Trước hết, tôi xin được chia sẻ nỗi
đau buồn mất mát của 39 gia đình có người thân đã thiệt mạng trong
chuyến nhập cư lậu bất thành vào Anh bằng container vừa qua. Không gì có
thể bù đắp với những mất mát đau khổ ấy. Họ có thể là người Việt, người
Trung Quốc...
Người
ở đâu đi nữa, lẽ ra họ cũng xứng đáng được sống một cuộc sống tốt đẹp
hơn. Là ai, họ cũng là nạn nhân của bọn buôn người. Và là ai, có một
phần họ cũng là nạn nhân của chính họ, gia đình họ, trong điều kiện và
khao khát đổi đời về kinh tế.
Tôi
không muốn theo trend. Tôi cũng chẳng hứng thú gì việc đăng lại một
loạt bài viết cách đây đã non chục năm, dù nhiều bạn đọc yêu cầu. Nhưng
sau thảm kịch, đã rất nhiều người vịn tay vào đó để công kích chế độ, xã
hội Việt Nam hiện tại. Nguyên nhân ra đi của những nạn nhân xấu số bị
họ gán cho, biến thành tị nạn chính trị, tị nạn cộng sản..., những lý do
mà người trong cuộc không nghĩ tới. Chi phí cho chuyến đi, nhiều hay ít
cũng bị mổ xẻ với ngôn từ nhiều khi không hay lắm.
Nếu
ai có ý kiến khác đi, đám đông sẽ quay lại chửi mắng, chụp mũ không
thương tiếc. Vô tình, nỗi đau mất mát càng bị khoét sâu thêm. Tôi cho
rằng, đó là những việc không nên làm. Điều cần hơn, là để cho những
người đang có ý định ra đi bằng con đường tương tự biết rõ thực tế đang
chờ đợi họ không phải khi nào cũng đầy hứa hẹn, không phải ai cũng có
thể đổi đời. Câu chuyện của 39 con người chết ngạt trong thùng container
lạnh lẽo chỉ là một phần trong chuỗi bi kịch, hiểm nguy trong chuyến
"buôn không gian" - đoạn di chuyển. Những bất trắc phía trước thậm chí
còn nhiều hơn thế, đau đớn hơn thế.
Vì
thế, tôi đăng lại loạt bài viết này. Cần nói rõ các từ lóng dùng trong
bài không phải là do tôi đặt ra, không hàm ý miệt thị. Đó là từ người
trong cuộc và cảnh sát, báo chí Anh hay dùng, diễn tả một cách hình
tượng thân phận và công việc một lớp người. Trong đó "dân rơm" (straw
people) là người nhập cư bất hợp pháp; "cỏ" (cannabis) là cần sa, tài
mà, đại ma...; "chuột chũi" (rats) là những người phải sống, núp trong
bóng tối, để chỉ những người bị giấu trong thùng xe, những "công nhân
nông nghiệp" trồng cần sa trong tầng hầm, tầng áp mái ít khi được ra
ngoài (vì sợ cảnh sát bắt)...Nó cũng giống như từ Seals, Dolphins (hải
cẩu, cá heo) mà hải quân ưa dùng để gọi những đơn vị đặc biệt của họ
thôi, không có gì là chê bai hay thiếu tôn trọng cả. Bạn nào muốn nhân
đó mà comment không đứng đắn, tôi sẽ xóa.
KỲ I: ĐỜI "CHUỘT CHŨI" TRONG RỪNG ĐẠI MA
Rơm"
là tiếng lóng của dân giang hồ để chỉ những người Việt nhập cư vào Anh
quốc bất hợp pháp. "Cỏ" là từ lề phố để chỉ cần sa (tài mà, đại ma)… một
loại thảo dược gây nghiện. Mỹ miều và đầy hình tượng, sự kết hợp của
hai từ lóng ấy lại đang vẽ nên thảm trạng kinh hoàng về một bộ phận
người Việt ở nước ngoài.
Mơ
đổi đời và làm giàu nhanh chóng, họ đã tự biến thân thành những tên tội
phạm hoặc thành nạn nhân của bọn tội phạm, sa vào những cuộc thanh toán
băng đảng nơi xứ lạ.
