Hình ảnh Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng
Ngoại giao Phạm Bình Mình đứng cô đơn trong nghị trường đọc bài diễn
văn tại phiên thảo luận chung cấp cao khóa 74 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
phản ánh hiện trạng tình thế của Việt Nam trước dư luận quốc tế một
cách sinh động. Nó cho thấy Việt Nam dù muốn làm gì, nói gì cũng không
thuyết phục được bất cứ nước nào chịu nghe lời minh chứng trước việc
Trung Quốc không dừng bước trong âm mưu thôn tính biển Đông qua đường
chín đoạn mà nước này áp đặt.
Những ‘bởi vì’ khiến Việt Nam đơn độc |
Trước
sự lấn lướt, uy hiếp của Trung Quốc tại bãi Tư Chính thuộc đặc quyền
kinh tế của Việt Nam giới quan sát chính trị quốc tế nêu ra trong những
ngày gần đây cho thấy đã đến lúc Hà Nội cần nhìn lại chính sách đối
ngoại mà họ từng theo đuổi trong nhiều năm qua nhằm thay đổi cho phù hợp
với hoàn cảnh của đất nước hiện nay trước nguy cơ xâm lược của Trung
Quốc ngày một rõ ràng và không cần che dấu.
Trong
một bài báo trên tờ Diploma Tiến sĩ Rajeswari Pillai Rajagopalan, Học
giả và Chủ tịch Sáng kiến Chính sách Hạt nhân và Không gian thuộc Quỹ
Observer Research Foundation (ORF) ở New Delhi, Ấn Độ cho rằng mặc dù
Việt Nam và Trung Quốc đang lao vào một cuộc đối đầu dữ dội tại Biển
Đông nhưng sự việc lại không thu hút được sự quan tâm đầy đủ của thế
giới. Theo trích dẫn của VOA, sau khi nêu hàng hoạt các phản ứng của
Việt Nam sau vụ nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc
xâm phạm vùng EEZ của Việt Nam, Tiến sĩ Rajeswari viết: “Trong tình hình
này, chính phủ Việt Nam tìm cách tác động đến các nước Ấn Độ, Hoa Kỳ,
Nga, Úc và nhiều nước khác trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đáp
lại lời kêu gọi này là gì? Một sự im lặng và những lời phát biểu “sáo
rỗng.”
Câu
hỏi đặt ra: Tại sao quốc tế quay lưng với Việt Nam về vấn đề Biển Đông
trong khi vẫn làm ăn, mua bán giao hảo và thậm chí còn giúp đỡ Việt Nam
trong các dự án xã hội?
Bởi
vì giao thương và giao chiến là hai việc hoàn toàn khác nhau. Việt Nam
và Trung Quốc có giao tranh cách nào đi nữa thì các nước thuộc khối tư
bản sẽ không bao giờ tham gia vì ý thức hệ đã phân chia hai khối từ
những năm đầu của thập kỷ 50 của thế kỷ trước, khi cộng sản và tự do
chia cắt rạch ròi với nhau gây nên nhiều cuộc chiến tranh quốc cộng mà
chiến tranh Việt Nam là một bài học lịch sử còn tươi vết máu của cả hai
miền Việt Nam và các nước khác như Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan, Nam Hàn,
Philippines, và nhất là Mỹ.
Bởi
vì Việt Nam vẫn là nước kiên trì theo chủ nghĩa cộng sản trong số 5
nước cuối cùng còn sót lại trên thế giới bao gồm Trung Quốc, Bắc Triều
Tiên, Lào, Cu Ba và Việt Nam. Câu chuyện tranh chấp Biển Đông, đặc biệt
là Bãi Tư Chính đang xảy ra giữa hai đất nước có cùng ý thức hệ, cùng lý
tưởng và cùng chung mục đích chính trị sẽ không được bất cứ nước nào
trong thế giới tự do có thể tham gia vào việc hòa giải, can thiệp hay
bênh vực một cách tích cực.
