Cách dạy và học Sử ở Việt Nam hiện
nay quá tập trung vào chiến tranh mà bỏ qua những mảng quan trọng khác
của lịch sử và do đó nên tham khảo cách tiếp cận của Sử gia Trần Trọng
Kim là tìm hiểu lịch sử dưới góc độ tiến hóa, một nhà nghiên cứu về tư
tưởng châu Á nói với VOA.
Ông Nguyễn Lương Hải Khôi trả lời phỏng vấn VOA bên lề hội thảo về nền cộng hòa và các giá trị Cộng hòa của miền Nam Việt Nam |
Nhận
định này được Tiến sỹ Nguyễn Lương Hải Khôi, hiện đang là nghiên cứu
viên tại Viện các vấn đề Toàn cầu thuộc Đại học Oregon ở Eugene, đưa ra
tại một cuộc hội thảo về các nền Cộng hòa và các giá trị Cộng hòa hôm
14/10 tại Eugene, Oregon.
Tại
hội thảo này, ông Khôi đã có bài tham luận về phương pháp luận lịch sử
của ông Trần Trọng Kim, một chính khách và học giả tên tuổi của Việt Nam
dưới thời kỳ thực dân vốn có thời kỳ làm Thủ tướng dưới trướng Quốc
trưởng Bảo Đại, qua tác phẩm để đời của ông là ‘Việt Nam Sử lược’.
‘Xây dựng hồn dân tộc’
Việt
Nam Sử lược, được xuất bản bằng chữ Quốc ngữ vào năm 1920, là giáo
trình hiện đại đầu tiên của lịch sử Việt Nam được sử dụng rộng rãi trong
các trường học ở khắp ba miền Việt Nam dưới thời thực dân Pháp và sau
đó được Việt Nam Cộng hòa sử dụng làm sách giáo khoa ở miền Nam từ năm
1954 cho đến 1975.
Ông
Khôi lưu ý rằng trong Việt Nam Sử lược, Trần Trọng Kim đã cố gắng xây
dựng nên bản sắc dân tộc và ‘hồn dân tộc’ – những khái niệm không tồn
tại trong cách viết sử dưới thời phong kiến hàng ngàn năm trước đó.
“Việt
Nam Sử lược đóng vai trò quan trọng trong việc đem đến hiểu biết lịch
sử và ý thức dân tộc cho người dân Việt Nam kể từ đầu thế kỷ 20,” ông
Khôi cho biết.
“Tác
phẩm của ông không trình bày lịch sử qua các triều đại và các đời vua
như các nhà sử học tiền hiện đại mà đi vào giải thích mối quan hệ nhân
quả của các hiện tượng lịch sử trên ba góc độ: văn hóa, xã hội và chính
trị,” ông trình bày.
Trong
Việt Nam Sử lược, ông Trần Trọng Kim đã giới thiệu rất nhiều khái niệm
của phương Tây vốn không có trong thư tịch Việt Nam mãi cho đến cuối thế
kỷ 19 như ‘quốc gia, dân tộc, quốc hồn, quốc ngữ, tiến hóa, chính trị,
chính thể, nhân dân, cạnh tranh, văn minh, kỹ thuật, giáo dục…’
“Đối
với Trần Trọng Kim, mục đích của Sử học là xây dựng ‘linh hồn dân tộc’,
là giúp cho thế hệ trẻ ngày nay biết về lịch sử nước nhà,” ông Khôi
phân tích. “Khi đó họ sẽ xây dựng được ‘quốc hồn’, bao gồm tinh thần dân
tộc và lòng yêu nước.”
Theo
lời giải thích của ông Khôi thì tinh thần dân tộc xem đất nước và dân
tộc Việt Nam lớn hơn bất cứ cá nhân vị quân chủ hay triều đại nào và
vượt qua giai cấp, tầng lớp.
“Trần
Trọng Kim đã dành khá nhiều công sức trong cuộc đời học thuật của ông
để tìm hiểu các giá trị tuyền thống của Việt Nam,” ông Khôi nói và cho
biết ông Kim cũng đã viết luận về Nho giáo cũng như nghiên cứu về tinh
thần Phật giáo.
Tuy
nhiên, ông Kim lại đề xuất Việt Nam nên theo mô hình kinh tế-chính
trị-xã hội của các nước Tây phương, nhưng theo ông, ‘quốc hồn của người
Việt không phải là tờ giấy trắng để từ đó vẽ lên hình ảnh của Tây phương
mà đã có lịch sử hàng ngàn năm’.
“Làm
thế nào để vẽ hình ảnh hiện đại lên bức tranh cổ. Làm thế nào để hài
hòa hai bức tranh này. Đó là trăn trở của Trần Trọng Kim,” ông Khôi nói.
