Hội Nghị Trung Ương 11 của đảng cầm
quyền ở Việt Nam, từ ngày 7 đến ngày 13 Tháng Mười năm 2019, diễn ra
trong bầu không khí được cho là căng thẳng.
Liệu Nguyễn Phú Trọng có thực sự 'từ bỏ quyền lực' vì tuổi tác hay không và ai sẽ thay ông ta vẫn đang là câu hỏi lớn cho những ai quan tâm đến nội tình chính trị của đảng CSVN. (Hình: Getty Images) |
Căng
thẳng không phải vì vụ tàu Trung Quốc xâm phạm Bãi Tư Chính đã ròng rã
hơn 3 tháng và đang có nguy cơ nổ ra xung đột quân sự Trung-Việt ở khu
vực này cùng nguy biến Việt Nam mất dầu khí lẫn lãnh thổ, mà bởi nguồn
cơn tranh đấu và chia chác nhân sự.
Những tình huống trồi sụt nhân sự và do đó dẫn tới những phương án giả định về cơ cấu nhân sự cấp cao cũng bởi thế đã dần lộ ra.
Trần Quốc Vượng
Đa
phần những luồng dư luận từ “thông tin không chính thức” sát Hội Nghị
Trung Ương 11 đều xác nhận về vị thế ứng cử viên số một không mấy suy
suyển cho ghế tổng bí thư của Trần Quốc Vượng – hiện là thường trực Ban
Bí Thư và được xem là người được Nguyễn Phú Trọng sủng ái nhất, thậm chí
còn được cho là “bản sao” của Trọng về mặt tư tưởng xã hội chủ nghĩa,
đường lối đu dây không mệt mỏi giữa Trung Quốc và Mỹ và tính cách thâm
trầm, dạn dày kinh nghiệm cùng thủ đoạn chính trị.
“Thông
tin không chính thức” là một khái niệm mới của đảng cầm quyền nhằm ám
chỉ những tin tức từ nội bộ đảng tuồn ra ngoài và được đưa lên mạng xã
hội, hoặc truyền khẩu để định hướng dư luận, nhưng chưa bao giờ được bất
kỳ cơ quan chức năng nào của đảng hay chính quyền thừa nhận.
Ngoài
Trần Quốc Vượng “ổn định,” hai ứng cử viên tổng bí thư còn lại đều có
sự biến thiên và hoán đổi vị trí lẫn nhau. Đó là Nguyễn Thị Kim Ngân –
chủ tịch Quốc Hội, và Nguyễn Xuân Phúc – thủ tướng chính phủ.
Nguyễn Thị Kim Ngân
Nếu
tại Hội Nghị Trung Ương gần nhất vào Tháng Năm năm 2019, vai trò của
Phúc vẫn còn được xem là ứng viên số 2 cho ghế tổng bí thư, thì gần đây
vị trí này có thể đã bị thay thế bởi Ngân.
Ngay
trước Hội Nghị Trung Ương 11, đã có “thông tin không chính thức” tiết
lộ kết quả thăm dò phiếu tín nhiệm trong Bộ Chính Trị vào Tháng Mười Hai
năm 2018, theo đó Nguyễn Phú Trọng xếp đầu bảng. Nhưng nhân vật đứng
thứ hai sau Trọng lại không phải là Trần Quốc Vượng hay Nguyễn Xuân
Phúc, mà chính là Nguyễn Thị Kim Ngân. Lục tục sau Ngân mới là Vượng và
Phúc…
Nếu
đúng thế, vị thế chính trị của Nguyễn Thị Kim Ngân đã thay đổi khá
nhanh chóng trong vài năm. Thậm chí còn có dư luận cho rằng nếu đại hội
13 diễn ra trong bối cảnh “long hổ đấu” bất phân thắng bại thì Ngân có
thể trở thành “ngư ông đắc lợi” – đúng theo cái cách mà các đời chủ tịch
quốc hội trước Ngân là Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng đã “buồn ngủ
gặp chiếu manh” thành tổng bí thư.
Còn “khiêm tốn” hơn, Nguyễn Thị Kim Ngân có thể đã nằm trong phương án tiếp nhận cái ghế chủ tịch nước.
Tình
trạng cải thiện đáng kể vị thế chính trị của Nguyễn Thị Kim Ngân có lẽ
cũng góp phần giải thích việc tại sao bà ta bị “đánh tơi tả” trong thời
gian gần đây, đặc biệt nổ ra vụ báo Hàn Quốc bỗng dưng có được tin tức 9
người trong đoàn quốc hội của Nguyễn Thị Kim Ngân đi Hàn Quốc vào cuối
năm 2018 đã bỏ trốn ở lại quốc gia này, đến nay vẫn chưa phát hiện số
người đó ở đâu.
