Header Ads

  • Breaking News

    Giang Trạch Dân biến con trai thành “Trung Quốc đệ nhất tham” như thế nào?

    Vào những năm 1980, Giang Trạch Dân đã cho con trai cả đi Mỹ du học, sinh con và lấy thẻ xanh, theo dõi tình hình ở Trung Quốc. Sau khi Giang Trạch Dân trở thành lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào năm 1992, Giang Miên Hằng nhanh chóng trở về Trung Quốc và “âm thầm phát tài”. 

    Con trai cả của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, đã tận dụng thân phận “thái tử đảng của triều đại đỏ” để cướp bóc vơ vét từ các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. (Ảnh: Học viện Khoa học Trung Quốc)
    Cả gia đình Giang Miên Hằng trở về, trong đó có con trai đã mang quốc tịch Mỹ. Tháng 1/1993, ông ta chỉ là kỹ thuật viên bình thường tại Viện Luyện kim Thượng Hải thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, nhưng chỉ sau bốn năm đã nhậm chức Viện trưởng. Cùng với quyền uy ngày càng lớn của Giang Trạch Dân, Giang Miên Hằng vừa làm quan lại vừa tham gia trong giới doanh nhân Thượng Hải.

    Năm 1994, Giang Miên Hằng “vay” hàng triệu RMB (nhân dân tệ) để mua lại Tập đoàn Đầu tư Liên hợp Thượng Hải có giá trị thị trường hơn 100 triệu RMB, bắt đầu sự nghiệp “vương quốc viễn thông” của ông ta. Sáng lập Liên hợp Thượng Hải là một người họ Hoàng, giữ chức Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Thượng Hải, đã dành rất nhiều tâm huyết cho việc này. Tuy nhiên, sau ba tháng thành lập và hoạt động, bất ngờ ông Hoàng được chuyển trở lại Ủy ban Kinh tế, và sau đó nhân vật xa lạ Giang Miên Hằng “nhảy dù” vào làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, trở thành “vua viễn thông”. Sau đó ông Hoàng biến mất, không ai còn nhớ tên. “Liên hợp Thượng Hải” đã rơi vào tay Giang Miên Hằng như vậy.

    Nhìn bề ngoài thì có vẻ “Liên hợp Thượng Hải” là một doanh nghiệp nhà nước, nhưng thực tế không khác gì tài sản riêng của Giang Miên Hằng. Ông ta xem đây là bệ đỡ sự nghiệp cá nhân, đóng trụ sở tại Thượng Hải. Do là con trai của Giang Trạch Dân nên muốn gì được nấy, kinh doanh không bao giờ thua lỗ, nhiều doanh nhân người Hoa ở nước ngoài và phương Tây, trong đó có người đứng đầu của Yahoo là Jerry Yang, đã đến thăm hoặc nhờ vả. Chỉ trong thời gian vài năm Giang Miên Hằng đã thành lập được đế chế viễn thông khổng lồ. Năm 2001, Liên hợp Thượng Hải đã có hơn mười công ty, như Mạng thông tin Thượng Hải, Mạng cáp Thượng Hải và Netcom China. Lĩnh vực kinh doanh rất rộng, như cáp điện, xuất bản điện tử, sản xuất đĩa CD, thương mại điện tử…

    Có doanh nhân Thượng Hải chỉ ra, đa số chức vụ trong Hội đồng quản trị của Giang Miên Hằng không rõ ràng, những lĩnh vực kinh tế quan trọng ở Thượng Hải đều có phần của ông ta. Thậm chí hệ thống đường hầm qua sông Thượng Hải và tàu điện ngầm Thượng Hải cũng có tên ông ta trong ban quản trị. Một doanh nhân ngồi chuyến bay của Hàng không Thượng Hải vô tình xem Tạp chí Hàng không và thấy hình ảnh buổi họp Hội đồng quản trị Hàng không Thượng Hải cũng có mặt Giang Miên Hằng, trong khi Hàng không Thượng Hải chưa từng công khai trước công chúng danh sách cổ đông chính thức. Họ cho biết Giang Miên Hằng là trùm của China Telecom, cũng là “đại ca của đại ca” ở Bến Thượng Hải.

    Nhưng như vậy chưa thỏa mãn lòng tham hai cha con họ Giang, bởi vì trong lịch sử của ĐCSTQ, các doanh nhân giàu có đến mấy mà không có quyền lực chính trị bảo lãnh thì nguy hiểm tứ bề. Vậy là thời điểm ngày 2/12/1999 xảy ra chuyện bổ nhiệm chức vụ khiến mọi người “bổ ngửa”, vì tự nhiên danh sách bổ nhiệm quan chức của ĐCSTQ có tên Giang Miên Hằng với chức vụ Phó Viện trưởng Viện Khoa học Trung Quốc, khi đó dân gian ví là ngồi tên lửa chen vào hàng ngũ lãnh đạo quốc gia.

    Tháng 5/2001, tại Diễn đàn Fortune toàn cầu được tổ chức tại Hồng Kông, Giang Trạch Dân cùng “lãnh đạo quốc gia” Giang Miên Hằng đến tham dự, giới thiệu với giới doanh nhân giàu có quốc tế về thế lực của đế chế nhà họ Giang, quả nhiên ngay sau đó không lâu Giang Miên Hằng bắt đầu ký hàng loạt đơn đặt hàng lớn với những người giàu nước ngoài này. Khi đó, ông ta đã trở thành người đại diện cao nhất của thế lực “quan chức thương gia” ĐCSTQ.

    Trước khi chưa có China Netcom, Giang Miên Hằng là ông chủ của Netcom, ông ta đe dọa sẽ thôn tính Northern Telecom. Trên thực tế, khi đó ông ta đang gặp khốn đốn với Netcom, ông ta không có khả năng mua lại Northern Telecom. Để giải tỏa nguy cơ cho Giang Miên Hằng, Giang Trạch Dân đích thân ra lệnh tách China Telecom làm hai là Northern Telecom và South Telecom, chuyển giao tài sản cố định của Northern Telecom thuộc 10 tỉnh về cho Netcom.

    Tháng 9/2004, trong 4 nhà khai thác viễn thông hàng đầu Đại Lục, cuối cùng còn lại mình Netcom không được niêm yết thị trường, thời gian biểu niêm yết của Netcom được gia hạn với hạn chót là tháng 10. Giang Miên Hằng là con trai của Giang Trạch Dân, nhân vật đang nắm giữ quyền lực tối cao của ĐCSTQ, tại sao trong 4 nhà khai thác viễn thông lớn nhất Đại Lục có 3 đơn vị được niêm yết thị trường, còn Netcom của Giang Miên Hằng dù đã được bàn giao tài sản cố định của Northern Telecom thuộc 10 tỉnh mà vẫn thiếu vốn? Tiền đã đi đâu?

    Trong giai đoạn này, Giang Miên Hằng đã ba lần thực hiện kế hoạch chỉnh trang sáp nhập cho Netcom và lần nào cũng hủy bỏ, trong quá trình lộn xộn này, vô kể tài sản quốc gia đã chui vào túi riêng của nhà họ Giang. Ông ta đã nói thẳng với chủ tịch Trương Xuân Giang của China Netcom: Tất cả điều này “là để niêm yết cổ phiếu”. Nói một cách thẳng thắn là biến nguồn tài sản quốc gia thành của riêng, để những người mua cổ phiếu Netcom gánh chịu.

