Header Ads

  • Breaking News

    Gia tăng hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và châu Âu nhắm vào Trung Quốc?

    Với tư cách là một khối, Liên Hiệp Châu Âu trở thành đối tác hợp tác quốc phòng an ninh đầu tiên của Việt Nam, thông qua việc hai bên sẽ ký kết thỏa thuận thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động giải quyết khủng hoảng của Liên Hiệp Châu Âu - FPA (*). Đây là cũng là nội dung chính chuyến công du Việt Nam của bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao của Liên Hiệp Châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh, tại Hà Nội, từ ngày 03 đến 05/08/2019.

    Lãnh đạo ngoại giao và an ninh của Liên Âu, bà Federica Mogherini, Hà Nội, ngày 5/8/2019
    Chính những yêu sách độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh đã buộc Việt Nam phải phòng vệ. Song song với việc mở rộng hợp tác quân sự với nhiều nước (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Úc...), chính phủ Việt Nam cũng tăng thêm ngân sách quốc phòng, từ 5,1 tỉ đô la cho năm 2019, lên thành 5,5 tỉ đô la cho năm 2020 và đạt đến mức 7,9 tỉ đô la vào năm 2024 (**).

    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng và An ninh 2019 (DSE 2019, ngày 02-04/10), lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam (Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội), thu hút khoảng 200 thương hiệu và 55 phái đoàn là một dấu hiệu cho thấy sự quan tâm của Việt Nam trong việc hiện đại hóa quân đội, cũng như « mở rộng quan hệ quốc tế, tăng cường hợp tác trong khu vực về các lĩnh vực quốc phòng và an ninh », theo phát biểu vào tháng 08/2019 của đại tá Phạm Toàn Thắng, phó cục trưởng Cục Kinh tế, bộ Quốc Phòng Việt Nam.

    Vậy hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu về quốc phòng và an ninh mang lại lợi ích gì cho cả hai bên ? Liên Hiệp Châu Âu có thể giúp gì cho quốc phòng Việt Nam ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).

    RFI : Trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 08/2019 của bà Federica Mogherini, Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu đã thảo luận về việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phòng vệ và an ninh. Quan hệ đối tác hợp tác này có ý nghĩa gì ?

    Benoît de Tréglodé : Trước tiên cần phải nhắc đến bối cảnh. Thỏa thuận quốc phòng này nằm trong loạt thỏa thuận giúp Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam xích lại gần nhau. Thỏa thuận quan trọng nhất dĩ nhiên là Hiệp định Tự do Thương mại (EVFTA), sau bốn năm dài đàm phán giữa Hà Nội và Bruxelles, đã được kí vào tháng 06/2019 và đang chờ được Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn.

    Điều này cho thấy Liên Hiệp Châu Âu mạnh mẽ tỏ rõ ý chí củng cố hoạt động trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương, và đặc biệt hơn là với một số nước đối tác trong vùng. Vì thế, đây là một thỏa thuận đối tác chiến lược.

    Vậy một đối tác chiến lược có nghĩa là gì ? Đó chính là kết quả cuối cùng của toàn bộ loạt thỏa thuận tiên quyết, từ thỏa thuận chính trị, kinh tế, văn hóa, đến những thỏa thuận chiến lược được đặt chung thành một khối và nhằm chứng tỏ sự hợp tác giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam đã đến thời điểm chín muồi, để đó tiến xa hơn sau đó. Vì thế, đây không hẳn là kết quả mà còn là một bước khởi đầu, hướng đến hợp tác trong mỗi lĩnh vực.

    RFI : Hà Nội và Bruxelles trông đợi gì qua thỏa thuận đối tác này ?

    Benoît de Tréglodé : Dĩ nhiên là mỗi bên đều có những trông chờ đặc biệt. Đối với Bruxelles, trước tiên là nhằm khẳng định hoặc tăng cường hiện diện ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Liên Hiệp Châu Âu đã kí thỏa thuận tương tự với ba nước, New Zealand, Úc và Hàn Quốc. Thỏa thuận với Việt Nam là thỏa thuận đầu tiên mà Bruxelles kí với một nước Đông Nam Á.

    Đúng là hai bên tỏ rõ thiện chí, đã có từ lâu. Chúng ta đừng quên rằng Liên Hiệp Châu Âu là thành viên của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ASEAN Regional Forum, ARF), được thành lập năm 1994 và được coi là cuộc họp đa phương đầu tiên tư vấn các vấn đề an ninh trong vùng. Liên Hiệp Châu Âu luôn muốn có trọng lượng và đóng vai trò trong những vấn đề này ở Châu Á-Thái Bình Dương. Hiện nay, tham vọng của Bruxelles được củng cố thông qua Diễn đàn Khu vực ASEAN, mà theo quan điểm của Bruxelles có rất nhiều mục tiêu lớn, rõ nét.

