Header Ads

  • Breaking News

    Trung Quốc không cần bạn mà chỉ muốn có chư hầu

    Biến đe dọa thành hành động cụ thể, ngày 07/10/2019, Mỹ loan báo quyết định đưa 28 cơ quan và doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách trừng phạt về tội ngược đãi các cộng đồng người thiểu số tại Tân Cương.

    Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammad Ben Salman họp với chủ tich Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ngày 22/02/2019.
    Quyết định trừng phạt này đã thu hút sự chú ý của công luận thế giới trên sự kiện Bắc Kinh bị tố cáo là đã cho thành lập những trại cải tạo tại Tân Cương, giam giữ cả triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác theo đạo Hồi.

    Điều đáng chú ý trong vụ này là bất chấp những cáo buộc từ các tổ chức bảo vệ nhân quyền, và những bằng chứng cụ thể về chiến dịch đàn áp mà Bắc Kinh tiến hành, vẫn có hàng chục nước trên thế giới lên tiếng công khai bênh vực chính sách Tân Cương của Trung Quốc, trong số này có hàng loạt quốc gia Hồi Giáo.

    Trong một bài phân tích ngày 04/10 vừa qua mang tựa đề “Trung Quốc không có chỗ cho bạn bè bất đồng ý kiến với mình - China Has No Room for Dissenting Friends”, chuyên san Mỹ Foreign Policy đã cho rằng chính sức ép chính trị và kinh tế của Bắc Kinh đã thúc đẩy các nước nói trên làm ngơ trước thực tế để phục tùng Trung Quốc.

    Chính sách của Trung Quốc tại Tân Cương : 37 nước ủng hộ !

    Tác giả bài phân tích – giáo sư Azeem Ibrahim thuộc Trường Lục Chiến Mỹ (U.S. Army War College) – trước hết nhắc lại cuộc đấu “Thư Ngỏ” tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 7 vừa qua về chính sách đàn áp tại Tân Cương của Bắc Kinh, với chiến thắng về tay Trung Quốc.

    Nhân khóa họp thường niên của Hội Đồng Nhân Quyền tại Genève (Thụy Sĩ), 22 quốc gia, chủ yếu là phương Tây, đã ra một bản tuyên bố chung đề ngày 08/07/2019 phản đối việc Trung Quốc đàn áp người thiểu số Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương.

    Chỉ ít lâu sau đó, Bắc Kinh đã phản pháo và cho công bố một bức thư ngỏ của 37 quốc gia, ca ngợi “thành tựu” nhân quyền của Trung Quốc tại Tân Cương.

    Trong số các nước ký tên vào lá thư bênh vực Trung Quốc, ngoại trừ các nước nổi tiếng về vi phạm nhân quyền hay đồng minh truyền thống của Bắc Kinh, đáng chú ý hơn cả là một loạt quốc gia Hồi Giáo, từ Ả Rập Xê Út, Bahrein, Oman…, cho đến Pakistan, Algéri, Ai Cập…, chiếm gần một nửa số nước ủng hộ. Danh sách này sau đó được bổ sung thêm 13 nước khác trong đó có Palestine, Iran, Irak, Sri Lanka…

    Có đến 4 nước Đông Nam Á ký tên ủng hộ Trung Quốc bao gồm Cam Bốt, Lào, Miến Điện, Philippines, nhưng không có Việt Nam !

    Nước Hồi Giáo mà lại bênh vực việc đàn áp người Hồi Giáo

    Giáo sư Azeem Ibrahimđã ghi nhận nghịch lý trong vụ này là đa số các nước công khai lên tiếng ủng hộ chính sách đàn áp người Duy Ngô Nhĩ do Trung Quốc tiến hành lại là các nước có đa số dân chúng theo Hồi Giáo.

    Theo ông Ibrahim, lãnh đạo các nước nói trên, từ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho đến thái tử Mohammed ben Salmane của Ả Rập Xê Út, nước quản lý hai thánh địa của Hồi Giáo, thường rao giảng tình “đoàn kết Hồi Giáo” quốc tế, có điều đó chỉ là chiêu bài đối nội, nhưng nếu kinh tế đất nước họ và lợi ích cá nhân của giới cầm quyền lệ thuộc vào thiện chí của Bắc Kinh, thì họ sẵn sàng lên tiếng bảo vệ cái mà Bắc Kinh cho là quyền chủ quyền, cho phép Trung Quốc muốn làm gì thì làm bên trong biên giới của mình.

    Trong một chừng mực nào đó, thái độ đạo đức giả về mặt chính trị là điều rất thường thấy trong giới lãnh đạo độc đoán của các nước này, nhưng điều đáng nói chính là bản thân các lãnh đạo đó lại không ngần ngại lên tiếng chỉ trích điều mà họ cho là hành vi ngược đãi các cộng đồng Hồi Giáo tại các nước Phương Tây, kể cả khi nhiều nước, như Thổ Nhĩ Kỳ hay Ả Rập Xê Út, vẫn dựa vào Mỹ hay NATO trong lãnh vực bảo đảm an ninh chẳng hạn.