Tỷ
lệ nghịch với thế đi lên của Nguyễn Thị Kim Ngân là xu thế chìm xuống
của Nguyễn Xuân Phúc, bất chấp ông ta được xem là quan chức tiềm năng
nhất về “mạnh vì gạo, bạo vì tiền.”
Nguyễn Xuân Phúc
Khác
với thời tiền Đại Hội 12 vào năm 2015, đến lúc này dường như Phúc không
còn được Trọng “tin yêu.” Thậm chí hố phân cách giữa hai nhân vật này
có vẻ rộng ra theo thời gian. Không phải ngẫu nhiên mà khi Nguyễn Phú
Trọng phải vắng mặt tại phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối
Tháng Chín năm 2019 – rất có thể do sức khỏe không cho phép, người thay
thế cho ông ta chẳng phải là Thủ Tướng Phúc mà lại là cấp phó thủ tướng –
Phạm Bình Minh.
Nếu
đại hội 13 xếp cả ba trường hợp Trần Quốc Vượng, Nguyễn Xuân Phúc và
Nguyễn Thị Kim Ngân – dù quá tuổi quy định là 65 – vào “trường hợp đặc
biệt” và do đó được “ở lại,” việc phân cao thấp trong cơ chế “tam trụ”
(tổng bí thư kiêm chủ tịch nước – thủ tướng – chủ tịch quốc hội) hoặc
“tứ trụ” (tổng bí thư – chủ tịch nước – thủ tướng – chủ tịch quốc hội)
sẽ khá phức tạp giữa những người này.
Cơ
chế “tứ trụ” chỉ hình thành với điều kiện phải có thêm một nhân vật nữa
trong Bộ Chính Trị ngoi lên. Người đó có thể là Trương Hòa Bình – hiện
thời là Phó thủ tướng thường trực. Bình cũng có thể được xếp vào “trường
hợp đặc biệt.”
Khi
đó, nếu Vượng là tổng bí thư, Ngân làm chủ tịch nước, hai cái ghế còn
lại là thủ tướng và chủ tịch quốc hội sẽ do Phúc và Bình chia nhau.
Và
có thể xảy ra một trường hợp không phải là không thể xảy ra: Bình
“mạnh” hơn nên chiếm được ghế thủ tướng, còn Phúc phải ngậm ngùi nhận
điều hành cơ quan “nhất bộ nhì ban, cơ nhỡ lang thang sang quốc hội.”
Nhưng
cũng không loại trừ khả năng Ngân “mạnh” đến mức được đảng chỉ định làm
thủ tướng chính phủ – trên thực tế là nhân vật quyền lực thứ hai trong
thể chế. Khi đó và cho dù có nhận ghế chủ tịch nước, Phúc vẫn chẳng thể
hạnh phúc.
Lý
thuyết u ám là vậy, nhưng trong thực tế vẫn còn ánh sáng cho Nguyễn
Xuân Phúc: nếu sắp tới chính Phúc được đi Mỹ thay cho Trọng, và nếu
chuyến đi này mang về cho Việt Nam được món quà “nâng tầm đối tác chiến
lược” với Hoa Kỳ, dù món quà này chỉ mang ý nghĩa hình thức và tương tự
như cái cách Thủ tướng Phúc chỉ đạo Tổng cục Thống kê Việt Nam “thổi”
GDP thật cao để lấy thành tích, đó sẽ là một thành quả chính trị ghê
gớm, đủ để biến cá nhân Nguyễn Xuân Phúc trở thành ứng cử viên số một
cho cái ghế tổng bí thư tại đại hội 13.
Tuy
nhiên, các phương án nhân sự hiện thời, dù là “tam trụ” hay “tứ trụ” ở
đại hội 13, chỉ mang tính giả định và sẽ chỉ xảy ra khi Nguyễn Phú Trọng
chịu “nghỉ.”
Sau
lần Nguyễn Phú Trọng phải vắng mặt tại phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp
Quốc vào cuối Tháng Chín năm 2019, hầu như chắc chắn vấn đề sức khỏe
suy sụp đang là thách thức lớn nhất đối với ông ta, chứ không phải là cú
vỗ mặt nổ đom đóm của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính.
Liệu
Trọng có thể vượt qua được thách thức tự thân này, hay sẽ phải sớm từ
giã chính trường, thậm chí phải “nghỉ hẳn” trước khi đại hội 13 diễn
ra?
Phạm Chí Dũng
(Người Việt)
Không có nhận xét nào