    Phía Việt Nam thì khác hơn một chút. Chúng ta vẫn nhớ bài diễn văn nổi tiếng của cựu ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Dy Niên, nếu tôi nhớ không nhầm là vào khoảng năm 1990-1991. Trong đó ông phát biểu rằng sau chiến tranh lạnh, từ giờ chỉ có một thế giới. Việt Nam nên kết bạn ở khắp nơi vì đó là giải pháp duy nhất để duy trì sự độc lập trong một thế giới không còn là thế giới hai cực nữa.

    Vì vậy, Hiệp định với Bruxelles còn là một thắng lợi cho ngành ngoại giao Việt Nam vì Hà Nội đã chờ đợi thời điểm này từ lâu và vì Liên Hiệp Châu Âu là một đối tác có chủ đích đóng vai trò quan trọng. Như vậy, Việt Nam có một lá phiếu ủng hộ chính trị của Liên Hiệp Châu Âu, có trọng lượng, trong bối cảnh quan hệ phức tạp, trong đó có quan hệ với Bắc Kinh và tại vùng Biển Đông.

    RFI : Trong khuôn khổ Hợp tác quốc phòng và an ninh với Bruxelles có một điểm là Việt Nam sẽ tham gia các chiến dịch quản lý khủng hoảng do Liên Hiệp Châu Âu đảm nhiệm trong khuôn khổ các chiến dịch của Liên Hiệp Quốc. Những chiến dịch này có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với Việt Nam ?

    Benoît de Tréglodé : Thời điểm rất có lợi cho việc Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam xích lại gần nhau về mặt chính trị. Việt Nam sắp giữ nhiều chức vụ quan trọng trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Năm 2020, Việt Nam sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN, cũng như chức thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Vì thế, Liên Hiệp Châu Âu, để gia tăng ảnh hưởng của khối trong vùng Đông Nam Á, cần đến sự ủng hộ của quốc gia có sức ảnh hưởng trong các hồ sơ. Đây là một điểm quan trọng !

    Việc Việt Nam tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc không có gì là mới. Điểm mới, được nêu trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác chiến lược về quốc phòng với Bruxelles, là Việt Nam cũng sẽ tham gia những nhiệm vụ ở cấp độ Liên Hiệp Châu Âu. Những cam kết này nhằm giúp Việt Nam hội nhập tốt hơn vào cộng đồng quốc tế và các cấp độ quốc tế. Và đây là điểm tốt cho cả hai bên !

    RFI : Thông qua hợp tác quốc phòng và an ninh, Liên Hiệp Châu Âu có thể giúp gì cho Việt Nam về mặt quốc phòng ?

    Benoît de Tréglodé : Chúng ta biết là chính sách phòng thủ của Liên Hiệp Châu Âu vẫn còn đang trong quá trình soạn thảo và xây dựng với những tham vọng lớn mà chúng ta có thể hoan nghênh.

    Nhưng điểm thú vị cần lưu ý là Việt Nam đang trong quá trình tìm kiếm ủng hộ quốc tế. Và những tuyên bố về mục tiêu được nêu trong văn kiện đối tác chiến lược này cũng theo hướng bao gồm tất cả các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, dù chúng ta biết rằng, trên thực tế, rất ít nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu thực sự tỏ ra tích cực trong vấn đề tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông hoặc đối với những quan hệ đối tác mang tính quân sự, quốc phòng. Đó là những vấn đề thường được xử lý dễ dàng hơn trên phương diện song phương.

    Vì vậy, chúng ta cần hoan nghênh khuôn khổ chung đang được triển khai và cho phép hợp pháp hóa « hàng loạt hợp tác trong tương lai ». Tôi muốn nhấn mạnh là « hợp tác tương lai » về mặt quân sự và an ninh. Và tôi cho rằng Việt Nam có thể hoan nghênh thỏa thuận này.

    Phải nhắc lại rằng thỏa thuận với Bruxelles không gây tác động đến những cuộc đàm phán đang được tiến hành giữa Việt Nam và một số nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Hà Nội đã kí và thúc đẩy một số thỏa thuận đối tác chiến lược với một số thành viên khác trong Liên Hiệp Châu Âu và những thỏa thuận này đã được thúc đẩy hơn một chút.