    Đối với các nước đó, không thể nói là họ phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn là vào Mỹ. Câu hỏi đặt ra là tại sao họ lại chiều ý Bắc Kinh như vậy.

    Đối với tác giả, câu trả lời có thể được tìm thấy trong cung cách đối xử của Trung Quốc đối với các nước phụ thuộc vào họ.

    Vì không giống như phương Tây, Trung Quốc rất khó chấp nhận việc nước khác làm trái ý hay chỉ trích họ. Điều đó bắt nguồn một phần từ chế độ chính trị của mỗi bên.

    Các nền dân chủ phương Tây được xây dựng dựa trên sự chấp nhận quan điểm bất đồng và phê phán, từ đó tìm cách cải thiện vấn đề. Đây chính là thế mạnh chủ yếu của văn hóa chính trị phương Tây.

    Còn đảng Cộng Sản Trung Quốc, dù đã có thay đổi trong bốn thập kỷ qua, về căn bản vẫn là chính sách kiểm soát. Dưới thời Tập Cận Bình, những quan điểm bất đồng đã bị dẹp tan một cách tàn nhẫn, ngay cả không gian hạn chế dành cho những lời chỉ trích nhẹ xuất hiện trong những năm 2000 cũng đã bị loại bỏ.

    Bắc Kinh ngày nay vẫn duy trì thói quen của các chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa của thế kỷ 20. Những lời phê bình không được coi là một cơ hội để học hỏi và cải thiện, mà là một cuộc tấn công vào đảng, tức là trật tự xã hội mà chế độ đặt ra.

    Khác biệt về văn hóa chính trị đã bộc lộ rõ ràng trong lãnh vực đối ngoại.

    Giáo sư Ibrahim nêu ví dụ như trong cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây chẳng hạn, nhiều đồng minh phương Tây của Mỹ, có thể chỉ trích các hành động của Hoa Kỳ, nhưng vấn đề Washington rút hỗ trợ kinh tế và quân sự khỏi Tây Âu để trả đũa không bao giờ được đặt ra. Cũng như vậy, khi Mỹ khởi động chiến tranh ở Irak, nhiều đồng minh đã có thể công khai lên tiếng phản đối, cho rằng đó là điều sai trái, mà không bị phản pháo từ phía Hoa Kỳ.

    Nhưng khi Trung Quốc xây dựng vùng ảnh hưởng của họ, các quan hệ bạn bè mới giữa Bắc Kinh và các nước mang bản chất hoàn toàn khác. Trung Quốc luôn đòi hỏi những người bạn mới phục tùng không bàn cãi các quyết định Bắc Kinh, và phô trương công khai thái độ ủng hộ Trung Quốc mỗi khi Bắc Kinh bị chỉ trích. Và giới lãnh đạo các nước nằm trong khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ phải liên tục bảo vệ Bắc Kinh trên các diễn đàn công cộng, bất kể là điều đó có thể khiến họ khó xử.

    Câu hỏi đặt ra là nếu Bắc Kinh và bạn bè của họ đều đồng ý trên phương thức giao dịch như kể trên, thì vấn đề là ở đâu?

    Bắc Kinh xây dựng một băng đảng ?

    Giáo sư Azeem Ibrahim nhìn thấy vấn đề là ở chỗ Bắc Kinh, trong thực tế, đang xây dựng một băng đảng. Vùng ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ không chỉ là một nhóm bạn kết hợp với nhau, mà là một nhóm được tổ chức chung quanh một thủ lĩnh.

    Điều đáng quan ngại với nước khác là nhóm này phải thể hiện thái độ thù địch với các thành phần ở bên ngoài để biểu thị lòng trung thành với băng đảng và thủ lĩnh của mình.

    Trong tình hình hiện nay, Trung Quốc đang nuôi dưỡng tinh thần “chúng ta đối đầu với chúng nó”, và phương Tây chính là cái “chúng nó” cần phải đối đầu.

    Theo tác giả bài phân tích, hiện tại, xu hướng này vẫn chưa tạo ra bất kỳ một quan hệ thù địch nào. Mặc dù nhiều quốc gia trong số này đang ngày càng xích lại gần Trung Quốc, nhưng trên tổng thể họ vẫn có mối quan hệ sống còn với Hoa Kỳ và phương Tây.

    Khi được Bắc Kinh yêu cầu hỗ trợ bằng lời nói về các vấn đề như người Duy Ngô Nhĩ hay thậm chí là Hồng Kông, các quốc gia này tính toán rằng Trung Quốc sẽ không dung thứ bất kỳ thái độ phê phán nào, trái với các đối tác phương Tây, vì vậy, họ đã phản ứng bằng cách ký tên vào lá thư ủng hộ Bắc Kinh, vì biết rằng sẽ không bị phương Tây làm khó dễ, đồng thời tránh được việc bị Trung Quốc trả đũa.

    (RFI) 

    Không có nhận xét nào