Header Ads

  • Breaking News

    Bị Mỹ trục xuất, ông Hà Văn Thành đối mặt 15 năm tù tại Việt Nam

    Dù được các dân biểu liên bang Hoa Kỳ mạnh mẽ lên tiếng bênh vực nhưng cuối cùng nhà vận động cho môi trường Việt Nam Hà Văn Thành vẫn bị chính quyền Mỹ trục xuất về nước và hiện đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ ở Nghệ An, đối mặt với cáo buộc “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.”

    Ông Hà Văn Thành bị đưa vào phòng giam. Photo ANTV.
    Đài truyền hình ANTV của Bộ Công an Việt Nam hôm 16/11, loan tin ông Hà Văn Thành đã “nhận tội” làm môi giới đưa 48 người Việt Nam ở Nghệ An ra nước ngoài trái phép.

    Trong bản tin của ANTV, ông Thành bị cho đã tham gia đường dây đưa người đi lao động từ Việt Nam sang New Zealand thông qua các quốc gia trung gia khác là Lào, Thái Lan, và Indonesia.

    Cụ thể, ông Thành “thú nhận” đưa 41 người từ Việt Nam sang Indonesia và được cho là “hưởng 1 ngàn đôla cho mỗi nạn nhân.” Tuy nhiên, ANTV nói rằng nhóm người này bị nhà chức trách Indonesia bắt giữ toàn bộ và trục xuất về Việt Nam.

    Ông Thành nói trong bản tin của ANTV:

    “Sau khi tôi hay tin các lao động bị bắt và đã trở về Việt Nam, tôi đã trả lại cho các lao động một số tiền.

    “Sau đó tôi hay tin cơ quan chức năng tìm cách bắt tôi thì tôi trốn sang Mỹ. Tôi bị cảnh sát Mỹ bắt giam giữ. Đến ngày 23/10, cảnh sát Mỹ trục xuất tôi về nước.”

    Từ Nghệ An, linh mục Nguyễn Đình Thục, người vận động các chính khách Hoa Kỳ để ông Thành được cấp quy chế tị nạn tại Mỹ, thuật lại lời chị Hồ Thị Thắm, vợ anh Thành, sau khi chị nhận thông tin, mà linh mục gọi là “lời đe dọa,” từ phía công an.

    “Công an gọi điện và hỏi chị Thắm rằng chị có biết anh Thành bị bắt vì tội gì không? Chị Thắm nói chị không biết.

    “Anh ấy nói chị phải nói sự thật, đừng có giấu tội của chồng. ‘Chị phải nói rằng anh Thành đã tổ chức đưa người vượt biên trái phép.’

    “Chị trả lời họ chị không biết. Họ bảo nếu nói [không biết] như vậy thì họ cũng sẽ bắt chị và vợ chồng sẽ không bao giờ được gặp nhau!.’"

    Linh mục Nguyễn Đình Thục chia sẻ rằng thông qua một người bạn tù, gia đình được biết ông Thành bị đánh “sưng mặt, sưng tay” ở trại giam Nghi Kim (Nghệ An). Tuy nhiên, VOA chưa liên lạc được với công an Nghệ An để xác nhận những thông tin này.

    Linh mục Nguyễn Đình Thục cho VOA biết thêm:

    “Vài hôm sau thì có gửi giấy thông báo việc bắt anh Thành và đồng thời triệu tập chị Thắm.

    “Khi chị Thắm lên gặp công an tỉnh Nghệ An thì chị bị họ đe dọa và làm cho khiếp sợ. Nên chị không dám làm truyền thông. Họ bảo nếu chị đưa bất kỳ thông tin nào lên mạng thì họ sẽ bắt bỏ tù chị.”

    Theo Điều 349 Bộ Luật hình sự Việt Nam, quy định về “Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép,” nếu đưa hơn 11 người ra nước ngoài trái phép sẽ phải đối mặt với khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù.

    Hiện tại gia đình đã chỉ định luật sư để bào chữa, nhưng luật sư vẫn chưa gặp được ông Thành, cũng theo linh mục Thục.

    Vài ngày trước khi bị chính quyền Hoa Kỳ trục xuất, ông Hà Văn Thành đã gọi điện thoại lần cuối với ông Lê Thanh Tùng, một người mà ông Thành thường xuyên liên lạc trong suốt thời gian hơn một năm ở các trại giam di trú. Ông Tùng cho biết VOA rằng ông Thành tuyệt thực phản đối việc trại giam ép ông về nước, và phản đối công an Việt Nam tìm cách sách nhiễu gia đình ông Thành.

    Ông Lê Thanh Tùng nói với VOA:

    “Tôi có liên lạc với anh Hà Văn Thành từ phía nhà tù ở Hoa Kỳ và liên lạc với gia đình anh ở Việt Nam. Tôi được biết rằng trong suốt thời gian qua thì công an cũng liên tục đến quấy rối gia đình, vợ con anh Hà Văn Thành ở Việt Nam.”

    Trong những bức thư gửi cho ICE và Thẩm phán Di trú vào tháng 6 kêu gọi ngưng trục xuất ông Thành, các dân biểu Hoa Kỳ cho biết ông Thành từng tham gia biểu tình phản đối Formosa cùng với hàng trăm nạn nhân của thảm hoạ môi trường biển do nhà máy thép của tập đoàn này gây ra ở ven biển 4 tỉnh miền Trung vào năm 2016.

    Ông Hà Văn Thành, 37, rời Việt Nam qua Lào, Thái Lan rồi tới Cuba, Panama, Mexico, và cuối cùng vào Mỹ ngày 24/07/2018 xin quy chế tị nạn chính trị, nhưng đã bị toà của Sở Di trú 3 lần bác đơn, do các thẩm phán không tin tưởng vào câu chuyện ông trốn chạy vì bị đàn áp do tham gia biểu tình vì môi trường ở Việt Nam.

    (VOA) 

    Không có nhận xét nào