‘Tiến hóa luận’
‘Tiến
hóa luận’ là điểm then chốt trong tư duy lịch sử của Trần Trọng Kim,
ông Khôi nói và cho biết đây là điểm khác biệt giữa Trần Trọng Kim với
các sử gia phong kiến và các sử gia của Đảng Cộng sản sau này.
Tiến
hóa luận, ông Khôi giải thích, là nhìn vào khả năng sáng tạo của một
dân tộc, một đất nước. “Việt Nam Sử lược xem đối tượng nghiên cứu lịch
sử là trình độ tiến hóa của một dân tộc. Tiêu chuẩn để xác định các thời
kỳ lịch sử Việt Nam là mức độ tiến hóa và khả năng phản ứng lại trước
các thách thức bên ngoài,” ông nói.
“Theo
Việt Nam Sử lược, lịch sử Việt Nam là sự tiến hóa từ giai đoạn dã man
chưa có văn minh và sau đó nhờ học tập Trung Quốc mà văn minh hóa rồi
trải qua thời kỳ tự chủ Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn rồi mở mang bờ cõi
xuống phương Nam. Đến giai đoạn tiếp xúc với văn minh phương Tây thì
thất bại,” ông giải thích.
Ông
đưa ra một ví dụ so sánh để làm rõ quan điểm tiến hóa này. Theo đó,
trong khi các nhà viết sử cộng sản nhìn vào thế kỷ 19 là thời kỳ Việt
Nam bị thực dân Pháp xâm lược và đô hộ, nhà Nguyễn phản bội quyền lợi
dân tộc và cấu kết với người Pháp, nhân dân đấu tranh anh dũng với quân
Pháp nhưng đều thất bại cho đến khi Đảng Cộng sản ra đời, thì Trần Trọng
Kim lại nhấn mạnh đến cuộc chiến Pháp-Thanh để giành quyền thống trị ở
Việt Nam, điều mà các sử gia miền bắc bỏ qua.
“Trần
Trọng Kim xem thế kỷ 19 là lúc Việt Nam phải đối diện với hai nền văn
minh, một là văn minh Trung Hoa đã lỗi thời, một là văn minh hiện đại
của người Pháp,” ông Khôi giải thích. “Theo ông Kim, lựa chọn đúng đắn
duy nhất của Việt Nam là phải hiện đại hóa để trở nên hùng cường như
Nhật Bản từ đó mới giành được độc lập. Nhưng ông lại cho rằng vào thời
điểm đó không có lực lượng chính trị xã hội nào có thể làm được nên Việt
Nam chỉ có hai con đường: hoặc là chư hầu của nhà Thanh hoặc là thuộc
địa của Pháp.”
Trả
lời câu hỏi của VOA về quan điểm viết sử của miền Bắc, ông Khôi nói
trong khi Trần Trọng Kim nhìn trên quan điểm tiến hóa thì các nhà sử học
cộng sản nhìn lịch sử Việt Nam theo quan điểm ‘lịch sử tranh đấu’, tức
là một chuỗi của các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm và giành độc
lập cho dân tộc. Cách nhìn này, theo ông Khôi, đã bỏ qua những mảng khác
cũng rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam.
“Theo
cách nhìn này thì người dân Việt Nam suốt mấy ngàn năm không có làm gì
khác ngoài đấu tranh chống giặc ngoại xâm,” ông nói. “Nhưng ngoài ra
Việt Nam còn có văn hóa, chính trị, xã hội và quan trọng hơn nữa là lịch
sử tiến hóa của dân tộc.”
Từ
quan điểm tiến hóa luận này, ông Trần Trọng Kim đã phê bình rằng dân
tộc Việt Nam suốt mấy ngàn năm không có sáng tạo nào về mặt tư tưởng mà
chỉ tiếp nhận Nho giáo của Trung Quốc và Phật giáo từ Ấn Độ, trong khi
Nhật Bản tiếp nhận Nho giáo nhưng đã có tác phẩm luận giải về Nho giáo.
Phản dân tộc, phản cách mạng?
Theo
lời ông Khôi thì trong suốt cuộc chiến giữa hai miền, Việt Nam Sử lược
vẫn được miền Nam sử dụng làm sách giáo khoa lịch sử trong tất cả các
trường học và ‘có đóng góp to lớn trong việc hình thành bản sắc tinh
thần của miền Nam Việt Nam. Trong khi đó, sau khi những người cộng sản
lên nắm quyền ở miền Bắc thì tác phẩm này đã bị cấm và bị chỉ trích nặng
nề là ‘mang tư tưởng phong kiến, tư sản, phản dân tộc và phản cách
mạng’.
Trả
lời VOA bên lề hội thảo về những sự chỉ trích này, ông Khôi cho rằng
chúng xuất phát từ sự hiểu lầm hay ‘cố tình hiểu sai’ của các nhà sử học
miền Bắc, nhất là những nhà sử học đầu đàn như Trần Huy Liệu và Trần
Văn Giàu.
Trần
Trọng Kim bị lên án vì phê phán ‘dân tộc không có khả năng sáng tạo’,
ông Khôi cho biết nhưng nói rằng Trần Trọng Kim ‘có lẽ là tác giả đầu
tiên đưa Truyện Kiều của Nguyễn Du vào một công trình luận về lịch sử
dân tộc’ để chứng minh rằng đây là ‘tác phẩm tiêu biểu về sức sáng tạo
của dân tộc trong thời phong kiến’ và tham gia vào phong trào thúc đẩy
tìm hiểu Truyện Kiều.
“Trần
Trọng Kim phê phán dân tộc không có tinh thần sáng tạo vốn không có mục
đích nào khác ngoài nhìn vào sự thực là dân tộc Việt Nam không tiến hóa
bằng con đường sáng tạo, phát minh chứ không có ý định vùi dập dân tộc
gì cả,” ông Khôi biện hộ.
Một
điểm nữa khiến ông Kim bị chỉ trích ‘phản dân tộc’ là khi ông phê phán
phong trào Bình Tây Sát Tả của giới văn thân, tức tầng lớp trí thức ở
nông thôn, vào thế kỷ 19, là ‘không phải tinh thần dân tộc’ mà chỉ là sự
phản kháng lại các yếu tố của xã hội mới mà ‘họ không thích ứng được’
như các chính sách kinh tế-chính trị của người Pháp hay Thiên chúa giáo.
Trong khi đó, sử gia miền Bắc Trần Huy Liệu từ năm 1950 đã xem phong
trào Văn thân là phong trào yêu nước đánh giặc Pháp và có tinh thần dân
tộc cao.
Ông
Khôi nói các sử gia như Trần Huy Liệu và Trần Văn Giàu cũng được giao
nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa dân tộc ở miền Bắc và đó là ‘chủ nghĩa dân
tộc cộng sản’. “Chủ nghĩa dân tộc theo cách nhìn của những người cộng
sản là lịch sử chỉ có đấu tranh chống giặc ngoại xâm và đấu tranh giai
cấp và chỉ có những người cộng sản là kế thừa đầy đủ những giá trị
truyền thống của dân tộc,” ông nói với VOA bên lề hội thảo.
Ông
cho biết là quan điểm sử luận của Trần Trọng Kim ‘đã in dấu lên các
trước tác chính trị, văn hóa, xã hội ở miền Nam Việt Nam’ và dẫn ra tác
phẩm ‘Chính đề Việt Nam’ của nhóm ông Ngô Đình Nhu dưới thời Đệ nhất
Cộng hòa mà trong đó ‘khái niệm tiến hóa được lặp đi lặp lại trên 30
lần’.
“Độc
lập dân tộc không phải là vấn đề quan trọng nhất mà là phát triển dân
tộc,” ông Khôi giải thích về sự khác biệt trong quan điểm của Trần Trọng
Kim với các sử gia miền Bắc. “Bởi vì nếu anh độc lập về chính trị mà
không phát triển dân tộc thì độc lập đó cũng là giả vì sớm muộn gì anh
cũng trở lại như cũ.”
Nên tham khảo Trần Trọng Kim?
Trao
đổi với VOA, ông Khôi nói rằng phương pháp luận lịch sử của Việt Nam
hiện nay ‘nên tham khảo cách nhìn tiến hóa của Trần Trọng Kim nhưng
không phải áp dụng hoàn toàn’.
“Tiến
hóa luận xã hội ngày nay cũng đã lỗi thời và trở nên nhạy cảm vì nó chi
lịch sử ra các giai đoạn từ thấp đến cao nên vô hình chung tạo ra sự
phân biệt đối xử,” ông phân tích. “Nhưng tinh thần của tiến hóa luận xã
hội vẫn chưa chết và vẫn thể hiện rõ trong kinh tế học phát triển vốn
nghiên cứu về chiến lược và con đường phát triển của các cộng đồng đang
phát triển.”
“Điều
cần phải tránh là viết sử chỉ tập trung vào chiến tranh. Trong thời đại
ngày nay và từ thời Trần Trọng Kim đã nhận ra rằng lịch sử của sự sáng
tạo mới là yếu tố quyết định đến sự phát triển của quốc gia,” ông nói.
“Đánh
nhau với nước ngoài sẽ có ích trong thời điểm chiến tranh chống ngoại
xâm nhưng rõ ràng không có ích trong thời đại xây dựng đất nước.”
(VOA)
Không có nhận xét nào