Header Ads

  • Breaking News

    Mạnh Kim - Ô nhiễm gì mới thật sự nghiêm trọng nhất?

    Ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề cực kỳ nghiêm trọng khiến dư luận quan tâm. Tuy nhiên, có những thứ ô nhiễm khác thậm chí kinh khủng hơn…


    4g15 sáng, tôi bị dựng ngược dậy dù mệt đừ vì trước đó gần như không ngủ được. Lý do: mùi thối kinh khủng lại tiếp tục tấn công. Nhiều tháng trước đó, không khí đặc quánh mùi thối chưa bao giờ dứt điểm. Nó đến rất nhanh và mùi nặng đến mức như thể quyện sệt vào không khí. Nó mạnh đến mức có thể làm bạn chóng mặt và buồn nôn. Nó rất khủng khiếp. Nó đánh thẳng vào não bộ bạn. Nó đi thẳng vào trung ương thần kinh. Giải pháp duy nhất là đóng kín cửa sổ từ chiều bởi khi mùi thối đã lọt vào phòng thì phải mất hàng chục phút nó mới từ từ biến mất. Mà nó có thật sự “biến mất” hay mũi của bạn bắt đầu “quen” dần với mùi thối kinh khủng đó?

    Thối “long óc” là từ miêu tả chính xác mùi thối từ bãi rác Đa Phước. Cho đến giờ, ít nhất 5 năm kể từ lần đầu tiên người dân khu vực Phú Mỹ Hưng (quận 7), Bình Chánh, Nhà Bè, quận 4 và cả quận 8… kêu trời về mùi thối từ bãi rác Đa Phước, cuộc “khủng hoảng” mùi thối không hề thuyên giảm. Các bài báo gần đây về vụ này vẫn liên tục xuất hiện, trước sự “trấn an” - như lệ thường - của chính quyền. Không chỉ mùi thối. Khi tôi mới dọn về (một chung cư ở đường Phạm Hữu Lầu, phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM) vào năm 2012, khu vực này còn thưa vắng. Từ nhà đến trường chỉ mất khoảng 15 phút. Ba năm sau, tôi phải mất 45 phút cho bận đi vào buổi sáng. Các chung cư mới mọc lên ào ạt. Chung cư nào cũng xây gần sát lề đường. Ai chịu trách nhiệm quy hoạch thiết kế đô thị mà cho phép chung cư dựng sát lề đường như vậy? Làm sao thoát nạn kẹt xe? Cách xây như thế cũng cho thấy rằng con đường chạy ngang trước mặt dãy chung cư đồ sộ chắc chắn không thể mở rộng thêm được. Kẹt xe cầu Kênh Tẻ là nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với bất kỳ người nào từ quận 7 đi vào quận 1 mỗi sáng và mỗi chiều. Giao lộ Nguyễn Văn Linh là một cơn ác mộng khác. Xe tải chen với xe gắn máy từng centimet…

    Hồi tôi mới về khu vực này, đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn từ cầu Ông Lớn đến giao lộ Phạm Hữu Lầu) còn mấp mô ổ gà. Khoảng một năm sau, đường được tráng nhựa. Vấn đề ở chỗ nó lại được nâng lên cao đến gần 1m nhằm tránh thảm cảnh nước ngập khi triều cường hoặc mưa to. Tôi không biết có bao nhiêu con đường khác ở Sài Gòn được “chống ngập” theo kiểu ấy. Đó là kiểu làm lưu manh và không phải là giải pháp để chống ngập. Không thể chống ngập chỗ này mà lại dồn ngập xuống chỗ khác! Rồi còn bụi. Bụi kinh khủng. Bụi nhiều đến mức chỉ cần ra đường chừng 15 phút thì khẩu trang đã đen kịt! Và rồi tình trạng ngập nước. Bắt đầu từ tháng 9, khu vực quận 7 giáp Nhà Bè biến thành những con sông” đen ngòm. Nước từ triều cường, nước do mưa, và nước từ cống trồi lên. Nước ngập thối đen kịt suốt chiều dài đường Huỳnh Tấn Phát. Chỉ một khu vực nhỏ quanh tôi ở đã bao nhiêu chuyện như thế về quy hoạch và môi trường thì thành phố này có biết bao nhiêu chuyện tương tự và đất nước này còn bao nhiêu nỗi ám ảnh kinh khủng tương tự?