Bởi
vì thái độ của Việt Nam không nhất quán và luôn luôn gây cho quốc tế
những dấu hỏi về tính đi giây trong quan hệ ngoại giao. Việt Nam cho
rằng các nước lớn có quyền lợi tại Việt Nam phải bảo vệ quyền lợi của họ
bằng cách ủng hộ lập trường của Việt Nam nhưng Hà Nội quên rằng Trung
Quốc mới chính là nguồn lợi vô tận đối với nhiều nước hiện nay.
Bởi
vì ngay chính Hoa Kỳ cũng không hoàn toàn thoải mái khi quan hệ ngoại
giao trở lại với Việt Nam sau nhiều chục năm đứt đoạn. Một mặt Hà Nội
tay bắt mặt mừng với Mỹ nhưng sau lưng lại cho phép báo chí của Đảng
tiếp tục hạ nhục Mỹ bằng các bài viết nhắc lại cuộc chiến tranh thần
thánh chống mỹ gần 50 năm về trước.
Bởi
vì mục tiêu là nhắm tới sự góp sức của Mỹ nhưng Hà Nội công khai cho
phép bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tiếp xúc với đại
diện của Tổng thống Murado của Venezuela khi nước này trên bờ vực sụp
đổ vì sự phong tỏa của Mỹ và nhiều nước phương Tây. Việc làm phi chính
trị này chắc chắn sẽ được các chính khách Mỹ ghi vào sổ tay của họ để
cảnh báo chính quyền Washington nếu có ý định tiến thêm một bước với
Việt Nam.
Bởi
vì các nước EU cũng như Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Philippines, Hàn Quốc chia
sẻ lý tưởng tự do dân chủ với Mỹ trong khi Việt Nam cho rằng mỗi nước
có cách nhìn dân chủ nhân quyền khác nhau và vì vậy Việt Nam từng nhiều
lần bị quốc tế chỉ trích về vấn đề này, một vấn đề cốt lõi mà Việt Nam
không bao giờ tuân thủ.
Bởi
vì Việt Nam theo sự chỉ đạo rất khôn khéo của Trung Quốc không chấp
nhận đứng chung với nước này mà chống lại nước khác nên mọi lời kêu gọi
thế giới lên tiếng trước hành vi xâm lấn của Trung Quốc đều vô ích.
Không nước nào chấp nhận làm công việc hồ đồ giúp cho kẻ đã từ chối nhận
mình làm bạn.
Bởi
vì Trung Quốc cật lực ngăn cản Việt Nam liên minh với Mỹ hay bất cứ
nước nào trong thế giới tự do vì Bắc Kinh biết rằng khi chấp nhận giải
pháp liên minh Việt Nam sẽ bị buộc phải từ bỏ thể chế Cộng sản vì thế
giới tự do và cộng sản không thể liên minh.
Bởi
vì Việt Nam biết chắc rằng ngay cả chấp nhận liên minh với Hoa Kỳ thì
Quốc hội Mỹ sẽ ràng buộc Hà Nội vào nhiều yêu cầu mà nước Mỹ vẫn theo
đuổi trong đó có vấn đề nhân quyền, một cục xương khó gặm cho chính thể
Việt Nam. Bởi vì nước Mỹ không thể hy sinh xương máu của công dân nước
mình để liên minh, bảo vệ cho một đất nước xem nhân quyền là kẻ thù của
chế độ.
Tất
cả những “bởi vì” ấy đang cản trở Việt Nam tiến gần với thế giới để bảo
vệ mình. Trung Quốc biêt rõ điều ấy và thản nhiên tiếp tục đưa tàu vào
khu vực Bãi Tư Chính để cảnh cáo Việt Nam rằng họ sẽ có thể cho Việt Nam
một bài học thứ hai vì Hà Nội chơi ván cờ cộng sản lại nhìn chừng sang
phía kẻ thù là thế lực thù địch.
Mặc Lâm
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào