Rốt cuộc, cái gì phải đến cũng đã
đến. Hay chính xác hơn, bắt đầu đến. Đó là cuộc hội thảo khoa học về
vùng biển Bãi Tư Chính và luật pháp quốc tế do Viện Nghiên cứu chính
sách pháp luật và phát triển tổ chức tại Hà Nội vào ngày 6/10/2019.
Tọa đàm về bãi Tư Chính, diễn ra ở Hà Nội hôm 6/10/2019 |
‘Quân đỏ’ và ‘quân xanh’
Điều
mà nhiều trí thức phản biện và trí thức - cựu quan chức tham gia vào
nhóm phản biện đã kiến nghị hay đòi hỏi từ nhiều năm qua về hình thành
cơ chế đối thoại giữa đảng và trí thức, rốt cuộc đã lờ mờ hiện ra dưới
hình thức hội thảo giữa ‘quân đỏ’ và ‘quân xanh’. Và tất nhiên chẳng có
tuyên bố chính thức nào cho dạng thức đối thoại đầu tiên này.
Hội
thảo về Bãi Tư Chính không chỉ nhạy cảm về tính chủ đề - trong bối cảnh
chiến dịch xâm phạm Bãi Tư Chính của Trung Quốc đã kéo dài quá ba tháng
và còn chưa có dấu hiệu nào kết thúc, mà còn bởi yếu tố thành phần tham
dự hội thảo này.
Ngoài
những người chủ trì cuộc hội thảo như ông Hoàng Ngọc Giao - nhân sự
thuộc một trong những hội đoàn nhà nước là Liên hiệp các Hội Khoa học và
Kỹ thuật Việt Nam, còn có những cái tên cựu quan chức ‘thân chính
quyền’ nhưng có tiếng nói phản biện như ông Lê Văn Cương - cựu viện
trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), là một trong số hiếm hoi
cựu quan chức ngành công an dám tương đối thường xuyên trả lời phỏng
vấn của đài RFA Việt ngữ (Á châu Tự do); ông Vũ Ngọc Hoàng - cựu Phó
trưởng ban Tuyên giáo trung ương, là một trong những người đã thiết kế
giàn giáo ‘kiểm soát quyền lực’ cho ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng, và mới
đây đã có một bài viết yêu cầu chính quyền Việt Nam phải kiện Trung
Quốc ra tòa án quốc tế; anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương - người
thường xuyên lên tiếng về ‘thoát Trung’… Có thể xem những quan chức này
là ‘quân đỏ’.
Còn
về ‘quân xanh’, người ta có thể ngạc nhiên khi nhìn thấy những gương
mặt Chu Hảo, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Nguyễn Khắc Mai, Nguyễn Trung,
Nguyên Bình, Nguyễn Đình Cống, Nguyễn Xuân Diện, Đào Tiến Thi, Phạm
Viết Đào… Đa số những gương mặt này thuộc ‘nhóm 23’, gồm các trí thức và
cựu quan chức mang tính phản biện, dù nhiều người trong nhóm này vẫn
còn là đảng viên đảng CSVN và vẫn sinh hoạt đảng. Nhưng trong số những
gương mặt dự hội thảo Bãi Tư Chính vào ngày 6/10 còn có những người luôn
đòi bỏ điều 4 hiến pháp đảng về tính độc tài cai trị của đảng CSVN,
những người mà đã nhiều lần bị giới dư luận viên của đảng miệt thị và
xúc phạm không thương tiếc.
‘Nhóm 23’ cũng là nơi phát xuất nhiều nhất thư yêu cầu được đối thoại với đảng.
Nội bộ đảng đang chia rẽ ra đến mức nào?
Hội
thảo khoa học về vùng biển Bãi Tư Chính và luật pháp quốc tế đã bị đảng
chỉ đạo hoãn lại khi định tổ chức vào ngày 22/9/2019, với một lý do rất
vớ vẩn như ‘để có thời gian chuẩn bị chu đáo hơn’. Nhưng đó lại là thời
điểm gần sát ngày quốc khánh Trung Quốc - sự kiện mà toàn thể Bộ Chính
trị Việt Nam, trong lúc tuyệt đối ‘câm như hến’ về Bãi Tư Chính và cái
tên Trung Quốc, vẫn mở miệng chúc tụng Bắc Kinh.
Rõ
ràng, chủ đề hội thảo và thành phần tham dự hội thảo trên - điều mà
trước đây chưa bao giờ được diễn ra và cũng chưa bao giờ có dấu hiệu
được chấp thuận bởi bất kỳ cơ quan đảng hay chính quyền nào - là quá
nhạy cảm và thách thức đối với chính thể độc tài ở Việt Nam.
Vậy
tại sao hội thảo về Bãi Tư Chính, với thành phần nhiều trí thức đã bị
đảng xem là ‘phản động’, lại diễn ra êm thắm vào ngày 6/10 tại Hà Nội?
Phải
chăng đảng áp dụng chiến thuật ‘xả xu páp’ trước phản ứng của nhân dân
đối với Trung Quốc và với cả sự im lặng đớn hèn của đảng, nên cho tổ
chức hội thảo theo cách mị dân và tỏ ra một chút dân chủ?
