Dù thỉnh thoảng vẫn phải nhảy lầu hay
tự treo cổ, giới quan tham nước Việt vẫn le lói hy vọng về “người đốt
lò vĩ đại” sẽ sớm “xuôi tay,” hoặc ít ra cũng không còn hăng hái truy
sát tham nhũng như cái cách “lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào
cũng phải cháy” mà ông ta tuyên bố đầy tự tin vào Tháng Tám, 2017.
Những dấu hiệu “xuôi tay”
Dấu
hiệu “xuôi tay” đã bộc lộ rõ ràng trong khoảng thời gian “Tổng tịch”
Nguyễn Phú Trọng suýt chút nữa đã “tịch” sau cơn bạo bệnh tại xứ Kiên
Giang “nhà ba Dũng” vào Tháng Tư, 2019, và kéo dài thời gian nằm điều
trị cho đến tận Tháng Bảy cùng năm.
Đó
là những tháng mà bầu không khí chống tham nhũng lắng hẳn, phản ánh rất
rõ một nhận định trước đó: trên nóng, dưới lạnh; còn trên không nóng
thì dưới lạnh ngắt.
Các
cơ quan chủ chốt của Nguyễn Phú Trọng về chống tham nhũng là Ban Chỉ
Đạo Phòng Chống Tham Nhũng Trung Ương, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương, hai
cục An Ninh Điều Tra và Cảnh Sát Điều Tra thuộc Bộ Công An, Thanh Tra
Chính Phủ đều “nghỉ xả hơi.” Cùng lúc, trong giới công chức rỉ tai nhau
câu chuyện những “anh Ba,” “anh Hai”… tổ chức tiệc tùng nhậu nhẹt linh
đình nhân sự kiện… “Trọng bệnh.”
Dấu
hiệu “xuôi tay” thậm chí còn hiện ra ngay cả khi ông Trọng đã có nhiều
dấu hiệu phục hồi sức khỏe kể từ cuối Tháng Bảy, 2019. Từ đó đến nay, dù
vẫn tiếp tục một số vụ bắt bớ quan tham và mở rộng vụ đại án AVG, vẫn
chưa có tín hiệu nào cho thấy những vụ việc khác quá xứng đáng là đại án
như Thủ Thiêm, Junin 2-Venezuela, Trần Bắc Hà (đã “tự chết”)… được điều
tra theo chiều sâu.
Những
cựu quan chức cao cấp từng được xem là “bố già,” và thậm chí hiện thời
vẫn được xem là như vậy, như Nguyễn Tấn Dũng-thủ tướng và Lê Thanh
Hải-bí thư Thành Ủy TP.HCM, vẫn “an nhiên tự tại.”
Dấu
hiệu “xuôi tay” gần nhất và dễ nhận ra nhất là Nguyễn Phú Trọng đã phải
vắng mặt tại phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ vào
cuối Tháng Chín, 2019 – một hội nghị quốc tế lớn mà nếu còn đủ sức khỏe
thì Trọng đã luôn hớn hở “mình phải như thế nào thì người ta mới tiếp
đón như thế chứ.”
Cũng
từ cuối Tháng Chín, 2019, đã bắt đầu rộ lên tin ngoài lề về khả năng
Nguyễn Phú Trọng không thể đi Mỹ theo lịch trình bởi độ ổn định chống
tai biến của ông ta là… không ổn định.
Thời
gian còn lại là không nhiều, hoặc đang rút ngắn một cách nhanh chóng,
đối với Nguyễn Phú Trọng. Chỉ còn chưa đầy một năm rưỡi nữa là đến đại
hội đảng 13, dự kiến tổ chức vào quý đầu của năm 2021, mà nếu ông ta
không mau chóng xử lý các “đống rác” ở TP.HCM và một số tỉnh hành khác
thì sẽ không thể có được cơ hội “thay máu” dàn chóp bu ở những địa
phương đó, càng không thể làm nhân sự ở thành phố đầu não là Hà Nội.
