Bạn có thể có nó từ khi sinh ra, bạn
có thể kiếm được nó, và bạn có thể mất nó. Gần đây, bạn cũng có thể dùng
tiền đầu tư để đổi lấy nó.
Ảnh minh họa |
"Nó"
là quyền công dân của một quốc gia nào đó, và điều này đang trở thành
một khái niệm uyển chuyển hơn bao giờ hết. Chỉ 50 năm trước, hiếm khi
thấy các quốc gia cho phép người dân có hai quốc tịch, nhưng giờ đây đó
là chuyện là phổ biến.
Hơn
một nửa số quốc gia trên thế giới hiện có các chương trình đầu tư đổi
hộ chiếu. Theo một chuyên gia, luật sư người Thụy Sĩ Christian Kalin,
giờ đây hộ chiếu là một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 25 tỷ đôla
mỗi năm.
Ông
Kalin, người được mệnh danh là "Mr Passport", là chủ tịch của Henley
& Partners, một trong những công ty lớn nhất thế giới trong thị
trường đang phát triển nhanh chóng này. Kinh doanh toàn cầu của ông giúp
các cá nhân giàu có và gia đình họ có được quyền cư trú hoặc quyền công
dân ở các quốc gia khác.
Ông
nói rằng các quan niệm truyền thống về tư cách công dân của chúng ta đã
"lỗi thời" và "đây là một trong số ít những thứ còn lại trên thế giới
vẫn gắn liền với dòng máu hoặc nơi bạn sinh ra". Ông cho rằng cần sớm có
quan niệm mới về điều này.
"Thật
không công bằng." Kalin nói rằng nơi một người sinh ra không liên quan
gì đến kỹ năng hay tài năng của họ, đó chỉ là "may mắn thuần túy". "Có
gì là sai trái trong việc coi tư cách công dân như một dạng hội viên? Và
có gì sai khi nhận những người tài năng sẽ đóng góp cho quốc gia mình?"
Có
người ủng hộ lập luận của ông. Nhưng với nhiều người, ý tưởng hộ chiếu
vồn gắn liền với danh tính, theo một cách nào đó trở thành một mặt hàng,
không phù hợp.
Con
đường đầu tư đổi hộ chiếu đưa chúng tôi đến đảo quốc Vanuatu nhỏ bé ở
Thái Bình Dương. Kể từ khi nước này đưa ra chương trình cấp tư cách công
dân bốn năm trước, họ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ những người
tìm kiếm hộ chiếu thứ hai. Đây hiện là nguồn thu lớn nhất của chính phủ.
Đối với nhiều người muốn có hộ chiếu Vanuatu, sự hấp dẫn lớn nhất là du lịch miễn visa khắp châu Âu.
Hầu
hết những người nước ngoài nhận hộ chiếu Vanuatu thậm chí còn không bao
giờ đặt chân vào đất nước này. Thay vào đó, họ nộp đơn xin quyền công
dân tại các văn phòng ở nước ngoài, như PRG Consulting, nhà môi giới tư
cách công dân Vanuatu, có trụ sở tại Hong Kong.
Hong
Kong là một trong những thị trường kinh doanh tư cách công dân lớn nhất
thế giới. Trong một quán cà phê ở sân bay Hong Kong, chúng tôi gặp tư
vấn viên MJ, một doanh nhân đang giúp ngày càng nhiều người Trung Quốc
đại lục có được hộ chiếu thứ hai hoặc thậm chí thứ ba.
Ông
nói khách hàng của mình "không cảm thấy an toàn [ở Trung Quốc], họ tới
châu Âu để mở tài khoản ngân hàng, mua bất động sản hoặc kinh doanh."
Kinh
doanh tư cách công dân là một thị trường quốc tế đầy cạnh tranh, và với
nhiều quốc gia nhỏ hay các quốc đảo, đặc biệt là ở vùng biển Caribbean -
giá cho một hộ chiếu chỉ vào khoảng 150.000 đôla. Chi phí của hộ chiếu
Vanuatu được cho là ở cùng mức.
Chính phủ quốc đảo Vanuatu ở Thái Bình Dương đang bán hộ chiếu với giá khoảng 150.000 đôla |
Giá mua hộ chiếu là bao nhiêu?
- Antigua và Barbuda; từ 100.000 đôla
- Saint Kitts và Nevis; từ 150.000 đôla
- Montenegro; từ $ 274.000
- Bồ Đào Nha; từ 384.000 đôla
- Tây Ban Nha; từ 550.000 đôla
- Bulgaria; từ $ 560.000
- Malta; từ 1 triệu đôla
- Hoa Kỳ: từ 500.000 đến 1 triệu đôla đầu tư vào một doanh nghiệp tạo ra 10 việc làm
- Anh: từ 2,5 triệu đôla
MJ
cho biết, hộ chiếu Vanuatu được cấp "rất nhanh" (bạn có thể nhận được
chỉ trong vòng 30 ngày), và điều đó giúp làm cho nó trở thành một lựa
chọn phổ biến. Nhưng ông Kalin và những người khác cảnh báo rằng Vanuatu
có tiếng xấu về tham nhũng. Do đó, Henley & Partners và những người
khác không làm việc với chương trình công dân Vanuatu.
Tuy
nhiên, điều này không cản được người Trung Quốc. Một vài năm trước, các
kênh truyền hình Hong Kong đã phát sóng các quảng cáo truyền quảng bá
tư cách công dân Vanuatu, nhằm vào lượng khách hàng ổn định từ đại lục.
Vậy
có bao nhiêu khách hàng Trung Quốc thực sự ghé thăm Vanuatu, sau khi
nhận được tư cách công dân? Có lẽ một trong 10, MJ ước đoán.
Port
Vila, thủ đô của Vanuatu, là một thành phố đầy tương phản. Các con
đường thường ngập đầy ổ gà. Không có đèn giao thông, nhưng tình trạng
tắc nghẽn đang trở nên tồi tệ hơn do số ô tô ngày càng tăng.
Đây
là một thiên đường cho người tránh thuế, và gần đây đã quay trở lại
"danh sách đen" của EU, về các vấn đề minh bạch và tham nhũng.
Người
dân Vanuatu - được gọi là Ni Vanuatu - chỉ được chính thức công nhận là
công dân từ năm 1980, khi đất nước giành được độc lập. Trước đây, nó là
thuộc của Anh-Pháp, được gọi là New Hebrides, và người dân sống rải rác
trên một chuỗi hơn 80 hòn đảo.
Chưa đầy 40 năm trước, họ không quốc tịch. Một thực tế không thể quên với cựu Thủ tướng Barak Sope.
"Tôi
không có hộ chiếu cho đến năm 1980," ông nói, ngồi trong một khách sạn
kiêm sòng bạc trên con phố chính của Port Vila. "Tôi đã phải đi du lịch
với một mảnh giấy mà người Anh và người Pháp cấp cho. Thật là nhục nhã."
Ông
Sope nói rằng bán quyền công dân của mình là một "sự phản bội" đối với
Vanuatu và chỉ ra cơn sóng đầu tư của Trung Quốc trong khu vực. "Người
Trung Quốc nhiều tiền hơn chúng ta rất nhiều", ông nói trong bực tức.
Những
người dân địa phương như ông Sope chỉ trích đầu tư của Trung Quốc, họ
phàn nàn rằng các công ty Trung Quốc giữ tất cả tiền và chỉ mướn người
Trung Quốc.
Chính
phủ toàn nam giới của Vanuatu không muốn nói với chúng tôi về kế hoạch
công dân của mình. Đây cũng là một trong ba quốc gia duy nhất trên thế
giới nơi phụ nữ hoàn toàn bị loại khỏi chính trị. Nhưng chúng tôi đã tìm
tới một tư vấn viên được chỉ định bởi chính phủ, Bill Bani, người đã
giải thích về vai trò ông trong chương trình này.
"Chúng
tôi phải đặt Vanuatu trong bối cảnh toàn cầu," ông nói. "Các quốc gia
khác bán hộ chiếu để kiếm sống, chúng tôi không có nhiều tài nguyên
thiên nhiên. Hộ chiếu mang lại rất nhiều tiền cho Vanuatu."
Nhưng đối với những người sống ở nông thôn, chính sách này đã gây tranh cãi rất nhiều kể từ khi ra mắt năm 2015.
Anne
Pakoa, một lãnh đạo cộng đồng, cho chúng tôi thấy quanh một ngôi làng
điển hình được làm bằng tôn. Chỉ cách các cửa hiệu, nhà hàng ở thủ đô 10
phút lái xe nhưng đây như một thế giới khác.
Anne
nói rằng các cộng đồng địa phương không thấy tiền từ việc bán hộ chiếu,
mặc dù được hứa rằng chương trình này sẽ xây dựng lại cơ sở hạ tầng và
nhà cửa sau cơn bão Pam năm 2015.
Image caption Anne Pakoa nói rằng các làng quê của nước mình chưa thấy tiền
"Tổ
tiên của chúng tôi đã chết vì tự do của chúng tôi. Bây giờ người khách
cũng mang cùng một hộ chiếu xanh mà tôi có? Với 150.000 đôla? Tiền ở
đâu? Tôi nghĩ rằng điều này phải dừng lại", cô nói.
Susan,
một phụ nữ khác ở cùng làng, dẫn chúng tôi thấy tới cái giếng bẩn và
nói: "Tôi muốn chính phủ cung cấp một vòi nước, để trẻ em có thể tắm, và
uống nước sạch và an toàn".
Thương mại toàn cầu
Với
nhu cầu từ thị trường Trung Quốc đang bùng nổ, Dan McGarry, điều hành
một tờ báo địa phương, nói rằng sẽ khó có thể tưởng tượng một sự thay
đổi sớm trong chính sách.
Doanh
số bán hộ chiếu hiện chiếm hơn 30% doanh thu của đất nước, theo Dan.
"Đối với một đất nước nhỏ bé như chúng tôi, đây là một khoản lớn. Nhưng
chúng to phải tự hỏi, đây có phải là những gì chúng ta đã chiến đấu để
giành lấy không? Có đúng không? Có đúng không khi bán quyền chủ quyền
của chúng ta cho người trả giá cao nhất?"
Đó là một câu hỏi mà nhiều quốc gia, không chỉ Vanuatu, sẽ phải vật lộn trong một thế giới toàn cầu hóa.
Nhưng
như ông Kalin, từ Henley & Partners, nói: "Quyền công dân thông qua
đầu tư và các chương trình di cư đầu tư, không là gì ngoài sự phản ánh
của một thế giới nơi mọi thứ trở nên thông suốt hơn".
Sarah Treanor và Vivienne Nunis
(BBC News)
Không có nhận xét nào