Trên báo mạng Nhật Bản The Diplomat
ngày 09/10/2019, nhà báo Prashanth Parameswaran chú ý đến cuộc tham vấn
hồi đầu tháng 10/2019 tại Hải Phòng, giữa Hải Quân Việt Nam và Nhật Bản.
Đây chỉ là một trong số những hoạt động trong quan hệ song phương. Tuy
nhiên đôi bên đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực phòng thủ trên biển trong
đợt đối thoại lần này cũng như trong tương lai.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (P) họp báo với đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Tokyo. Ảnh ngày 09/10/2018. |
Tác
giả bài báo nhắc lại, "Nhật Bản và Việt Nam từ lâu đã duy trì hợp tác
quốc phòng trong khuôn khổ quan hệ song phương. Song những năm gần đây,
hai quốc gia này liên tục đẩy mạnh quan hệ về an ninh như một phần trong
mối đối tác chiến lược". Bởi vì "đôi bên cùng trông thấy những lợi ích
qua sự hợp tác đó". Nhìn từ phía Việt Nam, Hà Nội đang "tìm cách tăng
cường quan hệ với nhiều cường quốc, đẩy mạnh chính sách đối ngoại đa
phương". Trong khi đó, Tokyo theo đuổi mục đích mở rộng ảnh hưởng với
các quốc gia Đông Nam Á, "kể cả trong lĩnh vực quốc phòng".
Lợi ích chung : đối phó với tham vọng của Trung Quốc
Những
tiến bộ về hợp tác quốc phòng giữa Nhật Bản và Việt Nam bao gồm luôn cả
vế hàng hải bởi vì "đôi bên cùng chia sẻ một mối lo ngại chung xuất
phát từ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển
Đông". Những thành quả gần đây từ việc đẩy mạnh hợp tác Nhật-Việt đó
được thể hiện qua các kế hoạch từ "hỗ trợ an ninh hàng hải định kỳ, đến
các cuộc tập trận hải quân chung, hay qua thỏa thuận hợp tác bảo vệ bờ
biển, đàm phán tăng cường việc chuyển giao các thiết bị quốc phòng".
Prashanth
Parameswaran nhắc lại, trong cuộc họp tại Việt Nam, ngày 03/10/2019,
hai bên đã đề cập đến vế hải quân trong quan hệ quốc phòng song phương.
Tokyo và Hà Nội đồng ý "đẩy mạnh hợp tác trên biển". Căn cứ vào các văn
bản chính thức của bộ Quốc Phòng Việt Nam, trong cuộc họp lần này, phái
đoàn Nhật đã "cập nhật các thông tin cụ thể liên quan đến các chương
trình hợp tác trong giao đoạn 2019-2022". Trong số này có những "hoạt
động đôi bên đã thống nhất từ trước". Cụ thể là vào tháng 12/2019 Tokyo
sẽ gửi tàu rà phá bom mìn dưới nước (underwater minesweeper) đến Đà
Nẵng. Hải quân hai nước sẽ tổ chức một số các cuộc "hội thảo và các
chương trình đào tạo, hợp tác" trong lĩnh vực này.
Thêm
một chi tiết khác được tác giả bài báo trên The Diplomat tiết lộ : nhân
chuyến công tác tại Việt Nam vừa qua, phái đoàn Nhật dường như đã liên
lạc với một số các tổ chức và cơ quan khác của Việt Nam, đặc biệt là với
Viện Y Học Hải Quân để tính tới khả năng hợp tác trong lĩnh vực y học
trong lòng đại dương.
Prashanth
Parameswaran kết luận : đương nhiên phía Việt Nam và Nhật Bản không
tiết lộ nhiều chi tiết các chương trình hợp tác song phương nhưng trong
tương lai, trong lĩnh vực phòng thủ, cần theo dõi các hoạt động chung
trên biển ngày càng được mở rộng cả ở cấp quốc gia lẫn khu vực.
(RFI)
Không có nhận xét nào