Là
Phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại Anh, năm nào ông Hoàng Lộc cũng về
nước, vừa thăm quê, vừa giải quyết một số công việc nằm trong chức phận
của mình. Tháng 9/2009, đắc cử ủy viên trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam nhiệm kỳ VII (2009-2014), những chuyến đi - về của ông Lộc lại ngày
càng thường xuyên hơn...
Mỗi
lần gặp chúng tôi là ông lại vò đầu bứt tai: "Họ phát rồ hết rồi. Biết
là lao đầu vào chỗ chết mà vẫn cứ bỏ xứ sang Anh làm "dân rơm trồng cỏ".
Bên đó, loại người này phải đến hàng chục ngàn".
Khoảng
5 năm trở lại đây (tính đến 2010 - tg), cụm từ "Vietnamese cannabis
farms" (trang trại cần sa của người Việt Nam) trên báo chí đảo quốc
sương mù cũng quen thuộc như từ trường gà, sới bạc, hay cho vay lãi nặng
- những "nghề của giang hồ"- trên báo chí Việt Nam. Trong khi đó, đối
với cộng đồng người Việt đang định cư hợp pháp ở xứ người, đó lại là một
nỗi ô nhục, một vấn nạn.
"Chỗ
chết" mà ông Hoàng Lộc từng đề cập được cụ thể hóa bằng vô số vụ việc
đẫm máu. Gần nhất, ngày 2/9/2010, tờ London Everning Standard tường
thuật chi tiết một vụ án hãi hùng. Hai "công nhân nông nghiệp" là Khách
Nguyễn và Phác Trần đã mang một lượng lớn cần sa chất lượng cao trị giá
30.000 bảng Anh đến điểm hẹn giao cho khách hàng là một nhóm băng đảng
đường phố người sở tại ở phía nam London. Điểm hẹn giao hàng nằm trong
bãi đậu xe của cửa hàng thức ăn nhanh McDonald's ở quận Sutton. Thay vì
giao tiền, nhận hàng, nhóm giang hồ sở tại đã rút súng ngắn uy hiếp
Khách Nguyễn và Phác Trần đoạt lấy số hàng.
Không
dám báo cảnh sát, Trần và Nguyễn đã nhanh chóng quay lại đại bản doanh ở
Hackney, phía đông London để báo cho ông trùm Học Kim Khoa việc lô hàng
bị cướp. Học Kim Khoa không tin vụ đánh cướp là có thật, một mực khăng
khăng là hai kẻ tay chân dàn cảnh, dựng chuyện để đánh cắp số hàng. Vả
lại, nếu đó có là vụ cướp thật, ông trùm Học cũng không thể lần ra kẻ
nào là thủ phạm để đòi hoặc cướp lại. Bởi lẽ, tất cả những phi vụ buôn
bán cần sa đều là bất hợp pháp, đều tiến hành trong bóng tối giữa các
băng đảng giang hồ với nhau. Không đào đâu ra khoản tiền lớn để đền, hai
người làm công đã bị ông trùm Học cùng 5 tên tay chân khác bắt cóc, đưa
về một trang trại hẻo lánh ở vùng Surrey phía Tây London tra khảo. Chỉ
sau vài giờ, khi cảnh sát tìm ra họ thì Khách Nguyễn đã bị đánh đến
chết, còn Phác Trần thì may mắn hơn, còn ngắc ngoải!
Điều
tra ráo riết, cảnh sát vẫn không tìm ra tung tích nhóm tội phạm cướp
hàng. Ông trùm Học Kim Khoa và 5 tên đệ tử bị kết án chung thân và tống
vào nhà tù Old Bailey vì tội giết người. Một loạt trang trại cần sa
trong đường dây của ông trùm này bị Cảnh sát London triệt phá. Xấu số
nhưng còn may mắn sống sót, Phác Trần bị lập hồ sơ, sau khi phải ngồi tù
một thời gian ngắn vì tội buôn lậu chất gây nghiện sẽ bị trục xuất về
Việt Nam.
Hiểm
nguy, bất trắc là vậy nhưng Vương quốc Anh vẫn là một đích đến hấp dẫn
của những người nhập cư bất hợp pháp, đặc biệt là của giới "dân chơi"
các tỉnh phía Bắc. Theo thống kê, trước năm 1975, tại Vương quốc Anh chỉ
có khoảng 300 người Việt, chủ yếu là du học sinh và một số doanh nhân.
Sau giải phóng năm 1975 cũng chỉ có thêm 32 người Việt từ miền Nam Việt
Nam chọn xứ sương mù làm nơi di tản định cư. Trong đó có gia đình cựu
Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, nhập cư vào Anh khá muộn.
Từ
tháng 1/1979, khi Chính phủ Anh đồng ý chấp nhận cho một số thuyền nhân
di tản đến Hồng Kông được nhập cư vào Anh thì con số người Việt ở đảo
quốc này tăng lên nhanh chóng. Phần lớn họ quê ở Quảng Ninh, Hưng Yên,
Hải Dương, Hải Phòng... sang Anh định cư tại London, Manchester,
Newcastle, Notingham và Birmingham. Người Việt ở Anh cũng học được phong
cách phớt tỉnh Ănglê, ai sao kệ họ, hầu như không có sự va chạm, kỳ thị
trong cộng đồng nhập cư giữa hai miền Nam - Bắc.
Trả
lời phỏng vấn đồng nghiệp của chúng tôi ở chương trình TV Vì an ninh Tổ
Quốc vào tháng 9/2008, ông Allan Gibson, Tư lệnh Cảnh sát Đô thành
London, Vương quốc Anh cho biết, người Việt định cư tại Anh đã lên đến
khoảng 35.000 người. Số nhập cư bất hợp pháp, tức "dân rơm" cũng chỉ ít
hơn một chút, khoảng 30.000 người!.
Lịch
sự nhất là xin visa vào Anh để đi học, đi du lịch, thăm thân nhân, sau
đó ở lại chấp nhận sống trốn chui trốn nhủi. Khi Chính phủ Anh siết chặt
các quy định nhập cư, những kẻ có ý đồ, ham muốn làm "dân rơm" dễ dàng
rơi vào vòng cương tỏa của bọn buôn người. Ông Allan Gibson mô tả: "Họ
quá cảnh một số nước châu Âu khác, sau đó họ trốn trong xe hơi, xe tải
vào Anh. Đó là cách phổ biến nhất".
Đi
hết lời mô tả ngắn gọn của ông Tư lệnh, "dân rơm" phải đánh một lộ
trình vòng vèo, có khi mất hàng nửa năm trời mới từ quê nhà đến được
nước Anh. Trung bình chi phí cho một người là 12-13.000 bảng Anh (khoảng
20.000USD). "Dân rơm" Việt Nam và nhiều nước khác sẽ được những kẻ dẫn
đường, bọn buôn người lo giấy tờ đưa sang Ba Lan, CHLB Đức, CH Séc...
bằng đường hàng không. Sau đó, họ sẽ được đưa đi theo đường bộ vào nước
Pháp và nằm chờ, xếp hàng tại bến phà Calais để đổ bộ vào Anh qua ngả
cảng Dover. Cảnh sát không lạ lẫm gì những chiêu ma quái của bọn buôn
người nên cảnh giác cao độ. Vì vậy, mỗi tuần bọn buôn người chỉ dám tổ
chức một vài chuyến nhập cư lậu, mỗi chuyến mang theo chừng một, hai
chục người, xếp trong những thùng xe được thiết kế đặc biệt nhằm tránh
máy dò nhiệt.
Dưới
tiêu đề "Thiếu niên Việt nhập cư được phát hiện trong thùng xe ở
Dover", tờ báo Anh Daily Mail ngày 4/2/2010 đã đăng tải một bức ảnh gây
rúng động: một cô gái Việt Nam khai là 16 tuổi nằm cuộn tròn giữa mớ dây
điện lằng ngoằng, bị những kẻ dẫn đường nhét trong khoảng trống chật
chội, nóng bức trong thùng một chiếc xe hơi. Khi được cảnh sát phát
hiện, cô gái mặc quần jean, áo màu hồng đã gần như kiệt sức nhưng tay
vẫn ôm khư khư một chú thỏ nhồi bông màu trắng - một dấu hiệu "hiển
nhiên" để người ta tin rằng cô vẫn ở tuổi thiếu niên.
Gần
như đồng thời, Cảnh sát Dover cũng phát hiện ra một lúc 27 người Trung
Quốc khác được nhét dưới gầm ghế ngồi, trong khoang chứa hành lý của một
chiếc xe bus. Thậm chí, còn có một người đàn ông được nhét tạm vào...
thùng xăng. Bị cảnh sát phát hiện (thường là nhờ máy chụp X-quang), họ
có thể sẽ bị kết án tù vì tội nhập cư lậu. Nhưng nếu trót lọt, qua mặt
được hải quan, biên phòng, cảnh sát... rất có thể nhiều người trong số
đó sẽ chết vì ngạt trước khi tới được cổng thiên đường. Dĩ nhiên, thiên
đường vốn chật hẹp, chắc không đủ chỗ cho tất cả mọi người.
Riêng
cô gái thì sẽ không hề hấn gì. Vì đang tuổi "vị thành niên", cô sẽ
không bị trục xuất. Thay vào đó, cô sẽ được hưởng trợ cấp xã hội. Sẽ có
một gia đình người Việt hảo tâm nào đó chấp nhận làm người bảo trợ cho
cô. Oái oăm là ở chỗ, "nhà hảo tâm" đó sẽ rất có thể là người thân của
chính cô, nếu không phải là cô, chú, bác họ thì cũng là... anh chị ruột!
Và tất nhiên, tuổi thật của cô cũng không chắc vì có chú thỏ bông đi
kèm và hình dáng Á Đông bé nhỏ mà dừng lại con số "thiếu niên 16". Không
một mảnh giấy tờ, khai tên giả, tuổi giả, người Việt ở Anh quá rành
mánh lới của "dân rơm" cứ đánh cuộc 10 ăn 1, cô bé đó sẽ không dưới 19
tuổi. Có khi còn hơn, cô đã từng xuất khẩu lao động làm thợ may bên Đức
hay Ba Lan gì đó vài ba năm cũng không chừng.
Tư
lệnh Allan Gibson từng đưa ra khuyến cáo: "Phần đông trong số họ không
biết được điều gì đang chờ đợi họ ở phía trước. Nếu ai biết trước thì
chắc hẳn những người này đã suy tính rất kỹ, bởi họ biết chắc rằng họ sẽ
bị các nhóm tội phạm nguy hiểm sử dụng để tham gia vào các hoạt động
phạm pháp. Tương lai của họ có thể là ở trong các nhà tù. Chúng tôi đã
gặp nhiều trường hợp người Việt Nam bị bắt cóc, bị bắn hoặc thậm chí bị
giết”.
Rủi
ro có thể đến một cách rất không ngờ. Có chị ruột đang định cư hợp pháp
ở Southamton, nước Anh, năm 2007, chị N.T.H ở Tuyên Hóa, Quảng Bình đã
đánh một nước liều mong đổi đời. Có thai gần sinh, chị đã móc nối được
một đường dây đưa người, gom góp tài sản, vay mượn ngân hàng tổng cộng
20.000USD làm hộ chiếu sang Anh thăm chị ruột. Theo tính toán, sang đến
Anh chị sẽ sinh con, nghiễm nhiên con chị sẽ được hưởng tất cả những
quyền lợi của một đứa trẻ chào đời tại xứ sương mù. Là mẹ, dĩ nhiên chị
H. cũng sẽ được hưởng quy chế người bảo hộ đi kèm. Những kẻ môi giới đưa
đường đút tiền vào túi xong cũng hứa chắc như đinh là sẽ đưa chị và đứa
con trong bụng bay một lèo sang Anh, có người đi kèm đến nơi đến chốn.
Ngoại
ngữ một chữ cắn đôi không biết, chuyến "buôn không gian" của người đàn
bà quê mùa cuối cùng lỗ nặng. Chẳng biết vòng vèo thế nào, thay vì sang
Anh, những kẻ đưa đường lại đưa chị bay sang Krakow, cố đô của... Ba
Lan. Lại thật không may, máy bay chưa kịp đáp, đứa trẻ đã đòi ra! Vậy là
Ba Lan, chứ không phải Vương quốc Anh, mới là... nơi sinh của đứa trẻ.
