Trong bối cảnh chính phủ của thủ
tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc vẫn tiếp nối đà say men thắng lợi
với những con số tăng trưởng GDP lên đến 7% nhưng lại bị nghi ngờ lớn về
‘ma số liệu’, còn ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng vẫn mê man về ‘đất nước
ta chưa bao giờ ổn định như thế này!’ và ‘triển vọng phát triển còn tốt
lắm’.
Vào
ngày 10/10/2019 hãng đánh giá tín nhiệm có uy tín của quốc tế là
Moody's đã bất ngờ thông báo đang xem xét hạ mức tín nhiệm quốc gia Việt
Nam xuống từ mức Ba3 hiện tại, đồng thời xem xét hạ mức đánh giá 17
ngân hàng Việt Nam, vì một lý do hiếm khi được công bố: Chính phủ Việt
Nam chậm thanh toán một số khoản nợ tới hạn.
‘Rủi ro tín dụng đáng kể’ và núi nợ xấu ngân hàng
Thang
xếp hạng của Moody's được cấu tạo từ Aa đến Caa với ký hiệu các con số
1, 2 và 3; con số càng thấp thì xếp hạng càng cao. Mức từ Aa đến Aa3 có
chất lượng cao nhất và rủi ro tín dụng thấp nhất; từ A1 đến A3 có chất
lượng trên trung bình và mức rủi ro thấp; từ Ba1 đến Ba3 có yếu tố đầu
tư, nhưng rủi ro tín dụng đáng kể; còn các mức xếp dưới nữa lần lượt có
yếu tố đầu tư, nhưng rủi ro tín dụng cao; và chất lượng thấp và rủi ro
tín dụng rất cao.
Hiện thời, mức Ba3 mà Moody's xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam là có yếu tố đầu tư, nhưng rủi ro tín dụng đáng kể.
Mức
xếp hạng trên là phù hợp với thực tế về tình trạng tăng trưởng nóng về
tín dụng (đẩy vốn ra thị trường) của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong
nhiều năm qua, đặc biệt vốn tín dụng được bơm vào hai kênh đầu cơ chủ
yếu là thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.
Hậu
quả của chính sách tăng trưởng tín dụng nóng và sử dụng đòn bẩy cao
(margin) từ những năm 2006, 2007 đến nay là một núi nợ xấu ngân hàng,
trong đó nợ không thể đòi (những khoản vay mất khả năng thanh toán) có
thể chiếm đến 50% tổng nợ xấu.
Tổng
nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay vẫn cao ngất, có thể
lên đến 900.000 - 1 triệu tỷ đồng hoặc hơn, bất chấp việc Ngân hàng Nhà
nước và chính phủ vẫn luôn công bố là đã ‘khuôn’ nợ xấu dưới mức 3%. Cho
tới nay và sau 5 năm Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng
(VAMC) ra đời, hoạt động ‘xử lý nợ xấu’ vẫn chỉ chủ yếu… trên giấy.
Và núi nợ nước ngoài
Từ
trước tới nay chính phủ và Bộ Tài chính Việt Nam vẫn luôn công bố rằng
họ luôn trả nợ nước ngoài đầy đủ và kịp thời. Tuy nhiên, họ lại chưa bao
giờ công bố chi tiết về các khoản nợ nước ngoài, bao gồm nợ của chính
phủ, nợ do chính phủ bảo lãnh, và nợ tự vay tự trả của các doanh nghiệp
Việt Nam.
Nhưng
động thái xem xét hạ mức tín nhiệm Việt Nam của Moody's đã cho thấy
tình trạng chậm thanh toán nợ tới hạn đang ở mức báo động, điều mà có
thể dẫn tới tình trạng mất khả năng thanh toán và do đó dẫn tới hậu quả
cuối cùng là vỡ nợ quốc gia. Khi đưa ra những đánh giá về mức xếp hạng
như thế, điều hiển nhiên là Moody's đã phải có trong tay những cơ sở
thông tin tài chính và kinh tế chắc chắn, thu thập từ chính các chủ nợ
của lớn nhất chính phủ Việt Nam như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ
quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB), Nhật Bản…
Cho tới nay, con số chung nhất được chính phủ Việt Nam công bố là chính phủ này nợ nước ngoài hơn 100 tỷ USD.
Nhưng
ngoài con số trên, còn có hơn 100 tỷ USD khác là nợ nước ngoài của các
doanh nghiệp Việt Nam, để cộng chung lại số nợ nước ngoài của Việt Nam
hiện thời là hơn 200 tỷ USD, gần bằng toàn bộ GDP một năm của đất nước
này.
Nhưng
đó mới chỉ là nợ nước ngoài, chưa kể một núi nợ khác - nợ trong nước
bằng tiền đồng Việt Nam, tương đương hơn 200 tỷ USD nợ của chính phủ và
của các doanh nghiệp.
Đáng
chú ý, số nợ nước ngoài hơn 200 tỷ USD chỉ là nợ được thống kê chính
thức, trong khi vẫn có thể phát sinh những khoản nợ nước ngoài lớn từ
các doanh nghiệp. Vào tháng 9 năm 2019, Tổng cục Thống kê Việt Nam thình
lình công bố phát hiện thêm 76.000 doanh nghiệp mà trước đó không nằm
trong sổ sách của cơ quan này - mà động cơ phía sau công bố này là nhằm
‘hô biến’ GDP tăng thêm để lấy ‘thành tích đại hội 13’ cho Thủ tướng
Phúc. Nhưng cũng chính công bố phát sinh này - chiếm đến hơn 10% tổng số
doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam - chắc chắn sẽ kéo theo nhiều khoản
vay nước ngoài mà trước đây không được thống kê bởi Bộ Tài chính.
“Doanh
nghiệp nhà nước vay nước ngoài tăng vọt, ai sẽ trả nợ?”- giới chuyên
gia, báo chí và cả quan chức cùng hốt hoảng kêu lên. “Nếu các doanh
nghiệp này là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước chiếm cổ phần
chi phối không có khả năng trả nợ thì nợ này ai trả, bởi đây đều là các
doanh nghiệp nhà nước?”.
Thực
tế trong nhiều năm qua cho thấy nhiều tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước
vay nợ tràn lan, với tâm lý vay là cực kỳ vô trách nhiệm. Thậm chí một
số doanh nghiệp còn có sẵn sàng “xù nợ” khi làm ăn lỗ lã.
Có
đến ít nhất 30% số tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước đã rơi vào vòng lỗ
lã, và đối mặt với nguy cơ phá sản kể từ năm 2008, khi kinh tế Việt Nam
bắt đầu rơi vào giai đoạn suy thoái.
Vào
năm 2015, thủ tướng lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam phải
trả nợ đến 20 tỷ USD. Đến năm 2016, người “may mắn” thế chỗ cho ông Dũng
là Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam phải trả 12 tỷ USD. Những năm gần
đây, nợ nước ngoài phải trả cũng có thể lên đến hàng chục tỷ USD mỗi
năm.
Bắt đầu thời kỳ vỡ nợ quốc gia?
Công
bằng mà xét, Nguyễn Xuân Phúc là đời thủ tướng “cực hình” nhất trong
lịch sử tồn tại của đảng Cộng sản Việt Nam. Trả nợ nhiều nhất, kinh tế
be bét nhất, xã hội hỗn tạp nhất, chính trị “tan nát” nhất…
Vào
năm 2017, chính phủ của thủ tướng ‘đổ vỏ’ Nguyễn Xuân Phúc đã phải đề
ra hạn ngạch bảo lãnh cho vay chỉ 1 tỷ USD - con số thấp nhất trong
nhiều năm gần đây. Mức bảo lãnh chỉ có 1 tỷ USD như thế đã phải giảm
mạnh so với những năm trước đó (năm 2015 là 2,5 tỉ USD và 2016 là 1,5 tỉ
USD), và giảm rất mạnh so với mức 6,6 tỷ USD của năm 2014.
Sang năm 2018 và 2019, hạn ngạch bảo lãnh này thậm chí còn ít ỏi hơn nữa, hoặc gần như không còn tồn tại.
Nợ
nhiều đến mức vào năm 2017, chính phủ phải tuyên bố thẳng thừng sẽ
không đưa nợ vay nước ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước
vào khái niệm nợ công, nằm trong Luật về Nợ công (sửa đổi). Điều này
đồng nghĩa với việc chính phủ từ chối trả thay nợ vay nước ngoài cho
doanh nghiệp, và hẳn sẽ có nhiều doanh nghiệp nhà nước phải phá sản.
Trong
bối cảnh giật gấu vá vai như thế, vào năm 2018 Ngân hàng thế giới đã
đưa ra một cảnh báo giật mình: trong 3 năm tới, có đến 50% nợ trong nước
của Chính phủ sẽ đáo hạn, tức chính phủ này phải đối mặt với nguy cơ
rất lớn là không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ, trừ việc… in tiền ồ ạt.
Còn
đến giờ đã gần hết năm 2019, lọt thỏm vào giai đoạn ‘50% nợ trong nước
của Chính phủ sẽ đáo hạn’, tương ứng với đánh giá của Moody's về việc
Chính phủ Việt Nam chậm thanh toán một số khoản nợ tới hạn và đồng thời
xem xét hạ mức đánh giá 17 ngân hàng Việt Nam. Nếu động thái này được
Moody's hoàn tất, sẽ có đến 50% trong số các ngân hàng Việt Nam rơi vào
tình trạng bị hạ bậc tín nhiệm - nhiều nhất từ trước tới nay.
50%
lại là ước tính của giới chuyên gia tài chính về khả năng có đến phân
nửa số ngân hàng đang tồn tại phải bị sáp nhập, hoặc cho phá sản do tỷ
lệ nợ xấu quá cao và không bảo đảm khả năng thanh toán cho khách hàng.
Tuy nhiên mối nguy hiểm thường trực này vẫn bị bưng bít bởi Ngân hàng
Nhà nước trong những năm gần đây. Chỉ là con đê bị trám bít loang lổ ấy
sẽ bục vỡ vào một thời điểm nào đó mà thôi - có thể gọi là thời điểm
‘Minsky’, tức hoàn toàn mất khả năng thanh toán các khoản vay nợ.
Phá
sản ngân hàng đang trở thành tương lai hầu như chắc chắn, để cộng hưởng
với tình trạng mất khả năng trả nợ nước ngoài của chính phủ và doanh
nghiệp, nền tài chính Việt Nam sẽ rơi gọn cả hai chân vào hố sâu khủng
hoảng.
Còn ngay vào lúc này khi hiện ra công bố hạ tín nhiệm của Moody's, phải chăng Việt Nam đã bắt đầu thời kỳ vỡ nợ quốc gia?
Phạm Chí Dũng
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào