Có những dấu hiệu cho thấy Tổng bí
thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ không thực hiện được chuyến công
du Mỹ đầy mong đợi trong năm nay vì những lo ngại về sức khỏe, theo các
chuyên gia phân tích chính trường Việt Nam.
Tổng bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội hôm 27/2. Theo các chuyên gia, ông Trọng sẽ không tới thăm Mỹ trong năm nay vì lý do sức khỏe. |
Trích
dẫn các nguồn tin khác nhau, nhà phân tích Ấn Ðộ-Thái Bình Dương Derek
Grossman của RAND Corporation nhận định rằng ông Trọng sẽ không đi thăm
Mỹ trong tháng này, trong khi Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South
Wales cho biết người đứng đầu nhà nước Việt Nam sẽ thăm Mỹ vào năm sau.
Cả hai chuyên gia đều đưa ra lý do là vì những quan ngại về sức khỏe của
ông Trọng.
Chuyến
thăm của người đang nắm quyền lực cao nhất tại Việt Nam tới Washington
được nhiều người mong đợi trong bối cảnh Mỹ muốn thúc đẩy cho một mối
quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam khi Trung Quốc ngày càng gây sức
ép trên Biển Đông.
Tổng
thống Mỹ Donald Trump đích thân mời ông Trọng tới thăm Nhà Trắng để bàn
thảo các giải pháp tăng cường các mối quan hệ song phương, theo người
phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết hồi tháng 2 khi ông
Trump tới Hà Nội tham dự thượng đỉnh với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un.
Ông
Trọng lần đầu tiên tới thăm Mỹ năm 2015 và được tổng thống Mỹ lúc đó là
Barack Obama tiếp đón tại Nhà Trắng trong tư cách là tổng bí thư Đảng
Cộng sản Việt Nam. Với việc ông Trần Đại Quang đột ngột qua đời, ông
Trọng được kiêm nhiệm thêm chức Chủ tịch nước và sẽ “danh chính ngôn
thuận” khi gặp tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng.
Tuy
nhiên tháng 4 vừa qua, ông Trọng được cho là đã phải nhập viện trong
một chuyến thăm và làm việc tới Kiên Giang. Ông Trọng sau đó đã xuất
hiện trở lại trong các sự kiện diễn ra tại Hà Nội qua các hình ảnh được
truyền thông chính thống đăng tải.
Nhà
báo Phạm Chí Dũng, trong một bài phân tích đăng trên VOA, cũng cho biết
rằng từ cuối tháng 9 “bắt đầu rộ lên thông tin bên lề chính trường Việt
Nam về việc (TBT-CTN) Nguyễn Phú Trọng gặp phải vấn đề khó khăn về sức
khỏe nên sẽ khó có thể đi Washington gặp Tổng thống Trump, dự kiến vào
tháng 10."
Nói
với VOA từ Canberra hôm 15/10, GS Thayer trích các nguồn tin từ Việt
Nam, mà ông tiếp xúc trong vòng một tháng qua, cho biết ông tổng bí thư
“bị liệt tay phải” và rằng “ông ấy đã phải nhập viện ngay trước khi Đại
hội 11” diễn ra hồi tuần trước.
Ông Trọng đã không tham dự phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, vào cuối tháng trước.
BNG
Việt Nam chưa bao giờ cho biết thời gian cụ thể ông Trọng sẽ thăm Mỹ
nhưng truyền thông quốc tế cho rằng ông Trọng dự kiến thăm Mỹ vào tháng
10. Trong một buổi họp báo thường kỳ tại Hà Nội hôm 12/9, bà Hằng nói
với các phóng viên rằng “hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao Việt
Nam sẽ được thông báo đến truyền thông vào thời điểm thích hợp.”
GS
Thayer, chuyên gia về các vấn đề Việt Nam, nói rằng Tiến sỹ Lê Đăng
Doanh, từng là thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Phan Văn Khải,
nói với ông bên lề một hội nghị rằng cho tới lúc này chưa có bất cứ một
cuộc gặp nào ở cấp làm việc giữa Mỹ và Việt Nam được tổ chức để chuẩn
bị cho chuyến thăm của ông Trọng.
