Tổng thống Mỹ Donald Trump đang áp
dụng chiến lược phong tỏa (stonewall) tức không hợp tác với cuộc điều
tra luận tội do phe Dân chủ ở Hạ viện khởi xướng. Tuy nhiên, một số nhà
phân tích cho rằng điều này sẽ rủi ro hơn là có lợi cho ông Trump vì nó
chỉ càng khiến cho ông Trump đối mặt thêm tội danh mới và quá trình luận
tội được đẩy nhanh.
Tổng thống Trump đang đối mặt cuộc điều tra luận tội từ Hạ viện |
Trong
lá thư dài 8 trang gửi cho Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hôm 8/10 để
thông báo về việc không hợp tác điều tra, luật sư Nhà Trắng Pat
Cipollone viết: “Tổng thống Trump và chính quyền của ông bác bỏ những nỗ
lực không có cơ sở, vi hiến của quý vị nhằm đảo lộn tiến trình dân chủ…
Hành động không có tiền lệ của quý vị đã khiến Tổng thống không còn lựa
chọn. Để hoàn thành nghĩa vụ của ông đối với người dân Mỹ, Hiến pháp
cũng như nhánh Hành pháp, Tổng thống Trump và chính quyền của ông không
thể tham gia vào cuộc điều tra mang tính đảng phái và vi hiến của quý vị
trong những hoàn cảnh này.”
Không khai, không nộp
Theo
nhận định của nhật báo Guardian thì thái độ bất hợp tác của ông Trump
chỉ càng làm trầm trọng thêm các cáo buộc luận tội ông và càng đẩy nhanh
quá trình luận tội.
Trái
ngược với cách tiếp cận làm lệch hướng và giảm thiểu tối đa thiệt hại
của Bill Clinton, ông Trump đã thực hiện phương cách giống lộ trình của
Richard Nixon hơn – hai vị cựu Tổng thống đều đã đối mặt với luận tội.
“Ông Trump xem đó là cuộc tấn công mang tính sống còn và giữ chặt trận
địa như một tay súng trong trận đấu cuối cùng,” bài báo trên tờ Guardian
viết.
Đó
là một chiến lược không có chỗ cho sai sót, các nhà phân tích nói. Ông
Trump cùng một lúc phải dựa vào việc giữ cho công chúng ủng hộ ông và
chặn đứng vô số phương cách mà Quốc hội có thể thu thập bằng chứng và
quan trọng là duy trì lòng trung thành của cấp dưới – những người sẽ
chịu áp lực ngày càng tăng buộc phải ra làm chứng.
Một
cuộc thăm dò được công bố hôm 8/10 cho thấy Trump có thể đang tính toán
sai về dư luận. Đa số những người được thăm dò hiện ủng hộ cuộc điều
tra luận tội với 58% so với tỷ lệ 38% phản đối, theo cuộc thăm dò chung
của Washington Post và Schar School. Sự ủng hộ cho cuộc điều tra luận
tội đã tăng 20 điểm trong ba tháng, cũng theo cuộc thăm dò.
Bất
chấp tất cả, ông Trump tiếp tục tiến tới với chiến lược bất hợp tác với
việc chặn vào phút cuối phiên điều trần của Gordon Sondland, đại sứ Mỹ ở
Liên minh châu Âu, người đã bay về Washington để nói với Quốc hội những
gì ông biết về những nỗ lực của Tổng thống hầu áp lực Ukraine điều tra
cựu phó Tổng thống Joe Biden. Đây là điều cốt lõi của cuộc điều tra luận
tội.
Việc
chặn Sondland ra làm chứng là một phần trong chiến dịch phòng vệ của
nhánh hành pháp. Trước đó Ngoại trưởng Mike Pompeo, đã trễ hạn nộp tài
liệu theo yêu cầu của Hạ viện. Hạ viện cũng ra trát cho Nhà Trắng, Bộ
quốc phòng, Văn phòng Quản lý và Ngân sách. Phó Tổng thống Mike Pence
cũng đối mặt với yêu cầu cung cấp tài liệu.
Ông
Rudy Giuliani, luật sư riêng của Trump, đã tuyên bố hôm 8/10 rằng ông
sẽ bất chấp trát đòi của Quốc hội và nói: “Lập trường mà tôi phát biểu
lúc này cũng là lập trường của chính quyền.”
“Hãy
để họ quy cho tôi tội khinh mạn,” ông Giuliani nói với tờ Washington
Post. “Chúng tôi sẽ ra tòa. Chúng tôi sẽ thách thức tội khinh mạn.”
Lợi-hại?
Tuy
nhiên, sự vắng mặt của ông Sondland cũng sẽ chỉ đẩy nhanh quá trình
luận tội, ông Adam Schiff, chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện vốn dẫn đầu
cuộc điều tra luận tội, được Guardian dẫn lời nói.
“Không
cung cấp nhân chứng, không cung cấp tài liệu – chúng tôi xem đây là
thêm một bằng chứng mạnh mẽ nữa cho thấy sự cản trở chức năng của Quốc
hội theo quy định của Hiến pháp,” ông Schiff nói.
Ngay
cả khi những nỗ lực bất hợp tác của ông Trump hủy hoại khả năng thu
thập bằng chứng của Đảng Dân chủ trong ngắn hạn nó vẫn có thể làm tăng
mức độ nghiêm trọng của cáo buộc luận tội nhằm vào ông Trump, ông
Bradley P Moss, một luật sư an ninh quốc gia nhận định với tờ Guardian.
“Mặc
dù xét trên quan điểm sự việc thực tế sẽ tốt hơn nếu tất cả các nhân
chứng có liên quan ra làm chứng và đưa ra các tài liệu liên quan,” ông
Moss được dẫn lời nói, “Nhưng nếu Đảng Dân chủ ở Hạ viện tin rằng họ đã
có đủ bằng chứng để tiến hành luận tội, họ có thể đơn giản nhét sự từ
chối hợp tác đó vào điều khoản ‘cản trở công lý’ bao trùm hết trong quá
trình luận tội và đặt nó lên trên tất cả mọi thứ.”
Sự
lệ thuộc của ông Trump vào lòng trung thành của cấp dưới cũng có thể là
một bước đi sai lầm chiến lược - bởi vì các cựu quan chức đã lên tiếng.
Sau
khi từ chức, ông Kurt Volker, cựu đặc phái viên tại Ukraine, tuần trước
đã gửi tới Quốc hội các trang tin nhắn trên WhatsApp giữa ông và các
nhà ngoại giao khác vốn đã làm hỏng nỗ lực của ông Trump để định hình
cuộc đàm phán của ông với Ukraine.
Trong
một bài viết trên trang Just Security nhằm so sánh các quá trình luận
tội đối với Nixon, Clinton và Trump, bà Sidney Blumenthal, cựu trợ lý
của ông Clinton và là nhân chứng phiên tòa luận tội Clinton, lưu ý rằng
sự chống đối của Nixon trước Quốc hội đã đẩy nhanh sự sụp đổ của ông.
“Khi
phiên xử vụ Watergate ở Thượng viện bắt đầu, vị thế của Nixon trong dư
luận bắt đầu bị xói mòn, sự suy sụp này càng được đẩy nhanh theo từng
giai đoạn do sự bất hợp tác của Nixon với Quốc hội và tòa án,” ông
Blumenthal viết.
Bằng cách phớt lờ trát đòi và chặn điều trần, Nhà Trắng dường như hy vọng sẽ làm chậm lại quá trình luận tội này.
“Phải
mất năm tháng điều trần trong nỗ lực luận tội Nixon trước khi sự mức độ
ủng hộ của công chúng đối với luận tội đạt 58%, ông Greg Dworkin, biên
tập viên của tờ Daily Kos lưu ý. Trong khi đó, quá trình luận tội Trump
chỉ mới diễn ra được hai tuần,” tờ Guardian lưu ý.
Bước kế tiếp của Hạ viện?
“Trông
như thể cuộc điều tra luận tội của Đảng Dân chủ ở Hạ viện sẽ tập trung
ít hơn vào các cáo buộc trong vụ Ukraine mà sẽ đi sâu nhiều hơn vào việc
chính quyền của Tổng thống Trump không để Hạ viện điều tra những gì đã
xảy ra,” tờ Washington Post nhận định.
