Header Ads

  • Breaking News

    Hong Kong: Tại sao Bắc Kinh chưa quyết liệt dẹp tan biểu tình?

    Việc ông Tập Cận Bình vừa cảnh báo bất cứ nỗ lực chia rẽ Trung Quốc nào cũng sẽ bị "nghiền thành bột', một lần nữa dấy lên câu hỏi liệu Bắc Kinh có sẽ nghiền nát người biểu tình Hong Kong. Thật ra thì chẳng cần ông Tập phải đe dọa, câu hỏi này luôn lẩn khuất trong tâm trí của cả người biểu tình Hong Kong lẫn giới quan sát.

    Ba ngày sau khi ông Tập đe dọa sẽ 'nghiền thành bột' những ai chia rẽ Trung Quốc, người Hong Kong vẫn tiếp tục biểu tình
    Cuộc biểu tình, kéo dài đã hơn bốn tháng, khởi đầu từ phản đối luật dẫn độ nay thành yêu cầu phải có phổ thông đầu phiếu, ngày càng có những lúc trở nên bạo động, cảnh sát Hong Kong cũng ngày càng đàn áp mạnh tay hơn, nhưng không thấy dấu hiệu bên biểu tình sẽ lùi bước.

    Tình hình dường như bế tắc.

    Trước khi đưa ra cảnh báo nghiêm khắc này trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Nepal hôm 13/10, ông Tập chưa hề trực tiếp nhắc đến cuộc biểu tình tại Hong Kong, vì thế đe dọa này được xem như một cảnh báo hiếm hoi và mạnh mẽ.

    Vậy người Hong Kong phản ứng với đe dọa này ra sao?

    Vẫn cứ biểu tình

    Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt hôm 15/10, từ Hong Kong, luật sư Wilson Leung 梁允信, một thành viên của nhóm Progressive Lawyer Group, nói:

    ''Tôi không nghĩ rằng cảnh báo của ông Tập sẽ có bất kỳ tác dụng răn đe nào đối với các cuộc biểu tình. Trong vài tháng qua, Bắc Kinh đã đưa ra nhiều đe dọa về việc sử dụng vũ lực, bằng cách phổ biến video về các cuộc diễn tập chống bạo động của quân đội Trung Quốc, và bằng cách đưa ra những tuyên bố cứng rắn qua văn phòng đại diện Hong Kong và Macau. Tuy nhiên, phong trào biểu tình vẫn cứ tiếp tục. Sự giận dữ của người biểu tình lớn đến nỗi dù có thêm nhiều cảnh báo từ Bắc Kinh cũng khó có thể dập tắt tình trạng bất ổn.''

    Alison Ng, 24 tuổi, một thiếu nữ Hong Kong thường xuyên tham dự biểu tình, chia sẻ tâm tư với BBC News Tiếng Việt sáng hôm 16/19 :

    ''Phát biểu này cho thế giới thấy rõ tâm địa tàn ác của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tôi đoán chắc ông ta thầm ao ước được nghiền nát đoàn biểu tình lắm, và nếu bưng bít được thông tin tức như hồi Thiên An Môn thì có lẽ ổng đã ra tay lâu rồi.''

    Về câu hỏi lời đe dọa 'nghiền thành bột'' của ông Tập Cận Bình có làm người biểu tình phải thối lui không, Alison Ng nói:

    ''Nhiều người hỏi là cảnh báo của ông Tập có làm người tham dự biểu tình sợ không. Ai cũng nói là có thể sẽ có Thiên An Môn thứ hai. Nếu sợ thì chúng tôi đã không biểu tình liên tục từ mấy tháng qua. Chính quyền không những đã không làm gì để đáp ứng yêu cầu chính đáng của chúng tôi mà còn ngày càng mạnh tay đàn áp như bao phim ảnh đã cho thấy. Cũng may là còn có truyền thông quốc tế và có các trang mạng xã hội để thế giới thấy được sự thật.''

    ''Và không, chúng tôi sẽ không bỏ cuộc, vẫn cứ biểu tình, nhưng sẽ lỏng như nước (Be Water) còn hơn trước nữa.'' Alison Ng xác định.

    Tại 'Kwan Kung Temple - Hongkongers' Press Room' (Phòng tin Đền Quan Công của người Hong Kong), tài liệu Google Doc, nơi lưu giữ một thời khóa biểu của các sự kiện chống luật dẫn độ vẫn được cập nhật với các sinh hoạt từ giờ cho đến hết tháng Mười.

    Vạch đỏ chính trị

    Bất kể đe dọa của ông Tập Cận Bình có làm phong trào phản kháng chùn bước không, câu hỏi lớn hơn được đặt ra là tại sao Bắc Kinh cho đến giờ vẫn chưa nghiền nát người biểu tình?

    Giới quan sát đưa ra những lý giải khác nhau.

