Header Ads

  • Breaking News

    Trang bị vũ khí sát thương cho cảnh sát giao thông để làm gì?

    Một cảnh sát chống bạo động đứng bảo vệ tại nơi diễn ra Hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng hôm 9/11/2017.
    Nhiều công cụ - Dễ lạm quyền

    Trong ‘Dự thảo quy định quyền hạn, chức năng, hình thức, nội dung tuần tra của cảnh sát giao thông’ mà Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng đề nghị trang bị cho cảnh sát giao thông súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên và súng bắn đạn cao su khi làm nhiệm vụ.

    Ông Võ Minh Đức, một cựu sĩ quan quân đội có hơn 10 năm trong quân ngũ lên tiếng với RFA rằng, nói đến súng trường, súng tiểu liên có nghĩa là sử dụng đạn thật chứ không thể nói là đạn hơi hay đạn cao su. Hai loại súng này dùng trong tác chiến quân sự và hoàn toàn không cần thiết trang bị cho lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT). Ông giải thích:

    “Trước hết phải xác định chức năng công việc của cảnh sát công lộ là người điều tiết giao thông, giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Có rất nhiều phương tiện có thể trang bị cho cảnh sát giao thông như súng bắn đạn cao su, dùi cui, roi điện. Thế thì tại sao phải sử dụng đến súng trường, súng tiểu liên?”

    Tuy vậy, đề xuất này cũng được đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội ủng hộ với lý do đưa ra là hiện nay CSGT mới chỉ được trang bị “công cụ hỗ trợ” mà chưa có vũ khí. Nói như Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 thì súng bắn đạn cao su được đưa vào nhóm "công cụ hỗ trợ".

    Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc tổ chức Defend the Defenders nhận định:

    “Cảnh sát giao thông chỉ là công an bảo vệ trật tự, không nhất thiết phải được trang bị vũ khí sát thương như thế. Việc trang bị súng có nguy cơ sát thương cao cho lực lượng cảnh sát giao thông là chuyện đáng lo ngại ở Việt Nam bởi vì sự lạm dụng quyền lực của lực lượng công an nói chung và lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng.”

    Thế nhưng, theo giải thích của Bộ công an, việc cung cấp vũ khí cho CSGT sẽ tăng hiệu quả đảm bảo an ninh trật tự trong bối cảnh gia tăng tội phạm ma túy có sử dụng súng và các hành vi chống đối cảnh sát giao thông.

    Khi nghe thông tin này, Luật sư Đặng Đình Mạnh chia sẻ quan điểm của ông rằng, nếu muốn thì chỉ trang bị cho lực lượng đặc biệt như lực lượng chống bạo động hoặc lực lượng phản ứng nhanh các loại vũ khí mang tính sát thương cao như thế, chứ với lực lượng CSGT thì không cần:

    “Tôi nghĩ đề nghị của Bộ công an là thái quá. Từ hồi nào giờ chưa thấy có sự chống đối nào của người dân với lực lượng cảnh sát hay chính quyền tới mức độ phải sử dụng tiểu liên cả. Vậy trang bị tiểu liên cho cảnh sát giao thông để làm gì? Nó không thích hợp với môi trường xã hội hiện đang có.”

    Ông Võ Minh Đức cũng phản bác lý do mà Bộ công an đưa ra là để đối phó với các hành vi chống đối CSGT. Với kinh nghiệm của mình cũng như những gì ông chứng kiến hàng ngày tại Việt Nam, người dân chỉ phản ứng lại lực lượng CSGT khi họ lạm quyền và tiêu cực. Ông cho rằng mục đích chính của việc đề nghị trên không loại trừ khả năng là để trấn áp người dân:

    “Nó có mục đích là để trấn áp người dân, những người phản ứng lại với cảnh sát giao thông, mà họ phản ứng đúng. Họ buộc dân phải sợ, phải chấp hành mệnh lệnh của họ trong mọi tình huống, mọi lĩnh vực chứ không riêng gì cảnh sát giao thông đâu. Chế độ bây giờ là công an trị. Chính quyền buông lỏng, làm ngơ cho công an muốn làm gì thì làm.”

