Kênh truyền hình France 24 ngày
15/10/2019 trích dẫn các tiết lộ của truyền thông Đức, phanh phui những «
mánh khóe » mà một ngân hàng Đức có thể sử dụng một cách hợp pháp để có
thể chen chân vào thị trường Trung Quốc béo bở.
Trụ sở ngân hàng Deutsche Bank (Đức) theo dõi các hoạt động ở Trung Quốc tại Hồng Kông. Teh Eng Koon, AFP |
Những
chai rượu vang nổi tiếng hiệu Château-Lafite, những chiếc túi xách tay
Louis Vuitton, những chuyến tham quan ở Las Vegas, một con hổ bằng pha
lê trị giá 15.000 đô la hay những chiếc màn hình phẳng cao cấp… Những
tài liệu nội bộ mà nhật báo Đức Süddeutsche Zeitung có được, nêu rõ là
trong giai đoạn 2002 – 2014, ngân hàng lớn nhất của Đức đã chi ra khoảng
200 000 đô la tiền quà cáp cho các quan chức cao cấp chế độ Trung Quốc.
Deutsche
Bank nhìn xa hơn, mở rộng hầu bao với cả cựu tổng bí thư đảng Cộng sản
Trung Quốc Giang Trạch Dân (1993-2003) hay cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo
(2003-2013) để trục lợi. Đặc biệt, vị cựu thủ tướng Trung Quốc còn được
tặng một con ngựa bằng pha lê ám chỉ đến tuổi trong số tử vi Trung Quốc.
“Con trai và con gái của…”
Nhưng
Deutsche Bank không chỉ dừng ở đó. Ngân hàng này còn tuyển dụng cả con
cái của các quan chức cấp cao và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc
mà ngân hàng này muốn có giao dịch. Tổng cộng Deutsche Bank đã tuyển
dụng gần 100 người, đến thực tập có trả lương hay ký hợp đồng.
Trong
nhãn quan giới ngân hàng Đức, nguồn lợi từ “con ông cháu cha ” quan
trọng đến mức năm 2010, họ sẵn sàng sa thải nhân viên của mình “nếu thấy
cần thiết” để giành chỗ cho quý tử của đại gia dầu khí Trung Quốc, theo
như một thư điện tử mà tờ Süddeutsche Zeitung được xem.
Theo
France 24, ngân hàng Đức không phải là cơ sở tài chính đầu tiên dùng
đến những “mánh khóe” trên với những “người bạn” Trung Quốc. Năm 2013,
ngân hàng Mỹ JP Morgan từng là tâm bão của một vụ tai tiếng tương tự.
Một thực tập sinh Trung Quốc được tuyển dụng để "làm hài lòng" ai đó đã
bị đánh giá trong nội bộ là “ứng viên tồi tệ nhất trong lịch sử JP
Morgan”.
Người
này đã trượt các kỳ thi tuyển dụng và từng bị một trong những người phụ
trách phỏng vấn tuyển dụng đánh giá là “chưa chín chắn, vô trách nhiệm
và ít đáng tin cậy”. Nhưng những phê phán đó không thể ngăn cản người
này có được một chỗ làm trong hãng.
Sau
một cuộc điều tra vì tham nhũng, ngân hàng Mỹ năm 2016 đã chấp nhận bồi
thường 264 triệu đô la cho vụ tai tiếng này. Đối với những vụ việc
tương tự, Crédit Suisse (Thụy Sĩ) đã phải chi trả 47 triệu đô la cho
chính quyền Mỹ năm 2018 và ngân hàng Barclay cũng phải rút hầu bao 6,3
triệu đô la để nộp phạt hồi tháng 09/2019.
Hối
lộ là một phần không thể tránh khỏi trong lãnh vực tài chính của Trung
Quốc. Nhưng các tiết lộ của Süddeutsche Zeitung cho thấy, lần đầu tiên,
các hoạt động nhộn nhịp sau hậu trường của một ngân hàng lớn để có thể
cắm chân tại thị trường lớn nhất châu Á.
