Header Ads

  • Breaking News

    Phạm Nhật Bình - Thứ trưởng Lê Hải An và cái chết bí ẩn trước Đại Hội 13

    CÁI CHẾT BÍ MẬT TRƯỚC ĐẠI HỘI 13

    Đảng Cộng Sản Việt Nam đang bị sao quả tạ chiếu khi chỉ trong vòng chưa tới 1 tháng mà đã xảy ra 3 vụ làm dư luận xôn xao: Nước bẩn, đường lưỡi bò lọt lưới và thứ trưởng té lầu. Chấn động hơn hết là tin Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Lê Hải An bất ngờ được loan báo qua đời khi ngã từ tầng 8 của toà nhà trụ sở của Bộ.


    Những tin tức ban đầu của báo chí cũng chỉ nói cùng một nguyên do ông An “bị ngã”, hàm ý đây là một tai nạn không may thông thường. Theo mô tả của cựu Phó Vụ Trưởng Vụ Giáo Dục Đại học Lê Viết Khuyên thì sáng ngày 17 tháng Mười, vì có một cuộc họp của Hội Đồng Quốc Gia Giáo Dục với sự tham dự của Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ nên Thứ Trưởng Lê Hải An đã phải đến Bộ sớm hơn mọi lần, lên phòng căng-tin tầng 8 ăn sáng và thảm kịch đã xảy ra sau đó.

    Theo ông Lê Viết Khuyên thì từ căng-tin sau khi ăn sáng xong, ông An phải đi qua một hành lang để đến phòng họp, hành lang này có một thanh gỗ chắn ngang. Ông Khuyên cho rằng có thể ông An vừa đi vừa suy nghĩ nên vấp phải thanh gỗ chắn, té nhào qua lan can tầng lầu. Vì ông An cao mà lan can này lại thấp khoảng 70 cm nên ông té ra ngoài và rơi xuống đất tử vong.

    Cuộc điều tra của cơ quan công lực dĩ nhiên sẽ có kết luận cuối cùng nhưng xem qua lời mô tả của ông Khuyên, diễn tiến giống trong một bộ phim trinh thám không thủ phạm. Vì lẽ một người có học thức cao, lại còn trẻ như ông An, mới 46 tuổi, không đến nỗi đi đứng lọng cọng như một ông già 70 để vấp té ra ngoài lan can lầu. Hơn nữa hành lang này có thể là con đường quen thuộc của mọi người, vì nó dẫn tới phòng họp. Hẳn nhiên người sử dụng thường xuyên như ông thứ trưởng phải biết, trừ phi nó mới dựng… tối hôm trước.

    Điều lạ hơn nữa là trước một cái chết chưa rõ nguyên do, ông Lê Viết Khuyên lại nhanh chóng nhảy ra thay mặt công an điều tra, kết luận đây chỉ là một tai nạn. Nó khiến người ta phải đặt câu hỏi về vai trò thực sự của ông cựu Phó Vụ Trưởng Lê Viết Khuyên trong “tai nạn” này.

    Tìm hiểu thêm về công tác của ông Thứ Trưởng Lê Hải An trong ngành giáo dục, người ta được biết từ năm 2014 ông đã là bí thư đảng uỷ kiêm hiệu trưởng trường Đại Học Mỏ – Địa Chất. Cuối năm 2018 được bổ nhiệm thứ trưởng và trở thành bí thư đảng uỷ của Bộ vào tháng Hai, 2019. Rõ ràng ông An đang được chuẩn bị đưa vào trung ương và cầm chắc chức bộ trưởng Bộ Giáo Dục – Đào Tạo của ông Phùng Xuân Nhạ trong thời gian tới.

    Không ai không thấy sự thăng tiến của ông Thứ Trưởng Lê Hải An đang bị nhiều người ganh ghét trong một chế độ mà sự đua tranh không bằng tài năng mà bằng tài chạy chọt. Vì thế cái chết của ông An không đơn giản là một tai nạn, một sự vô ý té ngã mà phải có kẻ bày mưu ám hại. Chuyên này dĩ nhiên trong nội bộ của Bộ GD-ĐT biết rõ hơn ai hết và dù có ai muốm ém nhẹm, chuyện đấu đá cũng sẽ bị phanh phui sau khi nắp quan tài đóng lại.

    Giờ đây người ta có thể đặt câu hỏi: Ai sẽ có lợi khi ông Thứ Trưởng Lê Hải An chết?

    – Người đầu tiên là ông Phùng Xuân Nhạ; ông này hy vọng sẽ ở lâu hơn với cái ghế bộ trưởng mà đáng lẽ ông phải buông ra như bà Nguyễn Thị Kim Tiến bên Bộ Y Tế, sau khi Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam được phân công nắm bí thư đảng uỷ bộ đó. Tuy vậy, ông Phùng Xuân Nhạ hiện không còn là bí thư đảng ủy Bộ Giáo Dục nên có thể ra đi bất cứ lúc nào khi có người thế, nên qua vụ việc này ông Nhạ không hưởng lợi bao nhiêu.

    – Nhóm người kế tiếp là hai Thứ Trưởng Nguyễn Hữu Độ và Nguyễn Văn Phúc là những người cũng muốn nhảy lên ghế bộ trưởng thay ông Nhạ, nhưng bị ông An làm kỳ đà cản mũi. Với cái chết bất ngờ của Thứ Trưởng An, họ có thể an tâm vào con đường thăng tiến của mình, nếu Ban Bí Thư không “luân chuyển” một nhân sự mới nào đến thay thế vị trí của ông Lê Hải An.

    – Nhóm sau cùng là những nhóm lợi ích về sách giáo khoa lâu nay đã thao túng thị trường sách vở để hưởng lợi bất chấp sự suy sụp về kiến thức tổng quát của học sinh. Kế đến nhóm công chức cao cấp của Bộ có liên quan đến việc gian lận thi cử THPT năm 2018 ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình. Không ai quên ông An là người đã ký thông báo xem xét kỷ luật 13 cán bộ từ cục trưởng đến vụ trưởng và chánh phó thanh tra của bộ. Tuy nhiên sau đó những quyết định và thông báo này bị chính Bộ GD-ĐT huỷ bỏ. Có thể họ cũng sợ khi ông An sau này ngồi vào ghế bộ trưởng sẽ lại ra tay thi hành kỷ luật nên tìm cách trừ khử trước.

    Suy từ những kẻ hưởng lợi sau cái chết của ông Lê Hải An nói trên, rõ ràng là Quy định 205 của Bộ Chính Trị về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền, đã dẫn đến cái chết của ông Lê Hải An. Vì các phe nhóm trong Bộ Giáo Dục cảm thấy không còn được hưởng lợi nên họ triệt hạ Thứ Trưởng An bằng cái chết để sau này khỏi phải thắc mắc.

    Tóm lại cái chết của ông An là một cái chết mờ ám, nhưng “đúng quy trình”. Đó là khúc dạo đầu cho thấy cuộc đấu đá nhân sự trước đại hội 13 sẽ vô cùng khốc liệt; một cuộc chiến có thể dẫn đến những điều bất ngờ không lường được sau 3 năm đốt lò của ông Trọng. Đó cũng là lý do vì sao ông Trọng không dám đi Mỹ vào cuối tháng 10 này, vì sợ ở nhà có thể diễn ra một cuộc đảo chính khiến ông mất đường về thì sao?

    Phạm Nhật Bình

    (Việt Tân) 

    Không có nhận xét nào