Header Ads

  • Breaking News

    Vì sao Nga và Mỹ bị « tê liệt » vì chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria

    Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chấp nhận lời mời của điện Kremlin và sẽ công du Nga trong thời gian từ đây đến cuối tháng 10/2019. Hiện tại, cả Nga lẫn Mỹ đều có vẻ bất lực trước chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại bắc Syria.

    Các xe tăng M-60 của Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào thành phố Tukhar (Manbij, miền bắc Syria) ngày 14/10/2019.
    Ngày 15/10/2019, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo : « Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến cho đến khi nào đạt được các mục tiêu ». Theo Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria OSDH, bắt đầu từ hôm 09/10, chỉ trong vòng có 7 ngày, chiến dịch quân sự này đã gây ra nhiều thiệt hại nhân mạng cho cả hai phía : 70 thường dân và 135 chiến binh lực lượng Dân chủ Syria FDS bên phía Syria. Còn bên Thổ Nhĩ Kỳ là 20 thường dân và 120 chiến binh thân Thổ. Thêm vào đó, cuộc tấn công khiến 160 ngàn người phải bỏ nhà bỏ cửa chạy sơ tán (theo số liệu của Liên Hiệp Quốc).

    Nếu như châu Âu tỏ ra bất lực trong vụ việc này, thì khả năng hành động của hai cường quốc lớn là Nga và Mỹ cũng bị hạn hẹp. Kênh truyền hình Pháp Franceinfo giải thích vì sao Thổ Nhĩ Kỳ đang làm cho Nga và Mỹ cùng « tê liệt ».

    Trump không biết phải làm gì

    Trên đài truyền hình Franceinfo, bà Nicole Bacharan, nhà chính trị học và chuyên gia về Hoa Kỳ, cho rằng Donald Trump đã tự mình trói mình. Tình hình không đòi hỏi phải gấp rút triệt thoái binh sĩ Mỹ, nhưng nguyên thủ Hoa Kỳ đã bật đèn xanh cho Erdogan. Dường như sau khi đã cho phép chiến dịch này và ra lệnh rút quân, tổng thống Mỹ lại đột ngột thay đổi thái độ đe dọa « hủy diệt » nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu như Ankara vượt « lằn ranh đỏ ».

    Vì sao lại có sự thay đổi giọng điệu như thế ? Chuyên gia Nicole Bacharan cho rằng đó là vì ông Trump bị dồn vào đường cùng, bị chỉ trích từ mọi phía. « Nếu như Trump có vẻ lùi bước một cách lố bịch như vậy và còn dọa dẫm hành động chống lại tình huống do chính ông tạo ra, là bởi vì ông ấy đang bị tất cả mọi người chống đối, các nghị sĩ đảng Dân Chủ, đảng Cộng Hòa và Lầu Năm Góc nữa ».

    Kết quả là gì ? Thứ Hai, 14/10, Donald Trump cam kết trên Twitter đang chuẩn bị những « biện pháp trừng phạt lớn nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ ». Cuối cùng thì Hoa Kỳ cũng ban hành một sắc lệnh trừng phạt nhắm vào 3 bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ : Năng Lượng, Quốc Phòng và Nội Vụ. Thông cáo của bộ Tài Chính Mỹ nêu rõ trừng phạt đưa ra là nhằm thuyết phục Ankara « dừng ngay lập tức cuộc tấn công » tại Syria.

    Tài sản tại Mỹ (nếu có) của ba vị bộ trưởng nói trên sẽ bị phong tỏa, và các giao dịch quốc tế bằng đô la sẽ bị ngăn chận. Bà Nicole Bacharan lưu ý, « những đòn trừng phạt này thật ra chẳng có chút hiệu quả gì hết. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ sẽ dừng tấn công chừng nào họ đạt được điều họ muốn ! »

    Giữa hai đồng minh, Hoa Kỳ đã nhanh chóng lựa chọn

    Khi được hỏi về phản ứng của binh sĩ Mỹ tại thực địa, cho rằng việc bỏ rơi đồng minh Kurdistan là điều xấu hổ, ông Ryan McCarthy, bộ trưởng Lục Quân Mỹ (dưới quyền bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ) trả lời rằng nên « giải thích cho binh sĩ hiểu tính chất phức tạp của tình thế ». Khi hai đối tác của Mỹ có những lợi ích trái ngược nhau, « cần có thời gian để giải thích sự khác biệt trong quan hệ giữa các binh sĩ và các chọn lựa mà chúng ta phải thực thi ở cấp độ quốc gia ».

    Điều này có nghĩa là vị bộ trưởng Lục Quân ngầm thừa nhận những gì mà các quan chức quân sự Mỹ đã nói riêng với nhau từ bao lâu nay : Giữa Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên của NATO, cho trú ngụ các cơ sở quân sự chiến lược của Mỹ, và sắc tộc thiểu số người Kurdistan tại Syria, vốn đang tận dụng các thắng lợi quân sự chống lại nhóm tổ chức Nhà nước Hồi Giáo Daech để kiểm soát một phần lãnh thổ của Syria, thì không bao giờ Hoa Kỳ phải thực sự tính toán lựa chọn gì cả, như giải thích của ông Joshua Landis, chuyên gia về Syria trường đại học Oklahoma với AFP : « Trump cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ quan trọng hơn người Kurdistan. Do vậy, tôi không nghĩ rằng đây là quyết định đơn phương của Trump. Hoa Kỳ xem Thổ Nhĩ Kỳ như là một đối tác quan trọng để bảo vệ các lợi ích của Mỹ. Và Recep Tayyip Erdogan đã hiểu rằng thời điểm đã đến và Hoa Kỳ sẽ không tuyên chiến với Thổ Nhĩ Kỳ chỉ vì người Kurdistan ».

    Nga cũng kẹt vì vừa muốn giữ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ vừa lo Daech trỗi dậy

    Về phía Nga, mọi chuyện cũng không đơn giản hơn. Ngày Thổ Nhĩ Kỳ mở đợt tấn công vào bắc Syria, nước Nga tỏ ra kín tiếng. Vladimir Putin chỉ đơn giản « kêu gọi đối tác Thổ Nhĩ Kỳ nên suy nghĩ kỹ đến tình hình hiện nay để tránh ảnh hưởng đến những nỗ lực chung giải quyết khủng hoảng Syria ».

    Theo giải thích của ông Cyrille Bret, chuyên gia về các vấn đề chiến lược và Quan hệ Quốc tế với Franceinfo, « nước Nga bị kẹt giữa một bên là liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ và bên kia là mối bận tâm ngăn chận chiến binh thánh chiến người Kavkaz hồi hương ».

    Quả thật, nguyên thủ Nga đã từng phát biểu về hồ sơ gai góc này khi nhắc đến khả năng trỗi dậy tiềm tàng của nhóm tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Hàng ngàn chiến binh của Daech bị người Kurdistan giam giữ có nguy cơ lại được tự do. Tổng thống Nga trong một cuộc họp thượng đỉnh với các nước cựu Xô Viết ở Achkhabad, Turkmenistan đã cảnh báo : « Đây là một mối đe dọa thật sự cho chúng ta, cho quý vị bởi vì những kẻ đó sẽ đi đâu và sẽ ra sao ? »

    Vẫn theo ông Cyrille Bret, « nước Nga đang chờ xem tình hình tiến triển ra sao, Nga không thể gây áp lực với bên này cũng như là bên kia. » Một trong những hành động duy nhất mà Nga đưa ra là ngăn chận một dự thảo tuyên bố của Mỹ tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào thứ Sáu 18/10 nhằm yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ ngưng chiến dịch quân sự.

    Với ông Cyrille Bret, điều này không có gì là bất ngờ cả : « Lẽ thường thôi : Đường lối đối ngoại của Nga đó là ‘không can thiệp’. Đối với nước Nga, chủ quyền là nguyên tắc cốt yếu trong quan hệ quốc tế ».

    Dù vậy, thứ Ba 15/10, Matxcơva đã tỏ ra cứng giọng. Đặc sứ của điện Kremlin về Syria, ông Alexander Lavrentiev tuyên bố rằng chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ là « không chấp nhận được » và cho biết là không có một thỏa thuận tiên quyết nào giữa Matxcơva và Ankara.

    Trả lời câu hỏi của phóng viên hãng thông tấn Nga Interfax bên lề chuyến công du Abu Dhabi, đặc sứ Nga xác nhận là Matxcơva có đứng ra làm trung gian giữa chính phủ Syria và người Kurdistan. Ông còn cho biết rõ là Nga sẽ không cho phép xảy ra đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

    Cả Nga lẫn Mỹ sẽ không hành động trực diện chống Erdogan

    Rốt cuộc, một điều hiển nhiên là Mỹ và Nga sẽ không bao giờ tiến hành các hoạt động quân sự chống tổng thống Erdogan. Liệu liên minh mới nhất giữa Kurdistan với Bachar al-Assad có sẽ làm thay đổi cục diện đối với Nga, đồng minh lớn của chế độ Damas ?

    Về điểm này, ông Cyrille Bret tỏ ra dứt khoát : « Đây là một yếu tố bất định mới bởi vì nước Nga lại rơi vào thế kẹt giữa hai đồng minh, nhưng điều đó cũng không hẳn là ngày mai, binh sĩ của ông Putin sẽ sát cánh cùng Bachar al-Assad ra chiến trường để chống Thổ Nhĩ Kỳ. »

    Về phần mình, tổng thống Mỹ rất rõ ràng. Donald Trump hôm thứ Hai, 14/10, cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ không lại lao vào một « cuộc chiến giữa những người đã đánh nhau từ hai trăm năm nay ». Ông bực bội nói tiếp : « Phải chăng người ta thật sự nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ phải tham chiến chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của khối NATO ? Những cuộc chiến không hồi kết sẽ phải chấm dứt ! »

    Do vậy, liên minh quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ dường như không bị đe dọa. Theo trung tâm nghiên cứu American Security Project, Hoa Kỳ đang cất giữ 50 quả bom hạt nhân tại khu căn cứ quân sự Mỹ ở Incirlik, phía nam Thổ Nhĩ Kỳ. Khu căn cứ không quân này mà Hoa Kỳ sử dụng từ thời Chiến Tranh Lạnh, và là nơi đóng quân của khoảng 2.500 binh sĩ Mỹ, rất hữu ích cho các chiến dịch chống Daech và được dùng như là đầu cầu cho các chiến dịch quân sự của Mỹ trong toàn khu vực.

    (RFI)

    Không có nhận xét nào