Chừng nào chưa đổi mới chính trị theo hướng đa nguyên, chừng đó câu chuyện ‘đóng đinh, nhổ đinh và tự hào’ vẫn sẽ tiếp diễn.
Về những lần ‘đóng đinh – nhổ đinh’ trong Đại hội Đảng |
Hội
nghị Trung ương 11 khóa XII khai mạc sáng 7/10. Và ngay sau đó, báo
Pháp luật Tp. HCM (PLO) đã đăng tải bài viết ghi nhận một “chú ý” trong
ngày mở đầu Đại hội. Đó là, bục phát biểu mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước
Nguyễn Phú Trọng không có hoa trang trí.
“Bỏ
đi những lẵng hoa ở bục phát biểu, chắc chắn điều đó sẽ có tác dụng
thúc đẩy bớt đi bệnh hình thức mà bao nhiêu lãnh đạo cấp cao của Đảng và
Nhà nước đã và đang kêu gọi dẹp bỏ”, theo PLO.
Phản
hồi về bài viết này, Facebooker Tâm Mai chia sẻ bằng ngôn ngữ châm biếm
rằng: Nhìn bục phát biểu không hoa tại hội nghị trung ương 11 mới thấy
đó là 1 thành quả vĩ đại của 1 cuộc cách mạng vĩ đại về trang trí hội
nghị. Lần đầu tiên trên thế giới, đảng ta đã có sáng kiến dẹp bỏ hoa
hoét khi hội nghị hội họp, việc làm này cần phải được ghi vào sử sách là
một việc làm nhằm tiết kiệm ngân sách và cần phải được lăng xê thật
nhiều cho những quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp học theo.
Và một lần nữa, báo chí cách mạng tự hào về cái điều mà đáng ra phải nên làm từ lâu. Tất nhiên, muộn còn hơn không.
Nhưng,
phản ánh và lên án ‘bệnh hình thức’ liên quan đến trang trí hoa này
không phải đến từ đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, mà xuất
phát từ chính những người mà báo QDND hay Nhân Dân gọi là ‘phản động’.
Những trang thông tin đăng tải sự lên án này được ví như là ‘trang tin
trái chiều, phản động’.
Nhưng
điều quan trọng, đúng như GS.TS Trần Đình Thiên đề cập, “chúng ta cứ
mải mê gỡ những cái đinh do chúng ta đóng để rồi lại gọi đó là thành
quả”.
‘Thành
quả cách mạng’ – ngôn từ lộng lẫy và kiêu hãnh trong các văn bản mà
Đảng ban hành lại là một thực trạng về ‘cái đinh do Đảng đóng vào rồi gỡ
ra’. Không phải đến bây giờ, mà từ cái thời điểm Đảng xóa bỏ toàn bộ
nền móng cơ sở của sản xuất tư nhân và cơ chế thị trường miền Nam, để
thay vào đó là nền kinh tế kế hoạch. Và đến khi đói quá, Đảng mới bắt
đầu phải từng bước mở cửa lại thị trường và đóng sập cánh cửa ‘kinh tế
tập thể’ mà Đảng từng một thời hô hào người dân xây dựng.
Đảng
từng coi nước Mỹ là kẻ thù và Trung Quốc là anh em, Đảng từng kiêu hãnh
trên chiến thắng và bắt nước Mỹ phải bồi thường hàng tỷ USD chiến tranh
trước khi thiết lập ngoại giao. Kết quả, Đảng sau đó phải nhún nhường
để giao kết với Mỹ, và năm 2007 Đảng đã đưa chế độ gia nhập vào tổ chức
thương mại thế giới WTO, với sự ủng hộ rất lớn từ cựu thù Mỹ.
Đảng
đề cao kinh tế nhà nước và coi là chủ đạo, động lực của phát triển nước
nhà, coi kinh tế tư nhân là con ghẻ chế độ. Và sau thời gian khiến nền
kinh tế lao đao bởi những tập đoàn chủ đạo đó, Đảng lại một lần nữa gọi
tên kinh tế tư nhân bằng cụm từ ‘động lực, vai trò quan trọng’, và tuyệt
nhiên, trong ghi nhận vai trò đó, không có một nguồn chứng dẫn
Marx-Lenin nào cả.