    Trấn áp tội phạm hay dân?

    Trong thể chế chính trị của một nước cộng sản như Việt Nam hiện nay, người đứng đầu ngành công an có quyền lực rất lớn, trên cả luật pháp để bảo vệ cho đảng cộng sản. Họ luôn coi dân là kẻ thù, là thành phần chống đối nên phải đàn áp từ trong trứng nước bằng mọi cách, kể cả thuê côn đồ như đã từng xảy ra.

    Rất nhiều các bloggers và nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng từng là nạn nhân bị hành hung bởi lực lượng mà người ta cho rằng do công an thuê hoặc công an giả dạng côn đồ tấn công, như các nhà hoạt động Nguyễn Hoàng Vi, Trần Bang, Lê Quốc Quyết, Dương Thị Tân, Ngô Duy Quyền, Phạm Lê Vương Các, Huỳnh Thục Vy… hay các cựu tù nhân chính trị Huỳnh Ngọc Tuấn, Lê Quốc Quân, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Bá Hải, Lê Thị Công Nhân, Bùi Thị Minh Hằng, Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh…đều có cùng nhận xét như vậy.

    Ông Vũ Quốc Ngữ nêu lên ý kiến, trang bị súng trường và súng tiểu liên như thế thì mục tiêu của họ là trấn áp nhân dân chứ không phải để bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ nhân dân.

    “Tôi  nghĩ trong điều kiện Việt Nam bây giờ, chính phủ luôn coi dân như lực lượng chống đối và họ luôn phải đối đầu với dân như một cách duy trì quyền lực cho đảng cộng sản.”

    Những năm gần đây, nhiều vụ tiêu cực của CSGT bị người dân “phanh phui” trên mạng xã hội. Cơ quan công an cho rằng đó là hình thức “bôi nhọ” lực lượng công an, nói xấu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của lực lượng cảnh sát giao thông nên nhiều facebookers đã bị xử phạt.

    Gần đây nhất là hôm 1 tháng 10 năm 2019, hai ông Lê Công Nam và Nguyễn Tiến Sỹ bị phạt mỗi người 7,5 triệu đồng và yêu cầu gỡ thông tin, khi hai ông này đăng hình ảnh, clip về CSGT lên Facebook mà công an cho rằng đã có hành vi xúc phạm danh dự, uy tín của lực lượng CSGT, vi phạm điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP.

    Trước đó, hôm 27/9, anh Nguyễn Hữu Đức ở tỉnh Bình Phước cũng bị yêu cầu nộp phạt 7,5 triệu đồng khi đưa thông tin bị công an phạt lên mạng xã hội và cũng bị quy kết tội xúc phạm danh dự, uy tín CSGT. Cuối cùng, ông Đức bị yêu cầu gỡ thông tin đã đăng.

    Với những gì đã và đang xảy ra tại Việt Nam, cựu sĩ quan quân đội Võ Minh Đức kết luận:

    “Người dân bây giờ bức xúc với những tiêu cực hay lạm quyền của cảnh sát giao thông nên họ quay phim, chụp ảnh đưa lên mạng xã hội. Công an muốn trấn áp những người này nhưng không dám “dùng tay dùng chân” vì sợ dân phản ứng nên trang bị vũ khí như vậy để cho dân sợ chứ chưa chắc họ dám bắn dân.”

    Nhận xét của ông Đức phù hợp với câu nói của Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Mai Bộ - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội khi ông cho rằng, đôi khi việc có quyền sử dụng vũ khí cũng tạo thêm áp lực cho cảnh sát bởi luật đã quy định rõ được nổ súng khi nào, nếu ai vi phạm sẽ bị xử lý rất nặng.
     
    (RFA) 

    Không có nhận xét nào