    Câu chuyện trên là bức tranh thu nhỏ của nhiều tỉnh thành, nếu không nói là cả nước, về sự khủng hoảng không có điểm dừng liên quan môi trường sống đang trở nên mỗi lúc mỗi trầm trọng. Những ngày qua, tình trạng ô nhiễm môi trường lại trở thành đề tài nóng. Điều đáng nói nhất là cái “hệ thống chính trị” đang cai trị, từ địa phương đến trung ương, đều luôn “vào cuộc” trước sức ép dư luận bằng những trấn an hơn là giải pháp. Giải pháp nếu có, cũng chỉ là động thái chữa cháy hơn là tìm ra nguyên nhân để tiêu diệt nguồn gốc vấn đề. Như vụ bãi rác Đa Phước, tất cả cũng đâu vào đó. 5 năm nay, chính quyền TP.HCM đã “cam kết” “xử lý vấn đề bãi rác Đa Phước” nhưng rồi kết quả… thối vẫn hoàn thối. Toàn bộ khu vực không chỉ tiếp tục ngửi mùi thối mà còn bị đe dọa lâu dài bởi hệ thống nước ngầm bị ô nhiễm ngấm sâu lòng đất làm ảnh hưởng đến giếng nước và nguồn nước nói chung.

    Ở Việt Nam, bạn có thể mua được mọi thứ. Có tiền là có tất cả. Dường như là vậy. Ở một đất nước mà tệ trạng tham nhũng đã lên đến mức độ khủng hoảng thì không gì không thể mua, kể cả luật pháp và công lý. Tuy nhiên, có những thứ mà bạn không bao giờ có thể mua được. Sự chọn lựa bằng khả năng tài chính trong những trường hợp này là hoàn toàn vô nghĩa. Bạn không thể mua được không khí sạch. Bạn không thể mua được những con đường không có kẹt xe. Bạn không thể mua được cây xanh. Bạn không thể mua được những buổi chiều đường xá không ngập nước. Và chắc chắn bạn không bao giờ có thể mua được một chính thể trong sạch để giúp bạn tránh được tất cả khủng hoảng môi trường sống mà bạn, giàu hay nghèo, đều phải gánh chịu.

    Làm thế nào để giải quyết bài toán môi trường Việt Nam, khi “hệ thống chính trị” cũng đã bị “ô nhiễm” sâu đến tận đáy và len xuống cả “mạch ngầm” bên dưới! Sức chịu đựng của người dân sẽ còn “gồng” được đến bao giờ, trong khi ai cũng nhìn thấy được tương lai đen ngòm của mình? Ai sẽ chịu trách nhiệm đối với thế hệ tương lai nếu hôm nay tất cả chỉ nhìn nhau trong bất lực thay vì lên tiếng quyết liệt hoặc hành động cụ thể? Chính quyền này có thể tin được không, khi mà chính quyền, dù đẩy đất nước vào bi kịch như thế này, lại phủi tay trách nhiệm, hoặc chính họ cũng bất lực trong việc tìm được giải pháp xử lý những vấn đề mà họ tạo ra? Sẽ chẳng có giải pháp nào cho “bài toán môi trường”, cũng như nhiều “bài toán” khác, nếu không tìm được lời giải cho “bài toán thể chế” và nếu người dân vẫn không bận tâm đến việc thúc đẩy thể chế tìm ra đáp số cho bài toán quyết định vận mệnh quốc gia.

    Mạnh Kim

    (Blog VOA) 

    Không có nhận xét nào