Header Ads

  • Breaking News

    Câu chuyện người Việt và cây cần sa ở Đức

    Nhận quốc tịch Đức vào khoảng cuối những năm 90, tôi nghĩ ngay đến việc du lịch Mỹ và Canada. Một thời gian sau đó tôi bắt tay vào việc thực hiện.

    Một trang trại trồng cần sa trong nhà
    Biết vậy, một số bạn ở vài tòa soạn báo đặt tôi tìm hiểu về cộng đồng người Việt bên đó và cách thức làm ăn của họ. Tới nơi, tôi nhanh chóng nhận ra hai nghề đang hot lúc bấy giờ: nghề làm móng tay ở Mỹ và trồng cần sa ở Canada.

    Máu tìm hiểu, cộng chịu khó ngoại giao, tôi nhanh chóng quen biết vài nhóm và một số nhân vật có "mác mỏ" trong hai lĩnh vực này. Thành thân thiết, tôi được họ giới thiệu tường tận về nghề, cho tham quan nhiều địa điểm ở nhiều thành phố khác nhau của Mỹ và Canada, được hút thử vài điếu và đi "lắc" với họ.

    Trước khi chia tay, tôi nhận được lời mời "mở chi nhánh" ở Đức bởi tại Đức chưa hề phát triển hai nghề này. Tôi giải thích đại cho họ rằng cả hai nghề này đều không có triển vọng ở Đức vì các lý do a,b,c... Tôi thực tâm muốn quê hương thứ hai của tôi được yên bình.

    Tôi đã sai lầm khi ngày ấy cho rằng nghề làm móng tay không thể phát triển ở Đức. Giờ thì nhan nhản khắp nơi các tiệm móng tay của người Việt, không ít người khấm khá, nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy.

    Còn trồng cần sa?

    Vài tháng sau đó có hai vị khách, thuộc dạng có tên tuổi trong làng trồng cần sa ở Canada sang Đức tìm gặp tôi. Họ tự giới thiệu vui là các "kỹ sư nông nghiệp" muốn đi khảo sát "vùng kinh tế mới" ở Đức.

    Tôi nhận lời đưa họ đi xem các địa bàn và thầm nghĩ chỉ để khai thác thêm thông tin viết bài mà thôi. Tôi chẳng tin (và cũng chẳng muốn) họ làm được điều này ở Đức.

    Việc đầu tiên: phải tìm hiểu sự quản lý của Đức trong lĩnh vực này, các luật lệ văn bản quy định ra sao. Ôi nước Đức - "Land des Gesetzes"/"Đất nước của các luật lệ.

    Hai "kỹ sư trồng cỏ" từ Canada sang đã xanh hết cả mắt khi nghe tôi dịch cho nghe các điều quy định, các hình phạt liên quan đến ma túy, đến cần sa. Tiếp đến là phân tích thị trường, đánh giá nhu cầu sử dụng của người dân rồi đi tìm, nghiên cứu các địa điểm có thể triển khai.
    Người Việt bị bắt tại trại trồng cần sa khổng lồ ở Anh

    Xin phép được tới thăm một loạt các gia đình người Việt quen biết có nhà riêng ở nhiều vùng, địa bàn khác nhau, với lý do muốn tìm hiểu cách thức xây dựng và chất lượng nhà ở của Đức, tôi đã không giúp hai chuyên gia trồng cỏ Canada khỏi lắc đầu ngao ngán.

    Câu chuyện người Việt và cây cần sa ở Đức
    Diện tích nước Đức đâu có lớn như Canada, nhà dân xây san sát cạnh nhau. Nói hơi quá, nhà này ăn mắm tôm là nhà kia ngửi thấy mùi liền. Dân Đức xây nhà rất kiên cố, dùng cho nhiều đời, các tầng hầm đổ bê tông dày bự, làm sao khoan đục dễ dàng để mở các lỗ, ngách, chạy đường ống dẫn, lấy trộm điện, nước, lỗ thông hơi này nọ cho việc trồng cỏ như bên Canada "nhà bằng gỗ, cạc tông".

    "Lại còn cái gì thế này? Đồng hồ đo điện nước để hết trong tầng hầm à? Vậy người của công ty điện nước đi đọc đồng hồ lại được phép bước chân hẳn vào nhà dân ở sao? Đức lạc hậu thế á? Thế này thì lộ hết. Thiếu tôn trọng riêng tư người khác quá".

