Header Ads

  • Breaking News

    Chống buôn người: 'Không có gì tốt hơn giáo dục' ở VN

    Một chuyên gia người Pháp về phòng chống buôn bán người ở Việt Nam nói với BBC ông cho rằng cách tốt nhất để phòng chống tình trạng buôn bán người là qua giáo dục con người.

    Đa số phụ nữ và trẻ em Việt Nam là nạn nhân buôn người vào mạng lưới mại dâm, theo kinh nghiệm của ông Blanchard
    Những đường dây tổ chức đưa người lậu từ Việt Nam sang Anh đã 'đổi đường đi', 'đổi kỹ thuật' trong những năm gần đây, khiến những báo cáo mới nhất về phòng chống buôn bán người thành 'chuyện cũ', ông Georges Blanchard, Người sáng lập Liên minh Phòng chống Mua bán người (Alliance Anti Traffic - AAT) bình luận trong Bàn tròn Thứ Năm của BBC News Tiếng Việt hôm 31/10.

    Những người đi lậu có phải là 'nạn nhân'?

    Đầu tiên, ông Blanchard giải thích với BBC về các khái niệm mới nhất liên quan đến vụ 39 tử thi bị đưa vào Anh.

    "Theo Liên Hiệp Quốc thì nạn nhân của buôn bán người đã bị ép hay bị bắt cóc hay phải đi mà không muốn đi," chuyên gia người Pháp cho biết.

    Để nói rõ vì sao những người đi lậu không được coi là nạn nhân, ông giải thích về các từ 'smuggling' và'trafficking', hay được dùng để nói về những người 'đi lậu':

    "Smuggling là [nói về] những người muốn đi vào nước Anh, hay đi nước ngoài nói chung, khi họ tự muốn đi, có nghĩa là cầm hộ chiếu để qua biên giới."

    Ông Blanchard cho rằng nên có sự thông cảm với những người đã đi với hy vọng đổi đời.

    "Vì có người khác đã gặp những người này và hứa rằng sẽ có khả năng đổi đời sớm, sẽ có khả năng làm ra tiền cho gia đình được tốt, cũng có thể cho con được đi học đại học v.v…

    "Người ta đi thì tất nhiên người ta phải hy vọng là sẽ tốt, không bao giờ nghĩ ra là sẽ có vấn đề cả".

    'Đâm lao thì phải theo lao'

    Tổ chức AAT do ông Blanchard sáng lập đã giúp đỡ hơn 5500 người đi nước ngoài bất hợp pháp, trong đó có hơn 200 người đi Anh, trở về Việt Nam từ năm 1995, ông Blanchard cho biết.

    Từ năm 2013, AAT bắt đầu làm việc với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam để hỗ trợ nạn nhân từ Anh trở về và hội nhập cộng đồng ở Việt Nam

    Đã trực tiếp giúp giải cứu nhiều trường hợp người Việt gặp hoạn nạn khi đi nước ngoài lậu, ông nói về lý do người Việt đã ra đi không muốn hay khó trở lại Việt Nam:

    "Thứ nhất tôi muốn nói về người đi nước Anh rằng gia đình của họ không phải là gia đình nghèo lắm.

    "Thứ hai, người ta cũng phải trả một số tiền cao [cho đường dây] nên nhiều khi người ta sẽ bán nhà bán đất và gia đình sẽ có đi vay nợ, nên cũng phải nói là khi đã bị nợ thì người ta không trở lại được."

    Nhiều người đã hòa nhập cộng đồng rất thành công, nhưng cũng nhiều người vẫn hy vọng có cơ hội thì lại đi.

    Ông Georges Blanchard
    Ông Blanchard cho biết ông bắt đầu quan tâm về phòng chống buôn bán người từ năm 1995 vì ông tổ chức lớp học tình thương cho trẻ em, và "một ngày đã có hai trẻ em bị bắt và bán vào Campuchia"

    "Lúc đó Việt Nam chưa chấp nhận là có vấn đề xã hội này đang tồn tại nên mất nhiều thời gian, đến năm 2001 tôi mới mở được trung tâm đầu tiên để giúp đỡ cho nạn nhân ở Việt Nam," ông Blanchard kể.

    "Phải tới năm 2013 chính phủ Việt Nam công nhận là Việt Nam có nạn buôn bán người và cũng đồng ý sẽ coi nạn nhân là nạn nhân, còn trước đây nạn nhân sẽ bị bắt vào tù hay vào trường giáo dưỡng trong ba năm."