Đến tận hôm nay, chị vẫn không thể sang Anh mà cũng chưa ôm con về Quảng
Bình được. Người chị ở bên Anh, vì sợ tính mạng của em và cháu mình bị
đe dọa, đã phải “cúng cô hồn” thêm cho đường dây của bọn buôn lậu đưa
đường 10.000 USD nữa!
Có
sang được đến nơi, đó cũng chưa chắc đã là miền đất hứa. Thanh tra
Steve Wastaff thuộc Ban chuyên án bắt cóc - Cảnh sát Đô thành London
thuật lại một thảm án hãi hùng. Trương Đình Hà đã từ Hà Nội bỏ ra một
khoản tiền lớn nhập cư vào Anh làm "dân rơm" sống chung với em trai.
Ngày 9/5/2006, khi đang ngồi tại nhà hàng Việt Nam mang tên Hồ Tây ở
Deptford High Street, London, Hà đã bị 4 ngưòi Việt Nam bịt mặt đột nhập
gí dao bắt đi. Ngay sau đó, em trai của ông Hà đã nhận được điện thoại
đòi 15.000 bảng Anh tiền chuộc. Đồng thời một người em trai khác và gia
đình Hà ở Hà Nội cũng nhận được điện thoại đòi 15.000 bảng Anh. Họ đã
báo Cảnh sát Anh và Việt Nam.
Bọn
bắt cóc đã đưa Hà đến một nhà hàng Trung Hoa cũ đã bỏ hoang xa khu dân
cư để đánh đập, tra khảo và giam giữ chờ tiền chuộc. Nhờ sự hỗ trợ của
Cảnh sát Việt Nam, Cảnh sát Anh biết được những kẻ bắt cóc hóa ra không
quá xa lạ đối với nạn nhân, đều là những thằng đầu bò đầu bướu từ Hà
Nội, Hải Phòng trốn sang Anh tiếp tục hành xử giang hồ. Từ sự hợp tác
của em trai Trương Đình Hà, kho tiếng lóng thuần Việt của những tên bắt
cóc đã được giải mã, từ đó giúp Ban chuyên án bắt cóc lần được dấu vết.
Trương Đình Hà được giải thoát trước khi đám xã hội đen, biết đã bị lộ,
định thủ tiêu nạn nhân để bịt đầu mối. Tuy nhiên, nạn nhân cũng bị chúng
kẹp gần đứt lìa ngón tay và giập nát khuỷu tay, phải vào viện điều trị
cả tháng trời, suýt nữa phải tháo khớp.
Ở
Anh, đám chăn dắt sẽ lùa những đồng bào dại dột của mình vào những
"đồng cỏ" - vườn tài mà được thiết lập trong nhà kín. Thoát cảnh chuột
chũi chui rúc trong những gầm xe bus, xe tải, những con chuột chũi nói
tiếng người - chính xác là tiếng Việt - sẽ tiếp tục chui rúc hàng tháng,
thậm chí hàng năm trời trong những căn phòng bịt kín, thắp điện suốt
ngày đêm để trồng, chăm sóc tài mà thuê cho chủ. Họ tuyệt đối không được
ló mặt ra đường, không được tiếp xúc với bất kỳ người dân sở tại nào,
để tránh bị lộ. Thức ăn, nước uống, nhu yếu phẩm, chủ trang trại sẽ cung
cấp tận nơi...
Một
đời sống người không ra người, nhưng họ không có quyền lựa chọn. Trả
trước hay trả sau, khoản tiền đưa đường để họ vào được nước Anh cũng là
quá lớn, đến 2019 là trên dưới 30.000€/người, đủ để biến họ thành con
nợ, hoặc của ngân hàng hoặc của bọn buôn người. Ngoài trồng cần sa thuê,
họ không có khả năng hội nhập để làm nghề nào khác. Mà nghề khác thì
biết đến bao giờ mới đủ tiền thoát kiếp con nợ. Thế là, đặt chân lên đảo
quốc sương mù, đời chuột chũi đã bị rừng đại ma vây chặt!
Nguyễn Hồng Lam
(FB lam hồng nguyễn)
Không có nhận xét nào