Động thái bành trướng ở khu vực Thái
Bình Dương của Trung Quốc đang vấp phải sức kháng cự mạnh từ liên minh
phương Tây, trong đó Úc và Mỹ là hai nước có lợi ích trực tiếp.
Binh sĩ Úc trong cuộc tập trận đổ bộ - Ảnh: AUSTRALIAN ARMY |
Theo
báo The Australian, ông Alex Hawke - bộ trưởng phụ trách Thái Bình
Dương của Úc - mới đây đề ra sáng kiến liên kết các đơn vị quân đội của
một số đảo quốc Thái Bình Dương vào Đội hỗ trợ Thái Bình Dương, trực
thuộc sư đoàn 1 Lực lượng quốc phòng Úc (ADF), đóng ở Brisbane.
Theo
ông Hawke, tuy quân đội Úc chưa có kế hoạch tuyển mộ công dân nước
ngoài song cần tính đến tình huống lực lượng quân sự từ các quốc đảo như
Fiji, Papua New Guinea... tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình, ứng
phó thiên tai và khủng hoảng nhân đạo của ADF.
Kháng cự Trung Quốc
Theo
nhà báo Úc Rosie Lewis, "chương trình hành động" của Bộ trưởng Alex
Hawke báo hiệu triển vọng tăng cường quan hệ quân sự giữa Úc và các quốc
đảo Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc tìm mọi cách củng cố sự
hiện diện trong khu vực.
Chẳng
hạn mới đây, Canberra và nhiều nước phát hoảng khi Quần đảo Solomon
công bố ý định cho công ty Trung Quốc Sam Enterprise Group thuê cảng
nước sâu chiến lược trên đảo Tulagi đến tận 75 năm.
Sáng
kiến hợp tác quân sự được Bộ trưởng Hawke tức tốc đưa ra sau khi bộ
trưởng quốc phòng Fiji, ông Inia Seruiratu, kêu gọi Úc cân nhắc thành
lập một trung đoàn Thái Bình Dương trực thuộc ADF. Hồi đầu tháng 10, Thủ
tướng Úc Scott Morrison cũng cho biết sẽ bắt tay với Fiji điều lính gìn
giữ hòa bình đến cao nguyên Golan ở Trung Đông.
Giới
quan sát nhận xét kể từ khi lên nắm quyền tháng 8 năm ngoái, Thủ tướng
Úc Morrison chưa đi thăm Trung Quốc lần nào; mặt khác, thái độ của
Canberra với Trung Quốc về thương mại càng lúc càng gay gắt hơn, nhất là
sau chuyến đi Mỹ của ông Morrison hồi tháng 9.
Cái bẫy nợ khét tiếng
Không
ngạc nhiên khi Mỹ, Úc... vui mừng với quyết định hủy hợp đồng cho Trung
Quốc thuê đất của Quần đảo Solomon hồi tuần trước. "Đây là quyết định
quan trọng củng cố chủ quyền, sự minh bạch và tính pháp quyền. Nhiều
quốc gia Thái Bình Dương đã nhận ra trong muộn màng rằng ảnh hưởng kinh
tế, quân sự của Trung Quốc chỉ làm hại dân tộc họ" - Bộ trưởng Quốc
phòng Mỹ Mark Esper bình luận.
Mỹ
và đồng minh Đài Loan trước đó cực lực chỉ trích lợi ích của Trung Quốc
ở Quần đảo Solomon, cho rằng Bắc Kinh sẽ chôn vùi đảo quốc này dưới
đống nợ xấu.
Trong
khi đó, một báo cáo mới công bố của Viện Lowy (Úc) cảnh báo rằng nếu
không tăng ngân sách viện trợ kịp thời, Canberra có thể mất đi lợi thế
chiến lược ở Thái Bình Dương vào tay Bắc Kinh.
"Trung
Quốc chưa áp dụng cái bẫy nợ quen thuộc ở Thái Bình Dương để tránh
những lời cáo buộc về ngoại giao bẫy nợ. Tuy nhiên, quy mô cho vay ngày
càng tăng của họ cộng với cơ chế bảo vệ yếu của các quốc gia đi vay đồng
nghĩa với nguy cơ rõ ràng" - báo cáo của Viện Lowy kết luận.
(Tuổi trẻ)
Không có nhận xét nào