    "Bên Canada văn minh hơn?", tôi hỏi lại. "Chứ sao! họ không được vào nhà. Đồng hồ đo điện nước để bên ngoài hết, chẳng cần mình, họ cũng bấm máy đọc được".

    Hỏi đến thủ tục mua nhà, cách thức thanh toán tiền mua nhà, tôi lại nhớ tới hình ảnh người Việt ở một số nước như Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary và cả Canada, tay sách cả cái cặp bự đựng tiền mặt đi mua nhà.

    Bên Canada, người ta mua cả cái nhà to như biệt thự giá chỉ chừng trên dưới nửa triệu đô, trồng cần sa thu nhập thuận lợi chỉ một thời gian không lâu gỡ được tiền nhà và bắt đầu có lãi to.

    Chả biết ở các nước đó, thời đó và đến bây giờ việc quản lý lưu thông tiền tệ như thế nào chứ ở Đức thì từ khi tôi tới (năm 1991) đến nay chẳng có chuyện đó, mua cái nhà, cái xe mới đẹp đẹp một chút là chả hiểu bằng cách nào đó, sở thuế Đức cũng biết liền.

    Mua đồ xây dựng các trại trồng cần sa ở đâu đây? Đương nhiên phải ra các siêu thị, các cửa hàng chuyên của Đức chứ sao. Người Việt ở Đức đâu có các cửa hàng bán đồ chuyên giống như bên Mỹ, Canada. Mà nếu bây giờ mở ra để phục vụ cho các quý đồng hương trồng cỏ thì khác gì "lạy ông tôi ở bụi này". Cảnh sát Đức thính mũi như "Bẹc giê" ấy. Khiếp chết được.

    Khỏi nói hai "chuyên gia trồng cỏ" từ Canada đã buồn bã, thất vọng như thế nào. Nhìn hai khuôn mặt "dài như hai cái bơm" của họ là tôi biết liền. Tôi an ủi họ bằng mọi lý lẽ đáng thuyết phục nhất, cài thêm tí mê tín, dị đoan vào rằng tôi không mê cái ngành này lắm vì ngại nghiệp chướng lắm. Tôi chỉ biết cắm cổ đi học thêm, tìm công việc gì nó êm đềm, ổn định làm đủ sống để yên vui với vợ con.

    Chia tay hai "kỹ sư trồng cỏ" Canada năm xưa, tôi vẫn tin chắc rằng chẳng bao giờ nghề trồng cần sa sẽ tới Đức. Vậy mà như thế nào đó ít năm sau này, tin tức cảnh sát Đức phá vỡ nhóm nọ, băng đảng kia trồng thuốc phiện, trồng cần sa, chứa người sống bất hợp pháp xuất hiện trên mặt báo Đức.

    Vụ việc rộ lên chút ít một thời gian ngắn rồi im ắng. Có vẻ như chính quyền Đức đã thành công khi muốn dẹp bỏ tệ nạn này. Trong giới người Việt, tôi nghe thấy rất ít và phần lớn người ta chỉ tay về phía các nước khác, đặc biệt là nước Anh mỗi khi nói về trồng cần sa. Tôi chưa có dịp tìm hiểu kỹ vì sao ở Anh lại có thể phát triển được "ngành nông nghiệp mũi nhọn" này như thế.

    Tệ nạn buôn bán thuốc lá, bắn giết nhau của người Việt Nam ở Đức giữa những năm 90 thế kỷ trước, đã cho cả chính quyền Đức và người Việt nhiều bài học quý giá để chung sống với nhau. Người Việt ở Đức tuy còn nhiều vấn đề, nhưng cũng đã có nhiều chuyển biến.

    Ở một đất nước có bảo hiểm xã hội tốt như Đức, sống, làm ăn lương thiện và đầu tư nhiều thời gian cho gia đình, con cái, cho sức khỏe của bản thân mình sau khi đã trải qua nhiều năm vất vả, đó là sự đầu tư đúng đắn và vững chắc nhất. Tôi đã và vẫn đang nghĩ vậy.

    Lê Mạnh Hùng 
    Gửi tới BBC từ Berlin, Đức

    * Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng hiện đang sống tại Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức.

    (BBC) 

    Không có nhận xét nào