    Học giả Christine Loh, nhà hoạch định chính sách dưới thời Leung Chun-ying, người tiền nhiệm của Carrie Lam, cũng là tác giả của 'Underground Front,' cuốn sách chứa nhiều chi tiết về hoạt động của Đảng Cộng sản ở Hong Kong cho rằng quyết định đàn áp hay không của Bắc Kinh liên quan đến điều bà gọi là 'vạch đỏ chính trị'.

    Bà Loh giải thích:

    'Lằn vạch đỏ, vạch đỏ chính trị'' này là, đừng bao giờ kêu gọi độc lập. Đừng đòi bất cứ điều gì lai vãng đến sự kêu gọi độc lập.''

    ''Tránh xa cái vạch đỏ này, và người Hong Kong có thể có quyền tự chủ rất cao trong những sinh hoạt hàng ngày. Nhưng bây giờ, tình hình có vẻ đang xoay quanh vực thẳm nguy hiểm đó.''

    Về điểm này, dường như một số người ủng hộ phong trào đấu tranh của người Hong Kong hiểu rất rõ.

    Trong trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt hôm 15/10, luật sư Wilson Leung 梁允信, nhấn mạnh rằng yêu cầu của giới biểu tình là dân chủ và tự trị, chứ không phải độc lập. Ông nói:

    ''Việc ông Tập Cận Bình nói về các ''lực lượng bên ngoài'' và ''phân rẽ Trung Quốc'', gợi ‎ý sự thiếu hiểu biết đáng lo ngại của Bắc Kinh về các cuộc biểu tình ở Hong Kong, vốn phát xuất tự địa phương (chứ không phải do lực lượng nước ngoài) và về cơ bản kêu gọi sự dân chủ và tự trị (chứ không kêu gọi độc lập). Sự thiếu hiểu biết này có lẽ giải thích tại sao cho đến nay Bắc Kinh đã không thể giải quyết các cuộc biểu tình. Bằng cách chẩn đoán sai tình huống, Bắc Kinh không thể có một phương pháp thích ứng đúng đắn.''

    Lo ngại hay tự tin?

    Những nhà quan sát còn nhớ đến cuộc đàn áp người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn 30 năm trước lập luận rằng thảm kịch Thiên An Môn tập hai sẽ không xảy ra vì đây là một kịch bản sẽ đưa ra những hậu quả nghiêm trọng.

    Một số cho rằng sở dĩ Bắc Kinh đang cố kiềm chế là vì lo ngại bị phương Tây lên án nếu dùng vũ lực quá đáng. Người khác cho rằng Bắc Kinh lo ngại là cuộc đàn áp sẽ làm hỏng vai trò của Hong Kong với tư cách là một trung tâm tài chính cho Trung Quốc.

    Tác giả Andrew J. Nathan, trong bài phân tích cái nhìn của Trung Quốc về sự bất ổn của Hong Kong trên trang Foreign Affairs thì nói rằng sở dĩ Bắc Kinh không thẳng tay đàn áp người biểu tình là vì họ tự tin chứ không phải vì lo ngại.

    Trích lời hai học giả Trung Quốc (yêu cầu giấu tên) có mối liên hệ với những người trong chế độ, tác giả Andrew Nathan giải thích rằng chính phủ Hong Kong được điều hành bởi một nhánh hành pháp do giới tinh hoa ủng hộ Bắc Kinh chi phối.

    Tại sao Bắc Kinh chưa quyết liệt dẹp tan biểu tình?
    Bắc Kinh, theo hai học giả Trung Quốc này, tự tin là vì nhiều yếu tố.

    Thứ nhất, đảng Cộng sản Trung Quốc từ lâu đã vun xới giới tinh hoa kinh doanh tại Hong Kong bằng cách cho họ có những điều kiện kinh tế thuận lợi dựa vào đại lục. Đảng CSTQ còn duy trì một số cán bộ trung thành lâu đời hoạt động ngầm tại Hong Kong. Trung Quốc cũng đã củng cố mối quan hệ với phong trào lao động Hong Kong cũng như một số tội phạm ngầm.

    Thêm vào đó, Bắc Kinh tin rằng những gì thực sự gây ra sự bất mãn tại đây không phải vì lý do chính trị, mà là do vấn đề kinh tế, đặc biệt là sự kết hợp giữa mức thu nhập trì trệ và tiền thuê nhà tăng ở tốc độ chóng mặt.

    Cuối cùng lãnh đạo Trung Quốc cho rằng giới thượng lưu Hong Kong không ủng hộ người biểu tình, trong khi đó những thường dân Hong Kong sợ sự thay đổi sẽ mệt mỏi vì bất ổn kéo dài, vì thế các cuộc biểu tình sẽ dần mất đi sự ủng hộ của công chúng và cuối cùng sẽ chết.

    Sự tự tin này sẽ khiến Bắc Kinh yên tâm để cho phong trào đấu tranh chết dần, thay vì phải có những hành động khiến thế giới lên án, hai học giả Trung Quốc dấu tên này phân tích.

    Ông Tập suy tính gì?

    Lời đe dọa sẽ 'nghiền thành bột' những ai muốn chia rẽ Trung Quốc ông Tập Cận Bình đưa ra hôm 13/10 có thể đã làm cho một số người ngạc nhiên.

    Theo Foreign Affairs, trước đó khoảng một tháng, trong bài diễn văn đọc tại trường Central Party School ở Bắc Kinh, mà thính giả là một loạt các đảng viên trẻ ưu tú, ông Tập bác bỏ đề nghị của một số quan chức rằng Trung Quốc nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Hong Kong và gửi Quân đội Giải phóng Nhân dân vào để dẹp loạn.

    ''Điều đó sẽ đưa chúng ta vào một con đường chính trị không thể quay lại'' Foreign Affairs trích lời ông Tập Cận Bình nói.

    ''Chính quyền trung ương sẽ vô cùng kiên nhẫn, hết sức kiềm chế và để cho [chính quyền khu vực] và lực lượng cảnh sát địa phương giải quyết cuộc khủng hoảng.''

    Vẫn theo trang Foreign Affairs, trong một lần nói chuyện khác, ông Tập Cận Bình nói ''Phát triển kinh tế là chìa khóa vàng duy nhất để giải quyết tất cả các vấn đề chúng ta phải đối mặt với Hong Kong ngày nay.''

    Kinh tế rõ ràng là lãnh vực Trung Quốc đang tập trung nỗ lực vào với hy vọng giải quyết nan đề Hong Kong.

    Diễn văn thường niên của đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam, phổ biến qua video hôm 16/10 sau khi phiên họp tại Viện Lập pháp bị đình chỉ, tập trung vào bất bình đẳng xã hội và kinh tế sâu sắc tại đây, cam kết đưa ra các chính sách phúc lợi tốt hơn và tăng đáng kể số nhà cho thuê với giá rẻ.

    ''Mọi người dân Hong Kong và thân nhân sẽ không còn phải lo lắng, hay bận tâm về vấn đề nhà ở, và họ sẽ có thể có một căn hộ riêng ở Hong Kong, thành phố mà tất cả chúng ta đều có phần." Bà Lam khẳng định.

    Các đề xuất chính của Carrie Lam là tái phát triển khoảng 700 héc ta (gần 7 triệu mét vuông) đất tư nhân chưa sử dụng làm nhà ở công cộng ở khu vực phía Bắc của thành phố.

    Giá nhà tại Hong Kong tăng gấp ba lần trong thập kỷ qua; ngày nay, giá trung bình của một ngôi nhà cao hơn gấp 20 lần tổng thu nhập hàng năm của một hộ gia đình trung bình. Giá thuê trung bình đã tăng gần 25% trong sáu năm qua. Có tới 250.000 người đang chờ được có nhà ở công cộng. Đồng thời, tăng trưởng thu nhập của nhiều cư dân Hong Kong đã giảm xuống dưới mức tăng chung của chi phí sinh hoạt.

    Theo một báo cáo chung của Bank of America và Merrill Lynch, phần lớn các lĩnh vực công nghiệp và bất động sản của Hong Kong bị chi phối bởi một số tập đoàn kinh doanh của các gia đình đại gia. Những tập đoàn này đã tích lũy được khoảng 9 triệu mét vuông đất dự trữ, phần lớn còn lại là đất nông nghiệp.

    Trung tuần tháng 9, sau bài diễn văn của Tập Cận Bình ở Central Party School, People Daily, tờ báo chính của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đăng một bài bình luận dài tán thành đề xuất chiếm đất tư nhân ở Hong Kong cho mục đích xây nhà ở công cộng.

    Kết quả của bài bình luận là tập đoàn New World Development của Hong Kong tháng trước tuyên bố rằng họ sẽ tặng khoảng 279,000 mét vuông đất để dành cho nhà ở công cộng. Sun Hung Kai Properties, một tập đoàn khác của Hong Kong , cho biết họ sẽ hợp tác với các sáng kiến của chính phủ để xây dựng nhà ở giá rẻ, nhưng chỉ trên các mảnh đất nông thôn đã được khoanh vùng cho nhà ở được chính phủ trợ cấp.

    Mặc cho những lời đe dọa sắt đá, có phải hướng đi của Tập Cận Bình là giải quyết những vẫn đề kinh tế mà ông cho là đã khiến dân Hong Kong bất mãn, thay vì thẳng tay đàn áp họ?

    Người lạc quan có quyền hy vọng.

    Trong khi đó, các nhà lập pháp và nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng hôm 16/10 nói rằng bài diễn văn của Carrie Lam không giải quyết được các vấn đề cơ bản trong yêu cầu của họ, và sẽ tiếp tục biểu tình.

    (BBC)

    Không có nhận xét nào