Ông bà Giáo sư Nguyễn Văn Bông và các con - Sài Gòn 1964. |
Để
chuẩn bị cho việc Giáo sư Bông chấp chính trong đường hướng “Việt Nam
hóa chiến tranh”, Đại sứ Bunker hẳn đã đề nghị ông lập đảng để tạo hậu
thuẫn chính trị (5). Kết quả là vào mùa xuân năm 1969, Giáo sư Bông đã
cùng Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, Tổng thư ký Đảng Tân Đại Việt và là bạn cố
tri, cựu giáo sư tại Học viện Quốc gia hành chính, lập ra Phong trào
quốc gia cấp tiến (6) sau chừng gần nửa năm chuẩn bị. Bà Jackie Bông
khẳng định: “Những gì Phong trào quốc gia cấp tiến thực sự đòi hỏi,
đương nhiên là tìm một sách lược chiến thắng cộng sản, đề nghị một giải
pháp dứt trừ tham nhũng và những hành vi quá trớn của các chính phủ quân
nhân liên tiếp đã cai trị đất nước, sau khi ám sát Tổng thống Diệm”.
Vẫn theo bà, có nhiều giáo sư của Học viện Quốc gia Hành chánh tham gia
Phong trào, như Tạ Văn Tài, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Huệ…
Vẫn
với sự hỗ trợ đắc lực của “Người giải quyết rắc rối”, Giáo sư Bông đã
bành trướng Phong trào quốc gia cấp tiến không chỉ ở các khu vực thành
thị mà còn cả nông thôn. Bà Jackie Bông nhớ lại: “Anh Bông hay xuống
làng, xã, cùng ăn cùng ở, thậm chí nằm trên đất cùng chủ nhà. Những lần
như vậy đều có nhân viên của bộ phận chính trị Tòa Đại sứ Mỹ đi cùng.
Anh Bông nằm đất thì họ cũng nằm đất”. Cựu dân biểu Nguyễn Văn Tiết,
người thường xuyên đi cùng Giáo sư Bông xuống địa phương, cho biết:
“Phong trào quốc gia cấp tiến phát triển và lớn mạnh nhanh chóng, chỉ
trong một thời gian ngắn sau ngày ra mắt, hầu hết các tỉnh, thị xã và
các xã quan trọng trên toàn miền Nam đều có cơ sở, tổ chức của Phong
trào”. Với khẩu hiệu “Chống Cộng và chống hối lộ”, Phong trào Quốc gia
Cấp tiến cùng với Đảng Tân Đại Việt đã giành được 21/159 ghế tại Hạ viện
sau cuộc bầu cử tổ chức vào tháng 8/1971, một con số đáng kể trong bối
cảnh có tới 9 đảng phái có chân trong cơ quan lập pháp.
Bà
Jackie Bông kể: “Khoảng đầu năm 1970, ông Martin Herz, Tham tán chánh
trị Đại sứ quán Mỹ, tức người quan trọng thứ ba sau Đại sứ và Phó Đại
sứ, mời cơm vợ chồng tôi và ông Hoàng Đức Nhã, Bí thư và là “cánh tay
mặt” của Tổng thống Thiệu (7). Sau khi bàn luận về tình hình chánh trị ở
Nam Việt Nam, ông Herz hỏi thẳng ông Nhã: “Nếu Tổng thống Thiệu mời
Giáo sư Bông với tư cách lãnh tụ Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến lập một
chánh phủ liên hiệp (coalition government) để có nhiều sức mạnh chống
lại Cộng sản thì ông Nhã nghĩ sao?”. Ông Nhã liền trả lời: “Nếu Giáo sư
Bông vào chánh phủ thì thì chúng tôi (chánh phủ Thiệu) sẽ ra và lập khối
đối lập để chống lại”. Phản ứng này của ông Nhã, người đã học tại Đại
học Pittsburgh, không làm anh Bông và tôi ngạc nhiên. Chúng tôi đã nghe
nói ông Nhã từng tuyên bố: “Những người học bên Tây (Pháp) là bỏ thùng
rác. Bây giờ là thời (era) của những người học bên Mỹ”. Khi chia tay,
ông Herz buồn phiền nói với chúng tôi: ”Sao người Việt không biết bắt
tay nhau để cùng đấu tranh chống Công Sản trong lúc tình hình miền Nam
lâm nguy?!”
