Đi cùng với sự hình thành nền văn
minh nhân loại, là những giấc mơ. Những ước mơ riêng của mỗi con người
đã tạo nên một thế giới đầy khát vọng và kỳ diệu của loài homo sapiens,
so với các loài khác cùng tồn tại trên hành tinh. Lịch sử đã ghi lại
rằng, đôi khi chỉ cần một ước mơ của Gandhi hay của Luther King, thế
giới phải chuyển mình.
Mỗi người một ước mơ |
Và
cũng có vô số những giấc mơ nhỏ bé và giản đơn, dù thành công hay thất
bại, nhưng đã góp phần tạo dựng nên một hình dạng độc đáo khác thường
của giống loài duy nhất trên địa cầu – loài động vật có khả năng ngôn
ngữ và mơ ước.
Ai
biết được những người Việt tử nạn trên chiếc xe thùng đông lạnh, tìm
cách vượt biên giới vào Anh đã ôm ấp những ước mơ gì. Mỗi số phận là một
câu chuyện. Và những câu chuyện đó phác thảo hình ảnh về nơi chốn mà họ
đang sống.
Những
đoàn người Kurd hôm qua tất tả chạy dạt khỏi vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ,
phác thảo một số phận dân tộc long đong và cam chịu. Họ không có bạn,
chỉ có đồng minh giai đoạn và kẻ thù luân phiên.
Một
người tài xế Uber người Armenia kể với tôi về quê hương của anh, và lý
do anh lưu lạc đến Úc. Câu chuyện đời và ước mơ ra đi của anh, phác thảo
về vùng đất Artsakh tuyệt đẹp cổ xưa, mà nay những người thương buôn
quằn mình chịu nạn băng đảng đến từ Nga.
Đi
theo dòng người im lặng tràn vào Châu Âu, đặc biệt là vào Anh Quốc, rất
nhiều người Việt đã cùng người Trung Quốc, Eritrea, Ethiopia, Sudan,
Afghanistan… lẻn vào để làm đủ thứ nghề, từ làm móng tay đến giữ trẻ,
quét dọn… và cả trồng cần sa cho các đường dây buôn bán ma túy. Những
câu chuyện đó phác thảo một phần của thế giới nghèo đói, bất an, không
tương lai đang giẫy giụa, túa ra và chạy về hướng mà họ tin rằng sẽ tìm
thấy sự khác biệt.
Những
ngày xuất hiện câu chuyện 39 người tử nạn ở Anh Quốc, bất kỳ ai theo
dõi cũng nhận ra dư luận người Việt chuyển động dữ dội. Một vài ngày
đầu, sự kinh hoàng và thương cảm xuất hiện, rồi sau đó xuất hiện sự chỉ
trích và miệt thị đầy chủ đích nhằm định hướng dư luận, kéo theo sự đồng
ý của không ít người. Mục đích có thể là xô ngã mọi sự thương tâm, nhằm
đánh lạc hướng việc xã hội đang nghĩ đến lý do vì sao nhiều thanh niên ở
Hà Tĩnh, Nghệ An phải ra đi, vốn là nơi đời sống khó khăn, và nay lại
càng khó khăn hơn kể từ khi Formosa xả độc ra biển, hủy diệt việc mưu
sinh của hàng triệu người.
Ai
có quyền đánh giá ước mơ hay phẩm giá của những người trẻ đó? Ai có
quyền gọi họ là liều lĩnh hay ngu xuẩn vì không chấp nhận hiện tại? Nếu
giả sử chẳng may trong lịch sử, chiếc tàu buôn Latouche-Tréville chở anh
thanh niên Văn Ba bị đắm ngoài khơi năm 1911, hôm nay, tên gọi về
Nguyễn Tất Thành là gì, nhất là khi anh ta không chịu yên phận và chấp
nhận cuộc đời một thầy giáo dạy chữ Hán ở trường Dục Thanh của Hội Liên
Thành?
Dù
là vô danh, nhưng chắc những thanh niên Việt qua đời trên chiếc xe
thùng đông lạnh cũng đã ôm ấp những ước mơ thầm kín của họ. Dù có là nhỏ
bé hay nghèo hèn, nhưng đó là lựa chọn và sự chấp nhận đánh đổi trong
khả năng của họ. Họ không đổ lỗi nơi chốn của họ, không căm ghét hay phỉ
báng quê hương mình, cho dù nơi đó, có thể là những ngày tháng họ sống
mòn, với những đầy đủ quẩn quanh vô vị… Nếu họ muốn ra đi để thay đổi
cuộc đời nghèo khó, điều đó đã đau xót. Nhưng nếu họ đủ sống mà vẫn muốn
ra đi, điều đó lại càng đau xót hơn, đáng chất vấn hơn, đặc biệt số
lượng người ra đi và muốn ra đi gấp nhiều lần 39 người từ nạn, suốt
nhiều năm qua.
“Đừng
đổ lỗi cho chế độ” – những luận điệu hoảng hốt, chối bỏ đang vang lên
từ nhiều hướng, dù các nạn nhân hay gia đình của họ vẫn còn chưa nói đến
điều này. Ngay những dòng tin nhắn cuối cùng, cô gái trẻ nạn nhân chỉ
nói xin lỗi mẹ mình. Những bia mộ chưa được dựng, người ta đã nghe thấy
tiếng phủi tay. Tương tự như sau năm 1975, hàng triệu người miền Nam
Việt Nam ra đi, họ cũng đã bị chối bỏ trước khi họ kịp lên tiếng nói về
chế độ. Trong sách Bên Thắng Cuộc của tác giả Huy Đức, có ghi “ngày
20-7-1979, Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc triệu tập một hội nghị về thuyền
nhân Việt Nam tại Geneva với sáu mươi quốc gia tham dự. Tại hội nghị,
Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Nguyễn Cơ Thạch, nói “thuyền
nhân” chỉ là “những phần tử bất mãn của chế độ cũ, những kẻ có nợ máu
với nhân dân, những thành phần đĩ điếm, trốn tránh lao động”.
Trên
đất nước được quảng cáo đầy những chỉ số hạnh phúc, 45 năm sau ngày
thống nhất địa lý, con người vẫn cứ ra đi. Mỗi người vẫn bí mật mang một
ước mơ của mình. Quan chức thì thực hiện giấc mơ cho con cái của mình
định cư, tạo tài sản ở nước ngoài. Những người giàu thì mua quốc tịch,
chờ một chuyến ra đi, hoặc đi du lịch rồi trốn ở lại. Người quyền thế
thì nhẹ nhàng đi cùng chuyên cơ quốc gia để nhập cư lậu. Còn những con
người nghèo khó thì chọn lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, nộp đơn bán sức
lao động hoặc chọn hành trình bí mật để với tới ước mơ.
Giờ đây, đất nước tôi, rộn rịp những ước mơ mang hình giai cấp.
Tuấn Khanh
(FB Tuấn Khanh)
Không có nhận xét nào