    RFI : Để tăng cường hiện diện tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, Pháp cần phải tham gia nhiều hơn vào cấu trúc quốc phòng, an ninh trong khu vực. Theo ông, Pháp có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của Việt Nam không ?

    Benoît de Tréglodé : Tôi nghĩ là dĩ nhiên Pháp có thể trông cậy vào Việt Nam nhưng tất cả mọi vấn đề không thể giải quyết được ở cấp một Nhà nước. Chúng ta đang ở trong một thực tế đa phương và thực tế, có thể nói là rất ASEAN, tức là hoạt động dựa trên đồng thuận. Một mình Việt Nam không thể quyết định được việc để Pháp tham gia nhiều hơn vào các tổ chức đa phương về an ninh.

    Trước tiên, những tổ chức nào hoạt động thực sự ? Chúng ta đã nhắc ở trên đến Diễn đàn an ninh Khu vực ASEAN (ARF), được tổ chức lần đầu vào năm 1994 theo sáng kiến của Singapore. Đó là một cơ chế đối thoại không chính thức quy tụ 27 nước, gồm các nước thành viên ASEAN, các nước láng giềng và các cường quốc thế giới. Pháp tham dự diễn đàn nhưng không phải với tư cách là một quốc gia, mà thông qua ghế của Liên Hiệp Châu Âu.

    Ngoài ra còn có nhiều cơ chế khác. Cơ chế có thể nói là hiệu quả nhất, đó là ADMM+ (ASEAN Defense Ministers Meeting+), gồm bộ trưởng Quốc Phòng các nước trong vùng. Pháp đã chính thức gõ cửa xin tham gia cách đây vài năm, nhất là sau một bài diễn văn của bộ trưởng Quốc Phòng Pháp tại Đối thoại Shangri-la, diễn ra hàng năm vào tuần đầu tiên của tháng Sáu, ở Singapore.

    Cần phải nhắc lại một lần nữa là gia nhập một tổ chức đa phương như vậy cần đến một thỏa thuận, trong đó Việt Nam là một đối tác. Tôi cho rằng, nếu nhìn về mặt ngoại giao, Việt Nam cần phải làm thế nào để các nước ngoài, như các nước châu Âu, hoặc phương Tây, kể cả nước Pháp, một ngày nào đó có thể tham gia vào các cơ chế đa phương kiểu này. Nhưng Việt Nam sẽ không thể đơn phương làm được một mình mọi thứ.

    RFI : Để đối phó với mối đe dọa Trung Quốc, Việt Nam gia tăng ngân sách quốc phòng, mở rộng quan hệ quân sự với nhiều nước lớn trong thời gian gần đây. Ông đánh giá như nào về sự kiện này ?

    Benoît de Tréglodé : Từ 20 năm nay và từ khi đa số các nước thành viên trong vùng phê chuẩn Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS, kí tại Montego Bay, được phần lớn các nước phê chuẩn trong thập niên 1990), có thể nói chúng ta chứng kiến xu hướng gia tăng ảnh hưởng trên biển.

    Những nước không hẳn có truyền thống lâu đời về hàng hải, không hẳn có lực lượng hải quân lớn, nhận ra rằng từ giờ trở đi thách thức không chỉ nằm trên đất liền mà đến từ biển. Và điều này dẫn đến sự chồng chéo về lập luận lợi ích chiến lược, cùng với việc kí kết Công ước Quốc tế về Luật Biển.

    Công ước này đã buộc các nước Đông Nam Á từ giờ phải coi thách thức hàng hải là những vấn đề ưu tiên quốc gia. Trường hợp này trước đây không có. Đây thực sự là điều hoàn toàn mới, đến với các nước Đông Nam Á vào cuối những năm 1990. Từ giờ các nước ASEAN phải trực tiếp xử lý các vấn đề chủ quyền. Sau những biến động trên, đa số các nước trong vùng, kể cả Trung Quốc, đã quyết định hiện đại hóa lực lượng hàng hải phù hợp theo bối cảnh hiện nay.

    RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).

    Thu Hằng

    (*): Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu đã kết thúc các cuộc đàm phán về Hiệp định thiết lập khuôn khổ tham của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của Liên Hiệp Châu Âu (FPA). Văn bản này đã được các đại sứ của Ủy ban Đại diện thường trực của Liên minh châu Âu (COREPER) phê chuẩn. Hai bên đang hoàn thiện các thủ tục nội bộ cho phép ký kết, phê chuẩn và thực hiện Hiệp định này.

    (RFI) 

    Không có nhận xét nào