Với
tư cách là người bảo trợ cho “Giải pháp Nguyễn Văn Bông”, lẽ dĩ nhiên
Bunker không chịu lùi bước. Chuyến ghé Sài Gòn trên đường bí mật đi
Trung Quốc vào đầu tháng 7/1971 của Kissinger, Cố vấn an ninh quốc gia
của Tổng thống Nixon, sẽ áp đặt giải pháp chính trị này cho Tổng thống
Thiệu.
Ông
Hoàng Đức Nhã kể: “Ngay khi đến Sài Gòn, ông Kissinger gặp Tổng thống
Thiệu. Với tư cách Bí thư của Tổng thống tôi cũng có mặt trong buổi gặp.
Ông Kissinger nhấn mạnh đến việc Việt Nam Cộng hòa phải chuẩn bị thật
tốt cho đấu tranh chính trị trong bối cảnh Hội nghị Paris đang bàn về
tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam. Tổng thống Thiệu và tôi đều hiểu ẩn ý
của ông Kissinger là Việt Nam Cộng hòa phải cải tổ nội các, cụ thể thế
nào thì Đại sứ Bunker sẽ bàn”.
Về
phần mình, bà Jackie Bông cho biết: “Sau khi ông Kissinger gặp bốn nhà
lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa gồm Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, phó Tổng
thống Nguyễn Cao Kỳ, Chủ tịch Thượng viện Nguyễn Văn Huyền và Thủ tướng
Trần Thiện Khiêm, Đại sứ Bunker tổ chức một bữa tiệc tại Đại sứ quán Mỹ
để ông Kissinger tiếp anh Bông với tư cách lãnh tụ một đảng đối lập -
Phong trào quốc gia cấp tiến và tôi với tư cách vợ anh Bông. Ông
Kissinger và anh Bông đã nói chuyện riêng với nhau”. Còn theo cựu Bộ
trưởng Đoàn Bá Cang, Giáo sư Bông có kể với ông rằng trong cuộc gặp đó
cũng như những lần gặp trước đó với Kissinger, Giáo sư Bông luôn khẳng
định các chức vụ hành chính quan trọng phải được giao cho dân sự để cải
tổ chính quyền thành công (8).
Cuối
cùng, việc gì phải đến đã đến. Trong hồi ký “Mây mùa thu”, bà Jackie
Bông viết: “Ngày 9 tháng 11, Tổng thống Thiệu gửi một phái viên, người
anh của Tổng thống, Nguyễn Văn Kiểu, Đại sứ ở Đài Loan, đến nhà chúng
tôi để thảo luận. Anh Bông đoán ông Kiểu muốn cái gì, vì thế mới mời ông
ta ở lại dùng cơm trưa. Sau khi ăn cơm xong anh Bông nói với tôi rằng
ảnh đã chấp thuận làm Thủ tướng cho Tổng thống Thiệu”. “Trong vòng 15
phút sau khi anh ông Thiệu từ nhà chúng tôi ra về - Bà Jackie Bông viết
tiếp - báo chí được biết nhờ tin lọt ra, khởi sự gọi điện thoại anh Bông
để xin xác nhận việc anh được bổ nhiệm làm Thủ tướng. Anh Bông từ chối
không bốc điện thoại lên, và bảo tôi trả lời, nói rằng tốt hơn là để
Tổng thống Thiệu loan báo chính thức sự bổ nhiệm cho truyền thông và dân
chúng Việt Nam. Nhưng khi François Nivolon, phóng viên tờ báo France
Soir (thực ra là Le Figaro -CHHV) cũng là người bạn tốt gọi đến, tôi đưa
điện thoại cho anh Bông. Bị hỏi dồn, anh Bông xác nhận việc bổ nhiệm”.
