy trước áp lực đường phố, sau cuộc bầu cử sau cùng
nhiều tai tiếng. Theo một nhà xã hội học Bolivia, thái độ đáng chê trách
của tổng thống Morales là trong suốt 14 năm lãnh đạo, không chuẩn bị
cho phe tả có một nhân vật thay thế. Ông từ chức một cách vô trách nhiệm
như là cố tình cho Bolivia rơi vào tình trạng hỗn loạn. Le Figaro thì
chú ý lời tuyên bố của tổng thống Mỹ Donald Trump « chào mừng nhân dân
Bolivia giành được tự do và quân đội Bolivia từ nay không bảo vệ một cá
nhân mà bảo vệ Hiến Pháp Bolivia ».
Nhật
báo thiên hữu dự phóng sự kiện này sẽ tác động đến các chế độ « mất
tính chính đáng » lân cận, từ Venezuela cho đến Nicaragua.
Les
Echos cũng cho là sẽ có tác động dây chuyền tại Nam Mỹ : Tổ chức các
quốc gia châu Mỹ (OEA) có hành động đáng khen là nhanh chóng tố giác
những điều bất thường cuộc bầu cử. Tổ chức cũng rất công bình phê phán
các hành động quá trớn của tổng thống Morales nhưng lại im lặng về bối
cảnh ông phải từ chức. Nếu OEA hành động như bênh vực một bên thì khó
tránh được một cuộc khủng hoảng chính trị lan rộng tại Nam Mỹ.
Hồng Kông chìm sâu vào bạo lực. Dù vậy, phong trào phản kháng tiếp tục được ủng hộ.
Les
Echos và Le Monde trở lại ba ngày xung đột ở Hồng Kông. Từ Bolivia, báo
Pháp đưa độc giả qua các phong trào đòi cải cách chính trị tại Chilê,
và Algeri. « Chiến tranh tiêu hao của người dân Algeri chống chế độ » và
« Chính phủ Chilê chấp nhận thay đổi Hiến pháp do chế độ Pinochet để
lại », tựa của La Croix. Nhật báo kinh tế Les Echos nhấn mạnh đến tình
hình Hồng Kông « đang căng thẳng cao độ ». Cảnh sát xông vào khu đại
học, đang bãi khóa, để giải tán biểu tình bằng hơi cay. Le Monde, với
một bài tường thuật dài kể lại vụ một người biểu tình bị cảnh sát bắn và
một người chống biểu tình bị hỏa thiêu. Vụ châm xăng đốt người cho dù
bị cảnh sát lên án là « dã man » không làm cho phe phản kháng nao động.
Phương châm của họ là « đoàn kết keo sơn và xin lỗi khi phạm sai trái ».
Cho
dù hành động bạo lực liên tiếp xảy ra, cho dù người biểu tình ngày càng
ít dung thứ những người không cùng quan điểm nhưng vì thái độ thiếu
chuyên nghiệp của cảnh sát làm cho dân chúng ngày càng bất bình, cho nên
công luận tiếp tục ủng hộ « giới trẻ phẫn nộ ».
Thương chiến Mỹ-Châu Âu liệu xảy ra như Donald Trump hăm dọa ?
Le Figaro cho biết có lý do để lạc quan :
Sau
nhiều tháng đàm phán, Washington sẽ từ bỏ ý định tăng thuế đánh lên xe
hơi châu Âu. Tuy chưa chính thức nhưng tin này được nhiều báo Mỹ loan
trước. Vì sao ? Vì lý do bầu cử : Các hãng xe Đức đã tạo ra 12.000 công
ăn việc làm tại Mỹ và hứa sẽ đầu tư thêm tạo thêm 25.000 chỗ làm. Phần
lớn các hãng này đặt ở các tiểu bang bầu cho Donald Trump năm 2016.
Lý
do thứ hai làm Donald Trump phải do dự là ngay các tập đoàn xe hơn Mỹ
cũng chống các biện pháp bảo hộ thị trường. Ford, Genaral Motors,
Chrysler nhập cảng nhiều trang thiết bị của châu Âu và chỉ riêng các
công ty linh kiện này thôi cũng tạo cho Mỹ 400.000 việc làm.
Thái độ thù hận của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ : dùng tù binh Daech làm công cụ bắt chẹt Tây phương
Theo
Le Figaro, tổng thống Erdogan đưa ra những lập luận hiềm thù và đe dọa.
Sau khi dọa mở cửa biên giới cho 4 triệu người tị nạn chạy sang châu
Âu, ông Erdogan sử dụng lá bài tống khứ thánh chiến quốc tịch Tây
phương, bị giam tại Thổ Nhĩ Kỳ, về nước gốc. Trường hợp đầu tiên là một
thành viên Daech người Mỹ : Washington không nhận, Hy Lạp không nhận,
cuối cùng kẻ nguy hiểm này bị đưa vào khu vực trái độn giữa Thổ và Hy
Lạp.
Paris
cũng đang chờ hành động trả đũa. Tổng thống Erdogan không chấp nhận
được sự kiện Pháp giúp dân quân Kurdistan cũng như chống hành động khoan
dầu ở ngoài khơi đảo Chypriote.
Một năm Gilets Jaunes : Tiếng nói người phụ nữ
Về
tình hình xã hội Pháp, Libération đặc biệt dành nhiều trang cho phong
trào Áo Vàng Gillet Jaunes sau một năm tranh đấu và phỏng vấn ba phụ nữ,
những người đã túc trực ở các ngã tư đường bất chấp thời tiết nóng lạnh
trong suốt 12 tháng. Tại sao họ tranh đấu ? Đây là câu trả lời : « Khi
Nhà nước không làm tròn bổn phận thì những người mẹ phải lên tuyến đầu
».
(RFI)
Không có nhận xét nào