Trong ngày thứ hai của buổi hội thảo
về Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), hôm 15 Tháng Mười, một vấn đề được tranh
luận khá sôi nổi là thời gian cuối cùng của VNCH, và những hành động
cũng như cá tính của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Phần hội thảo về Tổng Thống Thiệu được tranh luận sôi nổi. (Hình: Nguyễn Hòa/Người Việt) |
Tham
gia thuyết trình có ba nhà nghiên cứu là ông Sean Fear, đến từ Đại Học
Leeds, Anh Quốc; ông David Prentice, Đại Học Oklahoma, Hoa Kỳ; ông
Edward Miller, Đại Học Dartmouth, Hoa Kỳ; và ông George Veith, Đại Học
Monash, Úc.
Điều
mà ông David Prentice đưa ra chưa được những người viết sử ở nhiều phía
khác nhau nói tới. Đó là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã có ý tưởng về
“Việt Nam hóa chiến tranh” từ lâu, trước khi người Mỹ rút quân và đưa ra
ý tưởng này.
Ý tưởng “Việt Nam hóa chiến tranh” từ trước đến nay hay được nói tới như là một ý tưởng của người Mỹ.
Ông
David Prentice điểm lại sơ lược tiểu sử của Tổng Thống Nguyễn Văn
Thiệu, người từng có kinh nghiệm với những người Cộng Sản khi ông tham
gia vào mặt trận Việt Minh, trong những ngày đầu tiên của cuộc kháng
chiến chống Pháp. Ông Thiệu tham gia mặt trận Việt Minh để chống Pháp,
nhưng đã rời bỏ mặt trận này vì thấy rằng nó bị những người Cộng Sản
kiểm soát.
Tổng
Thống Nguyễn Văn Thiệu đã có trực giác rằng cần phải giảm sự hiện diện
của người Mỹ trong cuộc chiến chống Cộng Sản, và sau trận Tết Mậu Thân
năm 1968 kết thúc, ông càng khẳng định trực giác của mình.
Ông
David Prentice đã dẫn ra một sự kiện sau Tết Mậu Thân là Tổng Thống
Thiệu đã nói với Quốc Hội VNCH rằng: “Mọi thứ từ nay chỉ dựa trên chúng
ta mà thôi.”
Ngoài
ra ông cũng từng phản đối việc tái oanh tạc miền Bắc Việt Nam, vì cho
rằng điều đó gây ra phản ứng bất lợi từ công chúng Mỹ chống chiến tranh,
sẽ cản trở viện trợ tài chính và quân sự cho VNCH, trong khi miền Bắc
vẫn nhận viện trợ từ Liên Xô và Trung Quốc.
Nhưng
cuối cùng những cố gắng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã thất bại khi
người Mỹ tiến hành đàm phán bí mật với miền Bắc Việt Nam, và chính phủ
của ông cũng đã thất bại khi không kiểm soát được miền nông thôn, không
tổ chức thu thuế được, để có thể tự túc về mặt tài chánh cho quốc gia.
Trong
khi đó, diễn giả George Veith trình bày về thất bại của Tổng Thống
Nguyễn Văn Thiệu, khi ông không giữ được quan điểm cứng rắn của mình là
đòi hỏi toàn bộ các lực lượng Cộng Sản phải rút ra khỏi miền Nam, vì
những áp lực quá lớn từ chính quyền Mỹ của Tổng Thống Nixon, với đe dọa
cắt toàn bộ viện trợ. Kết quả là hòa đàm Paris đã được ký kết, đảm bảo
sự rút toàn bộ quân đội nước ngoài ra khỏi Việt Nam, nhưng lực lượng
Cộng Sản lại không rút đi.
Điều
này đã góp phần gây bất lợi cho quân đội VNCH, khi các lực lượng Cộng
Sản bắt đầu tấn công quân sự trở lại sau khi hòa đàm Paris ký kết vào
Tháng Giêng, năm 1973.
Điều gây tranh cãi nhất là bài thuyết trình của ông Sean Fear.
Trong
bài thuyết trình, ông Sean Fear nhấn mạnh đến cuộc bầu cử tổng thống
năm 1971 của VNCH, trong cuộc bầu cử này, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là
một ứng cử viên duy nhất.
Ông
Sean Fear trích dẫn tài liệu nói rằng chính giới Mỹ đã rất bất bình về
cuộc bầu cử này, như ông Henry Jackson, một thượng nghị sĩ rất có ảnh
hưởng của Đảng Dân Chủ trong Quốc Hội Mỹ. Ông Jackson vốn là một người
ủng hộ chính sách Việt Nam của Tổng Thống Nixon, giữ viện trợ tài chính
và quân sự cho VNCH, nhưng sau cuộc bầu cử 1971 của VNCH, đã thay đổi ý
kiến.
Bình
luận về những vấn đề này, ông Hoàng Đức Nhã, từng là cố vấn thân tín
của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói với báo Người Việt.
“Tôi
thấy những nhà nghiên cứu đó đã dựa trên những tài liệu lưu trữ, nhưng
không biết cái bối cảnh của vấn đề, và đó là cái thiếu sót của những
giáo sư này. Có những vấn đề mà VNCH đã làm rất tốt.”
Về
cá nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, các tác giả Mỹ và Anh tại buổi hội
thảo cho rằng, ông là một người khó “nắm bắt,” mặc dù là một gương mặt
quan trọng trong suốt thời gian mà người Mỹ cho ra những quyết sách về
chiến tranh Việt Nam theo cách nhìn của họ.
Nói
về Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, ông Hoàng Đức Nhã cho Người Việt biết:
“Điểm mạnh của Tổng Thống Thiệu là cố gắng giữ vững miền Nam Việt Nam
trong bối cảnh quân đội phải chiến đấu với những phương tiện càng ngày
càng thiếu thốn. Khuyết điểm của ông là đã quá tin người Mỹ với lời hứa
sẽ tiếp tục giúp đỡ.”
Trả
lời câu hỏi, có phải cho đến hiện nay những ý kiến về chiến tranh Việt
Nam vẫn chỉ được nhìn bởi các nhà nghiên cứu nước ngoài, mà đặc biệt là
người Mỹ, trong khi những người miền Nam Việt Nam vẫn chưa được cất lên
tiếng nói?
Ông Hoàng Đức Nhã đồng ý và nói rằng, đó là lý do vì sao ông cố gắng đến những cuộc hội thảo như cuộc hội thảo này.
Nguyễn Hòa
(*) Loạt bài của phóng viên Nguyễn Hòa ghi nhận về cuộc hội thảo này sẽ tiếp tục trong các số báo sắp tới.
(Người Việt)
Không có nhận xét nào