Được
hỏi do đâu mà Giáo sư Bông “đoán được ông Kiểu muốn gì”, bà Jackie Bông
nói: “Vì báo chí đã ầm lên về việc anh Bông sẽ là Thủ tướng sắp tới sau
cuộc gặp riêng giữa ông Kissinger và ảnh”. Thật ra, Giáo sư Bông biết
rất rõ cuộc đến thăm của ông Kiểu chỉ là “long trọng hóa” thỏa thuận đã
đạt được giữa Tổng thống Thiệu và ông. Điều bất ngờ và không kém phần
thú vị là thỏa thuận đó lại được xúc tiến bởi chính nhân vật đã “dọa” sẽ
làm “đối lập” với Giáo sư Bông nếu ông lập chính phủ.
Ông
Hoàng Đức Nhã kể: “Ngay sau chuyến thăm của ông Kissinger vào đầu tháng
7/1971, Tổng thống Thiệu cử tôi làm đại diện Tổng thống đi gặp Giáo sư
Bông để mời ông ấy với tư cách lãnh tụ Phong trào Quốc Gia Cấp tiến làm
Thủ tướng trong bối cảnh “vừa đánh vừa đàm“ với Cộng sản. Thực ra trước
đó ông Thiệu đã nhờ ông Trần Quốc Bửu, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao công
Việt Nam và cũng là Chủ tịch Đảng Công Nông Việt Nam, đứng ra tập hợp
các đảng phái để lập một chính phủ liên hiệp nhưng sau chừng 4, 5 tháng
thì ông Bửu nói là không làm nổi. Tôi đã có dịp làm việc với Giáo sư
Bông vào khoảng cuối 1969, đầu 1970. Khi đó, một đài truyền hình Pháp đề
nghị tổ chức tại Paris một cuộc gặp giữa hai phe Quốc gia và Cộng sản ở
miền Nam Việt Nam. Họ yêu cầu phái đoàn Việt Nam Cộng hòa gồm cả người
của chính quyền lẫn người đại diện các đảng phái. Tôi được Tổng thống
Thiệu chỉ định đại diện cho chính quyền còn Giáo sư Bông thì do các đảng
phái cử ra”.
“Tôi
gọi điện cho Giáo sư Bông đang có mặt ở Học viện Hành chính Quốc gia -
ông Nhã kể tiếp - và đề nghị gặp riêng tại nhà ông nhưng không vào giờ
cơm trưa. Đầu giờ chiều ngày 10 /7, tôi đến gặp Giáo sư Bông như đã hẹn
và tiếp đó thảo luận với ông khoảng 2 tiếng. Giáo sư Bông nhận lời mời
làm Thủ tướng nhưng đề nghị cho ông ấy đưa hết bộ tham mưu của mình ở
Học viện Quốc gia Hành chánh vào chính phủ. Tôi không chịu, nói: “Một
vài người thì được chứ anh mang hết người của anh ở Học viện đi thì lấy
ai giảng dạy. Đâu có thể lấy các giáo sư nơi khác về để làm lại từ đầu
cả một nền tảng Quốc gia Hành chánh. Nếu có trình Tổng thống ý kiến này
của anh thì tôi cũng sẽ bác. Còn về thành lập nội các thì trừ Tổng
trưởng bốn bộ - Ngoại giao, Quốc Phòng, Nội vụ và Thông tin – do Tổng
thống quyết định, các thành viên nội các khác sẽ do anh chọn và về
nguyên tắc Tổng thống sẽ chấp thuận. Nhân đây tôi cũng nói với anh rằng
Tổng thống muốn có trong nội các những người trẻ tuổi nhưng học ở nước
khác ngoài Pháp”. Cuối cùng Giáo sư Bông cũng đồng ý với tôi. Hai hôm
sau, tôi gặp ông ấy một lần nữa để chốt thỏa thuận. Phải nói Giáo sư
Bông là một người rất kín đáo. Tóm lại, chính tôi là người bắt đầu và
hoàn tất việc bàn thảo với Giáo sư Bông về việc bổ nhiệm ông ấy làm Thủ
tướng”. “Còn ông Kiểu – ông Nhã nói thêm – ông ấy là Đại sứ tại Đài Loan
nên chủ yếu ở nước ngoài. Việc Tổng thống Thiệu cử ông Kiểu đến gặp anh
Bông khi mọi việc đã được định đoạt cốt lấy tiếng trong nước cho ông
Kiểu mà thôi”.
Bất
luận thế nào, việc Giáo sư Bông chính thức nắm chức Thủ tướng Việt Nam
Cộng hòa chỉ là vấn đề ngày một, ngày hai. Vậy mà, chỉ hơn 24 tiếng đồng
hồ sau cuộc đến thăm của phái viên của Tổng thống Thiệu cùng với xác
nhận của vị thủ lĩnh Phong trào Quốc gia Cấp tiến về việc bổ nhiệm này
với báo giới, vụ nổ tại ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản giữa Đô thành
Sài Gòn đã làm mọi toan tính chiến lược của cả chính quyền Mỹ lẫn Việt
Nam Cộng hòa với “Giái pháp Nguyễn Văn Bông” tan thành khói – theo đúng
nghĩa đen của từ này!
(Còn tiếp)
Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ
-------------------
Chú thích
(5)
Nhiều tài liệu đáng tin cậy cho thấy Đại sứ Mỹ Bunker có lối đặt vấn đề
không úp mở nhằm tạo chuyển biến trên chính trường Việt Nam Cộng hòa.
Trong
hồi ký “Chúng ta đã thua trận ở Việt Nam như thế nào?”, Nguyễn Cao Kỳ,
cựu Phó Tổng thống và Chủ tịch Ủy ban hành pháp (Thủ Tướng) Việt Nam
Cộng hòa, viết: “Một buổi chiều, Đại sứ Bunker đến nhà tôi trong căn cứ
không quân và nói với tôi: "Bầu cử và độc diễn thì không phải là tấm
gương tốt cho thế giới". Ông ta còn xung phong kiếm tiền cho tôi vận
động bầu cử, chắc hẳn ông ta thừa biết tôi chẳng có hy vọng gì trúng cử,
nhưng có lẽ người Mỹ nghĩ rằng nếu phải tổn phí mà tạo được một cái vỏ
ngoài bầu cử tự do thì cũng đáng đồng tiền. CIA cũng làm áp lực để tôi
phải ra tranh cử, nhưng tôi trả lời họ như tôi đã trả lời Đại sứ Bunker:
"Không thể được. Thiệu nắm chắc quá, và nhất định sẽ không chịu để cho
tôi trúng cử ".
Frank
Snepp, cựu chuyên gia phân tích chiến lược của CIA tại Sài Gòn có nhận
định tương tự trong hồi ký “Cuộc tháo chạy tán loạn” (Decent Interval).
Ông viết: “Bunker sử dụng mánh khóe sở trường để hối lộ nhân vật đối lập
ôn hòa là Tướng Dương Văn Minh để ông này tiếp tục vai trò người tranh
cử.Cuộc dàn dựng có thể thành công nếu như cuối cùng Minh không tính ra
rằng 3 triệu Dollars vận động cũng chỉ đưa tới một kết quả chắc chắn
thất cử”.
(6)
Vì Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy là Tổng thư ký Đảng Tân Đại Việt nên nhiều
tài liệu cho rằng Phong trào Quốc gia Cấp tiến là tổ chức ngoại vi của
đảng này. Bà Jackie Bông phủ nhận điều này, cho rằng đây là hai tổ chức
chính trị độc lập, nhưng hợp tác chặt chẽ với nhau. Theo Hoài Sơn, tác
giả bài “Cảm Nghĩ Nhân Kỷ Niệm Lần 49 Ngày Thành Lập Đảng Tân Đại Việt”
đăng trên trang điện tử “Đảng Tân Đại Việt” ngày 10/02/2014, Giáo sư Huy
nhận thấy Đảng Tân Đại Việt chỉ là đảng cán bộ chứ không phải đảng đại
chúng nên ông đến trình bày với Giáo sư Bông để cùng nhau lập ra. Phong
Trào Quốc Gia Cấp Tiến qui tụ 3 thành phần chính là dân cử, chuyên viên
trí thức, và đảng phái, tôn giáo.
