Header Ads

  • Breaking News

    Khuyến cáo dân Hà Nội 'hạn chế ra đường' vì ô nhiễm không khí


    Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam khuyến cáo người dân Hà Nội "hạn chế ra ngoài" do chất lượng không khí liên tục ở mức xấu trong nhiều ngày.
     Khuyến cáo dân Hà Nội 'hạn chế ra đường' vì ô nhiễm không khí

    Hôm 1/10, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhận định nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội ở mức cao nhất trong 5 năm qua.

    Ông khuyến cáo "người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra bên ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời" nhưng không đề cập đến các giải pháp kiểm soát, xử lý ô nhiễm không khí.

    "Trường hợp có nhu cầu cần ra ngoài, cần đeo khẩu trang, kính mắt", ông Tài nói thêm.

    Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng đang kéo dài nhiều ngày ở Hà Nội, TP HCM, gây lo ngại và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân.


    Ô nhiễm tới mức nào?

    Trong vài ngày qua, người dân ở các thành phố lớn chia sẻ mạnh trên mạng xã hội thông tin về ô nhiễm không khí được đo trên ứng dụng của phần mềm IQAir AirVisual, một tổ chức quan trắc chất lượng không khí trên mạng độc lập.

    Chỉ số AQI thường xuyên hiển thị màu đỏ ở mức xấu ("unhealthy"), thậm chí màu tím, mức rất xấu (very unhealthy). Hà Nội trong nhiều ngày đứng đầu bảng xếp hạng chất lượng không khí xấu nhất thế giới của tổ chức này, trong khi TP HCM cũng có nhiều ngày ở trong top 10.

    Chẳng hạn, ở thời điểm 8h40 ngày 30/9, chỉ số AQI ở mức 277, chỉ số bụi mịn PM2.5 cao gấp hơn 11 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và hơn 25 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

    WHO khuyến cáo mức độ bụi PM2.5 an toàn ở mức không quá 10 µg/m3.

    Theo báo cáo của Bộ TN MT, dẫn chứng số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, chất lượng không khí tại Hà Nội từ 12-19/9 liên tục có nồng độ bụi PM2.5 vượt ngưỡng cho phép.

    Trong những ngày ô nhiễm nhất, toàn bộ các trạm đo được nồng độ PM2.5 trung bình 24 giờ vượt tiêu chuẩn quy định.

    Tuy nhiên, báo cáo này cho biết "các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) vẫn nằm trong giới hạn".

    Ô nhiễm vì sao?

    Theo ông Nguyễn Văn Tài, nguyên nhân PM2.5 tăng cao ở Hà Nội trong thời gian qua là do "đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía bắc khuếch tán xuống phía nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt, làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí."

    "Bên cạnh đó, hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch ở khu vực ngoại thành cũng góp phần làm gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trong không khí," ông Tài được truyền thông Việt Nam dẫn lời.

    Những yếu tố gây ô nhiễm không khí thông thường như khí thải từ phương tiện giao thông, các nhà máy nhiệt than, khói bụi tại công trường xây dựng không được nhắc đến trong báo cáo của Bộ Môi trường.
    Chính quyền chưa nêu giải pháp

    Dù đưa ra khuyến cáo, hiện chưa thấy Bộ TN MT hay các cơ quan chính quyền đề cập các chính sách, biện pháp cụ thể để cải thiện chất lượng không khí.

    Trên mạng, nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền và bày tỏ nỗi lo lắng, bức xúc.

    Facebooker Giang Ha viết: "Tự giận mình là đã không mua máy lọc không khí sớm! Bình minh không Còn hấp dẫn chút nào nữa khi chợt tỉnh thấy khó thở và đang phải thở bằng miệng ...Rừng, biển và không khí tưởng như mênh mông giờ đang cạn kiệt và ô nhiễm hết rồi."

    Bình luận trên trang Tuổi Trẻ online, danh khoản có tên Thuan viết:

    "Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là phải kiểm soát mức độ ô nhiễm để bảo vệ Người Dân chứ không phải khi gặp sự cố hoặc thực trạng quá ô nhiễm thì lại khuyên Người Dân không nên ra đường, không ra đường để đi làm thì lấy gì mà sống?!!"

    Trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt, độc giả có danh khoản 時薰 bình luận hôm 30/9:

    "Dù không phải nhất thế giới thì cũng là thành phố ô nhiễm rồi. Ô nhiễm nước, không khí, thực phẩm, đạo đức, quan chức,... điều đáng cười là chính phủ chỉ nói nhưng không đưa ra bất cứ động thái nào để giảm thiểu nó!"


    Còn danh khoản Việt Bình Vũ nói:

    "Mấu chốt là không khí đang ô nhiễm nặng. Cả xã hội sợ hãi vì không hề được cảnh báo nguy cơ, hướng dẫn xử lý từ sự ô nhiễm này."

    Ô nhiễm không khí dẫn tới tử vong ở Việt Nam

    Ngay từ mấy năm trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra khuyến cáo về tình trạng ô nhiễm không khí dẫn tới tử vong ở Việt Nam.

    Theo số liệu mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO, 05/2018), có hơn 60.000 người tử vong năm 2016 do bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm phổi ở Việt Nam đều có liên quan tới ô nhiễm không khí.

    Trang tiếng Việt của WHO cũng giải thích về vấn đề này:

    "Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi. Cả phơi nhiễm ngắn hạn và dài hạn với các chất ô nhiễm không khí đều gây tác động về sức khỏe. Những người đang mang bệnh sẽ bị tác động nghiêm trọng hơn. Trẻ em, người già và người nghèo dễ bị tổn thương hơn. Chất ô nhiễm có hại nhất cho sức khỏe - liên quan chặt chẽ với tử vong quá sớm - là hạt mịn PM2.5 thâm nhập sâu vào đường phổi."

    Việt Nam nằm trong khu vực chịu vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới.

    Thống kê WHO đăng tải theo số liệu từ 2016 cho thấy Đông Nam Á là khu vực có số tử vong cao nhất thế giới do ô nhiễm không khí.

    Đông Nam Á: 1.332.000 ca tử vong.

    Tây Thái Bình Dương : 1.255.000 ca tử vong

    Châu Phi: 425.000 ca tử vong

    Đông Địa Trung Hải: 319.000 ca tử vong

    Châu Âu: 304.000 ca tử vong

    Châu Mỹ: 164.000 ca tử vong


    BBC News

    Không có nhận xét nào