Cũng
không còn nhiều thời gian để Trọng thử nghiệm chiến dịch chống tham
nhũng của mình bằng cách diệt những con chuột nhắt và chuột nhỡ, bất
chấp việc Trọng vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục chống “giặc nội xâm” sau khi
ông ta tạm thời phục hồi sức khỏe.
Bởi
sau cú bạo bệnh, hẳn Nguyễn Phú Trọng đã biết rằng cơn tai biến tiếp
theo có thể xảy ra vô chừng mà không thể đoán định trước. Nếu không gấp
rút xử lý các vụ tham nhũng lớn mà ông ta đã có trọn hồ sơ trong tay,
một cơn tai biến tiếp theo có thể chấm dứt mọi nỗ lực và hơi thở của
“minh quân,” hay “bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo.”
Không
chỉ dở dang việc trị đảng trị quân, Nguyễn Phú Trọng còn ngổn ngang
việc đối ngoại. “Trốn biệt” không chịu đi “triều kiến” Tập Cận Bình ở
Bắc Kinh suốt từ đầu năm 2019 đến nay. Nhưng thành tích đó sẽ mau chóng
lu mờ nếu Trọng chẳng làm nên công cán gì trong chuyến công du
Washington – dự kiến vào Tháng Mười năm nay.
Tình
thế bị Trung Quốc chẹn ngay yết hầu ngân sách nuôi đảng ở các mỏ dầu
khí đang khiến Nguyễn Phú Trọng và những người đồng đảng của ông ta phải
gấp rút tìm kiếm và đi đến quyết định có còn ngả ngớn đu dây với Bắc
Kinh hay sẽ dứt khoát xoay trục sang Hoa Kỳ.
Trong khi đó, chính trường Việt Nam đang tưng bừng “toàn đảng, toàn quân lập thành tích chào mừng đại hội 13”…
Những “đặc thù” của thời tiền Ðại Hội 13
Đang
hiện ra một đặc trưng như thời năm 2015 trước đại hội 12 của đảng cầm
quyền, nếu vào năm 2015 đã hiện hình cuộc chiến công khai trên mạng xã
hội bằng các đơn thư tố cáo và các bài viết của hai phe cánh chính trị
chính là “phe Trọng” và “phe Dũng,” năm 2019 và đặc biệt vào nửa cuối
của nó cũng đang trở lại cái không khí xốc nổi, quyết thắng và công khai
thách thức lẫn nhau ấy.
Năm
2019 lại được xem là “năm bản lề” về cơ cấu “cán bộ cấp chiến lược” cho
đại hội 13. Nếu Hội Nghị Trung Ương 10 vào Tháng Năm, 2019, chủ yếu
“sắp ghế” cho 200 ủy viên trung ương, thì Hội Nghị Trung Ương 11 (sẽ
diễn ra vào cuối năm 2019) thậm chí còn có tầm đại hội đảng với nhiệm vụ
chốt danh sách sơ bộ các gương mặt ủy viên bộ chính trị cho khóa 13.
Sau
biến cố “Trọng bệnh,” đã nảy nòi một cuộc sát phạt không tuyên bố giữa
các quan chức cấp cao, những người đang nhìn thấy thế độc tôn độc tài
của “bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo” chẳng còn tồn tại được bao lâu
nữa và muốn qua mặt những kẻ khác để giành giật ngay lấy vị trí do
khoảng trống quyền lực để lại.
Đặc
thù của thời đại mới đã được tô thắm bới tính chất đa phe phái, đa
trung tâm quyền lực hơn và do đó cũng kéo theo nhiều nhóm lợi ích
hơn.Nếu Hội Nghị Trung Ương 10 chỉ là cuộc đấu giữa những “cá bé,” thì
Hội Nghị Trung Ương 11 mới thật sự là cuộc sát phạt của “cá mập” với
nhau.
Năm
2019 lại được tôn lên một khác biệt lớn so với năm 2015, nếu cuộc chiến
trước Đại Hội 12 chủ yếu xoay quanh trục Trọng-Dũng, thì thế trận trước
đại hội 13 phong phú hơn khá nhiều, với nhiều trục: các phe phái – chủ
yếu là “phe chính phủ” và “phe đảng” tranh giành quyền lực.
Trong
khi ở một số địa phương nổi lên tình trạng “loạn sứ quân,” còn Nguyễn
Phú Trọng phải đối mặt với một nhóm đối thủ mà có thể bao gồm phe chính
phủ lẫn bên đảng muốn triệt tiêu “sự nghiệp cách mạng” của ông ta.
Làm gì có chuyện “hạ cánh an toàn”!
Chẳng
có gì khó khăn để dự đoán là Nguyễn Phú Trọng sẽ vấp phải một thách
thức khủng khiếp về sức khỏe tự thân của ông ta, đặc biệt là vấn đề tim
mạch và huyết áp, điều có thể kiến ông ta nếu không cẩn trọng sẽ phải
sớm từ giã chính trường.
Bất
kỳ tình trạng suy yếu hay nguy biến nào về sức khỏe của Trọng cũng là
cơ hội để các nhóm đối thủ tung hê và còn có thể cường điệu tình trạng
bệnh tật tồi tệ của ông ta, như một cách khủng bố tâm lý những quan chức
thuộc phe Trọng và những người còn “tin yêu bác Cả,” làm suy giảm sức
mạnh của “phe Trọng” trong cuộc đua tới đại hội 13 và cả mục đích dội
nước vào cái lò vẫn còn âm ỉ của Trọng.
Tuy
vẫn nắm được quyền lực tập trung được xe là chưa từng có so với nhiều
đời tổng bí thư trước, nhưng Nguyễn Phú Trọng dường như ngày càng bất
lực trước xu thế đa trung tâm quyền lực, cát cứ địa phương và sang chấn
tham nhũng bè lũ mới đang nổi lên ngay dưới chân ghế ông ta.
Và
trong khi Trọng mới chỉ thanh toán được một phần nhỏ những di họa để
lại từ thời Nguyễn Tấn Dũng, ông ta lại phải đối mặt với vô số thảm họa
mới do những nhóm quyền lực – lợi ích mới gây ra. Dự Luật Đặc Khu là một
trong nhiều ví dụ thuộc về cái trào lưu thảm họa mới ấy.
Còn nếu Nguyễn Phú Trọng phải sớm “về vườn”?
Ngay
cả với kịch bản phải từ giã chính trường tại Đại Hội 13 do không đủ sức
khỏe, chứ không phải do tuổi tác đã quá cao, tương lai của Nguyễn Phú
Trọng cũng không thể được xem là “hạ cánh an toàn.”
Bởi
kể từ thời điểm hạ lệnh cho bắt Đinh La Thăng vào Tháng Mười Hai, 2017,
Nguyễn Phú Trọng đã phá vỡ tiền lệ “ủy viên Bộ Chính Trị không thể bị
truy tố” và do đó ông ta đã chính thức leo lên lưng cọp.
Cũng
một cách chính thức, không một ủy viên Bộ Chính Trị nào (đã nghỉ hưu và
cả đương chức) có thể kê gối ngủ ngon sau vụ Đinh La Thăng. Chẳng có gì
bảo đảm là nếu không kịp thanh loại những kẻ thù chính trị cũ và nhung
nhúc đám đối thủ chính trị mới, Nguyễn Phú Trọng sẽ có được cơ hội dưỡng
bệnh và dưỡng già mà không bị một thế lực nào đó lôi ra “hồi tố” sau
khi Đại Hội 13 “thành công tốt đẹp,” nếu quả thực còn có đại hội đó.
Phạm Chí Dũng
(Người Việt)
Không có nhận xét nào