Khi
‘chế độ kinh tế’ lâm nguy, ảnh hưởng đến ‘chế độ chính trị’, thì Đảng
mới thực sự nhận thức lại. Những cái gì Đảng coi thường, nay lại được
trọng vọng; và những cái mà Đảng bức tử nay lại được phục hồi.
Đảng
coi đó là ‘đổi mới, sáng tạo’ trong quá trình lãnh đạo đất nước. Và ghi
nhận đó như là ‘thành tựu vĩ đại’ trong công cuộc dẫn dắt, chèo lái con
thuyền dân tộc.
“Những
cái đinh đóng vào” cũng áp dụng cho cả công cuộc chống tham nhũng. Thế
nên mới có câu biếm ngữ, rằng, khi trả lời về vai trò quan trọng của
Đảng đối với công cuộc chống tham nhũng, thì đó lại là, “nếu không có
Đảng, thì không có tham nhũng nảy sinh để chống”.
Cả
dân tộc được dẫn dắt và lèo lái bởi Đảng tài tình, đi theo một vào
tròn, và trên cơ sở ‘đập-xây-đập-xây’. Thế nên qua nhiều thập kỷ, tiềm
lực quốc gia vốn dồi dào, nhưng sự huy động lại theo hướng bòn vét thay
vì là phát triển.
Việt
Nam xứng đáng là cường quốc trong khu vực, và hộ chiếu Việt Nam xứng
đáng đặt ngang hàng với Singapore, Malaysia, Hàn Quốc,… Vấn đề là, liệu
Đảng có nhận thức được điều quan trọng đó hay không, hay thuần túy trong
các Đại hội chỉ là ‘bảo vệ quyền lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của
Đảng’.
Mới
đây, để phục vụ Đại hội, một Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại
hội XIII của Đảng đã đến Mỹ để nghiên cứu thực tiễn chính sách của Mỹ.
Nhưng cơ chế luật pháp, chính trị lẫn kinh tế của Mỹ hoàn toàn khác thì
chỉ có thể ‘nghiên cứu’, còn áp dụng, thực ra đơn giản chỉ là bỏ cụm từ
‘định hướng XHCN’ ra khỏi ‘kinh tế thị trường’ là được. Thế nhưng, cái
đơn giản và trực diện lại không làm, và bao năm nay, ngân sách quốc gia
vẫn cứ tiếp tục đổ ra để các đoàn của Đảng và Nhà nước công du nước
ngoài để nghiên cứu và để đó, bên trong thì Hội đồng Lý luận Trung ương
Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn ngày đêm ‘làm rõ kinh tế thị trường định
hướng XHCN’ trong bế tắc, bằng những luận điểm chung chung và không hồi
kết.
Trong
khi thế giới chuyển biến nhanh, thì Đảng lại ‘dè dặt’ như cách mà Nhà
Nguyễn từng ‘dè dặt’ trong mở cửa và tiếp nhận thực học phương Tây. Và
những ‘đổi mới’ của Đảng, thực tế không phải đổi mới, mà là tìm cách
chắp vá cho chế độ được sinh tồn, nhằm giữ bằng được cốt lõi chính trị.
Chừng nào chưa đổi mới chính trị theo hướng đa nguyên, chừng đó câu chuyện ‘đóng đinh, nhổ đinh và tự hào’ vẫn sẽ tiếp diễn.
Quay
trở lại với vấn đề hoa trên bục phát biểu, bài viết của PLO có đề cập
đến trăn trở của ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP.HCM ‘kể lúc
ông còn làm phó Thủ tướng, bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ông sang thăm một
nước Bắc Âu. Nước chủ nhà đón tiếp ông cũng rất trọng thị nhưng giản dị
và tiết kiệm. Bó hoa tặng ông lúc ở phi trường rất bé, không to như ở
Việt Nam’.
Nhưng
sự trăn trở đó dường như hình thức, khi mà mới đây trong bục phát biểu
tại kỳ họp thứ 16, Hội đồng Nhân dân TP.HCM khóa IX sáng 6/10 của Bí thư
Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân vẫn có hoa trang trí như lệ thường.
Có lẽ, giữa nói và làm của người cộng sản là một khoảng cách xa vời. Và ‘đóng đinh, nhổ đinh’ vẫn sẽ còn tiếp tục.
(VNTB)
Không có nhận xét nào