Như một dàn đồng ca đã trở nên nhàm
tai và trơ tráo, vào kỳ họp quốc hội tháng 10 - 11, lại một lần nữa
chính phủ của thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo ra Quốc
hội về tỷ lệ nợ công năm 2019 chỉ ở mức 56,1% GDP, thậm chí còn giảm so
với mức 58,4% GDP năm 2018.
Nhưng nợ công thật hiện là bao nhiêu?
Theo
phân tích của một số chuyên gia độc lập vào đầu năm 2017, nợ của 3.200
doanh nghiệp nhà nước theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014 là
4,9 triệu tỉ đồng (231 tỉ đô la Mỹ), gấp nhiều lần con số 1,5 triệu tỉ
đồng mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước
tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước là 324 tỉ đô
la Mỹ, bằng 158% GDP.
Như
vậy, cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi
phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỉ đô la
Mỹ, bằng 210% GDP.
Trước đây vào năm 2011, ngay một chuyên gia nhà nước là ông Vũ Đình Ánh đã phải thừa nhận nợ công đã lên đến 98% GDP.
Còn
từ năm 2011 đến nay và với đà vay mượn nước ngoài tăng tiến không ngừng
nghỉ, nợ công chắc chắn đã tăng và nợ vay của các tập đoàn, doanh
nghiệp nhà nước cũng tăng chóng mặt (cho tới nay vẫn chưa có con số
thống kê chính thức nào về số nợ vay nước ngoài phát sinh của các tập
đoàn, doanh nghiệp nhà nước trong khoảng thời gian 4-5 năm qua).
Nợ
công khủng khiếp đến mức mà vào đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc đã phải thốt ra một đánh giá chưa từng có tiền lệ: “Nếu tính đủ, nợ
công đã vượt trần”.
Nhưng
chẳng bao lâu sau đó, chính Thủ tướng Phúc đổi giọng. Không còn bất kỳ
số liệu chính thức nào của chính phủ làm cho người ta hiểu là nợ công đã
vượt trần. Tất cả đều dưới ngưỡng nguy hiểm 65% GDP.
Vậy làm thế nào để ‘ép’ nợ công dưới 65% GDP?
Rất
đơn giản, chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính không gộp phần nợ vay nước
ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vào nợ công quốc gia,
đồng thời đảng chỉ đạo Quốc hội thông qua Luật về nợ công của Việt Nam
với nội dung sao y bản chính. Nhờ đó, nợ công quốc gia đã thoát cảnh
phải gánh thêm ít nhất 100 tỷ USD nợ nước ngoài của các doanh nghiệp.
Bởi nếu phải lo cả “nợ riêng” của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ sẽ rất dễ chết chìm trong biển nợ công.
Vào
thời điểm sát Đại hội XII cuối năm 2015, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vẫn
cố “khuôn” nợ công quốc gia chỉ khoảng 59% GDP, để từ đó vẫn đưa ra
những lời hô hào “còn dư địa để vay nước ngoài”, vẫn tiếp diễn những ca
khúc về các dự án khổng lồ “đường sắt cao tốc Bắc Nam” với vốn đầu tư
lên đến hơn 50 tỷ USD, “đường bộ cao tốc Bắc Nam” với giá trị ban đầu
lên đến 10 tỷ USD, và cả nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận với giá trị
đầu tư phát sinh tuy chưa làm gì cả đã lên đến 20 tỷ USD…
Còn bây giờ, chính phủ của Thủ tướng Phúc cũng lao vào lối mòn hệt như cái cách mà Thủ tướng Dũng đã đâm đầu vào đó.
Thậm chí Nguyễn Xuân Phúc còn ‘sáng tạo’ hơn hẳn khi đề ra kế hoạch ‘tính lại GDP để nâng trần nợ công’.
Theo
Luật về Nợ công, tỷ lệ nợ công quốc gia được tính theo công thức: nợ
công/GDP. Mẫu số GDP càng lớn thì tỷ lệ nợ công càng nhỏ và do đó càng
làm cho tình trạng vay nợ (vay trong nước và vay nước ngoài) của Chính
phủ lẫn các doanh nghiệp “an toàn” hơn, đồng thời có thêm lý do để Chính
phủ báo cáo và công bố về thành tích “bảo đảm an toàn nợ công” của
mình.
Thủ
pháp kinh tế – chính trị quá sức đơn giản là chỉ cần lấy bút, làm vài
phép tính, cộng thêm 30% phần kinh tế phi chính thức vào GDP thì ngay
lập tức tỷ lệ nợ công sẽ giảm đến 15%, tức chỉ còn khoảng 50% GDP, trở
thành một con số còn bóng lộn hơn cả báo cáo nợ công “chỉ có 55% GDP”
thời Nguyễn Tấn Dũng.
Khi
đó, các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước cùng Chính phủ sẽ tha hồ vay
được ít ra 15% GDP nữa, tương đương khoảng 30 tỷ USD, chẳng hạn “phục vụ
dự án trọng điểm sân bay Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc Nam”. Hai
dự án này lần lượt chiếm vốn đầu tư là 18 tỷ USD và hơn 10 tỷ USD, cộng
lại xấp xỉ với “quota” 30 tỷ USD mà Chính phủ có thể vay trực tiếp hoặc
bảo lãnh vay nếu thành công trong việc “tính lại GDP”. Cơ hội để các
nhóm lợi ích “ăn tàn phá hại” vốn ODA và những nguồn vốn vay khác sẽ lại
mở ra không khác gì thời Nguyễn Tấn Dũng.
Và
nếu kịch bản “tính lại GDP” thành công theo “yêu cầu đặc biệt” của Thủ
tướng Phúc, gần 100 triệu dân Việt sẽ càng có cơ hội đội thêm gánh nặng
nợ nần ngập đầu cho hiện tại và cho rất nhiều đời con cháu mai sau.
(VNTB)
Không có nhận xét nào