Nhưng
khả năng trên là rất khó xảy ra. Trước đây, thỉnh thoảng cũng diễn ra
một cuộc hội thảo, tọa đàm về xã hội dân sự, nhưng nội dung chỉ rất
chung chung và thành phần tham dự hầu như không có mặt ‘phản động’. Bởi
thế nếu cho tổ chức hội thảo Bãi Tư Chính chỉ để mị dân, người ta sẽ chỉ
nhận ra toàn ‘quân ta’ mà khó lòng lọt vào phòng họp một gương mặt
‘phản động’ nào.
Hay
phải chăng đảng cầm quyền đã ‘hồi tâm’ và muốn lắng nghe tiếng nói phản
biện của trí thức nên mới cho hội thảo này diễn ra suôn sẻ?
Nhưng
lại có một dấu hỏi phản biện khác: nếu đảng có một chút hồi tâm thì tại
sao lại không cử một hay một nhúm quan chức ‘có thẩm quyền’ nào tham dự
hội thảo này để ghi nhận ý kiến?
Cái
cách giới quan chức trốn biệt như thế là sự phản ánh rất đời thường về
não trạng ‘cái gì cũng sợ, chỉ ăn là không’ của tầng lớp quan lại Việt
Nam.
Nhưng
khác với trước đây quan chức vừa trốn vừa không cho hội thảo, giờ đây
tình thế đã khác hẳn: cuộc khủng hoảng Bãi Tư Chính đã khiến phân hóa và
chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng CSNV, thể hiện ít nhất với sự hình
thành hai phe - phe ‘kiện Trung Quốc’ với phe ‘không kiện Trung Quốc’.
Và cả mâu thuẫn ngày càng khó thỏa hiệp giữa hai luồng quan điểm: ‘dựa Mỹ’ hay tiếp tục ‘đu dây’.
Những người nói thay và tương lai ‘đối thoại’
5
năm sau cái năm 2014 vừa khốn khó vừa phải chịu nhục bởi giàn khoan Hải
Dương 981, chóp bu Việt Nam vẫn ngập ngụa nguyên trạng trong cảnh nguy
khốn thực sự cùng tương lai mất dầu khí và lãnh thổ.
Kịch
bản ngày càng lộ rõ là Việt Nam khó có thể tránh thoát nguy cơ một cuộc
tấn công quân sự, dù có thể chỉ ở cấp độ lữ đoàn, từ phía Trung Quốc.
Chiến dịch tấn công này, nếu xảy ra, chắc chắn sẽ diễn ra trên biển và
rất gần gũi về mặt kinh tuyến và vĩ tuyến với những mỏ dầu mà Việt Nam
đang dự định khai thác nhưng nằm trong “đường lưỡi bò” mới được Trung
Quốc vẽ bổ sung.
Lối
thoát duy nhất của giới quan chức Việt Nam là phải càng nhanh càng tốt
dựa vào sức mạnh của hải quân Hoa Kỳ - đối trọng quân sự duy nhất với
Trung Quốc ở Biển Đông. Và vận động quốc tế để kiện Trung Quốc ra tòa án
quốc tế.
Thế
nhưng cái mớ bùng nhùng đa nguyên trong đảng về chuyện kiện hay không
kiện vẫn khiến không ít chóp bu Việt Nam ‘tâm tư’ đến mất ngủ cứ mỗi
nghe tiếng động từ phương Bắc.
Ở
một chiều kích ngày càng trái ngược với nhóm quan chức trên, không ít
quan chức khác - có thể chiếm phần lớn trong số quan chức được xem là
‘có trách nhiệm’ về chuyện nên làm gì với tàu Trung Quốc - càng lúc càng
nghiêng về quan điểm dựa Mỹ và nhân thể kiện Trung Quốc. Số quan chức
này, vì nhiều lý do riêng tư như tài sản và thân nhân nằm ở Mỹ và các
nước phương Tây chứ tuyệt đối không có ở Trung Quốc, hẳn đã phải nhìn
nhận rằng từ lâu họ đã bỏ quên giới trí thức phản biện - những người dù
có lúc bị xem là ‘phản động’ nhưng lại dám nói thẳng và nói thật về hiện
tình đất nước và vạch ra lối thoát. Giờ đây, những trí thức phản biện
ấy đang nói thay cho những kẻ mà chưa mở miệng đã toát mồ hôi vì sợ ‘nói
trái với đường lối cương lĩnh của đảng’.
Hẳn
đó là nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp khiến hội thảo về Bãi Tư Chính
được tổ chức trót lọt vào tháng 10 năm 2019 tại Hà Nội, cùng thành phần
nhiều gương mặt ‘phản động’ là khách mời chính thức, thậm chí hội thảo
này còn được đưa tin bởi những báo đài của đảng.
‘Đối thoại’ cũng vì thế bắt đầu lờ mờ xuất hiện, giữa ‘quân đỏ’ và ‘quân xanh’, giữa trí thức nhà nước và trí thức phản biện.
Sau đó mới là sự hiện hình, thập thò hiện ra để ấp úng từ ngữ ‘đối thoại’ của một số quan chức từ cấp thấp dần lên cao hơn…
Chẳng
phải quan điểm của cộng đồng người Việt hải ngoại luôn là ‘Muốn nói
chuyện với người Việt hải ngoại, trước tiên nhà cầm quyền Việt Nam phải
đối thoại với giới bất đồng trong nước’ sao?
Phạm Chí Dũng
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào