Vào ngày 25/11 Việt Nam cho công bố
Sách Trắng Quốc Phòng 2019, khẳng định chủ trương củng cố sức mạnh quốc
phòng với sức mạnh quân sự là nòng cốt, đủ khả năng đánh thắng mọi hành
động xâm lược.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh giới thiệu Sách Trắng quốc phòng Việt Nam 2019 |
Sách
Trắng mới công bố còn thể hiện “Quyết tâm duy trì chính sách quốc phòng
mang tính hòa bình, tự vệ, kiên quyết và kiên trì giải quyết các tranh
chấp, bất đồng với các quốc gia khác bằng biện pháp hòa bình dựa trên
Luật Pháp Quốc Tế. Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam được công bố lần này
sau nhiều năm trì hoãn, và vào lúc quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đang
có những căng thẳng xung quanh tranh chấp ở Biển Đông. Thạc sĩ Hoàng
Việt, giảng viên Đại Học Luật Sài Gòn, cũng là chuyên gia nghiên cứu
Biển Đông, phân tích Sách Trắng 2019 và chính sách quốc phòng trong
tương lai của Việt Nam qua bài phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện sau
đây:
Thạc sĩ Hoàng Việt:
“Sách trắng lần đầu ban hành năm 1998, lần hai năm 2004, lần ba năm
2009 và đến lần này là 2019. Trong mỗi một Sách Trắng có nội dung thay
đổi một chút và nó cũng thể hiện những bước thay đổi trong việc đối
ngoại về quốc phòng của Việt Nam”
Thanh Trúc: Việt
Nam đã dự định công bố Sách Trắng Quốc phòng vào khoảng năm 2015/2016
nhưng đã trì hoãn. Việc công bố sách trắng lần này xảy ra vào khi Trung
Quốc vừa điều hàng chục tàu vào vùng biển VN nhiều tuần lễ, liệu có điều
gì trùng hợp? Ông có thể giải thích ý nghĩa của việc công bố sách vào
lúc này của Việt Nam?
Thạc
sĩ Hoàng Việt: “Phải nói trước tôi chỉ là nhà nghiên cứu, tôi không đại
diện cho chính phủ hay cơ quan quốc phòng của Việt Nam. Nhưng dưới góc
độ nghiên cứu thì tôi thấy một số điểm thế này, việc ban hành là trả lời
cho nhân dân trong nước và cho thế giới. Trong tình hình sóng gió giữa
quan hệ Việt Nam và Trung Quốc mà tàu Hải Dương 8 cùng đòan tàu hộ tống
đã 113 ngày liên tục xâm phạm vùng biển Việt Nam. Rất nhiều người Việt
Nam không hài lòng khi nghe những phát biểu mang tính chất hòa hoãn của
lãnh đạo cao cấp, trong khi chức ngoại giao như ông Phạm Bình Minh tại
Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hay gần đây là bài phát biểu của thứ trưởng
ngoại giao Lê Hoài Trung trong Hội Thảo Biển Đông hồi đầu tháng Mười Một
lại mang tính mạnh mẽ hơn rất nhiều”.
“Vấn
đề thứ hai,liên quan đến việc muốn chuyển tải chính sách đối ngoại quốc
phòng của Việt Nam, trong đó có 2 cường quốc quan trọng là Hoa Kỳ và
Trung Quốc. Trong mối quan hệ sóng gió thì Trung Quốc đã chứng tỏ là
không xuống thang trong việc bảo vệ đường lưỡi bò cũng như những yêu
sách mà trung Quốc cho là của Trung Quốc”.
“Một
bên thì Hoa Kỳ cũng muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, chúng ta đã
thấy bộ trưởng Bộ Thương Mại Hoa Kỳ Wilbur sang Việt Nam. Ông Wilburn đã
nhắc rằng Việt Nam là quốc gia bị thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ gần 40
tỷ USD, mà Việt Nam xuất nhiều chứ không nhập nhiều, chính vì vậy Việt
Nam cần có sự bù đắp. Sau đó ông Wilbur gợi ý rằng Việt Nam có thể mua
sắm nhiều cái khác trong đó có vũ khi để cân bằng thương mại giữa Việt
Nam và Hoa Kỳ. Tiếp đó là chuyến thăm của bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Hoa
Kỳ, tỏ ý thiện chí tặng cho Việt Nam một tàu tuần tra lớp Hamilton”.
“Như
vậy, trở lại Sách Trắng Quốc Phòng lần này Việt Nam muốn trả lời cho dư
luận trong nước và quốc tế. Ví dụ trang 32 là “Việt Nam kiên quyết bảo
vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển
của mình theo Luật Pháp quốc tế” Ngoài ra cũng có một số thay đổi dù
không hoàn toàn mới nhưng cũng trả lời cho sự mong chờ thúc đẩy quan hệ
Việt Nam-Hoa Kỳ. Hoa Kỳ muốn thúc đẩy mạnh hơn nhưng Việt Nam lại tỏ ra
chần chừ. Thứ ba, thời điểm ban hành sách cuối 2019 này vì sang 2020
Việt Nam làm chủ tịch luân phiên ASEAN đồng thời đảm nhận vị trí thành
viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An. Tôi nghĩ thời điểm ban hành
nó thể hiện những vấn đề như vậy”.
Thanh
Trúc: Thưa ông khi công bố Sách Trắng lần này, thượng tướng Nguyễn Chí
Vịnh nói Việt Nam không ngại giới thiệu trang bị vũ khí của quân đội
nhân dân Việt Nam. Vũ khí của Việt Nam vừa đủ mạnh để bảo vệ tổ quốc và
không phương hại đến quốc gia nào. Ông đánh giá thế nào về tiến trình
hiện đại hóa quân đội của Việt Nam trong thời gian qua kể từ lần công bố
sách trắng lần trước năm 2009?
TS
Hoàng Việt: “Tôi không có con số chính thức về trang bị vũ khí cũng như
cái phát triển của quân đội Việt Nam, thông thường số liệu không được
cung cấp. Nhưng rõ ràng từ 2009 đến nay riêng hải quân Việt Nam đã có
rất nhiều thay đổi. Việt Nam đã mua 6 tàu lớp KILO của Nga, thứ hai Việt
Nam đã có ít nhất một số tàu chiến lớp GERAD cũng mua của Nga. Ngoài ra
cũng đang đàm phán để mua một số những phương tiện quốc phòng khác từ
Israel, Ấn Độ. Tin tức cho biết Việt Nam đang đàm phán để mua một số tên
lửa PRAMOS của Ấn Độ”
“Dựa
trên những thông tin cơ bản công khai như vậy, chúng ta đã thấy năng
lực quốc phòng Việt Nam đã thay đổi so với trước đây. Tuy nhiên để mà
thấy thực sự đã phát triển hay chưa và sức như thế nào thì đấy còn là
vấn đề phải tranh luận. Gần đây nhà nghiên cứu người Pháp Laurent Gédeon
cho rằng Việt Nam có thể gây khó khăn cho Trung Quốc chứ chưa chắc
chiến thắng được Trung Quốc với sức mạnh về hải quân của Việt Nam như
vậy. Có lẽ với Sách Trắng Quốc Phòng thì Việt Nma cũng đang muốn thể
hiện là đang thay đổi từng bước, dẫn tới giải thích mua sắm vũ khí trong
tương lai ra sao”
Thanh
Trúc: Trong Sách Trắng lần này, Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách 3
không: không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự
của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt
Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia, còn thêm một nữa là
“không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.”
Theo ông, tại sao có thay đổi thêm 1 không nữa?
Thạc
sĩ Hoàng Việt: “Nội dung này đã được ghi trong trang 18 Sách Trắng Quốc
Phòng 2009 rồi, tức là chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình,
tự vệ, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các quan hệ
quốc tế. Thế thì nội dung này không phải là mới nhưng mà được nhấn mạnh
thêm trong chính sách 3 không”
“Cũng
phải nói thêm rằng chính sách 3 không qua từng Sách Trắng thì có sự
thay đổi nhất định về nội dung chứ không phải hoàn toàn giống nhau hết.
Đến Sách Trắng Quốc Phòng 2019 nội dung này được trở thành điểm mạnh và
chuyển từ 3 không sang 4 không. Thêm nữa, trong Sách Trắng 2009 Việt Nam
nói không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhưng sẵn
sàng và kiên quyết giáng trả mọi hành động xâm lược”
“
Trong Sách Trắng Quốc Phòng 2019 thì Việt Nam sắp xếp nội dung hơi khác
và thứ tự hơi khác: không tham gia liên minh quân sự không liên kết
nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc
sử dung lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác. Như vậy có thể nói là
4 không và 1 tùy, là tùy theo diễn biến của tình hình và trong những
điều kiện cụ thể Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc
phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp, trên cơ sở tôn trọng độc
lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các
nguyên tắc cơ bản của Luật Pháp quốc tế. Điều này có lẽ quan trọng nhất
là để trả lời cho cộng đồng thế giới, trong đó có Trung Quốc, là Việt
Nam không tham gia liên minh quân sự, không liên kết nước này để chống
nước kia”
Thanh
Trúc: Thưa thạc sĩ Hoàng Việt, một số tiếng nói của các chuyên gia
trong nước cho rằng Việt Nam nên cân nhắc lại chính sách 3 không, để
tiến gần hơn lại với Mỹ khi mà Trung Quốc ngày càng mạnh và đang đe dọa
chủ quyền và quyền lợi của VN ở Biển Đông. Theo ông, vì sao Việt Nam vẫn
tiếp tục duy trì chính sách 3 không này khi mà tình hình thế giới và
khu vực đã có những thay đổi và Việt Nam chịu nhiều sức ép hơn từ Trung
Quốc?
TS
Hoàng Việt: “Cá nhân tôi cũng đã nhiều lần lên tiếng là Việt Nam cần
phải phát triển quan hệ với Hoa Kỳ nhưng không có nghĩa là rũ bỏ chính
sách 3 không đi. Mặc dù Việt Nam và Trung Quốc có những căng thẳng trên
Biển Đông nhưng việt Nam không muốn vào cái thế đối đầu với Trung Quốc.
Chưa kể Trung Quốc là láng giềng sát bên nên Việt Nam chọn không đối đầu
với Trung Quốc trong trường hợp chưa đến mức mà xảy ra chiến tranh tự
vệ từ Việt Nam”
“Thứ
hai, có thể hiện là phía Việt Nam vẫn còn nghi ngại quyết tâm từ phía
Hoa Kỳ. Như tôi vừa trao đổi mới đây, Hoa Kỳ rất muốn thúc đẩy quan hệ
với Việt Nam nhưng những phát biểu của tổng thống Trump cho thấy Việt
Nam chưa hoàn toàn tin tưởng được . Đặc biệt Việt Nam cho rằng bảo vệ
lợi ích của mình trên Biển Đông thì chính Việt Nam phải đứng ra chứ
không phải Hoa Kỳ, Hoa Kỳ chỉ trợ giúp hoặc hỗ trợ cho Việt Nam phát
triển mạnh hơn thôi chứ không giúp nhiều cho Việt Nam bảo vệ quyền lợi
của mình trên biển được”
Thanh
Trúc: Sau cùng, có một vấn đề là quân đội Việt Nam cũng làm kinh tế,
trong thời kỳ mới hiện đại hóa quân đội để đối đầu với nhiều thách thức
về an ninh trong khu vực và tham gia và lực lượng quốc tế, liệu vấn đề
quân đội kinh tế ở Việt Nam có thay đổi?
TS
Hoàng Việt: “Chắc chắn trong tương lai Việt Nam phải sắp xếp lại những
vấn đề quốc phòng, trong đó có các doanh nghiệp quốc phòng. Gần đây có
nhiều tướng lĩnh quân đội phải ra tòa và phải nhận án tù chưa nói đến
những kỷ luật khác. Đã xảy ra điều là phát triển kinh tế đi đôi với tham
nhũng của các tướng lĩnh cũng như các công ty liên quan trong quốc
phòng. Chính vì vậy nếu muốn tồn tại thì Việt Nam bắt buộc phải thay đổi
chính sách quốc phòng, trong đó có các doanh nghiệp quốc phòng”.
“Theo
tôi được biết thì Việt Nam đang cơ cấu lại tất cả và gần đây thì có
những văn bản qui định chuyển tất cả doanh nghiệp quốc phòng sang hoạt
động theo Luật Doanh Nghiệp như các doanh nghiệp khác, chỉ giữ lại một
số doanh nghiệp quốc phòng đang tham gia vào việc sản xuất vũ khí, khí
tài hay những phương tiện quân sự đặc biệt thôi. Tôi nghĩ tương lai cũng
sẽ diễn ra điều đó”.
Vô cùng cảm ơn thạc sĩ Hoàng Việt đã dành thời giờ cho buổi phỏng vấn này.
Thanh Trúc
(RFA)
Không có nhận xét nào