    Có một vụ bê bối nổi tiếng, vào tháng 9/2000, Giang Miên Hằng và con trai doanh nhân Đài Loan Vương Vĩnh Khánh tuyên bố hợp tác để mở công ty điện tử Microelectronics, tổng vốn đầu tư 6,4 tỷ USD (Đô la Mỹ), gọi là công ty liên doanh. Tuy nhiên, theo Vương Văn Dương, trên thực tế ông ta không bỏ một xu nào, tất cả tiền đều do Giang Miên Hằng lấy từ ngân hàng. Nhờ mối quan hệ quyền lực của cha, Giang Miên Hằng đã kiếm bộn tiền, đã thành danh “đệ nhất tham Trung Quốc”. Ngoài ra, Giang Trạch Dân còn bố trí cho con trai, một kẻ không chút công trạng học thuật, trở thành Phó viện trưởng Viện Khoa học Trung Quốc. Đây là nỗi sỉ nhục của giới khoa học Trung Quốc, là scandal lớn trong cộng đồng khoa học thế giới.

    Chu Chính Nghị, doanh nhân bất động sản hàng đầu Thượng Hải, bị bắt giữ tháng 5/2003, do trốn thuế, thao túng chứng khoán và khoản vay phi pháp, làm cho Chủ tịch chi nhánh Hồng Kông của Ngân hàng Trung Quốc là Lưu Kim Bảo bị mất chức. Vụ án bị xem là “gian lận tài chính lớn nhất kể từ khi ĐCSTQ thành lập”, kết quả điều tra nhắm thẳng vào Giang Miên Hằng, vì khoản vay hơn tỷ USD từ Ngân hàng Trung Quốc khi ông ta mở công ty Microelectronics là hành động bất hợp pháp.

    Tạp chí Khai Phóng (Hồng Kông) tiết lộ, quá trình điều tra Chu Chính Nghị cấu kết với quan trường đã chạm vào hai con trai của Giang Trạch Dân. Tin đồn kể rằng, khi đội điều tra đến khu Phổ Đà quận Tĩnh An – Thượng Hải thì phát hiện Giang Miên Hằng cùng Chu Chính Nghị và chính quyền Phổ Đà đã biến một mảnh đất rộng lớn trong quận thành sở hữu riêng. Hai anh em nhà họ Giang là Giang Miên Hằng và Giang Miên Khang đã chiếm dụng nhiều khu đất ở Thượng Hải như vậy, tất cả đều miễn phí, không bỏ một xu nào. Giang Miên Hằng còn ác hơn Chu Chính Nghị, vì Chu còn cống nạp cho bang Thượng Hải, còn đại công tử họ Giang không ai dám động đến đã ép các hộ gia đình phải chuyển ra vùng ngoại thành mà không có bất cứ bồi thường nào theo quy định.

    Trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ 16, Giang Miên Hằng đã đến Cục 502 Bộ Công nghiệp Thông tin để xem trình diễn Internet tốc độ cao thế hệ thứ hai, trong đó có nội dung kiểm tra tốc độ truy xuất dữ liệu. Nhân viên báo cáo tìm từ khóa “Giang Trạch Dân” trên Google cho Giang Miên Hằng xem, không ngờ trong 10 tin xuất hiện hàng đầu trên màn hình thì có 3 tin liệt kê tội ác của Giang Trạch Dân, trong đó tin đầu là “độ tàn ác của Giang Trạch Dân”, làm ông ta vừa sốc vừa tức giận.

    Sau khi trở về, Giang Miên Hằng không ngừng tăng cường đầu tư phong tỏa Internet. Khoản đầu tư giai đoạn đầu cho dự án Golden Shield mà Giang Miên Hằng chủ trì là 800 triệu USD, nhằm ngăn chặn cư dân mạng Đại Lục tiếp cận những thông tin ở nước ngoài liên quan đến dân chủ, nhân quyền, tự do, và đặc biệt là Pháp Luân Công. Vậy là Giang Miên Hằng đã trở thành tổng trưởng cảnh sát Internet của cỗ máy quyền lực Giang Trạch Dân.

    (Theo sách “Giang Trạch Dân kỳ nhân”)

    Tuyết Mai biên dịch

    (Trí thức VN) 

    Không có nhận xét nào