“Đồng sàng dị mộng” về đối tác chiến lược
Theo
nhà phân tích chính sách của Mỹ, Derek Grossman, viết trong một phần
đăng tải trên trang Twitter cá nhân hôm 15/10, rằng nếu đúng là tổng bí
thư-chủ tịch nước Việt Nam không thăm Mỹ trong tháng này thì “giờ đây sẽ
có rất ít khả năng Mỹ và Việt Nam nâng sự hợp tác lên ‘quan hệ đối tác
chiến lược.”
Chuyến
thăm Mỹ của ông Trọng được mong đợi trong suốt nhiều tháng qua trong
bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng gây sức ép với Việt Nam trên Biển
Đông trong hoạt động khai thác dầu khí với các đối tác nước ngoài, trong
đó có ExxonMobil củaMỹ.
Nhiều
người kỳ vọng chuyến thăm của ông Trọng tới Mỹ sẽ nâng tầm quan hệ giữa
hai nước từ “đối tác toàn diện” lên “đối tác chiến lược.”
Mặc
dù Việt Nam và Mỹ cùng muốn có mối quan hệ chiến lược, nhưng GS Thayer
cho rằng hai nước lại “đồng sàng dị mộng” trong quan niệm về “đối tác
chiến lược.”
“Đối
tác chiến lược của người Mỹ có xu hướng được thiết kế bởi Lầu Năm Góc
(bộ quốc phòng Mỹ) và đại loại đưa Việt Nam vào một mối liên minh để lập
nên trật tự dựa trên luật pháp để chống lại Trung Quốc,” GS Thayer nói.
Trong
khi đó, theo vị giáo sư này, Việt Nam có một quan niệm rộng lớn hơn về
“đối tác chiến lược”, trong đó bao gồm cả hỗ trợ về “công nghệ, giáo
dục, y tế và có thể là hợp tác về an ninh và chính sách ngoại giao.”
Việt Nam hiện vẫn đang duy trì chính sách “3 không” – trong đó có không dựa vào nước này để chống nước kia.
“Việt
Nam cần sự hỗ trợ của Mỹ nhưng họ lại không muốn một sự cam kết với
Mỹ,” GS Thayer nói. “Quan niệm về đối tác chiến lược của Lầu Năm Góc có
thể đẩy Việt Nam quá gần tới một mối quan hệ mà họ sẽ không muốn.”
Do
đó, theo GS Thayer, Việt Nam đã luôn “do dự” trong việc trở thành đối
tác chiến lược của Mỹ, trong khi Mỹ luôn thúc giục Việt Nam về việc này.
“Trước
vụ Bãi Tư Chính, Việt Nam do dự hơn bởi vì làm thế nào để họ cân bằng
mối quan hệ với Trung Quốc,” GS Thayer nói. “Nhưng giờ đây họ gần như bị
dồn vào chân tường bởi vì Trung Quốc ngày càng tăng sức ép, tăng sự
hiện diện, và không lùi bước. Ai mà biết được?”
Theo
nhận định của vị giáo sư của Học viện Quốc phòng Úc, thuộc đại học NSW,
ông Trọng sẽ thăm Mỹ vào năm sau khi hai quốc gia cựu thù kỷ niệm 25
năm ngày nối lại quan hệ ngoại giao.
Vị
giáo sư của đại học Úc nói rằng chuyến thăm của ông Trọng nên được tiến
hành trước khi bầu cử Mỹ vào cuối năm sau vì nếu có sự thay đổi trong
sự lãnh đạo của Mỹ thì “Việt Nam sẽ phải đặt niềm tin vào bất cứ chính
quyền mới nào của Mỹ.” Nhưng theo ông, điều đó có thể “rủi ro và không
chắc chắn.”
(VOA)
Không có nhận xét nào