Báo
Mỹ New York Times, vốn cũng được tiếp cận các tài liệu nội bộ của ngân
hàng cho biết, từ đầu những năm 2000, “Deutsche Bank đã có tham vọng ấn
định mục tiêu trở thành ngân hàng hàng đầu thế giới và nhận thấy Trung
Quốc như là một trong những ưu tiên để đạt được mục tiêu. Nhưng ngân
hàng này bị chậm trễ so với các đối thủ”. JP Morgan và Goldman Sachs đã
đặt trụ sở tại Trung Quốc và ngân hàng Đức đã phải gia tăng gấp đôi nỗ
lực khi ve vãn một cách nguy hiểm và bất hợp pháp để được nâng cấp.
Việc
áp dụng ồ ạt dường như đã thúc đẩy các đối thủ phải gia tăng các hành
vi đáng ngờ của chính họ. Năm 2009, JP Morgan bắt đầu tuyển dụng đông
đảo hơn con cháu các quan chức sau khi mất một hợp đồng về tay Deutsche
Bank. Ngân hàng Đức này đã “ký hợp đồng tuyển dụng con gái của tổng giám
đốc của doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan”. Hiện tư pháp Mỹ đang mở
điều tra nhắm vào JP Morgan tại Trung Quốc.
Viên
cố vấn về phát triển của Deutsche Bank ở Trung Quốc là một cựu nhân
viên Goldman Sachs ở Bắc Kinh. Lee Zhang đã bị ngân hàng Đức mua chuộc
năm 2001 để giúp đặt chân vào một đất nước vừa mới mở cửa kinh tế với
thế giới. Là một người thông thạo, Lee Zhang đã dần dần leo từng nấc cho
đến khi trở thành giám đốc chi nhánh Deutsche Bank tại Trung Quốc.
Tài
xử sự và các mối quan hệ cá nhân của ông với những người thân cận của
giới cầm quyền đã cho phép Deutsche Bank năm 2011 trở thành ngân hàng
được các doanh nghiệp Trung Quốc ưa thích nhất để sắp xếp việc lên sàn
chứng khoán, theo như tường thuật của trang mạng kinh tế Bloomberg.
“Ngài Trung Quốc” của Deutsche Bank
Nhưng
các phương pháp của ông Lee Zhang để đạt được các mục tiêu đã làm dấy
lên nhiều chỉ trích ngay trong nội bộ Deutsche Bank. Ngay từ năm 2004,
nhiều nhân viên đã báo động với cấp trên là “hãi hùng trước cách thức mà
ông Lee Zhang tiến hành các thương vụ và tự hỏi về những chiếc phong bì
có chứa đầy tiền”, theo như những nguồn trao đổi nội bộ mà tờ
Süddeutsche Zeitung được tham khảo.
Một
trong những chiến công đầu tiên của “ngài Trung Quốc” tại ngân hàng Đức
là vào năm 2002, đã tổ chức cho ông Josef Ackermann, khi đó là phát
ngôn viên ban lãnh đạo Deutsche Bank và là vị tổng giám đốc tương lai
của hãng, gặp được tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc Giang Trạch Dân.
Để làm được việc này, Lee Zhang đã chi 100.000 đô la cho một công ty bí
ẩn mà chưa có ai được nghe nói đến, điều này đã làm dấy lên nhiều mối
nghi ngờ có tham nhũng.
Năm
2004, ông Lee Zhang còn chi thưởng nhiều triệu đô la cho nhà “trung
gian” bị nghi ngờ từng là “tay chân” của một lãnh đạo chế độ. Lee Zhang
còn bị chỉ trích là đã tư lợi ba triệu đô la từ ngân hàng thông qua một
công ty ảo do vợ ông đứng tên.
Trước
những tiết lộ bị phơi bày, số tiền 16 triệu đô la mà Deutsche Bank nộp
cho chính quyền Mỹ nhằm đóng lại cuộc điều tra vì tham nhũng năm 2014
dường như không đáng là bao. Các tài liệu nội bộ chứng minh là ngân hàng
này có thể phải đối mặt với những điều tệ hại nhất: Một văn phòng kiểm
toán bên ngoài kết luận rằng án phạt có nguy cơ nằm trong khoảng từ 84
đến 252 triệu đô la.
(RFI)
Không có nhận xét nào