Theo
tác giả bài viết này, Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến giống như một công
ty có hai cổ đông: Giáo sư Bông và Đảng Tân Đại Việt. Đảng Tân Đại Việt
góp “vốn” bằng nhân sự còn “vốn” của Giáo sư Bông là uy tín chính trị
của bản thân ông. Tóm lại, Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến không do một
mình Đảng Tân Đại Việt lập ra và vì vậy không thể là tổ chức ngoại vi
của đảng này. Để so sánh, Việt Minh thực sự là tổ chức ngoại vi của Đảng
Cộng sản Đông Dương vì được thành lập theo Quyết nghị ngày 19/5/1941
của Hội nghị lần thứ VIII, Khóa I của đảng này, các thành viên Tổng bộ
Việt Minh đều là đảng viên cộng sản cao cấp, bao gồm cả Nguyễn Ái Quốc
(Hồ Chí Minh sau này). Nói cách khác, Giáo sư Bông là lý do tồn tại của
Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến. Điều này giải thích vì sao tổ chức này đi
vào thoái trào sau khi ông bị ám sát vào ngày 10/11/1971 để cuối cùng,
vào năm 1973, nhập vào Mặt trận Quốc gia Dân chủ Xã hội do Tổng thống
Việt nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu lập ra năm 1969 trên cơ sở Đảng Dân
chủ cũng do chính ông Thiệu lập ra năm 1967 để tranh cử trong cuộc bầu
cử Tổng thống cùng năm.
(7)
Hoàng Đức Nhã, sinh năm 1942 tại tỉnh Ninh Thuận, là em họ Tổng thống
Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu. Sau khi đậu Kỹ sư điện tại Đại học
Pittsburgh (Mỹ) vào năm 1966, ông về Sài Gòn tham chính. Ông là Bí thư
kiêm Tham vụ Báo chí của Tổng thống Thiệu từ năm 1968 và Tổng trưởng Dân
vận và Chiêu hồi từ tháng 4/1973. Trong bài “Hoàng Đức Nhã, người phát
ngôn mới của Sài Gòn” (Saigon's New Chief Spokesman Hoang Duc Nha) đăng
trên New York Times ngày 1/1/1973, nhà báo Fox Butterfield đánh giá ông
Nhã, 31 tuổi, bà con với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, là “người có quyền
hành nhất sau Tổng thống” (the most powerful man in the country after
the President). Vẫn theo nhà báo này, "ông Nhã nhúng tay vào mọi chuyện,
từ giúp viết diễn văn cho ông Thiệu đến bổ nhiệm các đại sứ và thuyên
chuyển các tướng lĩnh...Trên thực tế, ông Nhã dường như tổng hợp các vai
trò ở Washington của ông Kissinger, Ronald L. Ziegler, phát ngôn viên
Nhà Trắng và Charles G. (Bebe) Rebozo, người bạn thân nhất của Tổng
thống Nixon". Về phần mình, Henry Kissinger có một cái nhìn hoàn toàn
tiêu cực về ông Nhã khi dùng các từ "quá đáng" (outrageous), kinh khủng
(egregious), "đáng ghét" (obnoxious), "mưu mô“ (intrigue) để nói về ông.
Tóm
lại, cứ theo nhận định của hai người Mỹ này, ông Hoàng Đức Nhã quả là
“Ngô Đình Nhu Đệ Nhị” khi liên tưởng tới người em ruột và là Cố vấn của
Tổng thống Đệ Nhất Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm.
(8) Hồi ức về GS Nguyễn Văn Bông, Đoàn Bá Cang, Youtube, 10/8/2019.
* Tác giả là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam.
(VOA)
Không có nhận xét nào