    Tới năm 2006, ông được biết thông tin trẻ em Việt Nam bị bán sang Anh và bắt đầu làm việc với Bộ Nội vụ Anh và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam về vấn nạn này.

    "Lần đó chúng tôi giúp có đến 300 trẻ em gái và sau đó là 100 trẻ em trai, từ đó biết nạn nhân hay thích đi châu Âu. Nói là đi nước Anh thôi nhưng người Việt Nam cũng được thấy nhiều nơi tại châu Âu.

    "Như mấy năm trước, chúng tôi tìm được 16 gia đình đang sống ở dưới gầm của thành phố Amsterdam. Tổ chức ECPAT của Đức cũng báo là số trẻ em người Việt trong mạng lưới mại dâm trẻ em đã tăng lên.

    "Ở Phần Lan cũng có nhiều người Việt Nam đến. Phần Lan có biên giới với Nga nên hồi xưa nạn nhân hay đi từ sân bay Nha Trang bay thẳng đến Moscow vì từ Moscow có nhiều cửa.

    "Nói chung trong việc của tôi đã cứu được 5576 nạn nhân đến giờ và cứu từ 22 nước chứ không phải là chỉ có Trung Quốc và nước Anh thôi. Malaysia cũng có nhiều nhưng hay bị giấu. Ngoài ra còn Hàn Quốc, Nhật, Ả rập Saudi và các nước khác.

    "Theo kinh nghiệm của tôi, đa số phụ nữ và trẻ em sẽ vào mạng lưới mại dâm còn nam là lao động," ông Blanchard nói.

    'Đường đi và cách nhập cư lậu vào Anh đã thay đổi'

    Được hỏi về các biện pháp chống buôn bán người của Việt Nam và Anh, ông Blanchard nhận xét đường đi và kỹ thuật đưa đi của các tổ chức buôn người từ Việt Nam sang Anh đã thay đổi trong thời gian qua.

    Trước đây Anh Quốc thường kiểm tra rất kỹ các chuyến bay đến từ Việt Nam, nhưng bây giờ "người ta đổi hộ chiếu và sẽ đi như người Trung Quốc vì bên nước Anh kiểm tra người Việt Nam là nhiều hơn."

    "Vì thế, báo cáo mới nhất của IMO (Tổ chức Di dân Quốc tế) chứng minh đường buôn bán từ Việt Nam sang Anh đã là chuyện cũ.

    "Người ta sẽ đổi kỹ thuật đi. Có thể tương lai là sẽ thấy người Việt Nam mang hộ chiếu Nhật, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan chẳng hạn."

    Ông nói thêm trước năm 2013, chính phủ Việt Nam khó chấp nhận các nạn nhân buôn người trở về Việt Nam vì "chính phủ nói người ta muốn đi thì cho đi, không cho về. "

    "Nhưng theo luật quốc tế, điều đó là không được, vì "nếu ai có làm gì sai trái hay có vấn đề gì thì nước ngoài sẽ cho đi về luôn. Luật nước ngoài người ta làm vậy là đúng rồi," ông nhận xét.

    'Không có gì tốt hơn giáo dục con người'

    Từ 2014 tới nay, chính phủ Anh Quốc và Việt Nam đã quan tâm đến chuyện phòng chống buôn bán người và nhìn nhận đây là vấn đề lớn. Hai chính phủ đã phối hợp với nhau.

    Tuy nhiên, theo ông Blanchard, "không có gì có thể tốt hơn là giáo dục cộng đồng, giáo dục phòng ngừa ở cộng đồng."

    Tổ chức AAT của ông Georges Blanchard từ 2014 đã xin chính phủ Anh có hỗ trợ đặc biệt để có các lớp tập huấn tại cộng đồng về buôn bán người, di cư không an toàn, nói về các chiêu lừa gạt để dạy cho cộng đồng có khả năng biết tự bảo vệ.

    Các chương trình tập huấn cho chính phủ, cho công an, không có chỉ có ở Việt Nam được thực hiện nhiều được trên thế giới, ông cho biết.

    "Trên thế giới ai cũng thấy không có gì tốt hơn là giáo dục con người," ông Blanchard nói trong chương trình Bàn tròn Thứ năm của BBC hôm 31/10.

    (BBC)

    Không có nhận xét nào