Đảng
Dân chủ nói rằng tất cả những việc này đã cấu thành tội cản trở công lý
và đang ám chỉ rõ ràng điều mà Hạ viện có thể làm để giải quyết vấn đề:
luận tội Trump vì đã chặn cuộc điều tra. Họ đã đưa ra cảnh báo rằng họ
coi cản trở công lý là lý do luận tội Trump vào tuần trước, sau khi
Ngoại trưởng Mike Pompeo ngăn các quan chức Bộ Ngoại giao ra làm chứng.
Theo
Hiến pháp Mỹ, luận tội một Tổng thống vì không tham gia vào cuộc điều
tra luận tội là điều ‘đáng phải làm’. “Quốc hội sẽ quyết định đâu là
‘tội nặng và hành vi sai trái’ để luận tội. Nếu họ cho rằng việc ngăn
Quốc hội thực hiện chức năng giám sát rơi vào phạm vi này, thì họ sẽ
luận tội,” Washington Post phân tích và dẫn ra một điều khoản luận tội
tương tự nhằm vào Tổng thống Richard M. Nixon mà trong đó nêu lên bốn
lần chính quyền Nixon cố tình không tuân thủ trát đòi.
Vì
vậy, quá trình luận tội của Trump vẫn có thể tiếp tục ngay cả khi chính
quyền của ông không cung cấp tài liệu hay nhân chứng cho cuộc điều tra,
cũng theo tờ báo này.
Tuy
nhiên chiến lược này có thể có tác động chính trị tiêu cực đối với Đảng
Dân chủ, Washington Post cho biết. Đảng này có nguy cơ theo đuổi luận
tội mà không có cuộc điều tra toàn diện về những gì ông Trump đã làm. Họ
sẽ không có được lợi ích qua các phiên điều trần công khai hoặc thông
qua việc có được hoặc công bố các văn bản ngoại giao bí mật để chứng
minh tính chính đáng của nỗ lực luận tội.
Theo
Washington Post thì tại Điện Capitol, có những dấu hiệu ban đầu cho
thấy việc theo đuổi tội danh cản trở công lý với ông Trump sẽ được tiếp
nhận giống như luận tội những tội danh khác như lạm quyền.
‘Khủng hoảng Hiến pháp’
Trao
đổi với VOA dưới góc độ Hiến pháp, ông Phan Quang Tuệ, nguyên Thẩm phán
Luật Hành chính tại Sacramento, California, và từng là Thẩm phán Tòa Di
trú Liên bang Hoa Kỳ, nói ông nhìn những gì đang xảy ra trong cuộc điều
tra luận tội là ‘khủng hoảng Hiến pháp’ và kêu gọi ‘bảo vệ Hiến pháp’.
Ông
nói rằng theo Hiến pháp Mỹ thì Hạ viện ‘có toàn quyền quyết định quy
trình và thủ tục luận tội’ chứ nhánh hành pháp, cụ thể là Nhà Trắng,
không thể bắt quá trình luận tội đi theo ý của họ.
Vẫn
theo lời ông, trước chiến lược ‘không khai, không nộp’ của chính quyền
Trump, Hạ viện có thể ‘tiếp tục ra trát đòi nhân chứng và tài liệu’,
‘tiếp tục điều tra từ những bằng chứng từ các nguồn khác’ vì ngoài những
bằng chứng lấy từ cơ quan hành pháp (mà chính quyền Trump không chịu
giao nộp) còn có lời khai của người tố cáo và của những công dân có thể
bị điều tra.”
“Việc
‘stonewall’ (phong tỏa) điều tra của ông Trump có làm chậm lại nhưng
không ngăn được cuộc điều tra luận tội vì Hạ viện có toàn quyền,” ông
nói và cho biết Hạ viện có thể yêu cầu thẩm phán liên bang đòi hành pháp
phải tuân thủ yêu cầu của lập pháp và điều này đã từng xảy ra trong
trường hợp luận tội Tổng thống Richard Nixon.
“Tôi
nhìn vấn đề dưới khía cạnh của những định chế dân chủ trong Hiến pháp
Mỹ có đời sống hơn 230 năm đang bị thử thách. Liệu trình độ dân chủ của
người dân Mỹ, cách điều hành và tuân thủ định chế có vượt qua được và
bảo vệ định chế dân chủ của Mỹ hay không,” ông nói và cho biết nước Mỹ
đang trải qua ‘khủng hoảng Hiến pháp’.
(VOA)
Không có nhận xét nào